Thursday, January 12, 2012

RÈN LUYỆN TÂM ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC

0 nhận xét

CHƯƠNG 3 - RÈN LUYỆN TÂM ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC



CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC


Nhận biết trạng tình trạng tinh thần là nhân tố hàng đầu để đạt hạnh phúc, đương nhiên việc này không phủ nhận những nhu cầu căn bản như thực phẩm, quần áo, chỗ ở cần phải có. Nhưng một khi những nhu cầu căn bản đã được đáp ứng, lời nhắn nhủ này thật rõ ràng: Chúng ta không cần nhiều tiền hơn, không cần thành công nhiều hay nổi tiếng hơn, không cần một thân hình tuyệt mỹ, hay cả đến người bạn đường hoàn hảo - ngay bây giờ, chính lúc này, chúng ta có tâm, hoàn toàn là trang bị căn bản mà chúng ta cần để đạt hạnh phúc trọn vẹn.


Trình bày phương pháp hoạt động bằng tâm, Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu: "Khi chúng ta nhắc đến 'tâm' hay 'thức', có nhiều trạng thái khác nhau. Giống như những hoàn cảnh hay các vật thể bên ngoài, một số thật hữu ích, một số rất có hại, và một số trung tính. Cho nên khi đề cập đến vấn đề bên ngoài, đầu tiên chúng ta thường cố gắng nhận biết những chất khác nhau này hay chất hóa học nào tốt để ta có thể chú ý phát trưởng, tăng trưởng và sử dụng chúng. Những chất nào có hại thì ta loại bỏ. Cũng giống như vậy, khi chúng ta nói về tâm, có cả hàng ngàn tư tưởng khác nhau hay "tâm" khác nhau. Trong số ấy, một số hữu ích, những cái đó chúng ta phải nắm lấy và nuôi dưỡng. Một số tiêu cực và có hại, những cái đó chúng ta phải cố gắng giảm thiểu.


"Cho nên bước đầu tìm cầu hạnh phúc là học hỏi. Đầu tiên phải biết những xúc cảm và ứng xử tiêu cực có hại cho chúng ta như thế nào và những xúc cảm tích cực có ích ra sao. Chúng ta phải hiểu những cảm xúc tiêu cực này lại không chỉ là rất xấu và có hại cho cá nhân mà còn có hại cho xã hội cũng như tương lai toàn thế giới. Cách nhận thức như thế nâng cao quyết tâm đương đầu và khắc phục chúng. Sau đó sẽ hiểu ra những khía cạnh có lợi của cảm xúc và ứng xử tích cực. Một khi nhận ra điều đó, chúng ta trở nên quyết tâm nuôi dưỡng, phát triển, và làm tăng thêm những cảm xúc tích cực dù khó khăn đến thế nào đi nữa. Hầu như có sự tự nguyện tự phát trong lòng. Cho nên quá trình học hỏi, phân tích những tư tưởng và xúc cảm nào có lợi lạc và có hại, chúng ta dần dần phát triển sự quyết tâm mạnh mẽ thay đổi cảm nghĩ: "Giờ đây chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc của chính tôi, tương lai tốt đẹp của chính tôi, ở trong tầm tay tôi. Tôi không được bỏ lỡ cơ hội đó!"


Trong Phật Giáo nguyên lý nhân quả được chấp nhận như qui luật tự nhiên. Đứng trước thực tế, bạn phải lưu tâm tới qui luật đó. Chẳng hạn, trong kinh nghiệm hàng ngày, nếu có những sự việc nào đó mà bạn không thích, thì phương pháp bảo đảm tốt nhất để việc đó không xẩy ra là phải làm cho những điều kiện nguyên nhân thường gây rủi ro cho sự việc ấy chắc chắn không còn phát sinh nữa. Cũng tương tự như vậy, nếu bạn muốn một sự việc hay điều đã kinh qua xẩy ra, thì điều hợp lý phải làm là tìm và thu thập những nguyên nhân và điều kiện có nguy cơ cho sự việc ấy.


"Việc này cũng đúng với các trạng thái tinh thần và các kinh nghiệm. Nếu bạn ham muốn hạnh phúc, bạn phải tìm ra nguyên nhân gây rủi ro cho điều đó, và nếu bạn không muốn đau khổ, điều phải làm là bảo đảm không để những nguyên nhân và điều kiện gây rủi ro cho điều đó phát sinh nữa. Đánh giá nguyên lý nhân quả rất quan trọng.


"Giờ đây, chúng ta đã nói đến tầm quan trọng tột bậc của nhân tố tinh thần để đạt hạnh phúc. Cho nên nhiệm vụ kế tiếp là quan sát sự đa dạng của các trạng thái tinh thần mà chúng ta kinh qua. Chúng ta cần phải nhận biết rõ ràng những trạng thái tinh thần khác nhau, phân biệt và xếp loại chúng xem chúng có mang đến hạnh phúc hay không."


"Ngài có thể cho một vài thí dụ đặc biệt về những trạng thái tinh thần khác nhau và mô tả cách phân loại chúng?" Tôi hỏi Ngài.


Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: "Bây giờ, ví dụ, sân hận, ganh ghét, và nóng giận vân vân ... đều có hại. Chúng ta coi chúng là những trạng thái tiêu cực của tâm vì chúng phá vỡ hạnh phúc tinh thần của chúng ta, một khi bạn ấp ủ cảm nghĩ sân hận hay cảm nghĩ không tốt với ai, một khi lòng bạn tràn ngập hận thù hay cảm xúc tiêu cực, thì người khác hình như cũng thù nghịch với bạn. Cho nên kết quả là sợ hãi nhiều hơn, sự ức chế và lưỡng lự nhiều hơn, và cảm giác bất an. Những thứ này phát triển, và thấy cô đơn ở giữa một thế giới bị coi là thù nghịch. Tất cả những cảm nghĩ tiêu cực này phát triển vì cảm nghĩ thù hận. Mặt khác những trạng thái tinh thần như ần cần tử tế, và tình thường chắc chắn là tích cực. Chúng rất hữu dụng..."


"Tôi đúng là hiếu kỳ" Tôi cắt ngang " Ngài nói có hàng ngàn trạng thái tâm khác biệt. Ngài có thể định nghĩa thế nào là một người tâm lý lành mạnh hay thích ứng tốt không? Chúng ta phải sử dụng định nghĩa này làm nguyên tắc chỉ đạo để quyết định trạng thái tinh thần nào cần phải trau dồi và trạng thái nào cần phải loại bỏ."


Ngài cười, rồi với nét khiêm nhường nổi bật của Ngài, Ngài trả lời: "Là một chuyên gia tâm thần học, ông phải có một định nghĩa hay hơn về người có tâm lý lành mạnh."


"Nhưng tôi muốn đây là quan điểm của Ngài"


"Được, tôi coi một người có lòng trắc ẩn, nồng nhiệt, tốt bụng là lành mạnh. Nếu bạn duy trì được cảm xúc tình thương, lòng từ ái, thì điều gì đó tự động mở cánh cửa bên trong bạn. Nhờ đó bạn có thể giao tiếp với người khác dễ dàng hơn nhiều. Và tính niềm nở hầu như tạo ra sự chân thật cởi mở. Bạn sẽ thấy rằng tất cả mọi con người đều giống bạn, cho nên bạn sẽ dễ dàng liên hệ với họ. Điều này cho bạn tình thân hữu nghị. Rồi bạn ít cần phải che đậy sự việc hơn, và kết quả là cảm nghĩ sợ hãi, sự nghi ngờ, và bất an tự động bị xua tan. Ngoài ra nó cũng tạo cảm nghĩ tin cẩn đối với những người khác. Mặt khác, thí dụ, bạn tìm được một người rất giỏi và bạn biết rằng bạn có thể tin vào khả năng của người ấy. Nhưng nếu bạn cảm giác người đó không tử tế, rồi bạn phải kìm nén cái gì đó. Bạn cảm thấy "Ồ, tôi biết người đó có thể làm được việc, nhưng thực sự tôi có thể tôi tin người ấy không?" cho nên bạn bao giờ cũng có một sự e sợ nào đó hồ như tạo ra sự xa cách người đó.


"Cho nên, dù sao, tôi vẫn nghĩ là trau dồi trạng thái tinh thần tích cực như ân cần và tình thương nhất định dẫn đến tâm lý lành mạnh và hạnh phúc hơn".


KỶ LUẬT TINH THẦN


Nghe Ngài nói tôi thấy một cái gì đó rất hấp dẫn về phương pháp để đạt hạnh phúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Điều này tuyệt đối thực tiễn và hữu lý: Nhận biết và trau dồi những trạng thái tinh thần tích cực, nhận biết và loại bỏ những trạng thái tinh thần tiêu cực. Mặc dù đề xuất của Ngài bắt đầu bằng cách lý giải theo hệ thống các loại trạng thái tinh thần mà ta kinh qua lúc đầu tôi thấy hơi vô vị, tôi dần dần bị kích thích bởi sức mạnh của sự hợp lý và lập luận của Ngài. Và tôi thích thực tế hơn là xếp loại những trạng thái tinh thần dựa xúc cảm, hay ham thích dựa trên trên cơ sở cmột phán xét đạo đức nào đó bị áp đặt từ bên ngoài như " Tham là một tội ác" hay "Sân hận là tội lỗi", Ngài xếp loại xúc cảm là tích cực hay tiêu cực chỉ dựa trên cơ sở chúng có dẫn đến hạnh phúc cơ bản của chúng ta hay không.


Tiếp tục đối thoại với Ngài vào buổi chiều hôm sau, tôi hỏi "Nếu hạnh phúc đơn giản chỉ là vấn đề trau dồi trạng thái tinh thần tích cực hơn nữa như lòng tốt và vân vân... tại sao lại có quá nhiều người không hạnh phúc?"


"Muốn đạt được hạnh phúc chính đáng, nó đòi hỏi phải thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ, và đó không phải là một vấn đề đơn giản". Ngài nói." Cần phải áp dụng nhiều nhân tố khác nhau từ nhiều hướng khác nhau. Bạn không nên có khái niệm, chẳng hạn như, chỉ có một chìa khóa, một bí quyết và nếu bạn có giải pháp đúng, mọi việc đều tốt đẹp. Nó cũng tương tự như chăm sóc thích hợp thân thể, bạn cần nhiều thứ vitamin và chất dinh dưỡng, không phải chỉ một hay hai. Cũng giống như thế, muốn đạt hạnh phúc, bạn cần có nhiều cách giải quyết và nhiều phương pháp để đối phó và khắc phục một loạt trạng thái tinh thần tiêu cực thay đổi và phức tạp. Và nếu bạn đang tìm cách khắc phục một số cách suy nghĩ tiêu cực, thì không thể nào có thể hoàn tất được chỉ bằng cách áp dụng một tư tưởng đặc biệt nào đó hay một rèn tập kỹ thuật nào đó một hay hai lần. Sự thay đổi cần phải có thời gian. Ngay cả đến thể chất thay đổi cũng cần phải có thời gian. Chẳng hạn, khi bạn di chuyển từ vùng khí hậu này đến vùng khí hậu khác, có thể cần thời gian mới thích nghi được với môi trường mới. Cũng như vậy, thay đổi tâm bạn cần phải có thời gian. Có nhiều nét đặc điểm tinh thần tiêu cực, cho nên bạn cần phải chăm chú và phản ứng từng nét đặc điểm một. Điều này không dễ dàng. Cần phải áp dụng đi áp dụng lại hàng loạt kỹ thuật khác nhau và có thì giờ để tự bạn quen dần với sự thực hành. Đó là tiến trình học hỏi.


"Nhưng tôi nghĩ rằng với thời gian bạn có thể có những sự thay đổi tích cực. Mỗi ngày, ngay khi bạn thức dạy, bạn có thể phát triển một động cơ suy nghĩ tích cực thành thực."Tôi sẽ sử dụng ngày hôm nay theo một đường lối tích cực hơn. Tôi không nên phí phạm ngày hôm nay. Và buổi tối trước khi lên giường, kiểm lại xem bạn đã làm được những gì, hãy tự hỏi "Tôi đã sử dụng ngày hôm nay theo như đã trù tính chưa? Nếu như mọi việc diễn ra đúng, bạn nên vui mừng. Nếu không đúng, hãy hối tiếc việc bạn đã làm và tìm ra lỗi lầm ngày đó. Cho nên, nhờ những phương pháp như vậy, bạn có thể dần dần củng cố khía cạnh tâm tích cực của bạn. "Giờ đây, thí dụ, trường hợp của riêng tôi, là một nhà sư Phật Giáo, tôi tin tưởng vào Phất Giáo, và nhờ kinh nghiệm bản thân mà tôi biết sự tu tập Phật Giáo giúp cho tôi rất nhiều. Tuy nhiên vì thói quen, qua nhiều tiền kiếp, một số sự việc có thể phát sinh như nóng giận và luyến ái. Cho nên bây giờ những gì tôi cần làm trước nhất là học về giá trị tích cực của sự tu tập, rồi xấy dựng quyết tâm, và rồi cố gắng thi hành chúng. Lúc đầu việc tiến hành tu tập tích cực còn không đáng kể, nên ảnh hưởng tiêu cực vẫn còn mạnh. Tuy nhiên, cuối cùng, khi bạn càng ngày càng củng cố được sự tu tập tích cực, ứng xử tiêu cực tự động giảm thiểu. Cho nên, thực tế là thực hành "Pháp" [*] là một cuộc chiến không ngưng ở bên trong, thay thế tính nết hay thói quen tiêu cực trước đây bằng phản xạ tính nết mới tích cực."


[*] Chữ Pháp có nhiều nghĩa rộng mà không có chữ Anh nào tương đương. Chữ này thường được dùng để nói về giáo lý hay học thuyết của Đức Phật, gồm có truyền thống kinh điển cũng như lối sống và sự hiểu biết tinh thần do áp dụng giáo lý. Đôi khi người Phật Tử dùng chữ này trong ý nghĩa tổng quát hơn - có nghĩa là tu tập tinh thần hay tôn giáo trong luật tinh thần phổ biến thông thường, hay bản chất thực sự của hiện tượng - và sử dụng thuật ngữ Buddhadharma (Phật Pháp) để tham chiếu cụ thể hơn về nguyên tắc và sự tu tập của Phật Đạo. Tiếng Dharma trong tiếng Phạn bắt nguồn từ gốc từ nguyên có nghĩa là "giữ" và trong phạm vi vấn đề này nó có nghĩa rộng hơn là hành xử hay hiểu biết dùng để "giữ người ta lại" hay bảo vệ người ta khỏi bị khổ đau và nguyên nhân của nó.


Tiếp tục Ngài nói: "Dù bạn đang hoạt động nào hay sự tu tập nào, thì cũng không có gì là khó khăn nhờ sự làm quen và rèn luyện liên tục. Nhờ rèn luyện chúng ta có thể thay đổi, chúng ta có thể tự biến đổi. Trong phạm vi tu tập Phật Giáo, có nhiều phương pháp giữ cho tâm bình tĩnh khi nhiều chuyện rắc rối xẩy ra.


Nhờ tu tập lặp đi lặp lại những phương pháp này, chúng ta có thể đi đến chỗ xáo trộn nào đó vẫn có thể xẩy ra nhưng tác động tiêu cực vào tâm vẫn còn trên bề mặt, giống như làn sóng nhấp nhô trên mặt biển nhưng không có tác động sâu xuống nhiều. Mặc dù kinh nghiệm cá nhân tôi rất ít ỏi, tôi thấy nó rất đúng trong sự tu tập của cá nhân tôi. Cho nên, khi tôi nhận được một số tin tức bi thảm, vào lúc đó tôi có thể chứng nghiệm một vài xáo trộn trong tâm, nhưng rồi nó cũng qua đi rất mau. Hay tôi có thể khó chịu và bực tức, nhưng rồi nó cũng biến đi rất nhanh. Không có tác động vào tâm khảm. Không sân hận. Việc này đạt được nhờ tu tập dần dần, không thể chỉ qua một đêm mà thành công được". Nhất định là không. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rèn tập tâm từ khi Ngài bốn tuổi.


Huân tập tâm có phương pháp - sự vun trồng hạnh phúc, sự thay đổi đích thực nội tâm bằng cách chọn lựa và tập trung một cách có mục đích vào trạng thái tinh thần tích cực và chống lại trạng tinh thái thần tiêu cực - có thể thực hiện được vì chính cấu trúc và chức năng của bộ não. Chúng ta sinh ra với bộ não được kết nối về mặt di truyền với một số mô hình hành xử có thiên hướng bẩm sinh chúng ta có khuynh hướng tìm cách phản ứng lại môi trường để sinh tồn về mặt tinh thần cảm xúc và thân thể. Những tập hợp chỉ dẫn căn bản được mã hóa trong vô số hoạt hóa mô hình tế bào thần kinh bẩm sinh, sự phối hợp đặc biệt của tế bào não phát ra đáp ứng bất cứ sự việc, kinh nghiệm, hay suy nghĩ nào. Nhưng kết nối trong não không phải là tĩnh, không phải là cố định không thay đổi được. Bộ não của chúng ta có khả năng thích ứng. Các nhà khoa học thần kinh đã chứng minh bằng tài liệu một sự việc có thật là bộ não có thể lập mô hình mới, những phối hợp khác hẳn của các tế bào thần kinh và thần kinh truyền tải (hóa chất chuyển thông tin giữa những tế bào thần kinh) đáp ứng dữ kiện mới truyền vào. Thực ra, bộ não của chúng ta dễ uốn nắn, thay đổi, cấu hình lại kết nối cho phù hợp với tư tưởng và kinh nghiệm mới. Do học tập, chức năng của chính tế bào thần kinh cá nhân thay đổi, cho phép những tín hiệu điện chạy theo chúng dễ dàng hơn. Các khoa học gia gọi khả năng thay đổi vốn có của bộ não là " tính mềm dẻo"


Khả năng thay đổi kết nối của bộ não để phát triển những liên hệ thần kinh mới, đã được chứng minh trong các cuộc thí nghiệm như một thí nghiệm của các Bác Sĩ Avi Karni và Leslie Underleider tại Viện Tấm Thần Quốc Gia. Trong cuộc thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã để các đối tượng thí nghiệm thi hành một nhiệm vụ đơn giản về dấy thần kinh vận động, dùng bài tập gõ nhẹ ngón tay xuống, và xem những phản ứng của các bộ phận của não liên quan đến tác động ấy bằng máy cắt lớp não MRI. Những đối tượng thí nghiệm thực hành bài tập ngón tay hàng ngày trong bốn tuần, càng ngày càng hữu hiệu hơn và nhanh hơn. Cuối cùng sau giai đoạn bốn tuần, chụp cắt lớp não được làm đi làm lại cho thấy khu vực não dính líu tới nhiệm vụ này đã mở rộng, cho thấy thực hành đều đặn và lặp đi lặp lại một nhiệm vụ đã tổ chức được những tế bào thần kinh mới và thay đổi mối liên hệ thần kinh đầu tiên dính líu vào nhiệm vụ này.


Nét đặc biệt đáng chú ý này của bộ não có vẻ là cơ sở tâm lý cho khả năng thay đổi tâm. Bằng cách vận động tư tưởng và thực hành cách suy nghĩ mới, chúng ta có thể tái định hướng các tế bào thần kinh và thay đổi cách hoạt động của bộ não. Đó cũng là cơ sở cho khái niệm thay đổi bên trong bắt đầu bằng học hỏi (nhập liệu mới ) và kéo theo kỷ luật dần dần thay thế những "tính nết tiêu cực " (tương đương với mô hình hoạt hóa tế bào thần kinh riêng của chúng ta bằng "tính nết tích cực" (hình thành mạch thần kinh mới). Nhu vậy, khái niệm huân luyện tâm để đạt hạnh phúc trở thành khả năng có thể làm được thực sự.


KỶ LUẬT ĐẠO ĐỨC


Trong lần thảo luận sau này đề cập đến việc huân luyện tinh thần để đạt hạnh phúc, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân mạnh "Tôi nghĩ rằng cách ứng xử đạo đức là một nét đặc thù khác thuộc loại kỷ luật nội tâm dẫn đến cuộc sống hạnh phúc. Ta có thể gọi nó là kỷ luật đạo đức. Những đại đạo sư tinh thần như Đức Phật khuyên chúng ta thực hiện những hành động thiện và tránh vui thích những hành động bất thiện. Liệu hành động của chúng ta là thiện hay bất thiện điều đó tùy thuộc vào hành động hay hành vi ấy phát sinh từ một trạng thái tâm thức có kỷ luật hay không có kỷ luật. Người ta cho rằng tâm kỷ luật dẫn đến hạnh phúc và tâm vô kỷ luật dẫn đến đau khổ, và thực tế người ta nói rằng đưa kỷ luật vào tâm là bản chất giáo lý của Đức Phật.


"Khi tôi nói kỷ luật, tôi tmuốn nói đến kỷ luật tự giác, không phải là kỷ luật do một người nào đó bên ngoài áp đặt cho bạn. Tôi nói đến thứ kỷ luật được áp dụng để khắc phục những đức tính tiêu cực. Một băng đảng tội phạm có thể cần kỷ luật để ăn cướp thành công, nhưng thứ kỷ luật ấy thật vô ích.


Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại một lúc dường như để phản ảnh tập trung tư tưởng của Ngài. Hoặc có lẽ chỉ là Ngài tìm từ bằng tiếng Anh. Tôi không biết. Nhưng nghĩ về cuộc đàm thoại buổi chiều hôm đó khi Ngài ngừng lại, một cái gì đó về toàn bộ cuộc nói chuyện liên quan đến tầm quan trọng về học tập và kỷ luật bắt đầu làm cho tôi thấy khá nhạt nhẽo khi nó tương phản với những mục tiêu cao quý của hạnh phúc thực sự, tăng trưởng tinh thần và sự thay đổi hoàn toàn nội tâm. Dường như sự tìm cầu hạnh phúc bằng cách này hay cách khác là một tiến trình tự phát.


Đưa ra vấn đề, tôi xen vào "Ngài mô tả những xúc cảm ứng xử tiêu cực là "bất thiện" và ứng xử tích cực là "thiện". Hơn nữa, Ngài nói tâm không được huân luyện hay vô kỷ luật nói chung đưa đến kết quả ứng xử tiêu cực hay bất thiện, cho nên chúng ta phải học và rèn luyện mình nhằm tăng trưởng ứng xử tích cực. Cho đến bây giờ mọi điều đều tốt đẹp.


"Nhưng điều làm cho tôi băn khoăn là sự xác định của Ngài về ứng xử tiêu cực hay bất thiện là những ứng xử dẫn đến khổ đau. Và Ngài định nghĩa một ứng xử thiện dẫn đến hạnh phúc. Ngài cũng bắt đầu với tiền đề căn bản là tất cả chúng sanh với mong muốn tránh khổ đau và đạt hạnh phúc - sự ham thích này là bẩm sinh; điều này không cần phải học. Vậy thì câu hỏi là: Nếu tự nhiên là chúng ta mong muốn tránh khổ đau thì tại sao chúng ta không càng ngày càng bị đẩy lui một cách tự nhiên bởi ứng xử tiêu cực hay bất thiện khi trở về già? Và nếu là tự nhiên muốn có hạnh phúc thì tại sao chúng ta không hàng ngày càng ngả về ứng xử thiện một cách tự động và tự nhiên để rồi được hạnh phúc hơn khi đời ta tiến về phía trước? Tôi muốn nói là nếu những ứng xử thiện tự nhiên dẫn đến hạnh phúc và chúng ta muốn có hạnh phúc, liệu điều đó có xẩy ra như một tiến trình tự nhiên không? Tại sao chúng ta cần nhiều đến giáo dục, huân luyện và kỷ luật để tiến trình ấy xẩy ra?


Lắc đầu, Ngài Đạt Lai Lạt Ma trả lời " Ngay cả đến trong những điều kiện thông thường, trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta coi giáo dục là một nhân tố rất quan trọng để bảo đảm một cuộc sống thành công và hạnh phúc. Và kiến thức không thể có được một cách tự nhiên. Chúng ta phải rèn luyện, chúng ta phải trải qua một loại chương trình huân luyện có hệ thống và vân vân.. Và chúng ta coi giáo dục và huân luyện thông thường này là hết sức khó, nếu không tại sao các học sinh lại cần đến nhiều kỳ nghỉ như vậy? Tuy nhiên chúng ta biết loại giáo dục đó rất quan trọng nhằm bảo đảm một cuộc sống thành công và hạnh phúc.


"Cũng giống như vậy, muốn làm việc thiện cũng không đến một cách tự nhiên mà chúng ta phải có ý thức rèn luyện để hướng tới nó. Đúng vậy, nhất là trong xã hội hiện đại, bởi vì có một khuynh hướng tin rằng vấn đề việc thiện và bất thiện - làm gì và không nên làm gì - được coi là trong phạm vi hoạt động của tôn giáo. Theo truyền thống tôn giáo được coi là có trách nhiệm của tôn giáo qui định cách ứng xử nào là thiện và bất thiện. Tuy nhiên trong xã hội ngày này, tôn giáo đã mất uy tín và ảnh hưởng của nó ở một mức nào đó. Và đồng thời, không có sự lựa chọn nào, như đạo lý thế tục xuất hiện để thay thế vào. Cho nên dường như ít có sự lưu tâm đến sự cần thiết phải có lối sống thiện. Chính vì điều này mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải gắng sức nhiều và có ý thức làm việc tiến tới đạt loại kiến thức này. Thí dụ, mặc dù cá nhân tôi tin tưởng bản chất con người chúng ta căn bản là hòa nhã và giàu lòng thương, nhưng tôi cảm thấy không đủ vì bản chất tiềm ẩn của chúng ta, chúng ta cũng phải phát triển sự đánh giá cao và tỉnh thức về sự thật đó. Và thay đổi cách nhận thức chính mình, nhờ học tập và hiểu biết, có thể có tác động thực sự vào cách chúng ta tương tác với những người khác và cách chúng ta sống hàng ngày ".


Vờ không đồng ý để nêu ra vấn đề, tôi phản kháng " Tuy nhiên Ngài đã sử dụng sự tương đồng của hệ thống giáo dục và rèn luyện lý thuyết thông thường. Điều đó là một việc. Nhưng nếu Ngài nói chuyện về cách ứng xử nào đó gọi là thiện hay tích cực, dẫn đến hạnh phúc, và những ứng xử khác dẫn đến khổ đau thì tại sao phải học nhiều đến thế mới nhận biết ra chúng và phải rèn luyện quá nhiều mới thực hiện được cách ứng xử tích cực và loại bỏ ứng xử tiêu cực? Tôi muốn nói là nếu bạn đưa tay vào lửa, bạn sẽ bị bỏng. Bạn rụt tay lại, bạn đã biết cách ứng xử này dẫn đến khổ đau. Bạn đâu cần học hay rèn luyện nhiều mới biết đừng đụng vào lửa nữa.


"Vậy thì, tại sao tất cả những cách ứng xử hay cảm xúc dẫn đến khổ đau lại không như vậy? Chẳng hạn, Ngài cho rằng nóng giận và sân hận rõ ràng là những cảm xúc tiêu cực và cuối cùng dẫn đến khổ đau. Nhưng tại sao ta phải được giáo dục về những hậu quả có hại của nóng giận và sân hận để loại bỏ chúng? Vì nóng giận trực tiếp gây ra cảm xúc khó chịu cho con người, chắc chắn là dễ cảm thấy trực tiếp cái khó chịu ấy, tại sao ta không tự nhiên và tự động tránh nó trong tương lai?


Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma chú ý nghe những lập luận của tôi, đôi mắt thông minh của Ngài như mở rộng ra, như thể Ngài hơi ngạc nhiên, hoặc thậm chí thích thú về tính ngấy thơ trong câu hỏi của tôi. Rồi với một chuỗi cười lớn, đầy thiện chí Ngài nói:


"Khi bạn nói về kiến thức dẫn đến tự do hay giải pháp của một vấn đề, bạn phải hiểu rằng có nhiều mức độ khác nhau. Thí dụ, con người ở vào Thời Đại Đồ Đá không biết nấu thịt nhưng vẫn có nhu cầu sinh học về ăn, cho nên họ ăn giống như thú hoang. Khi con người tiến bộ, họ học cách nấu và nêm các loại gia vị khác nhau làm cho đồ ăn ngon hơn và làm thành nhiều món. Và ngay cả thời đại ngày nay, nếu chúng ta bị bệnh đặc biệt nào đó và nhờ kiến thức chúng ta biết được loại đồ ăn nào không tốt cho chúng ta, thì dù chúng ta thích ăn món đó, nhưng chúng ta cũng tự kiềm chế không ăn. Cho nên rõ ràng là mức độ kiến thức càng tinh vi thì chúng ta sẽ đương đầu với thế giới tự nhiên càng hiệu quả.


"Bạn cần có khả năng xét đoán hậu quả trong tương lai gần và xa về cách ứng xử của bạn và cân nhắc cả hai. Thí dụ, khắc phục nóng giận, mặc dù thú vật cũng chứng nghiệm nóng giận, nhưng chúng không biết nóng giận là tai hại. Tuy nhiên con người ở một mức độ khác, khác ở chỗ bạn có sự tự ý thức để bạn ngẫm nghĩ và quan sát khi nóng giận phát sinh, nó làm hại bạn. Cho nên bạn có sự phán xét nóng giận là tiêu cực. Bạn cần phải biết suy luận. Cho nên không phải là đơn giản như đưatay vào lửa, và để rồi bị bỏng, và để rồi biết không bao giờ làm điều đó trong tương lai nữa. Học vân và kiến thức về những gì dẫn đến hạnh phúc và những gì gây khổ đau càng tinh vi thì bạn sẽ có nhiều kết quả hơn trong việc đạt hạnh phúc. Cho nên, chính vì điều đó tôi nghĩ rằng giáo dục và kiến thức là rất quyết định." Tôi cho là Ngài cảm thấy tôi vẫn phản kháng khái niệm về giáo dục đơn giản là một phương cách để thay đổi nội tâm, Ngài nhận xét " Một vấn đề trong xã hội hiện nay là thái độ của chúng ta hướng về giáo dục như thể nó chỉ làm cho bạn tài giỏi hơn. Đôi khi dường như những người ít học, ít tinh vi hơn về đào tạo giáo dục, thì họ lại càng chất phác và ngay thật hơn. Mặc dù xã hội chúng ta không nhân mạnh vào việc này, nhưng việc sử dụng kiến thức và giáo dục lại quan trọng nhất là giúp chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của việc làm các hành động thiện và đưa kỷ luật vào tâm chúng ta. Sử dụng thích hợp trí thông minh và kiến thức sẽ đem lại sự thay đổi từ bên trong để phát triển lòng tốt".



Leave a Reply