Thursday, January 12, 2012

KIỂU MẪU MỚI CHO SỰ THÂN THIỆN

0 nhận xét



CHƯƠNG 5 - KIỂU MẪU MỚI CHO SỰ THÂN THIỆN



CÔ ĐƠN VÀ QUAN HỆ


Tôi vào phòng khách của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại khách sạn, và Ngài ra hiệu cho tôi ngồi. Trà được rót ra, Ngài tuột đôi giầy Rockport mầu bơ và ngồi thoải mái trên một chiếc ghế lớn.


""Sao?" Ngài hỏi tôi với môt giọng thường lệ thay đổi ngữ điệu có ý là Ngài đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì. Ngài mỉm cười và giữ im lặng. Chờ đợi.


Mấy phút trước đây, trong khi ngồi tại hành lang khách sạn, chờ đến giờ gặp gỡ, tôi lơ đãng nhặt một tờ báo địa phương bỏ lại nơi đây; tờ báo đã được lật tới mục "Việc Riêng". Tôi liếc qua mục quảng cáo dầy đặc hết trang này đến trang khác tìm người, hết sức mong có liên hệ tới một người nào khác Vẫn hãy còn nghĩ tới những quảng cáo ấy lúc ngồi xuống bắt đầu cuộc gặp với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi đột nhiên quyết định bỏ qua một bên những câu hỏi đã được chuẩn bị, và hỏi Ngài: "Có bao giờ Ngài cảm thấy cô đơn không?"


"Không" Ngài trả lời đơn giản. Tôi đã không chuẩn bị trước cho câu trả lời này. Tôi cho rằng câu trả lời của Ngài phải là những dòng sau: "Đương nhiên", mọi người ai cũng có lúc có lúc cảm thấy lẻ loi.." Rồi tôi dự định hỏi Ngài làm sao Ngài đối phó với cô đơn. Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi lại gặp một người không bao giờ cảm thấy cô đơn.


"Không" tôi hỏi Ngài lần nữa, ngờ vực


"Không"


"Ngài cho điều đó là cái gì?


Ngài nghĩ một chút."Tôi nghĩ rằng một nhân tố mà tôi nhìn vào bất cứ ai là từ một khía cạnh tích cực; tôi cố gắng tìm kiếm những khía cạnh tích cực của họ. Thái độ này tạo ngay một cảm giác đồng cảm, một loại liên hệ.


"Một phần là vì lẽ về phần tôi ít có sự e sợ, ít sợ hãi hơn, và nếu tôi hành động theo một cách thức nào đó, có thể mất đi sự kính trọng hay nghĩ rằng tôi là người xa lạ Cho nên vì thường là không có loại e sợ và sợ hãi đó, thì sẽ có loại cởi mở. Tôi nghĩ đó là nhân tố chính."


Phấn đấu để lãnh hội phạm vi và khó khăn trong việc áp dụng một thái độ như vậy, tôi hỏi "Nhưng làm sao Ngài có thể cho rằng người ta có khả năng để cảm thấy thoải mái với người khác, lại không có sự sợ hãi và e sợ bị người ta không thích hay phán xét. Phải chăng có phương pháp đặc biệt để một người trung bình có thể sử dụng để phát triển thái độ ấy?"


"Niềm tin căn bản của tôi là trước tiên bạn cần hiểu sự ích lợi của từ bi."Ngài nói với một giọng quả quyết."Đó là nhân tố chính. Một khi bạn chấp nhận sự thật là từ bi không phải là một thứ ngấy ngô con nít hay tình cảm, một khi mà bạn hiểu từ bi là cái thực sự đáng giá, hiểu giá trị sâu xa của nó, thì bạn phát triển ngay sự lôi cuốn hướng về nó, thiện ý để trau dồi nó.


"Và một khi bạn kích thích tư tưởng từ bi trong tâm, một khi tư tưởng đó trở thành tích cực, thì thái độ của bạn đối với người khác tự động thay đổi. Nếu bạn gần gũi người khác với tư tưởng từ bi, sự sợ hãi tự động giảm thiểu và bạn sẽ cởi mở với người khác. Cởi mở tạo một bầu không khí tích cực và thân hữu. Bằng thái độ ấy, bạn tiến tới mối quan hệ mà chính bạn là người đầu tiên tạo ra khả năng nhận sự cảm tình hay sự đáp ứng tích cực của người khác. Và với thái độ ấy, cho dù người ta không thân thiện với bạn hoặc bạn không được đáp ứng bạn một cách tích cực, thì ít nhất bạn cũng đã gần gũi người với cảm giác cởi mở làm cho bạn linh hoạt và tự do thay đổi cách tiếp xúc cần thiết. Loại cởi mở ấy ít nhất cho bạn khả năng có cuộc đối thoại đầy ý nghĩa với họ. Nhưng không có thái độ từ bi, nếu bạn cảm thấy như mậc cảm, tức tối hay lãnh đạm, thì dù người bạn thân nhất đến với bạn, bạn vẫn cảm thấy không thoải mái.


"Tôi nghĩ rằng trong nhiều trường hợp, người ta có khuynh hướng mong người khác đáp họ một cách tích cực trước, hơn là tự mình chủ động tạo ra khả năng đó. Tôi cảm thấy thế là sai, nó dẫn đến khó khăn và sẽ trở thành rào cản làm tăng thêm cảm giác lẻ loi và cô đơn. Vậy, nếu bạn muốn khắc phục cảm giác lẻ loi và cô đơn ấy, tôi nghĩ rằng thái độ tiềm ẩn của bạn có thể tạo ra sự khác biệt to lớn. Gần gũi người khác với tư tưởng từ bi trong tâm là phương cách tốt nhất để làm điều này.


Sự kinh ngạc của tôi về việc Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài chẳng bao giờ cô đơn hoàn toàn tương xứng với niềm tin của tôi vào sự lan tràn của cảnh cô đơn trong xã hội của chúng ta. Niềm tin này không chỉ sanh ra từ cảm giác chung về sự cô đơn của riêng tôi hay sợi chỉ xuyên suốt sự cô đơn hình như là chủ đề quan trọng nhưng ít được chú ý trong toàn bộ cơ cấu hành nghề y khoa tâm thần của tôi. Trong 20 năm qua, các nhà tâm lý học đã bắt đầu nghiên cứu về sự cô đơn trong cách thức khoa học, thực hiện nhiều khảo sát và nghiên cứu về đề tài này. Một trong những khám phá nổi bật về những nghiên cứu này là hầu như tất cả mọi người đều cho biết họ đã kinh nghiệm qua sự cô đơn, hiện thời hoặc trong quá khứ. Trong một cuộc thăm dò rộng rãi, một phần tư những người trưởng thành tại Hoa Kỳ cho biết họ cảm thấy hết sức cô đơn ít nhất một lần trong hai tuần. Mặc dù, chúng tôi thường nghĩ rằng cô đơn kéo dài là mối ưu phiền đặc biệt lan rộng nơi người già, lẻ loi trong các khu nhà trống trải hay ở khu sau của viện dưỡng lão, nhưng công cuộc nghiên cứu cho thấy những thiếu niên và thanh niên cũng cho biết họ cũng cô đơn như người già.


Vì mức độ cô đơn lan tràn, những người điều tra nghiên cứu bắt đầu xem xét những thay đổi phức tạp góp phần gây ra cô đơn. Chẳng hạn, họ đã tìm ra những người cô đơn thường có những vấn đề mặc cảm, gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác, ít chịu lắng nghe, và thiếu khéo léo trong việc giao tế xã hội như chọn lựa cách cư xử thông tục (biết khi nào gật đầu, đáp lại thích hợp, hay giữ im lặng). Sự nghiên cứu này đề xuất một chiến lược khắc phục cô đơn là tác động vào cải tiến kỹ năng giao tế xã hội. Tuy nhiên chiến lược của Đức Đạt Lai Lạt Ma dường như là tránh tác động vào kỹ năng giao tế xã hội hay cách ứng xử đến từ bên ngoài, ủng hộ phương pháp đi thẳng vào tâm - nhận thức giá trị của từ bi và trau dồi nó.


Bất chấp sự ngạc nhiên lúc ban đầu của tôi, khi tôi nghe thấy Ngài nói bằng sự quả quyết như vậy, tôi tin tưởng chắc chắn rằng Ngài không bao giờ cô đơn. Có những bằng chứng hậu thuẫn cho lời tuyên bố của Ngài. Tôi thường chứng kiến tác động của Ngài với người lạ, bao giờ cũng tích cực không thay đổi. Bây giờ thì rõ ràng là những tác động qua lại không phải là ngẫu nhiên hay chỉ là kết quả của một cá tính thân thiện tự nhiên. Tôi cảm thấy Ngài đã bỏ ra nhiều thời gian suy tư về tầm quan trọng của từ bi, thận trọng trau dồi nó, dùng nó để làm phong phú và mềm dẻo vấn đề trong kinh nghiệm hàng ngày, làm đất trở nên phì nhiêu và sẵn sàng tiếp nhận những tương tác tích cực với người khác - một phương pháp thực tế có thể được sử dụng bởi bất cứ ai đau khổ vì cô đơn.


DỰA VÀO NGƯỜI KHÁC SO VỚI TỰ LỰC


Trong tất cả chúng sanh, có hạt giống toàn thiện. Tuy nhiên, từ bi cần kích hoạt, hạt giống ấy vốn có trong tim và óc chúng ta..."Bằng điều đó Đức Đạt Lai Lạt Ma giới thiệu đề tài từ bi trước một cuộc họp yên lặng. Thuyết giảng trước một cử tọa ngàn rưởi người gồm phần lớn những học sinh mộ Đạo Phật, Ngài bắt đầu thảo luận học thuyết Phật Giáo về Lãnh Vực Công Đức.


Trong ý nghĩa Phật Giáo, Công Đức được mô tả như một dấu ấn tích cực về tâm của con người, hay "sự tiệm tiến tinh thần" xuất hiện do những hành động tích cực. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải nghĩa Phước Điền Công Đức là nguồn, hay nền tảng mà từ đó người ta có thể tích lũy công đức. Theo lý thuyết Phật Giáo, chính kho công đức của một người quyết định hoàn cảnh tốt đẹp cho những tái sanh của một người đí trong tương lai. Ngài giải thích bằng học thuyết Phật Giáo về Công Đức định rõ hai Phước Điền Công Đức: Phước Điền Công Đức của các vị Phật, và Phước Điền Công Đức của chúng sanh. Một phương pháp tích lũy công đức liên quan đến việc tạo ra sự kính trọng, đức tin, và lòng tin vào Chư Phật, những bậc Giác Ngộ. Những phương pháp khác liên quan đến việc tu tập như lòng tốt, rộng lượng, khoan dung, và vân vân.. và có ý thức kiềm chế các hành động tiêu cực như sát sinh, trộm cắp, và nói dối. Tạo dựng phương pháp thứ hai này đòi hỏi sự tác động qua lại với người khác, hơn là tác động qua lại với Chư Phật. Trên ccơ sở đó Đức Dạt Lai Lạt Ma chỉ ra rằng người khác sẽ là sự giúp đỡ chúng ta rất nhiều để tích lũy công đức.


Những người khác là Phước Điền công đức mô tả của Đức Đạt Lai Lạt Ma có một đặc tính đẹp, trữ tình đối với điều đó, hình như chính nó làm phong phú thêm hình ảnh. Lập luận trong sáng của Ngài và sự quả quyết đằng sau những lời nói của Ngài hợp lại thành sức mạnh đặc biệt và ảnh hưởng đến cuộc nói chuyện của Ngài chiều đó. Khi tôi nhìn quanh phòng, tôi thấy nhiều cử tọa xúc động rõ rệt. Chính tôi không say mê bằng. Do các cuộc đàm thoại trước đây, tôi đã ở giai đoạn hiểu biết sơ đẳng về tầm quan trọng sâu xa của từ bi, tuy vẫn còn bị ảnh hưởng nặng bởi những năm dài trong tiến trình khoa học duy lý, làm cho tôi coi bất cứ cuộc nói chuyện gì về lòng tốt hay từ bi chỉ là chút đa cảm vì ý thích của mình. Nghe Ngài nói, tâm trí tôi bắt đầu nghĩ lan man. Tôi bắt đầu ngấm ngầm nhìn quanh phòng, tìm các bộ mặt nổi tiếng, đáng chú ý, hay quen thuộc. \n một bữa cơm quá no trước cuộc nói chuyện, tôi bắt đầu buồn ngủ. Tôi vật vờ lúc tỉnh lúc không. Có lúc trong buổi nói chuyện, tâm trí tôi nghe thấy Ngài nói"... hôm nọ, tôi đã nói về những nhân tố cần thiết để có một cuộc đời hạnh phúc và sung sướng. Những nhân tố như sức khỏe, của cải vật chất, bạn bè vân vân... Nếu bạn điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy tất cả những thứ đó lệ thuộc vào người khác. Muốn giữ sức khỏe, bạn đưa vào thuốc men do người khác làm, và chăm sóc sức khỏe do người khác lo liệu. Nếu bạn xem xét tất cả những tiện nghi bạn sử dụng để hưởng thụ cuộc sống bạn sẽ thấy hầu như không có đồ vật nào không liên hệ đến người khác. Nếu bạn suy nghĩ cẩn thận, bạn sẽ thấy tất cả những hàng hóa ấy có được là do cố gắng của nhiều người hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhiều người đã tham gia đến để làm những thứ đó thành tựu. Không cần phải nói khi chúng ta đề cập về bạn tốt, là một nhân tố cần thiết khác cho cuộc đời hạnh phúc, chúng ta đang nói đến sự tác động qua lại với những chúng sanh khác, những con người. khác.


"Cho nên bạn có thể thấy rằng tất cả những nhân tố đó gắn chặt với những nỗ lực và hợp tác của những người


khác. Những người khác là không thể thiếu. Cho nên, dù thực tế là tiến trình giao tiếp với người khác có thể có gian khổ, cãi cọ, và khó chịu, chúng ta vẫn phải cố duy trì một thái độ thân thiện và niềm nở để có lối sống có đủ tác động qua lại với người khác đặng vui hưởng một cuộc đời hạnh phúc."


Khi Ngài nói, tôi cảm thấy một sự phản kháng theo bản năng. Mặc dầu tôi thường trân trọng và vui sướng với bạn bè và gia đình, nhưng tôi vẫn coi mình là một người độc lập. Tự lực Thật ra là hãnh diện về đức tính ấy. Ngấm ngầm, tôi có khuynh hướng coi thường những người phụ thuộc quá mức - một dấu hiệu yếu kém.


Tuy vậy, chiều này khi nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng, đã xẩy ra một việc. Vì 'Tùy Thuộc Vào Người Khác" không phải là đề tài mà tôi ưa thích, tâm trí tôi lại bắt đầu lan man, tôi thấy tôi quên không cắt bỏ sợi chỉ lòng thòng trên tay áo sơ mi của tôi. Chú ý vào một lúc, tôi nghe thấy Ngài nói nhiều người đã tham gia vào việc làm ra tất cả những của cải của chúng ta. Khi nghe Ngài nói, tôi bắt đầu xem xét có nhiều người tham gia làm cái áo sơ mi của tôi. Tôi bắt đầu tưởng tượng đến người nông dân trồng bông. Kế tiếp người bán máy cầy cho người nông dân cầy ruộng. Rồi vì việc đó hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn người tham gia làm máy cày, gồm có người khai quặng để chế tạo các bộ phận bằng kim loại của xe máy cày và tất cả những người thiết kế máy cày. Rồi đương nhiên, người làm bông, người dệt, người cắt, người nhuộm, người may. Những người vận chuyển và tài xế xe tải giao áo đến tiệm, và người bán hàng bán cho tôi. Tôi chợt hiểu, hầu như mọi khía cạnh trong đời tôi xẩy ra đều là do nỗ lực của nhiều người. Sự tự lực quý giá cùa tôi hoàn toàn là một ảo tưởng, một ý nghĩ kỳ quặc. Khi sự nhận thức này bừng sáng trong tôi, tôi bị chinh phục bởi ý nghĩa sâu xa của sự liên kết và tùy thuộc lẫn nhau trong tất cả chúng sinh. Tôi cảm thấy dịu đi. Một điều gì đó; tôi không biết. Điều ấy làm tôi muốn khóc.


SỰ RIÊNG TƯ


Chúng ta cho rằng cần phải vì người khác là nghịch lý. Cùng lúc văn hóa của chúng ta bị hút vào sự tận dương tính độc lập cao độ, chúng ta cũng mong mỏi sự riêng tư và mối liên hệ với người yêu đặc biệt nào đó. Chúng ta tập trung tất cả năng lực vào việc tìm kiếm một người với hy vọng có thể chữa cho ta khỏi cô đơn tuy vẫn chống đỡ cho ảo tưởng là chúng ta vẫn độc lập. Tuy mối liên hệ này rất khó để đạt được thấm chí chỉ một người, nhưng tôi thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma có khả năng và giữ được sự thân mật với thật nhiều người mà Ngài có thể. Thực tế mục đích của Ngài là liên kết với mọi người.


Gặp Ngài trong một phòng khách sạn tại Arizona vào một buổi xế chiều, tôi bắt đầu "Trong buổi nói chuyện truớc công chúng chiều qua, Ngài nói đến tầm quan trọng của những người khác, mô tả họ là Phước Điền Công Đức. Nhưng khi quan sát sự quan hệ với người khác, thực sự là có rất nhiều cách khác nhau dính dáng với nhau, nhiều loại quan hệ khác nhau ..."


"Rất đúng " Ngài nói.


"Chẳng hạn có một loại quan hệ hết sức được chuộng ở Phương Tây", tôi nhận xét " Đó là quan hệ có đặc điểm là mức riêng tư sâu giữa hai người, một người đặc biệt để chia sẻ cảm nghĩ thầm kín nhất, nỗi sợ hãi và vân vân...Người ta cảm thấy, nếu không có loại quan hệ ấy, họ sẽ thấy một điều gì thiếu thốn trong cuộc đời của họ. Thực ra, phép chữa bệnh bằng tâm lý thường tìm cách giúp đỡ người ta biết cách phát triển loại quan hệ riêng tư này."


"Vâng, tôi tin là loại riêng tư này có thể được nhìn nhận là tích cực". Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý." Tôi nghĩ rằng người bị tước đoạt loại riêng tư ấy có thể dẫn đến những vấn đề".


"Tôi chỉ băn khoăn là ..." Tôi tiếp tục " khi Ngài lớn lên tại Tây Tạng, Ngài không những được coi như một ông vua mà còn được coi như một vị thánh. Tôi cho rằng dân chúng kinh sợ Ngài, có lẽ thấm chí là một chút bồn chồn lo lắng hay sợ hãi đứng trước mặt Ngài. Điều đó không tạo ra sự cách biệt cảm xúc nào đó với người khác chứ, cảm giác bị lẻ loi ? Ngoài ra Ngài cũng bị xa gia đình, được nuôi dưỡng như một nhà sư từ nhỏ, và là một nhà sư chưa bao giờ lấy vợ và vân vân... tất cả những sự việc ấy có góp phần vào cảm giác cách biệt với người khác không? Có bao giờ Ngài cảm thấy mất cơ hội phát triển mức độ riêng tư cá nhân sâu hơn đối với người khác, hay với một người đặc biệt nào đó, như vợ chồng?


Không chút ngập ngừng, Ngài trả lời:"Không. Không bao giờ tôi cảm thấy thiếu riêng tư. Đương nhiên, cha tôi mất đã nhiều năm qua, nhưng tôi cảm thấy rất gần gũi với mẹ tôi, các vị thầy của tôi, các gia sư của tôi, và nhiều người khác. Và với nhiều trong số những người ấy, tôi có thể chia sẽ cảm nghĩ sâu xa nhất, sợ hãi và lo lắng. Khi tôi ở Tây Tạng, vào những dịp lễ lớn trong nước hay công cộng, có một số thủ tục, một số nghi thức, nghi lễ ngoại giao được cử hành nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Có những lần, thí dụ, tôi thường xuống bếp và trở nên hết sức gần gũi với những người làm bếp và chúng tôi có thể đùa rỡn hay to nhỏ chuyện tầm phào, hay chia sẻ những sự việc, và như vậy rất thoải mái không có chút nghi thức nào hay cách biệt.


Cho nên, khi tôi ở Tây Tạng hay từ khi tôi trở thành người tị nạn, tôi không bao giờ cảm thấy thiếu người mà tôi có thể chia sẻ mọi sự. Tôi nghĩ rằng nhiều việc liên quan đến bản tính của tôi.Với tôi chia sẻ sự việc với người khác rất dễ dàng, tôi không giữ bí mật tốt lắm đâu? Ngài cười" Đương nhiên đôi khi nó có thể là một điều tiêu cực. Thí dụ, có thể là một số thảo luận nào đó trong Kashag (Nội Các của Chính Phủ Lưu Vong Tây Tạng). Về những việc mật, tôi đem thảo luận ngay những việc ấy với người khác. Nhưng trên mức độ cá nhân, cởi mở và chia sẻ mọi sự sẽ rất lợi ích. Vì có bản tính như vậy, tôi có thể kết bạn một cách dễ dàng hơn, không phải là vấn đề biết người và có sự trao đổi bề ngoài mà thực sự là chia sẻ những vấn đề sâu kín nhất và đau khổ sâu xa của tôi. Và cũng như vấy khi tôi nghe được tin vui, tôi cũng chia sẻ ngay với người khác. Cho nên tôi cảm nhận thấy sự riêng tư và mối liên hệ với bạn bè. Đương nhiên, đôi khi đối với tôi thiết lập mối liên hệ với người khác thật dễ dàng vì thường thường họ rất sung sướng chia sẻ những khổ đau và niềm vui của họ với Vị Lạt Ma, 'Đức Tối Thượng Đạt Lai Lạt Ma'. Ngài lại cười, làm sáng tỏ tước vị của Ngài." Dù sao, tôi cũng cảm nhận thấy mối liên hệ, sự chia sẻ với nhiều người. Chẳng hạn, trong quá khứ, nếu tôi cảm thấy thất vọng hay không hài lòng với đường lối chính trị của Chính Phủ Tây Tạng, hay tôi quan ngại về một số vấn đề, cả đến sự đe dọa xâm lăng của Trung Quốc, thì tôi trở về phòng và chia sẻ những việc ấy với người quét phòng. Theo một điểm nào đó, có lẽ dường như đúng là ngớ ngẩn trước con mắt của một số người khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đứng đầu Chính Phủ Tây Tạng, đang đương đầu với những vấn đề quốc tế và quốc gia mà lại chia sẻ những chuyện này với một người quét nhà." Ngài lại cười nữa."Nhưng về mặt cá nhân tôi cảm thấy rất hữu ích vì lẽ những người khác tham dự và chúng ta cùng đương đầu với khó khăn hay đau khổ."


MỞ RỘNG VIỆC XÁC ĐỊNH VỀ SỰ RIÊNG TƯ


Hầu hết tất cả những nhà nghiên cứu trong lãnh vực quan hệ con người đều đồng ý riêng tư là trung tâm của cuộc sống. Nhà tâm lý học người Anh có nhiều ảnh hưởng tên John Bowlby viết:"Sự gắn bó riêng tư với những người khác là trung tâm mà cuộc sống của một con người xoay quanh nó... Từ sự gắn bó riêng tư này người ta giành được sức mạnh và niềm vui cuộc sống, qua những gì người đó đóng góp, người đó mang lại sức mạnh và niềm vui cho người khác. Đó là những vấn đề mà khoa học hiện đại và trí tuệ truyền thống nhất trí."


Rõ ràng là sự riêng tư thúc đẩy cả hạnh phúc thể chất lẫn tâm lý. Nhìn vào lợi ích sức khỏe trong sự quan hệ riêng tư, những nhà nghiên cứu y học thấy người có tình bạn thân, người mà họ tìm đến để được xác quyết, đồng cảm, và thương yêu rất có khả năng vượt những thách thức về sức khỏe như đau tim, những ca giải phẫu nghiêm trọng, và ít bị những chúng bệnh như ung thư hay bị lấy về hô hấp. Thí dụ trong một công cuộc nghiên cứu trên một ngàn bệnh nhân đau tim tại Trung Tấm Y Khoa Đại Học Duke thấy rằng những người không có chồng hoặc vợ hay bạn tâm tình thân tín có khả năng tử vong gấp ba lần trong vòng năm năm khi chẩn đoán bị đau tim so với những người có vợ chồng hay bạn thân. Một cuộc nghiên cứu khác hàng ngàn người cư dân tại Quận Alameda, California, trong suốt thời kỳ chín năm cho thấy những người có hậu thuẫn xã hội và quan hệ riêng tư có tỷ lệ tử vong chung thấp hơn và tỷ lệ bệnh ung thư cũng thấp hơn. Một cuộc nghiên cứu hàng trăm người cao niên tại Đại Học Y Khoa tại Nebraska cho thấy những người có sự quan hệ riêng tư có chức năng miễn dịch tốt hơn và mức độ cholesterol thấp hơn. Trong khoảng thời gian mấy năm vừa qua, đã có nửa tá những cuộc điều tra nghiên cứu rộng rãi của một số các nhà nghiên cứu khác nhau nhắm vào sự tương quan giữa sự riêng tư và sức khỏe. Sau khi phỏng vấn hàng ngàn người, tất cả những người điều tra nghiên cứu đều đi đến một kết luận chung: Quan hệ mật thiết thực tế làm tăng thêm sức khỏe.


Sự riêng tư cũng quan trọng như việc duy trì tình trạng cảm xúc lành mạnh. Nhà phân tích tâm lý và triết học xã hội Erich Fomm cho rằng sự sợ hãi căn bản nhất của loài người là sự đe dọa bị tách khỏi những người khác. ông tin rằng kinh nghiệm về tính riêng biệt, lần đầu vấp phải trong thời kỳ thơ ấu, là nguồn gốc của tất cả những lo ấu trong đời sống con người. John Bowlby đồng ý, khi viện dẫn nhiều bằng chứng và nghiên cứu thực nghiệm hậu thuẫn cho khái niệm xa cách người chăm sóc - thường là mẹ hay cha- trong nửa cuối năm đầu tiên của cuộc đời, không thể tránh khỏi tạo ra sợ hãi và buồn bã nơi đứa trẻ. ông cảm thấy chia lìa và sự mất mát giữa cá nhân với cá nhân nằm ở chính nguồn gốc kinh nghiệm của con người về sợ hãi, buồn bã, và phiền muộn.


Vậy thì căn cứ vào tầm quan trọng sống còn của sự riêng tư, làm sao chúng ta bố trí để đạt được sự riêng tư trong đời sống hàng ngày? Theo cách giải quyết của Đúc Đạt Lai Lạt Ma phác họa ở Chương trước, dường như hợp lý là bắt đầu bằng học tập - hiểu được sư riêng tư là gì, tìm một định nghĩa và kiểu mẫu về sự riêng tư có thể thực hành được Tuy nhiên chờ khoa học trả lời, xem ra có vẻ là chỗ sự đồng ý kết thúc mặc dù có sự đồng ý chung giữa những người nghiên cứu về tầm quan trọng của sự riêng tư. Có lẽ nét nổi bật nhất, trong khi điểm lại các nghiên cứu về sự riêng tư là tình trạng định nghĩa và lý thuyết về sự riêng tư chính xác là thế nào rất khác xa nhau.


Ở phía quan điểm cụ thể nhất là tác giả Desmond Morris, ông viết về sự riêng tư từ một cái nhìn của một nhà động vật học được đào tạo về hoạt động động vật. Trong cuốn sách của ông, Hoạt Động Riêng Tư, Morris định nghĩa sự riêng tư: "Muốn được riêng tư có nghĩa là gần gũi... Theo tôi, hành động trong sự riêng tư xẩy ra khi hai cá nhân đi vào tiếp xúc thân thể". Sau khi định nghĩa sự riêng tư bằng sự tiếp xúc hoàn toàn thể chất, ông tiếp tục khảo sát vô số phương cách mà con người tiếp xúc thể chất với nhau, từ cái vỗ lưng mộc mạc đến cái ôm khiêu dấm. ông thấy sự đụng chạm là phương tiện để chúng ta an ủi lẫn nhau và được an ủi qua những cái ôm chặt hay vỗ tay, khi chúng ta không dùng được những cách đó, có những phuơng cách gián tiếp về sự tiếp xúc thể chất như cắt sửa móng tay. ông cũng lý luận rằng những sự tiếp xúc thể chất với những vật thể chung quanh ta từ điếu thuốc lá tới đồ trang sức, tới cái giường có đệm nước, hoạt động thay thế cho sự riêng tư.


Hầu hết những người điều tra nghiên cứu không định nghĩa cụ thể về sự riêng tư, nhưng đống ý sự riêng tư không chỉ là sự gần gũi vật chất. Nhìn vào gốc từ riêng tư, từ tiếng La Tinh intima có nghĩa là "bên trong" hay ở "tận trong cùng", hầu như họ thường tán thành một định nghĩa rộng hơn, như một định nghĩa của Tiến Sĩ Dan MacAdams, tác giả của một số sách về đề tài riêng tư: Sự ham thích riêng tư là ham thích chia sẻ cái thầm kín nhất của mình với một người khác".


Nhung định nghĩa về sự riêng tư không dừng ở đó. Ở phía quan điểm đối lập với Desmond Morris là các nhà chuyên gia như nhóm tinh thần cha/con, các bác sĩ Thomas Patrick Malone và Patrick Thomas Malone. Trong cuốn sách của họ, Nghệ Thuật về Sự Riêng Tư, họ định nghĩa sự riêng tư là "kinh nghiệm về tính liên hệ". Sự am hiểu về riêng tư của họ bắt đầu với việc khảo sát kỹ lưỡng về "tính liên hệ" của chúng ta với người khác, tuy nhiên, họ không giới hạn quan niệm riêng tư vào quan hệ con người. Định nghĩa của họ quá rộng, thực ra, nó gồm cả sự quan hệ của ta với các vật vô tri - cấy cối, tinh tú, và cả không gian.


Những khái niệm về trạng thái riêng tư lý tưởng nhất cũng khác nhau khắp trên thế giới và lịch sử. Khái niệm lãng mạn về"Người Đặc Biệt" mà chúng ta có mối quan hệ riêng tư say đắm là sản phẩm của thời gian và văn hóa của chúng ta. Nhưng mẫu riêng tư này không được mọi người chấp nhận trong tất cả những nền văn hóa. Chẳng hạn, người Nhật dường như dựa nhiều vào tình bằng hữu để có được sự riêng tư, trong khi người Mỹ tìm nó trong quan hệ lãng mạn với bạn trai, bạn gái, hay người hôn phối. Nhận thấy vấn đề này, một số các nhà nghiên cứu cho rằng người Á Đông là những người ít khi nhắm vào cảm nghĩ cá nhân thí dụ như say mê và quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh thực tiễn của sự gắn bó xã hội, hình như ít bị tổn thương trước sự vỡ mộng dẫn đến sự tan rã mối quan hệ.


Thêm vào những khác nhau giữa những nền văn hóa, khái niệm về sự riêng tư cũng thay đổi một cách đột ngột theo thời gian. Trước đây tại thuộc địa Mỹ, mức độ về sự riêng tư vật chất và quan hệ gần gũi thường lớn hơn bây giờ, khi gia đình và kể cả những người lạ cùng chia sẻ một khoảng không gian nhỏ, ngủ cùng trong một căn phòng, dùng một phòng chung, để tắm, ăn và ngủ. Tuy nhiên mức giao tiếp thông thường giữa vợ chồng đúng là có nghi thức chuẩn mực như ngày nay - không khác biệt nhiều so với cách làm quen biết hay cách láng giềng nói chuyện với nhau. Chỉ ở thế kỷ sau đó, tình yêu và hôn nhân trở nên lãng mạn cao độ và sự tự bộc lộ chuyện riêng tư được cho là chất liệu cho bất cứ sự liên kết tình yêu nào.


Những khái niệm được coi là cách ứng xử riêng tư và thân mật cũng thay đổi theo thời gian. Ở thế kỷ thứ 16 tại Đức chẳng hạn, nột cặp chồng mới được yêu cầu qua đêm tân hôn trên một cái giường do những người làm chứng khiêng, những người sẽ công nhận giá trị của hôn nhân.


Cách bày tỏ cảm xúc cũng đã thay đổi. Vào thời Trung Cổ, bày tỏ công khai rộng rãi cảm nghĩ với cường độ mạnh mẽ và trực tiếp - niềm vui, giận dữ, sợ hãi, lòng mộ đạo, thậm chí vui thú hành hạ và giết kẻ địch được coi là bình thường. Bày tỏ sự thái quá tiếng cười cuồng loạn, khóc lóc thảm thiết và cuồng bạo hơn được chấp nhận trong xã hội chúng ta. Nhưng sự bày tỏ cảm xúc và cảm nghĩ tầm thường trong xã hội ấy đã không chấp nhận khái niệm xúc cảm riêng tư, nếu phơi bày tất cả những cảm xúc một cách công khai và bừa bãi, thì không còn có cảm nghĩ riêng tư nào còn lại để biểu lộ cho một số ít người đặc biệt.


Rõ ràng những khái niệm mà ta đương nhiên cho là sự riêng tư không phải là phổ thông. Chúng thay đổi theo thời gian và thường được hình thành do hoàn cảnh kinh tế, xã hội và văn hóa. Rất dễ bị nhầm lẫn bởi hàng loạt định nghĩa khác nhau về sự riêng ở Phương Tây đương đại - biểu hiện từ kiểu cắt tóc đến mối quan hệ của ta với những vầng trăng của Sao Hải Vương (Neptune). Vậy nên, vấn đề này để chúng ta ở vị trí nào trong khi tìm hiểu thế nào là sự riêng tư? Tôi nghĩ sự hàm ý rất rõ ràng.


Con người có nhiều vẻ khác nhau lạ kỳ giữa trong đời sống, những sự thay đổi vô hạn về cách con người trải nghiệm cảm giác gần gũi thân mật. Chỉ riêng hiểu biết này đã cho chúng ta cơ hội lớn. Có nghĩa là vào chính lúc này chúng ta đã có luôn nguồn vui to lớn về sự riêng tư. Sự riêng tư hoàn toàn ở quanh ta.


Ngày nay quá nhiều người bị đè nặng bởi cảm thấy thiếu điều gì đó trong đời sống, quá đau khổ vì thiếu riêng tư. Điều này đặc biệt đúng khi trải qua những thời kỳ không thể tránh được trong cuộc sống mà chúng ta lại không để tâm đến mối quan hệ lãng mạn nào, hay khi sự đam mê tàn đi trong quan hệ. Có một khái niệm phổ biến trong văn hóa chúng ta là sự riêng tư sâu sắc đạt được hiệu quả nhất trong bối cảnh có mối quan hệ lãng mạn say đắm - Người Đặc Biệt nào đó mà chúng ta nâng cao hơn tất cả những người khác. Điều này có thể là một quan điểm giới hạn sâu xa, tách chúng ta khỏi những suối nguồn riêng tư tiềm tàng và là nguyên nhân của nhiều thống khổ và bất hạnh phúc khi Người Đặc Biệt đó không ở đây. Nhưng trong phạm vi khả năng của chúng ta có những phuong tiện để tránh điều này, chỉ cần chúng ta phải có can đảm mở rộng khái niệm riêng tư gồm cả tất cả những hình thái khác chung quanh chúng ta trên cơ sở hàng ngày. Bằng cách mở rộng định nghĩa về sự riêng tư, chúng ta tự bộc lộ để khám phá những cách thức mới và đủ vừa ý về sự quan hệ với người khác. Điều này mang chúng ta trở lại cuộc thảo luận đầu tiên về sự cô đơn với Đức Đạt Lai Lạt Ma, bật ra cuộc thảo luận bởi việc ngẫu nhiên đọc kỹ "Mục Việc Riêng" trên tờ báo địa phương, làm cho tôi băn khoăn. Vào đúng lúc những người ấy viết lời quảng cáo, vật lộn tìm ra đúng chữ để đưa lãng mạn vào đời sống và chấm dứt cô đon; bao nhiêu người trong số những người ấy đã được bạn bè, gia đình hay người quen xung quanh - những quan hệ được vun đắp thành quan hệ riêng tư đủ sâu sắc và đích thực ? Nhiều, tôi đoán chừng. Nếu điều mà ta tìm cầu trong đời sống là hạnh phúc, và sự riêng tư là thành tố quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc hơn thì rõ ràng là nó làm cho đời sống có ý nghĩa trên cơ sở kiểu riêng tư bao gồm càng nhiều hình thái liên kết với người khác càng tốt. Kiểu riêng tư của Đức Đạt Lai Lạt Ma căn cứ trên trên thiện chí bộc lộ mình với nhiều người khác, với gia đình, bè bạn và cả đến những người lạ, hình thành sự gắn bó chân thật và sâu xa căn cứ vào bản chất thông thường của con người. 




CHƯƠNG 7 - GIÁ TRỊ VÀ LỢI ÍCH CỦA TỪ BI



ĐẶC ĐIỂM CỦA TỪ BI


Khi các cuộc thảo luận của chúng tôi tiếp diễn, tôi khám phá thấy sự phát triển từ bi đóng một vai trò trong cuộc đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma lớn hơn chỉ là phương tiện để trau dồi cảm nghĩ nhiệt tình và tình cảm, một phuơng tiện cải thiện mối quan hệ với người khác. Thực ra rõ ràng, là với tư cách một người Phật Tử đang tu hành, phát triển lòng từ bi là một phần tối thiết trên con đường huân luyện tinh thần của Ngài.


"Vì tầm quan trọng đó mà Phật Giáo coi từ bi là một phần thiết yếu trong việc phát triển tinh thần", tôi hỏi" Ngài có thể định nghĩa rõ ràng hơn cái mà Ngài gọi là từ bi?


Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, "Từ bi có thể định nghĩa đại thể là trạng thái tâm không dùng bạo lực, không làm hại ai, và không hiếu chiến. Đó là một quan điểm tinh thần căn cứ vào sự mong muốn người khác thoát khỏi khổ đau, và kết hợp với ý thức tận tâm, trách nhiệm và tôn trọng đối với người khác. "Bàn đến định nghĩa về từ bi, tiếng Tây Tạng từ Tse-wa cũng có nghĩa là trạng thái tâm bao gồm một sự mong ước điều tốt lành cho chính mình. Trong việc phát triển từ bi, ta có thể bắt đầu bằng mong ước cho chính mình thoát khỏi khổ đau, và rồi thì đem cảm nghĩ tự nhiên này hướng về chính mình, trau dồi và nâng cao nó, mở rộng nó ra cho cả những người khác.


"Bây giờ, khi người ta nói đến từ bi, tôi nghĩ rằng thường có nguy cơ lầm lẫn tình thương với lòng quyến luyến. Cho nên khi thảo luận về từ bi, trước tiên chúng ta phải phân biệt hai loại thương yêu hay tình thương. Một loại tình thương nhuốm màu luyến ái - cảm tưởng kiểm soát ai đó, hay thương yêu một người nào đó để người đó yêu lại mình. Loại thương yêu hay tình thương thông thường này khá không công bằng và thiên vị. Và sự quan hệ chỉ dựa vào điều đó không vững bền. Loại quan hệ thiên vị dựa vào quan sát và nhận biết người đó là bạn, có thể dẫn đến một sự gắn bó cảm xúc nào đó và cảm nghĩ muốn gần gũi. Nhưng trong tình trạng ấy chỉ cần nếu có một sự thay đổi nhỏ như bất hòa, hay người bạn làm điều gì đó khiến cho bạn tức giận, thì đột nhiên tất cả dự định tinh thần đều thay đổi, khái niệm"bạn tôi" không còn nữa. Rồi bạn sẽ thấy sự gắn bó cảm xúc đó tan biến, và thay vì cảm giác thương yêu và lo lắng, bạn có cảm nghĩ căm ghét. Cho nên loại tình yêu dựa vào sự quyến luyến, có thể dính chặt chẽ với hận thù.


"Nhưng có một loại từ bi thứ hai không có sự gắn bó quyến luyến như thế. Đó là từ bi chân chính. Loại từ bi này không dựa nhiều vào việc người này hay người kia thân mật với tôi. Đúng hơn là, từ bi chân chính dựa vào nhân tố căn bản là tất cả mọi người đều có một ham thích bẩm sinh muốn hạnh phúc và khắc phục khổ đau, giống như chính tôi. Và cũng giống như chính tôi, tự nhiên họ có quyền thực hiện nhiệm vụ khao khát căn bản này. Trên cơ sở công nhận định sự bình đẳng và tính phổ biến của con người, bạn phát triển ý thức quan hệ và gần gũi với người khác. Trên cơ sở đó, bạn cảm thấy từ bi dù bạn nhìn người khác là bạn hay thù cũng vậy. Nó căn cứ trên quyền căn bản của con người hơn là dự tính tinh thần riêng của bạn. Trên cơ sở đó, bạn tạo ra tình thương và từ bi. Đó là từ bi chân chính.


"Vậy ta có thể thấy cách phân biệt giữa hai loại từ bi này và trau dồi từ bi chân chính rất là quan trọng trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn, trong hôn nhân thường có thành phần gắn bó tình cảm luyến ái. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu có thành phần từ bi chân chính, dựa vào vào sự tôn trọng lẫn nhau như hai con người, hôn nhân sẽ lâu dài. Trong trường hợp gắn bó tình cảm không có từ bi, hôn nhân không vững vàng bằng và có thể chấm dứt mau chóng hơn ".


Ý định phát triển một loại từ bi khác, phổ quát hơn, một loại từ bi có đặc điểm chung là tách khỏi cảm nghĩ cá nhân, dường như giống một nhiệm vụ quá nặng. Đắn đo như thể nói ra, tôi hỏi,"Nhưng tình yêu và từ bi là cảm nghĩ chủ quan. Dường như sắc thái tình cảm hay cảm nghĩ về tình yêu và từ bi thì cũng như nhau dù chúng có pha chút luyến ái hay "chân thành". Vậy nếu một người kinh qua cùng một cảm xúc hay cảm nghĩ giống như thế trong cả hai loại, tại làm sao phân biệt giữa hai loại lại quan trọng?


Bằng một giọng dứt khoát, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời, "Trước nhất tôi nghĩ rằng nét khác biệt giữa cảm nghĩ thương yêu chân chính hay từ bi và thương yêu căn cứ vào sự gắn bó. Nó không phải là cảm nghĩ giống nhau. Cảm nghĩ về từ bi chân chính mạnh mẽ hơn và rộng lớn hơn nhiều, nó có đặc tính rất sâu sắc. Ngoài ra tình yêu và từ bi chân chính vững vàng hơn nhiều và đáng tin cậy hơn. Thí dụ nếu bạn nhìn thấy một con vật đang bị đau đớn hết sức như con cá đang quằn quại vì lưỡi câu, cùng lúc bạn có thể có cảm nghĩ không thể chịu đựng được cái đau đớn như con cá đó. Cảm nghĩ đó không căn cứ vào mối liên tưởng đặc biệt nào đến riêng con vật đó, một cảm nghĩ, "Ô, con vật đó là bạn tôi". Trong trường hợp đó lòng từ bi của bạn chỉ dựa vào sự thật là chúng sanh cũng có cảm giác đớn đau, và có quyền không chịu cái đau đớn như vậy. Cho nên loại từ bi này không hòa lẫn với ham thích và luyến ái, có cơ sở hơn, và lâu bền hơn."


Đi sâu vào chủ đề từ bi, tôi tiếp tục: "Bây giờ theo thí dụ của Ngài khi nhìn thấy một con cá hết sức đau đớn vì lưỡi câu móc trong miệng nó, Ngài đã nêu ra vấn đề chính yếu - liên quan đến cảm nghĩ không thể chịu đựng được cái đau đớn của con cá"


"Đúng" Ngài trả lời."Thực ra, trong một ý nghĩa nào đó ta có thể định nghĩa từ bi là cảm nghĩ không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy người khác khổ đau, những chúng sanh khác khổ đau. Và để tạo ra cảm nghĩ ấy ta phải cảm nhận tính chất nghiêm trọng hay trạng thái đau khổ của người khác. Vì vậy, tôi nghĩ là càng thấu triệt sự đau khổ, các loại đau khổ mà chúng ta phải chịu, thì mức độ từ bi càng sâu ".


Tôi đưa ra câu hỏi: "Được, tôi đánh giá cao sự thật là càng nhận thức được khổ đau của người khác có thể nâng cao khả năng có tâm từ bi. Thực ra, theo định nghĩa, từ bi đòi hỏi mở rộng lòng mình trước sự khổ đau của người khác. Chia sẻ nỗi khổ đau của người khác. Nhưng có một câu hỏi căn bản hơn: Tại sao chúng ta chạnh lòng trước cái khổ đau của người khác mà lại không quan ngại đến khổ đau của chính chúng ta? Tôi muốn nói là đa số chúng ta sẵn sàng làm mọi việc để tránh cái đau đớn và khổ đau của chính mình, thậm chí đến chỗ dùng ma túy vân vân... Tại sao chúng ta lại cố ý quan tâm đến khổ đau của người khác?


Không chút ngập ngừng, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Tôi nghĩ rằng có sự khác biệt quan trọng giữa cái khổ đau của chính mình và cái khổ đau mà bạn có thể nếm trải trong trái thái từ bi khi bạn quyết định chia sẻ niềm đau của người khác - khác biệt trong tính chất". Ngưng một chút, và như thể là dễ dàng nhằm vào cảm nghĩ riêng tư của tôi, Ngài tiếp tục: "Khi bạn nghĩ về đau khổ của chính bạn, bạn có cảm giác hoàn toàn bị lân áp. Có cảm giác nặng trĩu, bị cái gì đó dồn ép - một cảm tưởng bất lực. Có một sự buồn nản, cứ như thể là tất cả năng lực của bạn đã trở thành tê liệt.


"Bây giờ, để tạo ra lòng từ bi, khi bạn nhận lấy cái khổ đau của người khác, bước đầu bạn cũng có thể thấy khó chịu ở một mức độ nào đó, một cảm giác bực bội hay không chịu đựng nổi. Nhưng trong trường hợp có lòng từ bi, cảm giác lại khác hẳn., bên dưới cảm nghĩ khó chịu là tính hoạt bát quyết tâm ở mức độ rất cao vì bạn tự nguyện và chủ ý chấp nhận cái khổ đau của người khác vì mục đích cao cả hơn. Bạn sẽ thấy liên đới và ràng buộc, chìa tay ra giúp người khác, một cảm giác sảng khoái chứ không buồn nản. Giống như người lực sĩ trong khi tập luyện nghiêm ngặt, người lực sĩ phải trải qua nhiều thứ - lập kế hoạch, đổ mồ hôi, gắng sức. Tôi nghĩ rằng nếm trải điều đó đúng là khó nhọc và mất nhiều công sức Nhưng người lực sĩ không coi đó là sự nếm trải khổ đau. Người lực sĩ hiểu điều đó là một thành quả to lớn, mộtsự nếm trải liên kết với cảm giác vui sướng. Nhưng nếu cũng con người ấy phải làm công việc lao động thân thể không phải là một phần tập luyện thể thao, thì người lực sĩ ấy sẽ nghĩ rằng: "Ồ, tại sao tôi phải chịu sự thử thách khủng khiếp này?" Vì vậy, thái độ tinh thần gây ra sự khác biệt to lớn."


Những lời nói đó, được nói bằng sự quả quyết như vậy, đã kéo tôi ra khỏi cái cảm giác bị đè nén thành người tìm cách giải quyết khổ đau, vượt qua khổ đau.


"Ngài nói bước thứ nhất trong việc tạo ra loại từ bi đó là cảm nhận đúng sự khổ đau. Nhưng có kỹ thuật đặc biệt nào khác trong Phật Giáo dùng để nâng cao lòng từ bi của một con người không?


"Có. Thí dụ trong truyền thống của Đại Thừa Phật Giáo, chúng tôi thấy có hai loại kỹ thuật chính để trau dồi từ bi. Chúng là phương pháp "bẩy điểm nhân và quả" và phương pháp quan điểm và bình đẳng giữa ta và người" Phương pháp "quan hệ và bình đẳng là kỹ thuật bạn có thể tìm thấy tại chương tám trong cuốn "Chỉ dẫn về lối sống của Bồ Tát" của Shantideva. Nhưng, nhìn vào đồng hồ tay của Ngài, Ngài thấy đã hết giờ, Ngài nói " Tôi nghĩ chúng ta sẽ thực hành một vài bài tập hay thiền định về từ bi trong các cuộc nói chuyện trước công chúng vào cuối tuần này.


Nói xong, Ngài mỉm cười nồng hậu và đứng lên chấm dứt cuộc thảo luận.


GIÁ TRỊ THỰC SỰ CỦA ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI


Tiếp tục thảo luận về từ bi trong buổi gặp sau đó, tôi bắt đầu: "Bây giờ chúng ta đang nói về tầm quan trọng của từ bi", về niềm tin mà Ngài cho rằng tình cảm con người, thân thiện, tình bạn, và vân vân... là những diều kiện tối thiết cho hạnh phúc. Nhưng tôi băn khoăn - thí dụ, một thương gia giàu có đến gặp Ngài và nói " Thưa Ngài, Ngài nói rằng muốn hạnh phúc thì thân thiện và từ bi là rất quyết định. Nhưng bản tính của tôi không phải là người ân cần và dễ thương. Thành thực mà nói, tôi thực sự không cảm thấy động lòng hay có lòng vị tha. Tôi có khuynh hướng đúng hơn là người khá lý trí, thực tiễn và có lẽ là một người trí thức, và không cảm thấy những loại xúc cảm như vậy. Tuy nhiên tôi cảm thấy dễ chịu về cuộc sống của tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc về điều kiện sống của tôi. Tôi rất thành công trong thương mại, bạn hữu, và tôi chu cấp đầy đủ cho vợ con, và tôi có mối quan hệ tốt với họ. Tôi không cảm thấy thiếu thốn gì. Phát triển từ bi, vị tha, ân cần và vân vân nghe có vẻ hay lắm, nhưng với tôi vấn đề ấy là thế nào? Dường như chỉ là quá ủy mị..."


"Trước hết" Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời " nếu ai đó nói điều đó, tôi vẫn còn ngờ rằng liệu người ấy có thực sự hạnh phúc trong thực tế không. Tôi thật sự tin là từ bi cung cấp cơ sở cho sự sinh tồn của con người, giá trị thực sự của đời sống con người, không có điều đó sẽ thiếu một bộ phận căn bản. Hết sức nhậy cảm trước cảm nghĩ của người khác là một yếu tố của thương yêu và từ bi. và không có nó, thí dụ, tôi nghĩ người đó gặp khó khăn trong quan hệ với vợ. Nếu một người thực sự có thái độ lãnh đạm đối với đau khổ và cảm nghĩ của người khác, dù cho là tỷ phú, có học vân, không có vấn đề gì với vợ và con, và được quấy quần bởi bạn bè, những thương gia giàu có, chính trị gia, và những nhà lãnh đạo quốc gia, tôi nghĩ bất chấp những thứ đó, hiệu quả của tất cả những thứ tích cực đó chỉ ở trên trên bề mặt.


Nhưng nếu người đó vẫn tiếp tục không cảm thấy từ bi, không cảm thấy thiếu thốn gì ...thì có thể là có chút khó khăn giúp cho người ấy hiểu được sự quan trọng của từ bi..."


Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại hồi lâu để suy nghĩ. Thỉnh thoảng ngừng lại trong suốt những buổi đàm đạo, không tạo sự im lặng khó xử nào, mà đúng hơn là những lúc ngừng lại này giống như lực hấp dẫn, thấu thập thêm sức thuyết phục và ý nghĩa cho những lời của Ngài khi cuộc đàm đạo tiếp nối trở lại.


Cuối cùng Ngài tiếp tục, "Tuy nhiên cho dù là đúng, vẫn có một vài điều mà tôi cần lưu ý. Trước nhất, tôi có thể gợi ý cho người đó suy nghĩ về kinh nghiệm của chính mình. Người ấy sẽ thấy rằng nếu có một người nào đó đối xử với mình bằng lòng từ bi và tình cảm, điều đó sẽ làm cho người ấy cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy nên trên cơ sở kinh nghiệm ấy, nó sẽ giúp cho người ấy nhận ra rằng người khác cũng cảm thấy vui khi được đối xử ân cần và từ bi. Cho nên, công nhận sự việc này sẽ làm cho người ấy tôn trọng hơn nữa độ nhậy cảm xúc của người khác và làm cho người ấy thiên về việc đem từ bi và ân cần đến cho người khác. Đồng thời người ấy khám phá ra rằng mình càng ân cần với người khác bao nhiêu thì mình lại càng nhận được nhiều ân cần bây nhiêu. Tôi không nghĩ rằng phải mất nhiều thời gian người đó mới nhận thức ra điều đó. Thành thử, điều này trở thành cơ sở cho tình bạn và sự tin cậy lẫn nhau. "Bây giờ, giả dụ người này có tất cả những điều kiện thuận lợi cụ thể này, thành công trong đời, bạn hữu xum vầy, tài chính bảo đảm, và vân vân..., tôi nghĩ thấm chí có thể là gia đình con cái đều nương tựa vào người ấy và hồ như thỏa mãn vì người ấy thành công, và họ có nhiều tiền bạc và một cuộc sống sung túc. Tôi nghĩ rằng ở mức độ nào đó thậm chí không cần có cảm xúc ân cần và tình cảm của con người, người ấy không nếm mùi cảm giác thiếu thốn. Nhưng nếu người ấy cảm thấy mọi thứ đều ổn thỏa, không thực sự cần phát triển từ bi, tôi cho rằng cách nhìn đó là do vô minh và thiển cận. Dù cho có vẻ là những người khác phải nương nhờ vào người ấy khá nhiều, trên thực tế những gì đang xẩy ra là quá nhiều quan hệ hay tác động qua lại của những người đó với người ấy chỉ căn cứ trên sự nhận thức rằng người ấy là nguồn thành công giàu có. Họ có thể chịu ảnh hưởng bởi của cải và quyền thế của người ấy và chỉ liên hệ vói người ấy về những thứ đó chứ không phải là chính người ấy. Cho nên trong một ý nghĩa nào đó, mặc dầu họ không nhận được sự ân cần và tình cảm của người ấy, nhưng họ vẫn bằng lòng, và có thể không mong muốn gì hơn nữa. Nhưng điều gì sẽ xẩy ra khi cơ đồ của người ấy bị sa sút, lúc ấy cơ sở của sự quan hệ sẽ suy yếu. Rồi người ấy sẽ bắt đầu thấy hậu quả của sự không có ân cần và lập tic bắt đầu đau khổ.


"Tuy nhiên, nếu có lòng từ bi, đương nhiên đó là điều mà họ có thể trông cậy vào, cho dù có những khó khăn kinh tế, và sự giàu có xuống dốc, họ vẫn có điều gì đó để chia sẻ với đồng loại. Kinh tế thế giới lúc nào cũng mong manh và chúng ta phải chịu quá nhiều mất mát trong đời sống, nhưng thái độ từ bi là điều chúng ta lúc nào cũng phải mang theo với chúng ta".


Người thị giả mặc áo choàng nấu sẫm vào phòng và lặng lẽ rót trà, trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục, "Đương nhiên muốn giảng giải cho ai đó về sự quan trọng của từ bi, trong một số trường hợp, bạn phải đối đầu với người rất cứng rắn, cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ, người đó chỉ biết đến mình, quyền lợi của mình. Và thậm chí có thể là có những người không có khả năng thông cảm ngay cả những người mà họ thương yêu hay gần gũi với họ. Nhưng ngay cả với những người như thế, vẫn có thể bày tỏ tầm quan trọng của từ bi và tình thương trên cơ sở rằng đó là cách tốt nhất để đáp ứng lợi ích cho bản thân họ. Họ mong muốn có sức khỏe tốt, sống lâu, và an tâm, hạnh phúc và sung sướng. Và nếu đây là những thứ mà họ ham thích, tôi nghe nói rằng có cả bằng chứng khoa học là những thứ đó có thể được tôn lên bởi cảm nghĩ thương yêu và từ bi... Nhưng là một bác sĩ, bác sĩ tâm thần, có lẽ ông phải biết nhiều hơn về những xác nhận khoa học này?"


"Thưa vâng", tôi đồng ý, "Tôi cho rằng rõ ràng là có bằng chứng khoa học hậu thuẫn cho những xác nhận về lợi ích vật chất và cảm xúc từ những trạng thái từ bi của tâm".


"Cho nên tôi nghĩ rằng giáo dục ai đó về những sự việc ấy và các nghiên cứu khoa học tất sẽ khích lệ một số người trau dồi trạng thái tâm từ bi...", Đức Đạt Lai Lạt Ma bình luận." Nhưng tôi nghĩ rằng ngoài những nghiên cứu khoa học, có những lập luận khác cho rằng con người có thể hiểu và cảm nhận từ những những kinh nghiệm thực tiễn hay trực tiếp hàng ngày. Thí dụ, bạn có thể vạch ra rằng không có từ bi sẽ dẫn đến một sự tàn nhẫn nào đó. Có nhiều thí dụ cho thấy trong một số thực tế ở một mức độ nào đó, người tàn nhẫn thường bất hạnh phúc và không vừa lòng như Stalin và Hitler. Những người như vậy thường chịu đựng cảm giác khó chịu bất an và sợ sệt dai dẳng. Thậm chí khi họ ngủ tôi cho là họ vẫn cảm thấy sợ hãi... Tất cả những điều đó có thể khó hiểu, nhưng một điều mà bạn có thể nói là những người như vậy thiếu một cái gì mà bạn có thể tìm thấy ở một người từ bi hơn - ý thức về tự do, ý thức xả bỏ, cho nên khi bạn ngủ bạn sẽ nguội đi và không nghĩ nữa. Người tàn nhẫn không bao giờ có được kinh nghiệm ấy. Một cái gì đó lúc nào cũng kìm kẹp họ, ảnh hưởng tới họ, và họ không thể có được cảm nghĩ buông bỏ, ý thức về tự do." Ngài ngừng một chút, lơ đãng gãi đầu, và tiếp tục."Mặc dầu tôi mới chỉ ức đoán, nhưng tôi nghĩ rằng nếu bạn hỏi một số người tàn nhẫn: Lúc nào thấy hạnh phúc hơn khi ở thời thơ ấu được mẹ chăm sóc và được gần gũi gia đình nhiều hơn hay bây giờ khi có nhiều quyền uy hơn, ảnh hưởng và địa vị hơn? Tôi nghĩ rằng họ sẽ trả lời họ thích hơn lúc còn nhỏ. Tôi nghĩ rằng cả đến Stalin cũng được thương yêu bởi người mẹ khi còn thơ ấu."


Tôi nhận xét, "Đưa Stalin ra, tôi nghĩ Ngài đã tìm ra một thí dụ điển hình chứng minh điều Ngài nói, về hậu quả của cuộc sống không từ bi. Ai ai cũng biết hai đặc điểm trong trong cá tính của ông ta là tàn nhẫn và nghi kị. Stalin xem tàn nhẫn là một đức hạnh, thực tế là ông ta đã đổi tên Djugashvili thành Stalin, có nghĩa là "con người thép" Và trong cuộc đời ông ta ông càng tàn nhẫn ông ta lại càng trở nên nghi kị. Sự nghi kị của ông ta ai cũng biết. Rốt cuộc sợ hãi và nghi kị người khác dẫn đến những cuộc thanh trừng lớn và những chiến dịch chống lại nhiều nhóm người khác ở đất nước ông ta, dẫn đến tù đầy và hành quyết hàng triệu người. Nhưng ông vẫn thấy kẻ thù ở khắp nơi. Không lâu trước khi ông chết, ông ta đã nói với Nikita Khruschev, "tôi không tin ai cả, kể cả chính tôi nữa". Lúc cuối đời ông ta còn thù địch cả với bộ tham mưu tin cẩn nhất của ông. Rõ ràng là càng tàn nhẫn và oai quyền, ông ta càng bất hạnh phúc. Một người bạn của ông đã nói cuối cùng nét nhân tính duy nhất của ông để lại là sự bất hạnh của ông. Svetlana, con gái của ông mô tả ông sao mà khổ vì cô đơn và trống trải đến mức ông không còn tin tưởng là người ta có thể thực sự thành thực hay nhiệt tâm.


"Dầu sao, tôi biết thật khó mà hiểu được một con người như Stalin và tại sao họ có thể làm được những việc kinh khủng như vậy. Nhưng một trong những điểm mà chúng ta nói tới là ngay cả những thí dụ cực đoan về người tàn nhẫn họ cũng luyến tiếc quá khứ khi nhìn lại một số khía cạnh êm đềm hơn trong thời thơ ấu của họ, như tình thương yêu từ người mẹ. Nhưng sẽ ra sao đối với nhiều người không có tuổi thơ êm đềm hay không có người mẹ thương yêu? Những người bị ngược đãi vân vân? Hiện tại, chúng ta đang thảo luận về đề tài từ bi, Để mọi người phát tâm từ bi Ngài có nghĩ rằng họ cần được chăm sóc nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ hay bảo mẫu có tính ân cần và tình cảm không?"


"Vâng, tôi nghĩ điều đó rất quan trọng."Ngài ngưng một chút, tự động lần tràng hạt một cách khéo léo trong những ngón tay của Ngài và ngẫm nghĩ." Có một số người, ngay từ lúc đầu, chịu nhiều đau khổ và thiếu tình cảm của người khác.- cho nên sau này trong đời sống hầu như họ không có cảm tính con người, không có khả năng từ bi và tình cảm, những người đó rất nhẫn tâm và tàn bạo..." Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại nữa, và dường như cân nhắc vấn đề một cách nghiêm chỉnh một lúc. Khi Ngài cúi xuống uống trà, ngay đường nét đôi vai Ngài cũng cho thấy Ngài đang suy nghĩ lung lắm. Ngài không chứng tỏ ra ý định tiếp tục ngay, và chúng tôi lặng lẽ uống trà. Cuối cùng Ngài nhún vai như thể thừa nhận Ngài không có giải pháp.


"Vậy Ngài có nghĩ là những kỹ thuật nâng cao sự đồng cảm và phát triển từ bi sẽ không giúp ích gì cho hạng người có một quá trình khó khăn nhu vậy?"


"Bao giờ các lợi ích cũng có mức độ khác nhau nhận được khi thực hành những phương pháp và kỹ thuật khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng biệt của mỗi người", Ngài giảng giải."Cũng có thể trong một số trường hợp những kỹ thuật ấy hoàn toàn vô hiệu quả..."


Cố gắng làm sáng tỏ, tôi cắt ngang: "Những kỹ thuật đặc biệt để nâng cao từ bi mà Ngài nói đến là...?


"Đó là điều mà chúng ta vừa nói đến. Trước nhất, nhờ học hỏi, hoàn toàn hiểu biết giá trị của từ bi - nó cho bạn cảm tưởng tin chắc và quyết tâm. Rồi sử dụng các phương pháp nâng cao sự đồng cảm, như dùng óc tưởng tượng, sáng tạo và hình dung mình trong tình cảnh của người khác. Và cuối tuần này trong cuộc nói chuyện trước công chúng, chúng ta sẽ bàn về một số bài tập hay cách thực hành mà bạn sẽ tu tập như cách tu tập Tong-Len, dùng để củng cố từ bi của bạn. Nhưng tôi nghĩ rằng quan trọng là phải nhớ rằng những kỹ thuật này như sự tu tập Tong Len,được phát triển để giúp ích càng nhiều càng tốt, ít nhất cũng một phần nhân loại. Nhưng không bao giờ có thể mong ước là kỹ thuật ấy có thể giúp ích cho 100 phần trăm con người, toàn thể dân số con người.


"Nhưng vấn đề chính thực ra là nếu chúng ta nói đến những phuơng pháp khác nhau để phát triển từ bi -- điều quan trọng là người ta có thành thực nỗ lực trong việc phát triển khả năng phát tâm từ bi không. Mức độ mà họ thực sự có thể trau dồi từ bi tùy thuộc vào quá nhiều sự thay đổi, ai có thể nói được? Nhưng nếu họ hết sức nỗ lực, nhằm tử tế hơn, để trau dồi từ bi, và làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, rồi thì đến cuối ngày, họ có thể nói "Ít nhất tôi đã làm hết mình".


LỢI ÍCH CỦA TỪ BI


Trong những năm vừa qua đã có nhiều cuộc nghiên cứu ủng hộ ý kiến cho rằng phát triển từ bi và vị tha đã có một tác động tích cực về sức khỏe thể chất và cảm xúc. Thí dụ trong một thử nghiệm nổi tiếng, David MacClelland, một nhà tâm lý học thuộc Đại Học Harvard cho một nhóm sinh viên xem cuốn phim về Mẹ Teresa hoạt động giúp những người đau yếu và nghèo khổ tại Calcutta. Những sinh viên này thuật lại cuốn phim kích thích cảm nghĩ từ bi. Sau đó nhà tâm lý học này phân tích nước bọt của các sinh viên này và phát hiện ra có sự gia tăng chất immuno-globulin-A, một kháng thể có thể giúp chống lấy nhiễm đường hô hấp. Trong một cuộc khảo cứu khác của James House tại Trung Tấm Nghiên Cứu của Đại Học Michigan, những nhà nghiên cứu thấy làm những công việc thiện nguyện đều đặn, tương tác với người khác bằng thái độ từ bi và ân cần, tăng tuổi thọ thêm và chắc chắn là tăng sức sống chung. Nhiều nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực mới về tâm-thể trong y học đã chứng minh những khám phá tương tự, dẫn chứng trạng thái tích cực của tâm có thế cải thiện sức khỏe thể chất của chúng ta.


Thêm vào hiệu quả lợi ích về sức khỏe thể chất của ta, có bằng chứng là từ bi và ứng xử chu đáo có lợi cho sức khỏe xúc cảm. Những cuộc nghiên cứu cho thấy chìa tay ra giúp đỡ người khác có thể đem lại cảm giác hạnh phúc, điềm tĩnh hơn, và ít chán nản hơn Trong một cuộc nghiên cứu ba mươi năm của một nhóm tốt nghiệp tại Đại Học Harvard, nhà nghiên cứu George Vaillant kết luận, thực tế áp dụng lối sống vị tha là một thành tố cốt yếu có lợi cho sức khỏe tinh thần. Một cuộc khảo sát khác của Allan Luks, được tiến hành với vài ngàn người thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện giúp đỡ người khác, cho thấy hơn 90 phần trăm những người tình nguyện ấy báo cáo họ '"hân hoan" liên tưởng đến hoạt động này, có đặc điểm là cảm thấy ấm áp tình người, nhiều nghị lực hơn, hồ như phớn phở. Họ cũng cảm thấy cảm giác bình thản rõ ràng, và nâng cao giá trị của mình sau hành động mà cách ứng xử chu đáo không chỉ mang lại tác động nuôi dưỡng xúc cảm mà người ta còn thấy rằng sự điềm tĩnh của người giúp đỡ liên quan đến sự giảm bớt các loại rối loạn thể chất do căng thẳng.


Trong khi rõ ràng bằng chứng khoa học là hậu thuẫn cho lập trường Đức Đạt Lai Lạt Ma về giá trị thực sự và thực tiễn của từ bi, ta không cần phải chỉ dựa vào những công cuộc thử nghiệm và khảo sát để xác định sự đứng đắn của quan điểm này. Chúng ta có thể nhận ra sự liên quan chặt chẽ của quan tâm, từ bi, và hạnh phúc riêng tư trong đời sống của chúng ta và đời sống của những người chung quanh. Joseph, một nhà thầu xấy cất sáu mươi tuổi, mà tôi gặp vài năm nay, là một minh họa tốt cho việc này. Trong ba mươi năm, Joseph điều khiển công việc kiếm tiền dễ dàng, lợi dụng việc xấy cất tăng vọt dường như vô tận tại Arizona để trở thành triệu phú. Tuy nhiên vào cuối thập niên 80, việc buôn bán bất động sản địa ốc đổ vỡ tồi tệ nhất trong lịch sử Arizona. Joseph bị thiệt hại nặng và mất mọi thứ. Cuối cùng ông phải tuyên bố phá sản Những khó khăn về tài chánh gây căng thẳng trong hôn nhân của ông, dẫn đến ly dị sau 25 năm chung sống. Không đáng ngạc nhiên lắm, Joseph đã không chịu đựng được mọi sự. ông bắt đầu uống rượu nhiều. May mắn là cuối cùng ông đã bỏ được rượu nhờ sự giúp đỡ của Hội Bài Trừ Rượu (AA). Là thành viên trong hoạt động của Hội này, ông trở thành người bảo trợ, và giúp người khác chừa rượu. Ông nhận ra ông rất vui trong vai trò bảo trợ, chìa tay giúp người khác, và tình nguyện gia nhập vào các tổ chức khác. ông đã đem kinh nghiệm làm ăn của ông để giúp đỡ những người bị thiệt thòi kinh tế. Nói về đời sống hiện tại, ông nói, "Hiện tôi có một cơ sở tân trang nhỏ Cơ sở này có thu nhập vừa phải, nhưng tôi hiểu rằng tôi sẽ không bao giờ giàu có bằng trước đây. Điều nực cười là tuy vậy tôi thực sự không muốn có tiền như truớc đây nữa. Tôi muốn dành nhiều thì giờ tình nguyện làm cho các đội ngũ khác nhau, trực tiếp làm việc với mọi người, và giúp đỡ họ bằng tất cả khả năng của tôi. Những ngày này, tôi cảm thấy hoàn toàn vui sướng từng ngày hơn là cả tháng kiếm được nhiều tiền. Tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết trong đời tôi."


THIỀN ĐỊNH VỀ TỪ BI


Như đã hứa trong khi đàm đạo, đúng theo lời Ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma kết thúc bài giảng trước công chúng bằng một cuộc hành thiền về từ bi. Đó là một bài tập đơn giản. Tuy vậy bằng một lối nói mạnh mẽ và tao nhã, dường như Ngài tóm tắt và kết tinh lại cuộc thảo luận về từ bi trước đây, biến nó thành một buổi tập chính thức trong năm phút, trực tiếp vào ngay điểm.


Muốn phát tâm từ bi, bạn bắt đầu bằng cách công nhận bạn không muốn khổ đau và bạn có quyền có hạnh phúc. Điều này có thể được kiểm chứng hay được công nhận là đúng bằng kinh nghiệm của bạn. Rồi bạn công nhận những người khác, cũng giống như bạn, cũng không muốn khổ đau và cũng có quyền có hạnh phúc. Vậy nên việc đó trở thành cơ sở để bạn phát tâm từ bi.


"Vậy... hôm nay chúng ta hãy thiền định về từ bi. Bắt đầu mường tượng đến một người hết sức đau khổ, một người đau đớn hay ở trong một tình trạng rất bất hạnh. Trong ba phút đầu thiền tập, suy ngẫm về đau khổ của một cá nhân theo phép phân tích - hãy nghĩ đến sự đau khổ dữ dội và tình trạng sống bất hạnh của người ấy. Sau khi nghĩ đến sự đau khổ của người ấy trong vài phút, kế đến, cố gắng liên hệ việc đó đến chính mình, nghĩ rằng cá nhân ấy cũng có khả năng chứng nghiệm đau khổ, niềm vui và hạnh phúc, và cũng đau khổ như mình đau khổ. Rồi, cố gắng để câu trả lời tự nhiên của bạn phát sinh - một cảm tính từ bi tự nhiên đối với người ấy. Cố gắng đi đến kết luận, hãy nghĩ xem bạn mong muốn người ấy thoát khỏi khổ đau mạnh đến đâu. Giải quyết điều đó sẽ giúp người đó thoát khỏi khổ đau. Cuối cùng, hãy trụ tâm vào loại kết luận hay giải pháp đó, và trong mấy phút cuối cùng của buổi thiền tập, cố gắng phát tâm trong một trạng thái từ bi hay thương yêu."


Với lời giảng trên, Đức Đạt Lai Lạt Ma khoanh chân ngồi trong tư thế thiền định, hoàn toàn bất động Ngài hành thiền cùng với cử tọa. Một sự im lặng hoàn toàn. Nhưng có điều gì đó đang khơi dậy trong khi ngồi ở cuộc họp sáng đó. Tôi nghĩ rằng cả đến người cứng cỏi nhất cũng không thể tránh bị lay chuyển khi bị vấy quanh bởi một nghìn rưởi người, mỗi người đều nắm giữ tư tưởng từ bi trong tâm. Sau một vài phút, Đức Đạt Lai Lạt Ma thốt lên một câu kinh bằng tiếng Tây Tạng, giọng của Ngài trầm trầm, nhịp nhàng, lên bổng xuống trầm gây lắng dịu và khoan khoái.



Leave a Reply