Thursday, January 12, 2012

BỆNH SA SÚT TRÍ TUỆ LÀ GÌ?

0 nhận xét

Bệnh sa sút trí tuệ là một từ ngữ dùng để mô tả những triệu chứng của một nhóm lớn các chứng bệnh gây ra tình trạng suy sụp ngày càng nhiều đối với chức năng của một người. Đây là một từ ngữ bao quát được dùng để mô tả tình trạng mất trí nhớ, khả năng hiểu biết,  khả năng lập luận, các năng khiếu giao tiếp và những điều được xem là các phản ứng bình thường về cảm xúc.


Ai bị bệnh sa sút trí tuệ?


Hầu hết những người bị bệnh sa sút trí tuệ là người già, nhưng điều quan trọng cần nhớ là hầu hết mọi người già đều không bị bệnh sa sút trí tuệ. Bệnh này không phải là phần thường tình trong tiến trình lão hóa. Bệnh sa sút trí tuệ có thể xảy ra cho bất kỳ người nào, nhưng nó phổ biến hơn sau lứa tuổi 65. Những người ở lứa tuổi 40 và 50 cũng có thể bị bệnh sa sút trí tuệ.


Điều gì gây ra bệnh sa sút trí tuệ?


Bệnh sa sút trí tuệ có nhiều hình thức khác nhau và mỗi hình thức đều có những nguyên nhân riêng. Một số hình thức phổ biến nhất của bệnh sa sút trí tuệ là:


Bệnh Alzheimer


Bệnh Alzheimer là hình thức phổ biến nhất của bệnh sa sút trí tuệ và chiếm từ 50% đến 70% tất cả các trường hợp. Đây là một chứng bệnh ngày càng tăng, gây thoái hóa và chuyên tấn công vào bộ não. Do
những tế bào não bị co rút lại hay biến mất, những chất thể bất bình thường tích tụ lại như những "mớ tơ vò" tại trung tâm của các tế bào não, và như những "mảng bựa" bên ngoài tế bào não. Những thứ này
ngăn chặn việc truyền đạt thông tin trong não, làm tổn hại đến sự nối kết giữa các tế bào não. Sau cùng, các tế bào não bị chết đi, và điều này có nghĩa là các thông tin không thể được nhớ lại hay tiêu hóa được. Vì bệnh Alzheimer làm ảnh hưởng đến từng vùng của bộ não, một số các chức năng hay năng lực nhất định bị mất đi.


Bệnh sa sút trí tuệ não mạch


Bệnh lú lẫn não mạch là một từ ngữ bao quát dùng để diễn tả chứng bệnh sa sút trí tuệ kết hợp với những trở ngại của đường máu lưu thông dẫn tới não bộ và đứng thứ nhì trong những hình thức bệnh sa sút trí tuệ phổ biến nhất. Có một số loại bệnh sa sút trí tuệ não mạch khác nhau. Hai loại phổ biến nhất là bệnh sa sút trí tuệ nhồi máu đa dạng và bệnh Binswanger. Bệnh sa sút trí tuệ nhồi máu đa dạng bị gây ra do một số cơn tai biến mạch máu não nhỏ, được gọi là những cơn tiểu tai biến mạch máu não hay những Cơn Đau Thiếu Máu Cục Bộ Nhất Thời (Transient Ischaemic Attacks) (TIA), và có lẽ là hình thức bệnh lú lẫn não mạch phổ biến nhất. Bệnh Binswanger (còn được gọi là sa sút trí tuệ não mạch dưới vỏ) kết hợp với những biến đổi ở não bộ vốn liên quan tới tình trạng tai biến mạch máu não. Loại này bị gây ra do tình trạng cao huyết áp, nghẽn động mạch và máu lưu thông không đầy đủ.


Bệnh sa sút trí tuệ não mạch có thể xuất hiện tương tự như bệnh Alzheimer, và một số người có thể mắc cả hai chứng bệnh Alzheimer và bệnh sa sút trí tuệ não mạch.


Bệnh Parkinson


Bệnh Parkinson là chứng rối loạn hệ thần kinh trung ương ở mức độ ngày càng tăng, được xác định rõ bằng tình trạng run rẩy, tay chân và các khớp xương bị cứng, nói năng trở ngại và rất khó khăn khi phải bắt đầu các động tác thể lực. Vào cuối tiến trình của chứng bệnh này, một số người có thể bị bệnh sa sút trí tuệ. Thuốc men có thể giúp cải thiện những triệu chứng về thể lực nhưng có thể gây ra các phản ứng phụ trong đó bao gồm tình trạng bị ảo giác, ảo tưởng, cảm giác lẫn lộn tạm thời bị nặng thêm, và các cử chỉ trở nên khác thường.


Bệnh sa sút trí tuệ với thể dạng Lewy


Bệnh sa sút trí tuệ với thể dạng Lewy xảy ra do những tế bào thần kinh trong não bị thoái hóa và chết đi. Tên gọi này xuất phát từ sự hiện diện của những cấu trúc hình cầu khác thường, được gọi là các thể dạng Lewy vốn phát triển bên trong những tế bào thần kinh. Người ta nghĩ rằng những thể dạng này có thể góp phần vào việc làm chết các tế bào não. Những người bị bệnh sa sút trí tuệ với thể dạng Lewy có khuynh hướng nhìn thấy các sự việc (cái nhìn ảo giác), chân tay bị cứng hay bị run (bệnh parkinson), và bệnh trạng của họ có khuynh hướng thay đổi rất nhanh, thường từ giờ này qua giờ khác hay ngày này qua ngày khác.  Những triệu chứng này khiến nó trở thành khác biệt  với bệnh Alzheimer. Bệnh sa sút trí tuệ với thể dạng Lewy đôi khi xảy ra cùng lúc với bệnh Alzheimer và/hoặc bệnh sa sút trí tuệ Não Mạch. Việc phân biệt giữa bệnh Sa Sút Trí Tuệ với thể dạng Lewy và bệnh Parkinson có thể rất khó, đồng thời một số người bị bệnh Parkinson có khuynh hướng mắc phải một chứng bệnh sa sút trí tuệ với những triệu chứng tương tự như bệnh Sa Sút Trí Tuệ với thể dạng Lewy.


Bệnh Thoái Hóa Thùy Thái DươngFronto (Fronto Temporal Lobal Degeneration) (FTLD)


Đây là tên gọi được đặt cho một nhóm các chứng bệnh sa sút trí tuệ khi có sự thoái hóa ở một hay cả hai thùy trán trước hay thùy thái dương. Nhóm này bao gồm các chứng Sa Sút Trí Tuệ Thái Dương Fronto (Fronto Temporal Dementia), chứng Mất Ngôn Ngữ Ngày Càng Tăng (Progressive non-Fluent Aphasia), chứng Sa Sút Trí Tuệ Ngữ Nghĩa (Semantic Dementia) và bệnh Pick. Khoảng 50% những người bị bệnh FTLD có bệnh sử di truyền từ gia đình. Những người bị bệnh này do di truyền thường có các gien chất đạm tau biến dạng trong nhiễm sắc thể 17, dẫn đến việc tạo ra chất đạm tau bất bình
thường. Các yếu tố rủi ro khác hiện chưa được biết đến.


Bệnh Huntington


Bệnh Huntington là bệnh suy thoái não di truyền vốn tác động đến tinh thần và thể xác. Bệnh này thường xảy ra ở lứa tuổi từ 30 đến 50 và được xác định rõ qua việc suy sụp trí tuệ, các động tác của tay chân hay các cơ bắp trên mặt trở nên bất định và không tự kềm chế được. Các triệu chứng khác bao gồm những thay đổi về cá tính, nhiễu loạn trí nhớ, nói lắp, khả năng phán đoán bị giảm sút và những vấn đề trở ngại về tâm thần. Hiện chưa có cách điều trị nào để chận đứng tình trạng tiến triển ngày càng tăng của bệnh này, nhưng thuốc men có thể giúp kềm chế những rối loạn về động tác cũng như các triệu chứng
về tâm thần. Bệnh sa sút trí tuệ xảy ra trong đa số các trường hợp này.


Bệnh sa sút trí tuệ liên quan tới rượu bia (hội chứng Korsakoff)


Việc uống quá nhiều rượu bia, đặc biệt nếu kết hợp với chế độ ăn uống không đủ chất thiamine (sinh tố B1) có thể dẫn tới tình trạng thương tổn não bộ tới mức không thể kéo lại được. Tình trạng này có thể cải thiện đôi chút nếu ngưng uống rượu bia.


Loại bệnh sa sút trí tuệ này có thể phòng ngừa được. Hội Đồng Y Tế Quốc Gia & Nghiên Cứu Y Khoa Úc Châu (National Health & Medical Research Council of Australia) có những đề nghị về việc uống rượu bia an toàn như sau: đàn ông nên uống không quá 4 ly tiêu chuẩn mỗi ngày và phụ nữ nên uống không quá 2 ly tiêu chuẩn mỗi ngày. Chưa có trường hợp báo cáo nào về tình trạng bộc phát của chứng bệnh sa sút trí tuệ liên quan tới rượu bia và hội chứng Korsakoff ở những người uống rượu bia điều độ ở mức này hay ít hơn.


Những phần dễ bị tổn thương trong não nhất là những phần được dùng cho việc ghi nhớ và hoạch định, cho khả năng tổ chức và phán đoán, cho các kỹ năng giao tiếp và quân bình. Việc uống sinh tố B1 có vẻ giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng này.


 


Bệnh Creutzfeldt-Jacob


Bệnh Creutzfeldt-Jacob là chứng bệnh rối loạn não chết người rất hiếm thấy, bị gây ra do một phần tử chất đạm được gọi là prion. Bệnh này xảy ra cho một trong một triệu người mỗi năm. Các triệu chứng  đầu tiên bao gồm tình trạng suy sụp trí nhớ, thay đổi cách hành xử, và mất khả năng phối hợp các động tác. Khi bệnh này tăng dần – thường với mức độ rất nhanh – tình trạng suy nhược tinh thần trở nên rõ rệt, các động tác thể lực không chủ ý xuất hiện và bệnh nhân có thể bị mù, chân tay của bệnh nhân ngày càng yếu sức và sau cùng lâm vào tình trạng hôn mê.


Đây có phải là bệnh sa sút trí tuệ không?


Có một số tình trạng vốn gây ra những triệu chứng tương tự như bệnh sa sút trí tuệ. Khi điều trị những tình trạng này, các triệu chứng sẽ biến mất. Những tình trạng này bao gồm một số những thiếu hụt về sinh tố và kích thích tố, sự trầm uất, thuốc men xung đột hay uống quá nhiều thuốc, bị nhiễm trùng và bị bướu não.


Điều quan trọng là việc chẩn đoán cần được tiến hành từ sớm khi các triệu chứng mới xuất hiện để bảo đảm rằng bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị đúng cách nếu người này bị mắc một tình trạng có thể điều trị được. Nếu những triệu chứng này là do bệnh lú lẫn gây ra, việc chẩn đoán từ sớm có nghĩa là bệnh nhân sẽ có được sự hỗ trợ, các thông tin và thuốc men từ sớm, nếu những thứ này có sẵn.


Bệnh sa sút trí tuệ có thể di truyền không?


Điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân phát sinh của bệnh sa sút trí tuệ, vì vậy, điều quan trọng là phải có một sự chẩn đoán y khoa chắc chắn. Nếu quí vị cảm thấy ưu tư về nguy cơ bị bệnh sa sút trí tuệ do di truyền, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của mình hay liên lạc với Alzheimer’s Australia để nói chuyện với một nhân viên tư vấn. Hầu hết các trường hợp bệnh sa sút trí tuệ đều không phải do di truyền.


Những dấu hiệu ban đầu của bệnh sa sút trí tuệ ra sao?


Những dấu hiệu ban đầu của bệnh sa sút trí tuệ rất phảng phất và mơ hồ, và có thể không nhận biết được ngay. Một số triệu chứng thông thường bao gồm:



  • Mất trí nhớ thường xuyên với mức độ ngày càng tăng

  • Lẫn lộn

  • Cá tính thay đổi

  • Thờ ơ và hay lảng tránh

  • Mất khả năng thực hiện những công việc hàng ngày


Điều gì có thể làm được để giúp đỡ


Hiện nay chưa có phương cách phòng ngừa hay cứu chữa cho hầu hết những hình thức của bệnh sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, một vài loại thuốc đã được tìm ra để làm giảm bớt một số các triệu chứng. Sự hỗ trợ là điều rất cần thiết cho người bị bệnh sa sút trí tuệ, và sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và người chăm sóc có thể tạo được một sự khác biệt với chiều hướng tích cực để bệnh nhân chống chọi với tình trạng bệnh của mình.


Alzheimer's Australia chịu trách nhiệm về nội dung của Tờ Giúp Đỡ này.


Tài liệu này chỉ cung cấp phần tóm lược tổng quát về đề tài được đề cập. Mọi người nên tìm ý kiến cố vấn chuyên môn cho từng trường hợp riêng của mình. Alzheimer’s Australia không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hay bỏ sót nào trong tài liệu này.


Alzheimer’s Australia cung cấp việc hỗ trợ, thông tin, giáo dục và cố vấn. Xin liên lạc với Đường Dây Giúp Đỡ Toàn Quốc về Bệnh Sa Sút Trí Tuệ qua số 1800 100 500.
Muốn biết thêm thông tin và đọc các Tờ Giúp Đỡ khác, xin ghé xem trang mạng của chúng tôi tại www.alzheimers.org.au



Leave a Reply