Tuesday, January 10, 2012

Trai đường

0 nhận xét

Bước chân vào trai đường

Buông xả mọi vấn vương

Nhẹ nhàng trong chánh niệm

Trân kính thọ cúng dường.



Trai đường, quá đường hay ngũ quán đường, tên gọi tuy khác, nhưng đều có chung một ý nghĩa là nhà thọ trai. Khi vào trai đường ta cần phải giữ yên lặng. Vì nơi đây là chỗ của người xuất gia thọ thực. Những người thọ bát hay dự khóa tu dài hoặc ngắn hạn, đều là tập tu theo công hạnh của người xuất gia. Cho nên mọi việc làm ở trai đường cần phải giữ trang nghiêm. Khi mọi người bước chân vào trai đường, cũng như bước chân vào điện Phật, cần phải buông xả mọi ưu phiền. Những gì rối rắm trong lòng nên gỡ bỏ để bên ngoài. Vì nếu ta mang nó theo vào trai đường, đến lúc ngồi ăn, ta chỉ ăn toàn phiền não, chớ không phải ăn thức ăn.



Ăn nhai cơm cũng là một phép thực tập rất sâu sắc. Trong khi ăn, ta phải giữ chánh niệm và thiết lập cho thân và tâm ở ngay trong giây phút hiện tại. Ăn như thế là ta mới thực sự có mặt tiếp xúc được thức ăn và năng lượng của những người chung quanh. Khi ăn, điều tối kỵ nhứt là để tâm buông lung, nghĩ ngợi, lo lắng đủ thứ. Phải luôn nhớ nghĩ đến năm phép quán tưởng mà ta mới vừa đọc qua.

 


Khi đứng xếp hàng lấy cơm, ta cũng  phải giữ cho có trật tự và yên lặng. Mọi việc, ta phải theo sự sắp xếp của Ban Hành Đường. Ban hành đường, tuy được chúng cử làm theo phận sự của mình, nhưng khi làm cũng phải gìn giữ oai nghi tế hạnh. Nói năng hay dọn ăn, đều phải nhẹ nhàng và luôn giữ chánh niệm.

 


Lấy cơm xong, ta đi nhẹ nhàng chậm rãi vào chỗ ngồi. Khi kéo ghế, ta nên để ý giở ghế lên, đừng kéo ghế gây tiếng ồn làm cho người khác khó chịu. Ngồi vào ghế xong, khi nghe tiếng khánh ta nên nhiếp tâm, lập tức theo dõi hơi thở và nhớ Phật.


Ta phải học thuộc lòng nghi thức quá đường. Bài Kinh cúng dường và những bài kệ, câu chú, tất cả đều phải học thuộc.

(nếu vị nào chưa thuộc, thì cố gắng học, trường hợp những vị trọng tuổi không thuộc lòng, thì nên coi theo bổn mà đọc tụng. Nhưng tốt nhứt là nên học thuộc lòng thì hay hơn ). Cách thức bưng bát, cắm muổng vào bát, tay bắt ấn v.v… ta đều phải thực tập cho nhuần nhuyễn. Mỗi khóa tu, đều có một buổi thực tập về nghi thức nầy. Tuy nhiên, Nếu vị nào sau khi thực tập còn chưa rõ, hoặc còn bỡ ngỡ, thì nhờ chúng trưởng hoặc quý vị trong Ban nghi lễ chỉ giúp giùm. Xin quý vị đừng ngần ngại. Nhứt là đối với những vị mới gia nhập vào đạo tràng hoặc mới dự khóa tu. Điều gì chưa rõ, cứ tự nhiên hỏi. Vì nơi đây là môi trường chúng ta cần học hỏi giúp đở lẫn nhau.




Khi nhai cơm ta thầm nhớ đến bài kệ:




Cơm đưa vào miệng


Phật hiệu theo liền

Từng miếng nhai lâu

Bể sầu tát cạn.




Khi ăn, ta không nên ăn nhanh quá, ăn như thế rất có hại cho bao tử. Cũng không nên ăn lâu quá để đại chúng chờ đợi mang tội. Thời gian ăn tối đa là nửa giờ.




Ăn xong, khi trán bát uống nước, ta thầm nhớ bài kệ:




Một ngụm nước trà


Lòng ta tươi mát

Nước làm đã khát

Ta “Biết” rõ ràng.




Khi đứng lên, ta nhớ phải nhấc ghế cho thật nhẹ nhàng và rồi đứng cho ngay hàng để chuẩn bị đi kinh hành. Khi đi, ta chỉ nhiếp tâm niệm Phật, mắt ngó về phía trước, không được ngó hai bên hoặc dòm người nầy người kia. Như thế, sẽ mất oai nghi và coi không được. Khi đi, ta cũng nên chú ý người đi trước mình để giữ khoảng cách cho đều nhau, đừng đi sát cũng đừng thưa lắm. Các tu sinh phải cẩn thận và chú ý điểm nầy. Sự tu hành cần phải mót phước từ những cái nhỏ nhặt. Tuyệt đối không nên khinh suất.



Leave a Reply