Tuesday, January 10, 2012

Phật Bất Động - A Súc Bệ - Akshobya Buddha

0 nhận xét

PHÁP HỘI BẤT ĐỘNG NHƯ LAI PHẨM THỌ KÝ TRANG NGHIÊM - THỨ NHỨT


Như vậy, tôi nghe một lúc đức Phật ở thành Vương Xá tại núi Kỳ Xà Quật cùng một ngàn hai trăm năm mươi chúng đại Tỳ kheo câu hội, chúng đại Tỳ kheo này đều là bực A La Hán mà mọi người đều quen biết.


Các Ngài ấy đã hết những phiền não, tâm huệ giải thoát tự tại vô ngại dường như đại Long, việc làm đã xong vứt bỏ gánh nặng sanh tử, đã được lợi ích chính mình, hết những nghiệp kết, thông đạt Chánh giác đến bờ kia, riêng Ngài A Nan còn ở bực hữu học.


Lúc ấy Tôn giả Xá Lợi Phất từ chỗ ngồi đứng dậy trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất, chắp tay hướng lên đức Phật mà bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Thuở xưa chư đại Bồ tát phát xu Vô thượng Bồ đề thế nào? Tu hành khắp các hạnh thanh tịnh, mặc giáp tinh tiến công đức trang nghiêm thế nào? Chư đại Bồ tát ấy do mặc áo giáp nên được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề.


Bạch đức Thế Tôn! Hạnh nguyện và sự phát tâm ấy, xin đấng đại từ khai thị diễn thuyết cho.


Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ tát ấy vì lợi ích an lạc chư Thiên và nhơn dân mà chuyên cần tu tập khắp các hạnh thanh tịnh mặc giáp tinh tiến, do đó mà lợi ích an lạc tất cả chúng sanh, và sẽ làm ánh sáng Phật pháp lớn cho chư Bồ tát hiện tại và vị lai, vì họ tán dương công đức chứng được thiện căn vậy.


Chư Bồ tát nghe pháp này rồi chuyên cần tu học chân như pháp tánh sẽ được Vô thượng Bồ đề."


Đức Phật phán dạy: "Lành thay! Lành thay! Này Xá Lợi Phất! Ông có thể thưa hỏi đức Như Lai về tịnh hạnh quang minh, giáp trụ rộng lớn công đức sâu dày của chư đại Bồ tát thuở quá khứ để nhiếp thọ chư đại Bồ tát vị lai.


Lắng nghe, lắng nghe, suy gẫm đúng lý, ta sẽ vì ông mà nói."


Ngài Xá Lợi Phất thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Chúng tôi xin muốn được nghe."


Đức Phật phán dạy: "Này Xá Lợi Phất! Từ đây qua phương Đông, quá một ngàn thế giới có quốc độ tên là Diệu Hỷ. Thuở xưa có đức Phật hiệu Quảng Mục Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh giác xuất hiện trong nước Diệu Hỷ ấy, vì chư đại Bồ tát nói pháp vi diệu, từ pháp lục Ba la mật làm đầu.


Lúc ấy có một Tỳ kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất, chắp tay hướng lên đức Quảng Mục Như Lai mà bạch rằng:


Bạch đức Thế Tôn! Như lời đức Phật đã dạy về pháp Bồ tát xin chí nguyện tu hành.


Đức Quảng Mục Như Lai nói:


Này Tỳ kheo! Nay ông cần phải biết giáo pháp Bồ tát rất khó tu tập.


Tại sao vậy?


Vì Bồ tát đối với chúng sanh chẳng có lòng sân hại vậy.


Tỳ kheo ấy bạch:


Bạch đức Thế Tôn! Từ hôm nay tôi phát tâm Vô thượng Bồ đề, dùng lòng không dua dối, lời nói chân thiệt chẳng đổi khác để cầu Nhứt thiết chủng trí. Từ nay cho đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, đối với tất cả chúng sanh nếu tôi sanh lòng sân hại thì chính là trái bỏ chư Phật Như Lai hiện đương thuyết pháp trong vô lượng vô số vô biên thế giới.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí này hồi hướng như vậy. Nếu giữa chừng tôi lại phát tâm Thanh văn, Duyên giác thì là khi dối tất cả chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí này hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, đối với tất cả chúng sanh nếu tôi sanh lòng ái dục sân hại ngu si, hoặc tương ưng với hôn trầm cống cao ác tác, thì là khi dối tất cả Như Lai.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí này hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, nếu tôi sanh lòng nghi hoặc, lòng sát hại, lòng trộm cắp, hoặc sanh khởi tà kiến, phi phạm hạnh, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, tổn hại, thì là khi dối tất cả chư Phật.


Lúc ấy có Tỳ kheo khác nghĩ rằng vị Bồ tát này do sơ phát tâm mặc áo giáp tinh tiến, đối với tất cả chúng sanh chẳng bị sân hại v.v... làm lay động.


Nhơn vì có niệm nghĩ ấy nên trong nước Diệu Hỷ đặt hiệu cho Bồ tát ấy là Bất Động.


Đức Quảng Mục Như Lai thấy Bồ tát ấy được hiệu Bất Động cũng tùy hỷ khen hay.


Tứ Thiên Vương, Đế Thích, Phạm Vương nghe danh hiệu ấy cũng đều tùy hỷ.


Này Xá Lợi Phất! Lúc ấy Bồ tát Bất Động ở trước đức Quảng Mục Như Lai bạch rằng:


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí hồi hướng Vô thượng Bồ đề như vậy. Nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, chỗ tu hành nếu trái lời ấy thì là khi dối chư Phật Như Lai hiện đương thuyết pháp tại vô lượng vô số thế giới.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát đại tâm hồi hướng Vô thượng Bồ đề như vậy. Nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề nếu ở nơi mỗi mỗi lời nói chẳng tương ưng với niệm Phật và Nhứt thiết chủng trí thì là khi dối tất cả chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, nếu đời đời làm người tại gia mà chẳng xuất gia thì là khi dối tất cả chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát đại tâm hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, đời đời xuất gia nếu chẳng khất thực, chẳng một lần ngồi ăn, chẳng ăn tiết giảm, chẳng trì ba y, chẳng đắp y phấn tảo, chẳng theo chỗ mà ngồi, chẳng thường ngồi, chẳng ở A lan nhã, chẳng ở dưới cây, chẳng ngồi chỗ trống, chẳng ở gò mả thì là khi dối tất cả chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm đại Bồ đề này hồi hướng như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được Nhứt thiết chủng trí, nếu tôi chẳng thành tựu biện tài vô ngại thuyết các diệu pháp, thì là khi dối vô số chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm như vậy, nhẫn đến chừng nào chưa được Vô thượng Bồ đề, nếu tôi chẳng an trụ ba oai nghi hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc kinh hành, thì là khi dối vô lượng chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Vô thượng, nhẫn đến chừng nào chưa được Nhứt thiết chủng trí, nếu đối với chúng sanh tôi phạm tội căn bổn, hoặc nói vọng ngữ và những lời huyên náo thế tục khác, hoặc khởi lòng tồi phục luận thuyết của người khác, thì là khi dối vô số chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí này an trụ hồi hướng Vô thượng Bồ đề, hoặc có lúc thuyết pháp cho hàng phụ nữ, nếu tôi chẳng khởi cảm tưởng vô thường khổ không vô ngã mà lại nghĩ lấy tướng người nữ và nhe răng cười, thì là khi dối tất cả chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí hồi hướng an trụ Vô thượng Bồ đề, nếu trong khi thuyết pháp nhìn ngó chỉ trỏ khinh tháo hoặc thấy các Bồ tát khác mà chẳng nghĩ tưởng là bực đại sư, thì là khi dối vô số chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí hồi hướng Vô thượng Bồ đề, trừ Sa môn đệ tử của chư Phật, nếu tôi ngồi nghe pháp và lễ Sa môn, Bà la môn ngoại đạo, thì là khi dối tất cả chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát đại tâm này nhẫn đến Vô thượng Bồ đề, lúc thật hành tài thí, pháp thí, nếu lòng tôi còn có bỉ thử, với chỗ đáng cúng dường lại sanh lòng giản dị, thì là khi dối tất cả chư Phật.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí, nhẫn đến Vô thượng Bồ đề, nếu thấy các người tội phạm sắp bị hình phạt mà chẳng xả thân mạng để cứu hộ họ, thì là khi dối tất cả chư Phật.


Này Xá Lợi Phất! Lúc Bồ tát Bất Động ấy tu đại hạnh như vậy nhẫn đến chừng nào chưa chứng quả Vô thượng Bồ đề, không một chúng sanh nào sắp bị hình phạt mà chẳng cứu hộ họ.


Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy có một vị Tỳ kheo nghĩ rằng: Đức Như Lai đối với đại hạnh ấy nên tác chứng minh.


Chư Thiên, Nhơn, A tu la v.v... kia cũng nên chứng kiến.


Này Xá Lợi Phất! Lúc ấy đức Quảng Mục Như Lai biết tâm niệm của Tỳ kheo ấy liền phán rằng: Đúng như vậy, Như Lai Ứng Cúng Chánh đẳng Chánh giác chứng kiến đại hạnh ấy, các thế gian chư Thiên, Nhơn, A tu la v.v... cũng chứng kiến. Nếu có đại Bồ tát nào mặc áo giáp đại tinh tiến như vậy xu hướng Vô thượng Bồ đề, đều sẽ thành Phật đạo.


Này Xá Lợi Phất! Lúc ấy Bất Động Bồ tát bạch đức Quảng Mục Như Lai rằng:


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí này, nhẫn đến chừng nào chưa chứng được Vô thượng Bồ đề, giữa chừng nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di nào phạm tội, mà tôi đi nói tội phạm của họ thì là trái bỏ chư Phật Như Lai.


Bạch đức Thế Tôn! Tôi tu công hạnh ấy nguyện thành Vô thượng Bồ đề, làm cho cõi nước tôi rộng lớn thanh tịnh, chúng Thanh văn đều không có lầm lỗi.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí, nhẫn đến chừng nào tôi chưa chứng quả Vô thượng Bồ đề, nếu sanh tưởng niệm dâm dục tiết ra bất tịnh, cho đến trong lúc chiêm bao, thì là trái bỏ chư Phật Như Lai vậy.


Bạch đức Thế Tôn! Tôi tu đại hạnh này chứng Vô thượng Chánh giác, khiến trong nước tôi, những Bồ tát xuất gia trong lúc chiêm bao cũng không tưởng dục tiết ra bất tịnh.


Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi phát tâm Nhứt thiết chủng trí nhẫn đến chứng được Vô thượng Bồ đề, trong nước tôi, nếu hàng nữ nhơn còn có lỗi lầm của người nữ như các nước khác thì tôi chẳng ở ngôi Chánh giác. Nếu ở ngôi Chánh giác thì là khi dối tất cả chư Phật.


Này Xá Lợi Phất! Nếu Bồ tát do công năng đại nguyện ấy thành tựu thì tùy niệm xuất sanh các pháp như vậy có thể thuyết pháp cho tất cả chúng sanh.


Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy có Tỳ kheo thưa Bất Động Bồ tát rằng: Bạch Đại sĩ! Nếu đây là thành tâm bất thối chí ngôn không hư vọng, thì xin Ngài dùng ngón chân lay động mặt đất.


Bất Động Bồ tát nương oai thần của Phật và sức bổn nguyện thiện căn làm cho mặt đất Diệu Hỷ ấy chấn động sáu cách. Những là chấn, đại chấn và biến chấn, động, đại động và biến động.


Này Xá Lợi Phất! Đúng như lời phát nguyện thuở xưa, Bồ tát Bất Động nay đã hoàn thành tất cả công hạnh.


Vì thế nên có Bồ tát nào muốn chứng Vô thượng Bồ đề thì nên học theo Bất Động Bồ tát. Nếu có Bồ tát nào khéo tu những hạnh nguyện ấy thì sẽ được như quốc độ Diệu Hỷ ấy. Và có thể mau chứng Vô thượng Bồ đề."


Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Lúc Bất Động Bồ tát mới phát tâm có bao nhiêu Thiên tử đến dự hội?"


Đức Phật phán: "Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy trong Đại Thiên thế giới có bao nhiêu Tứ Đại Thiên Vương, và cùng Đế Thích, Ma vương, Phạm Thiên Vương v.v... đều hoan hỷ chắp tay xướng lên rằng: Những đại nguyện công đức được nghe hôm nay là những điều mà từ trước chúng tôi chưa từng nghe. Lúc Bất Động Bồ tát thành Phật, trong quốc độ của Ngài, chẳng phải hạng thiện căn hạ liệt mà được làm chúng sanh ở nước ấy."


Ngài Xá Lợi Phất bạch: "Bạch đức Thế Tôn! Như lời đức Phật đã dạy, áo giáp công đức của Bất Động Bồ tát mặc, là chỗ chưa từng có ở chư Bồ tát khác."


Đức Phật phán: "Này Xá Lợi Phất! Đúng như vậy. Chư Bồ tát khác mặc áo giáp lớn phát xu Vô thượng Bồ đề, không có như Bất Động Đại Bồ tát.


Này Xá Lợi Phất! Công đức của Bất Động Bồ tát thành tựu, tất cả Bồ tát trong kiếp Hiền này thảy đều không có.


Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy đức Quảng Mục Như Lai thọ ký Vô thượng Bồ đề cho Bất Động Bồ tát mà dạy rằng:


Này Thiện nam tử! Ở đời sau này, ông sẽ làm Phật hiệu là Bất Động Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.


Đức Quảng Mục Như Lai thọ ký Vô thượng Bồ đề cho Bất Động Bồ tát, như đức Nhiên Đăng Phật thọ ký cho ta vậy.


Này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký có quang minh lớn chiếu khắp thế giới, đại địa chấn động sáu cách. Như ngày trước lúc ta chứng Nhứt thiết chủng trí, cõi Đại Thiên này chấn động sáu cách.


Lại này Xá Lợi Phất! Thuở ấy tất cả cỏ cây lùm rừng đều ngã ngọn hướng về phía Bất Động Bồ tát. Cũng như ngày trước lúc ta chứng quả Bồ đề, tất cả cỏ cây đều ngã hướng về ta vậy.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, ở quốc độ Diệu Hỷ ấy có bao nhiêu hàng Thiên, Long, Dạ xoa, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, tất cả đều chắp tay đảnh lễ Bất Động Bồ tát. Như lúc ta chứng quả Vô thượng Bồ đề trong cõi này, tất cả hàng Thiên, Long Bát bộ đều chắp tay đảnh lễ ta vậy.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, trong nước Diệu Hỷ ấy, người nữ mang thai đều được an lành, người đui được thấy, người điếc được nghe, không khác ngày ta thành Phật vậy.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát phát nguyện xu hướng Vô thượng Bồ đề, và lúc đức Quảng Mục Như Lai thọ ký, trong hai lúc ấy tất cả chúng sanh đều không có hoạnh tử, cũng giống như lúc ta chứng Nhứt thiết chủng trí vậy.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, có hương duyệt ý thơm khắp thế giới, như ngày trước lúc ta chứng đại Bồ đề có hương thích ý thơm ngát khắp mọi nơi vậy."


Ngài Xá Lợi Phất bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Bất Động Đại Bồ tát ấy thành tựu những công đức rộng lớn như vậy."


Đức Phật phán: "Này Xá Lợi Phất! Được đức Quảng Mục Như Lai thọ ký, Bất Động Bồ tát ấy chẳng phải chỉ có những công đức ấy, lại còn có thể được vô biên công đức Ba la mật.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, thế gian, chư Thiên, nhơn dân, A tu la, v.v..., lòng họ đều vui mừng nhu thuận hiền lành cũng như lúc ta thành đạo Bồ đề chư Thiên, nhơn dân v.v... đều vui mừng vậy.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, có đại Dạ xoa tay cầm Kim cang hầu hạ Bồ tát, như ta không khác.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, chư Thiên và nhơn dân, rải những hoa đẹp và hương nước hương bột lên trên Bồ tát, như lúc ta chứng đạo Bồ đề vậy.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, có chư Thiên và nhơn dân đều hai mươi ức phát tâm Vô thượng Bồ đề được đức Quảng Mục Như Lai thọ ký thành Phật.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, những hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng nở khắp đại địa, cũng như Bồ đề đạo tràng của ta hoa nở trùm khắp.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, có vô lượng chư Thiên ở trên hư không rải những Thiên y choàng trên mình Bồ tát và đồng xướng rằng cầu nguyện Bồ tát này mau chứng Vô thượng Bồ đề, như lúc ta được Nhứt thiết chủng trí chư Thiên rải y cúng dường vậy.


Lại này Xá Lợi Phất! Thuở ấy thế gian, chư Thiên, nhơn dân, A tu la, v.v... thấy Bất Động Bồ tát được thọ ký Vô thượng Bồ đề đều rất vui mừng, còn hơn là người đời cha mẹ sanh con trai. Cũng như lúc ta chứng Nhứt thiết chủng trí, chư Thiên và nhơn dân v.v.. đều rất vui mừng vậy.


Lại này Xá Lợi Phất! Khắp cõi nước Diệu Hỷ ấy, bao nhiêu Thiên nhơn, do thần lực của đức Quảng Mục Như Lai, đều nghe Bất Động Bồ tát được thọ ký, họ cúng dường nhiều thứ y phục tốt và món ăn ngon lành, như mọi người cúng dường Tỳ kheo lúc tháng ca đề đã mãn vậy.


Lại này Xá Lợi Phất! Lúc Bất Động Bồ tát được thọ ký, chúng sanh ở dục giới mang những món ăn ngon và tấu nhạc trời để dâng cúng dường.


Này Xá Lợi Phất! Bất Động Bồ tát được thọ ký rồi có nhiều công đức thành tựu như vậy."


Tôn giả Xá Lợi Phất bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh đẳng Chánh giác rất là hy hữu, khéo nói cảnh giới của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn, cũng vậy, cảnh giới thiền định, cảnh giới chư Long chẳng thể nghĩ bàn, các nghiệp nhơn và quả báo chẳng thể nghĩ bàn!


Bạch đức Thế Tôn! Bất Động Bồ tát ấy ở lúc sơ phát tâm nhiếp thọ công đức thù thắng như vậy, được đức Quảng Mục Như Lai thọ ký, lại hoàn thành những công đức lớn chẳng thể nghĩ bàn ấy."


Đức Phật phán: "Đúng như vậy. Như lời ông nói đó Xá Lợi Phất!"


Bấy giờ Ngài A Nan thưa Tôn giả Xá Lợi Phất rằng: "Bạch Đại đức! Bồ tát sơ phát tâm ấy mặc áo giáp tinh tiến, đức Thế Tôn lược nói phần ít công đức vẫn còn chưa hết."


Ngài Xá Lợi Phất nói: "Đúng như vậy. Đức Như Lai chỉ lược nói thôi. Tại sao vậy? Bồ tát ấy an trụ ở sơ phát tâm mặc áo giáp tinh tiến thành tựu vô lượng công đức chẳng thể nghĩ bàn."


Tôn giả Xá Lợi Phất lại bạch đức Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nay đã lược khen Bất Động Bồ tát mặc áo giáp tinh tiến có công đức thù thắng rồi, cúi mong đức Thế Tôn vì nhiếp thọ chư Bồ tát hiện tại và vị lai mà tuyên nói rộng cho."


Đức Phật phán: "Này Xá Lợi Phất! Bất Động Bồ tát lúc sơ phát tâm mặc áo giáp tinh tiến có công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, nay ta vì ông mà nói phần ít. Lắng nghe lắng nghe và khéo suy gẫm đó."


Tôn giả Xá Lợi Phất bạch: "Bạch đức Thế Tôn! chúng tôi muốn xin được nghe."


Đức Phật phán: "Này Xá Lợi Phất! Bất Động Bồ tát phát nguyện như vầy: Giả sử hư không có đổi khác, hoằng thệ của tôi trọn chẳng thối chuyển. Do chí nguyện ấy nên bao nhiêu công đức, Bất Động Bồ tát đều sớm thành tựu cả.


Này Xá Lợi Phất! Ta chẳng thấy chư Bồ tát ở kiếp Hiền này, có ai mặc áo giáp tinh tiến như Bất Động Bồ tát.


Này Xá Lợi Phất! Công hạnh tu hành của Bửu Tràng Bồ tát so với Bất Động Bồ tát trong một ít phần nhẫn đến phần ca la cũng chẳng bằng một.


Này Xá Lợi Phất! Bất Động Bồ tát mặc áo giáp tinh tiến, vô lượng Bồ tát khác đều không bằng được.


Này Xá Lợi Phất! Bất Động Bồ tát do thệ nguyện kiên cố ấy mà chứng Vô thượng Bồ đề nay hiện ở thế giới Diệu Hỷ hiệu là Bất Động Như Lai Ứng Cúng Chánh đẳng Chánh giác.


Lại này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai lúc tu hạnh Bồ tát thuở xưa, có ai đến xin đầu mắt tủy não tay chân đều vui vẻ xả cho chẳng trái ý một ai.


Này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai từ khi sơ phát tâm đến lúc chưa chứng Vô thượng Bồ đề, do đại nguyện như vậy nên không mang những bệnh tật phong nhiệt đàm đau đầu v.v...


Này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai thuở xưa lúc hành Bồ tát đạo được những pháp chưa từng có như vậy.


Này Xá Lợi Phất! Vì thuở xưa đời đời sanh ra, Ngài cúng dường phụng thờ chư Phật, ở chỗ chư Phật ấy Ngài thường tu phạm hạnh, vì thế nên đời nào cũng lại lấy tên là Bất Động cả, đời nào sanh ở cõi nước nào cũng nhằm đời có Phật, thường thấy Phật.


Này Xá Lợi Phất! Ví như Quán Đảnh Đại vương dòng Sát Đế Lợi ở trong nước được tự tại hơn cả, từ một cung điện sang qua một cung điện, chân vua chẳng đi trên đất, hưởng thọ vui ngũ dục.


Bất Động Bồ tát lúc tu Bồ tát đạo, đời đời thường tu phạm hạnh, cúng dường chư Phật. Ngài thuyết pháp chỉ dạy đều tương ưng với Ba la mật, ít có tương ưng với Thanh văn địa, có thể làm cho chư Bồ tát thẳng vào an trụ Vô thượng Bồ đề. Do vì Ngài phát tâm an trụ Vô thượng Bồ đề như vậy nên được công đức lợi ích rộng lớn như vậy.


Bất Động Bồ tát lại đem căn lành pháp thí hồi hướng Vô thượng Bồ đề phát nguyện như vầy: Lúc tôi thành Phật, tất cả Bồ tát trong nước tôi, do oai lực của Phật, nghe tôi thuyết pháp đều thọ trì đọc tụng hay phụng sự chư Phật Như Lai, từ một cõi Phật đến một cõi Phật, nhẫn đến chừng nào chưa chứng Vô thượng Bồ đề, thường chẳng xa rời chư Phật Thế Tôn, cũng như tôi vậy, chỉ trừ người đến cung Trời Đâu suất ở ngôi bổ xứ.


Tại sao vậy?


Vì pháp của Bồ tát tự nhiên như vậy.


Nếu từ cung Trời Đâu suất giáng thần ở thai mẹ, lúc từ hông hữu sanh ra thì đại địa chấn động.


Này Xá Lợi Phất! Tối hậu thân Bồ tát có thoại tướng như vậy.


Này Xá Lợi Phất! Như Tỳ kheo đủ thần túc thông vào trong cung điện như ở hư không, oai nghi đứng ngồi đều không chướng ngại. Cũng vậy, tối hậu thân Bồ tát dầu ở thai mẹ mà như ở hư không, tất cả thứ bất tịnh nhơ uế trong thai bào chẳng nhiễm ô được, mùi hôi cũng chẳng nhiễm đến.


Này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai lúc hành Bồ tát đạo thuở xưa phát nguyện như vầy: Nếu tôi thành Phật, trong nước tôi những người hành Bồ tát thừa và những người hành Thanh văn thừa đều dứt hết ma nghiệp. Các ma chúng chẳng có được dịp dễ, như tôi lúc hành Bồ tát đạo dứt tất cả ma nghiệp, chư Bồ tát ấy nhẫn đến chưa thành những công đức lớn, thường siêng nhiếp thọ tu hành Bồ đề hạnh.


Này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai lúc hành Bồ tát đạo thuở xưa, khi diễn thuyết các pháp và lúc lắng nghe pháp, thân và tâm của Ngài chẳng biết mỏi mệt.


Tại sao vậy? Vì lúc sơ phát tâm hành Bồ tát đạo, Ngài được oai lực pháp thân vậy.


Này Xá Lợi Phất! Bất Động Như Lai lúc hành Bồ tát đạo phát nguyện như vầy: Lúc tôi thành Phật, trong nước tôi, chư Bồ tát đều được pháp thân viên mãn như tôi không khác."


Read more: Đức Phật Bất Động - A Súc Bệ - Akshobya Buddha | Tham khảo http://tuyenphap.com/Tham-khao/Duc-Phat-Bat-Dong-A-Suc-Be-Akshobya-Buddha#ixzz1RnyiUdWN



Leave a Reply