Friday, January 6, 2012

Trà Vinh quê hương tôi

0 nhận xét

Tôi vốn sanh trưởng tại làng Mỹ Hòa quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Trà Vinh là tên gọi của một địa danh đã có từ lâu. Thuở nhỏ, tôi hay thích nghe các bậc bô lão trong làng kể chuyện đời xưa, nhứt là những chuyện ma quỷ. Những chuyện nầy, ai nghe cũng thích, nhưng sau khi nghe rồi, có người mắc tiểu ban đêm không dám đi. Mỗi lần đi phải đánh thức người nhà cùng đi. Thậm chí, có người không dám ngủ trong nhà một mình, phải khuyến dụ bạn bè hàng xóm đến ngủ.



 Ma cỏ thì không thấy, nhưng nghe ai nói tới ma thì sợ. Còn tôi nghe qua, cũng không dám đi chơi ban đêm. Nhớ có lần, Mẹ tôi sai tôi đi qua nhà người anh lấy món đồ, lúc đó trời đã chạng dạng tối, Mẹ sai thì không dám cãi, nhưng đi thì rất sợ ma. Tôi cấm đầu cấm cổ chạy một mạch, nhưng vừa chạy vừa la lớn: “ sụ sụ chó roi dâu”. Tôi nghe các cụ nói, ma nó sợ chó và roi dâu. Bây giờ nghĩ lại thật tức cười thầm. Thường vào những lúc có tiệc tùng, đám sám, các cụ già thường hay được mời đến tụ họp để chung vui. Trước khi nhập tiệc, hoặc sau những lúc trà dư tửu hậu, các cụ thường hay kể chuyện đời xưa cho con cháu nghe.



Có lần, tôi nghe một bác cao niên trong làng kể về lai lịch của hai chữ Trà Vinh. Vì thuở ấy, tôi còn quá nhỏ, đâu có đủ trình độ để nghe các vị đó kể chuyện, nhứt là những câu chuyện có liên quan đến địa danh lịch sử của quê hương. Bây giờ tôi còn nhớ man mán, cụ đó nói: Trà Vinh là tiếng của người Khmer. Tỉnh Trà Vinh có nhiều địa danh mà đứng đầu đều có chữ Trà. Như Trà Cú, Trà Cuôn, Trà Kha, Trà Nóc v.v…



Tôi chỉ nghe loáng thoáng cụ đó nói như thế. Nhưng thú thật, khi lớn lên và có chút cơ duyên học hỏi nghiên cứu tìm hiểu chút ít về lịch sử của nước nhà, tôi cố tra cứu tìm nguồn gốc của hai chữ nầy, mà tuyệt nhiên không thấy sách sử nào đề cập đến. Có lẽ, sự tra cứu tìm hiểu của tôi còn hạn hẹp, nên chưa tìm ra đó thôi. Mãi cho đến bây giờ, tôi cũng vẫn chưa rõ.



Hồi tưởng lại, không biết cụ đó nói như thế mà có đúng như vậy không? Song có điều, theo thiển nghĩ của tôi, có thể là như thế. Bởi vì, theo sử ghi lại, đất Trà Vinh xưa kia là gốc của người Chân Lạp. Cho nên, hiện nay dân tộc Khmer còn sinh sống rãi rác khắp các nơi quận thành, cho đến tận hang cùng ngỏ hẻm. Nhứt là ở các vùng như Trà Kha, Trà Cú v.v… nơi nào cũng có mặt họ. Họ sống quần tụ với nhau, người mình gọi xóm họ ở là sóc. phải nói dân số của họ cũng khá đông. Vì nơi đây là gốc gác xứ sở của họ trước kia, nên việc họ đặt tên cho một địa danh như thế, đó cũng  là chuyện thường tình mà thôi. Thôi thì chuyện đó, xin được gác lại để nhường cho các nhà chuyên nghiên cứu về sử học giúp thế cho chúng ta.



Hôm nay, tôi muốn đề cập đến một vài đặc điểm mang tính chất văn hóa lịch sử đã có lâu đời nơi vùng đất trù phú mà tôi sanh ra và lớn lên. Tên Trà Vinh, đã có một thời dường như bị lãng quên, người ta ít khi gọi đến. Ðó là vào thời kỳ 9 năm chấp chánh cai trị của chánh phủ Ngô Ðình Diệm. Dạo đó, đổi tên Trà Vinh lại là Vĩnh Bình. Bấy giờ tên Trà Vinh như đã bị khai tử, ít nghe người ta nhắc đến. Sau năm 1975, tôi không còn nhớ rõ năm nào, chánh quyền cộng sản lại sát nhập hai tỉnh Vĩnh Bình và Vĩnh Long lại, gọi chung là tỉnh Cửu Long, tức lấy hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang nhập lại gọi tắt là Cửu Long. Sau nầy họ lại tách ra làm 2 tỉnh trở lại, nên cái tên Trà Vinh được đội mồ sống dậy mãi cho đến hôm nay.



 Trà Vinh gồm có các huyện: Cầu Ngang, Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú, Duyên Hải. Về vị trí, Trà Vinh nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, được bao bọc bởi hai con sông: sông Tiền và sông Hậu. Trà Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, do đó nên khí hậu nóng ẩm quanh năm và chỉ có hai mùa mưa nắng.



Vì là vùng đất phù sa trù phú, nên Trà Vinh có nhiều vườn tược cây cối xanh tươi mát mẻ và nhiều kênh rạch dọc ngang, và  cũng có nhiều vườn cây ăn trái trông rất đẹp mắt.



Trà Vinh có nhiều lễ hội. Lễ hội được người ta chú ý nhiều nhứt đó là lễ hội cúng biển ở xã Mỹ Long, mà người địa phương hay gọi là Bến Ðáy. Vì nơi đây, dân làng chuyên sống về nghề đóng đáy giăng lưới bắt cá. Lễ hội nầy, được người dân bản xứ tổ chức rất trang trọng linh đình. Lễ cúng biển còn gọi là lễ hội nghinh Ông. Vì dân chúng hành nghề đóng đáy, nên họ rất tin tưởng cá Ông. Lễ hội nầy được tổ chức trọng thể hằng năm thời gian là 3 ngày. Bắt đầu từ ngày 10 cho đến ngày 12 tháng 5 âm lịch, địa điểm hành lễ là tại miếu Bà Chúa Xứ.



Trong ba ngày nầy có nhiều nghi lễ diễn ra rất trang trọng, đẹp mắt. Như lễ nghinh ông Nam Hải ( trên thuyền là các vị thần hóa trang Quan Công, Châu Xương, Quan Bình ). Lễ rước Bà Chúa Xứ, rước Cậu, lễ Nghinh Ông ( rước cá ông để tỏ lòng biết ơn cá ông khi đi biển gặp nạn ) lễ tế thần Nông, chánh tế là lễ nghinh ngũ phương đi bộ vòng quanh thị trấn.



Dân chúng ở nhiều nơi kể cả ở thành phố Sài Gòn, người ta cũng tấp nập đổ xô về xem lễ. Ðây là một lễ hội có truyền thống lâu đời. Có nhiều trò chơi dân gian cũng được đem ra thi thố để cho dân chúng xem. Như trò chơi nhảy bao, kéo co, đua mông bắt cá kèo, cá bống v.v…Thật là một lễ hội vui chơi tưng bừng náo nhiệt. Lễ hội kết thúc với việc đưa tàu ra biển.



Thuở nhỏ, tôi rất thích đi xem lễ hội nầy. Suốt thời gian 3 ngày tôi luôn có mặt ở Bến Ðáy. Tôi có hai người dì, tức em ruột của Mẹ tôi sinh sống lập nghiệp ở đó. Ngày đêm, tôi thường hay rũ mấy đứa bạn cùng trang tuổi đi rong chơi, xem hết trò nầy đến trò khác. Có khi đến khuya tôi mới về nhà. Dì tôi thường hay la rầy, nhưng dượng tôi thì không. Ông ta rất thông cảm tuổi trẻ ham vui chơi như tôi. Ngày nay, vì sống xa xứ sở quê hương, nên tôi chưa có dịp lần nào về  đúng vào thời điểm cúng biển để xem lại lễ hội vui nhộn kỳ thú nầy.



Ðó là lễ hội của người Việt ( kinh ). Ngoài ra, cũng còn có các lễ hội của người Khmer ( Miên )  Như các lễ hội: Lễ Tết năm mới của họ được tổ chức vào tháng 4 dương lịch. Lễ cúng ông bà, người Khmer gọi là lễ Dôlta đây cũng là lễ lớn của họ. Lễ cúng trăng, lễ nầy họ tổ chức vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Lễ Dâng Bông, đây là lễ họ giúp đỡ cho nhau như xây chùa, hay xây cất trường học v.v… Tập tục nầy, họ biểu lộ tinh thần tương trợ cho nhau rất hay.



Trong các lễ hội nầy, tôi thích nhứt là lễ hội Dâng Bông. Trên mỗi cây bông họ làm bằng giấy rất đẹp, cứ mỗi đóa hoa giấy là họ cột bao tiền trên đó. Sau khi làm lễ cúng xong thì họ mới mở ra. Tất cả số tiền nầy họ đều cúng vào chùa để chùa trọn quyền sử dụng vào công việc xây cất. Ngoài ra, họ còn rải bạc cắc cho các trẻ em trong làng xúm nhau tha hồ mà giành giựt lượm lấy. Tôi là một trong các đứa trẻ lượm được nhiều nhứt. Bởi tôi nhờ lanh tay lẹ mắt lại có thân hình hơi to con hơn tụi nó một chút, nên tôi lấn mấy đứa khác té nhào hết. Có lúc nhìn lại thấy chân trầy da chảy máu. Ðó là một kỹ niệm thời thơ ấu của tôi thật khó quên.



Ngoài những lễ hội ra, Trà Vinh còn có rất nhiều danh lam thắng tích. Những danh lam ( chùa) nổi tiếng, như các ngôi chùa Khmer gồm có: Chùa Hang, đây là một ngôi chùa có nhiều cây cổ thụ là nơi hội tụ của các loài chim cò… về trú ẩn. Chùa Angkorette ( chùa Âng ), đây là ngôi chùa xưa nhất của người Khmer. Chùa Nodol, còn gọi là chùa Cò, chùa nầy tọa lạc thuộc quận Trà Cú, rất nổi tiếng.



Ðại khái, chúng tôi chỉ nêu ra tiêu biểu những ngôi đại Già Lam của người Khmer, và còn rất nhiều những ngôi chùa khác mà lối kiến trúc của họ rất cổ kính lâu đời tuyệt mỹ. Thường những ngôi chùa nầy có diện tích rất rộng và không một chùa nào mà không có những cây cổ thụ to lớn. Nhìn thấy, chùa nào cũng như là một đại tòng lâm. Và mỗi  ngôi chùa đều có những vị Tăng sĩ  trú ngụ tu học rất đông.



Về  những ngôi chùa của người Việt, cũng có nhiều ngôi chùa rất nổi tiếng và có lịch sử lâu đời. Tiêu biểu như chùa Lưỡng Xuyên, đây là ngôi Tổ Ðình. Xưa kia, trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo, nơi đây là cái nôi sản xuất các bậc tăng già Thiền Ðức tài ba lỗi lạc. Như các bậc tôn túc: Cố Hòa Thượng Thiện Hoa, Hòa Thượng Thiện Hòa v.v… Ðây là những bậc Tôn Ðức đã hơn một thời lãnh đạo Giáo hội Phật Giáo ở miền Nam. Tiếng tăm của các Ngài vẫn còn vang dội mãi cho đến hôm nay và mai sau.



Ngôi Tổ Ðình nầy đã được Tăng Ni và Phật tử khắp nơi cùng nhau phát tâm đóng góp công sức và tiền bạc để trùng tu. Theo chỗ chúng tôi được biết, người khởi xướng và đứng ra chủ trì cho việc trùng tu nầy là Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Hiện tại, nơi đây là trường Phật Học Sơ Cấp,  cũng là cơ sở nối dài cho việc đào tạo Tăng tài.



Ngoài ra, còn có các ngôi đại già lam khác, phần lớn đã được trùng tu rất khang trang đẹp mắt. Như ngôi cổ tự Phước Thanh ở xã Mỹ Cẩm thuộc huyện Cầu Ngang. Ngôi chùa nầy cũng đã lâu đời, trải qua trùng tu đôi lần. Hiện nay, ngôi chùa rất khang trang rộng lớn. Chùa gồm có 2 ngôi đại Hùng Bảo Ðiện và ngôi Hậu Tổ, cả ba ngôi đều rộng lớn và nối liền nhau. Chung quanh chùa cây cảnh rất nên thơ ngoạn mục. Chùa quanh năm mát mẻ vì có nhiều cây cối che mát.  Có những cây như 2 cây me to lớn song song nhau, bên cạnh hông chùa rất lâu đời có trên trăm năm. Trước sân chùa có tôn tượng Phật Thích Ca với vị thế ngồi rất cao lớn nghiêm trang. Bước vào cổng chùa phía bên tay trái là thờ tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Tôn tượng nầy với tư thế đứng tay mặt bắt ấn cam lồ và tay trái cầm tịnh bình, trông thấy thật là tướng hảo quang minh. Trước sân chùa là một vườn cây kiểng trông rất tao nhã thanh lịch xinh đẹp. Bước vào đây, du khách ngắm nhìn những cây kiểng không bao giờ biết chán, vì là những cây kiểng rất có giá trị. Chùa nầy hiện nay có rất nhiều du khách thập phương ở các nơi xa xôi thường đến chiêm bái tham quan ngắm cảnh.



Ngoài những ngôi chùa có tầm vóc to lớn lịch sử ra, Trà Vinh còn có những thắng tích phong cảnh rất nên thơ hữu tình khác. Ðến Trà Vinh, người ta không thể nào quên được di tích lịch sử Ao Bà Om, người địa phương hay gọi là ao vuông. Ðây là một thắng cảnh nổi tiếng của Trà Vinh. Ao có kích thước chiều dài khoảng 500m, rộng 300m, nằm dọc theo quốc lộ 53, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 7km về hướng tây nam. Mặt nước ao trong và phẳng lặng, xung quanh ao vuông là gò cát cao có nhiều cổ thụ tàn lá che mát, không khí thật trong lành mát mẻ.



 Ao nầy có chuyện tích kỳ bí. Theo người làng kể lại, thì ở vùng nầy có hai cái ao. Gần đó có một cái ao Ông. Thú thật, tôi chưa đến và chưa biết rõ ao Ông nầy. Tôi chỉ nghe kể lại mà thôi. Sở dĩ có cái tên ao Ông, ao Bà, vì lẽ, theo truyền thuyết, thì xưa kia, người ta chia ra làm hai nhóm: một nhóm toàn là phụ nữ và nhóm kia là nam giới. Họ tranh nhau đào vét đất làm thành ao. Nếu như bên nào hoàn tất trước, thì sẽ được hương chức trong làng ban thưởng. Bên mấy ông, vì ỷ lại sức mạnh, nên chỉ uống rượu ngâm thơ tán dóc, không ai đào vét chi cả. Ngược lại, bên quý bà, thì ai nấy đều cấm đầu cặm cụi lo đào vét. Khi đào vét xong, trời gần sáng, quý bà thả lồng đèn lên, tất cả đều reo hò mừng la vang dội! Trong khi đó, cái ao của mấy ông thì còn dang dở không đâu vào đâu, vì cái tội ăn chơi ỷ lại khinh thường khi dể mấy bà. Từ đó, mới có cái tên gọi ngộ nghĩnh là “Ao Bà Om”.



Ngoài ao danh tiếng nầy ra, Trà Vinh còn có một thắng cảnh nữa, đó là bãi biển Ba Ðộng. Biển nầy thuộc địa phận xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 55km. Bãi biển dài hàng chục cây số, cát trắng nước trong, đặc biệt không khí ở đây rất trong lành tươi mát.

Vì thế trong dân gian mới có hai câu ca dao truyền tụng:



Biển Ba Ðộng nước xanh cát trắng

Ao Bà Om thắng cảnh miền tây



Chuyến về quê năm rồi, tôi có đến bãi biển nầy. Hiện nay, lượng du khách đến đây ngắm cảnh cũng khá đông. Nơi đây đã trở thành khu du lịch đông đảo du khách, không thua gì Ao Bà Om.



Người ta thường nói, người già khi uống trà độc ẩm thường hay nhớ ôn lại chuyện xưa, tích cũ. Có lẽ tôi là một trong số những người già đó. Nhưng xin thưa, tôi chưa thật già lắm, chỉ mới bước qua cái tuổi lục tuần. Khi nhớ lại chuyện xưa, nhứt là chuyện quê hương nơi chôn nhao cắt rốn của mình, đã hơn một thời mình sanh ra và lớn lên. Như thế, hẳn ít nhiều gì mình cũng có gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn. Từ những lũy tre xanh, ngôi trường làng, ngôi chùa cổ, đình miếu, bờ ao, dậu trúc, đường làng, cổ thụ, ao hồ, đồng ruộng, cho đến những dòng sông kênh rạch v.v… tất cả đều là những hình ảnh thiết thân quen thuộc với tôi.



Tôi được những thứ đó đã hun đúc bảo bọc tạo cho tôi và những người dân nơi đây có một nếp sống chơn chất hiền hòa. Sống trong nếp sống tình tự hài hòa của một người dân quê lam lũ. Có những buổi sáng, mặt trời lên khỏi rặng cây xanh, ánh nắng chan hòa trải khắp tươi mát dịu hiền thật dễ chịu, tôi ra đồng hít thở không khí và hưởng những ngọn gió đồng trong mát, ngồi nghe gió thổi rì rào qua những cánh đồng lúa chín. Quê hương tôi đã cho tôi nhiều kỷ niệm thân thương, nên thơ, thật hữu tình duyên dáng, nhứt là vào những đêm trăng trong gió mát, ngồi nhìn những tàn dừa rợp bóng, những khóm trúc gió thổi vi vu, những ngôi nhà lá xiêu vẹo lụp xụp…Ðó là những hình ảnh tuyệt đẹp đối với tôi.



Chiều về, nhìn những áng mây hồng chói chang vàng rực óng ánh ở tận phía chân trời, mà tôi thường nói với mấy đứa bạn là trời đang nấu cơm chiều. Rồi tôi đưa mắt nhìn về phía xa xa sau những rạng cây xanh, có những cụm khói lam chiều bốc lên cao, bay tỏa nghi ngút lan xa trên những nóc nhà mái lá. Thỉnh thoảng có những đàn cò trắng vỗ cánh nhịp nhàng bay ngang qua cánh đồng lúa chín, như chúng đang tìm về nơi tổ ấm. Bên cạnh những cánh đồng bát ngát thơm mùi lúa chín đó, có những chú mục đồng ngồi trên lưng trâu, miệng hát nghêu ngao vài ba câu vọng cổ điệu hò của thời xa xưa nào đó, nhạy lại giọng hát tuyệt vời của người nghệ sĩ tài ba Út Trà Ôn…



Ðó là những bức tranh tuyệt tác êm đềm thơ mộng của tuổi thơ mà hơn một thời tôi đã chứng kiến trải qua. Ôi! Còn gì thấm đượm tình tự quê hương cho bằng! Quả đúng như câu người ta nói: “quê hương là chùm khế ngọt”! Là tất cả những gì thân thương mà chúng ta hiện có bây giờ và ở đây. Hồi tưởng, viết lại để tự sưởi ấm cõi lòng với bao nhiêu tâm tư gởi về quê hương muôn thuở và kính dâng lên cho Ba Mẹ, người đã cho tôi hình hài vóc huyễn, với biết bao công lao ân tình giáo dưỡng chan chứa sâu đậm. Tôi hoài vọng với tất cả tấm lòng thương nhớ về quê hương của một thời vàng son dĩ vãng của một đứa con xa xứ hiện đang sinh sống ở quê người.



Leave a Reply