Tuesday, January 10, 2012

Khóa Tu

0 nhận xét

Hằng năm, đạo tràng có tổ chức 3 khóa tu.  Mỗi khóa tu là 7 ngày.Tên gọi của khóa tu là “Kết Kỳ Niệm Phật”. Kết kỳ nghĩa là giới hạn thời gian ( chữ kỳ là kỳ hạn tức chỉ cho thời gian ) không nhứt định. Hành giả chuyên tu, tùy theo mỗi cá nhân và hoàn cảnh mà có sự phát nguyện kiết thất hay đả thất không giống nhau. Sự kiết thất chuyên tu định kỳ hay bất thường là tùy theo mỗi cá nhân và mỗi đạo tràng.


Đạo tràng Quang Minh trong thời gian qua đã tổ chức được 6 kỳ. Số lượng tu sinh dự tu qua mỗi kỳ không dưới một trăm. Thời gian tổ chức trong năm vào những dịp: lễ Easter vào khoảng đầu tháng tư. Đây là khóa tu đầu. Khóa thứ hai vào dịp Đại Lễ Vu Lan, thường tổ chức trước ngày Đại Lễ chánh thức hai tuần. Khóa tu nầy cũng còn gọi là khóa tu Báo Ân. Khóa 3 được tổ chức vào dịp holiday cuối năm. Về thời gian ấn định cho mỗi khóa tu chưa quyết định hẳn. Thông thường sẽ thông báo cho quý liên hữu biết trước thời gian tổ chức ít nhứt là một tháng. Những khóa tu nầy đặt nặng chuyên hành trì niệm Phật hơn là lý thuyết. Cho nên, việc diễn giảng sẽ không có thường xuyên trong suốt thời gian khóa tu. Về chương trình hướng dẫn khóa tu mỗi kỳ đều có soạn sẵn. Tuy nhiên, có đôi khi cũng thêm bớt chút ít.


Người dự tu, đặc biệt là ưu tiên cho quý liên hữu của đạo tràng, ngoài ra bất cứ Phật tử nào cũng có thể xin dự tu. Khóa tu nầy, phần lớn chỉ thích hợp cho người trọng tuổi, còn đối với các em tuổi còn quá trẻ thì không mấy thích hợp lắm. Do đó, Ban Tổ Chức sẽ không nhận các em tuổi còn quá nhỏ.


Trọng tâm của khóa tu là chuyên lễ bái trì danh kinh hành niệm Phật. Ngoài ra, các tu sinh còn được hướng dẫn qua các lễ nghi hành trì khác. Mọi việc hành trì đều nhắm thẳng vào một mục tiêu chính là làm sao cho mỗi tu sinh cố gắng chuyên cần niệm Phật sớm  đạt được “Nhứt Tâm Bất Loạn”. Đó là mục đích chính và cũng là tôn chỉ của khóa tu.
Thọ Giới


Người tu hành dù xuất gia hay tại gia, nếu thiếu sự hành trì giới luật, thì chẳng khác nào như ngựa không giây cương. Ngựa không giây cương, thì không có gì kềm thúc, nên tha hồ rong chạy tứ tung. Đã thế, thì  tránh sao khỏi tai hại. Giới luật của Phật chế ra, để người Phật tử giữ gìn. Giới luật là những điều ngăn cấm những việc làm phi pháp sái quấy. Cho nên giới, nguyên tiếng Phạn là “Thi la” Trung Hoa dịch là Giới,  nó có nghĩa là “phòng phi chỉ ác”. Phòng phi là ngăn ngừa những điều sái quấy; chỉ ác là dừng những ác nghiệp gây ra. Người tu hành có nghiêm trì giới luật, thì mới khắc phục chính mình và cảm hóa kẻ khác. Thế nên, sự tu hành muốn được thân tâm an lạc, thì trước tiên phải thọ trì giới luật.


Trong Giới Sớ nói: “Giới luật hay giúp phòng ngừa, ngăn đoạn phiền não phát sanh; thường phải nương theo mà thực hành như là cầm gậy khi tranh đấu, thì mới mong dạo chơi trong cảnh trần mà không bị các thứ phiền não xâm lăng”.


Có giữ giới thì 3 nghiệp mới thanh tịnh. Giới luật là căn bản của đạo giải thoát. Thế nên, người đến dự khóa tu, trước hết cần phải lãnh thọ giới pháp, do quý thầy truyền trao, rồi sau đó cố gắng gìn giữ đúng theo những giới mà mình đã lãnh thọ. Có thế, thì sự tu hành trong bảy ngày mới có lợi ích lớn. Suốt trong thời gian dự tu 7 ngày, quý tu sinh sẽ nhận 8 giới, như thọ giới bát quan trai vậy. Thọ bát quan trai giới có nghĩa là đóng bít 8 cánh cửa tội lỗi. Nói gọn là mỗi người tự gìn giữ ở nơi 3 nghiệp: Thân, miệng, ý của mình một cách  thật cẩn thận, đừng để sai phạm. Được vậy, thì sự thọ giới của ta mới có ích lợi và tâm ta mới được an lạc. Do đó, quý vị dự tu chánh thức ở lại đạo tràng, dù thời gian trọn 7 ngày hay ít hơn, cũng được xem như là người đang tu hạnh xuất gia. Sự thọ giới hành trì trong thời gian 7 ngày nầy, công đức thật lớn lao. Mong sao mỗi người nên ý thức gìn giữ. Nếu không, thì sẽ mang trọng tội với chính mình.


Leave a Reply