Tuesday, January 10, 2012

Lễ bái trì danh

0 nhận xét

Về chùa lễ bái trì danh
Kinh hành niệm Phật chí thành chuyên tu
Việc đời rối rắm lu bu
Về chùa tu niệm hết ưu não phiền.
Gieo trồng hạt giống Tịnh liên
Sâu dầy vững chắc vui miền Lạc bang.



Pháp tu nầy, về cách thức hành trì, thì đa số liên hữu đã biết và thật hành qua. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói rõ thêm về sự lợi ích của pháp tu nầy trong khi chúng ta thật hành. Trước hết, là nói về lễ bái. 


Lễ bái là một hình thức được biểu lộ bên ngoài. Khi lễ bái cần phải có sự cung kính. Cung kính là từ trong tâm ta phát hiện ra. Trong mười hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, nguyện đầu tiên là Lễ kỉnh chư Phật. ( Nhứt giả lễ kỉnh chư Phật ) Đây là một động tác vừa có lợi cho thân mà cũng vừa có lợi cho tâm. Vì khi đứng lên lạy xuống, có sự vận động cho thân, máu huyết được lưu thông đều đặn, nên rất có lợi cho sức khỏe. Trừ những vị nào bị bệnh áp huyết  cao, thì không nên lạy nhiều và khi lạy phải hết sức cẩn thận.



Phương pháp lễ bái nầy, nó rất phù hợp với y học. Quý vị nào muốn biết rõ hơn về sự ích lợi của pháp môn lễ bái nầy, xin đọc quyển: Bái Phật Và Y Học, do Đạo Chứng Pháp Sư biên thuật, Tâm Tịnh và Phan Thế Hùng Anh chuyển dịch Việt ngữ.

Ngoài sự lợi ích về sức khỏe cho thân ra, nó còn rất lợi ích cho tâm và nhứt là tiêu trừ được nghiệp chướng lâu đời. Đây cũng là biểu lộ cách sám hối tội lỗi mà chúng ta đã gây tạo. Nên khi lễ bái chúng ta phải chí thành tha thiết. Lễ bái không có nghĩa là van xin cầu khẩn ở nơi Phật, Bồ tát để được các Ngài ban ân giáng phước cho ta, mà lễ bái với một tâm thành tha thiết cung kính để hạ mình dẹp trừ ngã mạn.


Khi lễ bái, hành giả phải cẩn thận chú ý đến phần oai nghi. Thân phải đứng nghiêm trang tề chỉnh. Phải đứng ngay thẳng và thầm nhớ bài kệ:



Giữ thân như tường vách

Thế đứng sư tử vương
Thân tâm cùng hợp nhất
Tự tại thể chơn thường.



Khi lạy xuống phải thật nhẹ nhàng, không nên lụp chụp lẹ làng. Phải ứng dụng đúng theo phương pháp:”Ngũ thể đầu địa”. Nghĩa là đầu mặt và tay chân phải sát đất. Chữ “tiếp túc” có nghĩa là chạm xúc chân Phật. Đây là một tục lệ của người Phật tử Ấn Độ lạy Phật khi xưa. Cho nên khi lạy hai bàn tay ta để úp xuống. Khi đứng lên cũng phải thật chậm rãi và nhẹ nhàng. Khi xá phải từ từ và thật sâu. Pháp lễ bái nầy, nó còn trừ được một chứng bệnh nặng nề nhứt của người tu đó là bệnh hôn trầm. Hôn trầm là ngủ gục là đi vào hôn mê tối tăm. Trong Kinh thường gọi trạng thái nầy là rơi vào hang quỷ. Bệnh nầy rất trở ngại cho sự tu hành của chúng ta.



Khi lạy xuống, tâm ta còn theo dõi câu hiệu Phật của các bạn đồng tu cùng niệm, như thế, thì làm sao ta có thể hôn trầm cho được. Sở dĩ chúng tôi cho ứng dụng thực tập, khi lạy xuống hành giả còn phải để tâm theo dõi câu hiệu Phật của những người khác đang niệm, mục đích là để trừ cái bệnh tán loạn của tâm. Vì chú ý theo dõi câu hiệu Phật, nên tâm ta không nghĩ gì khác. Nhờ thế, mà thân và tâm được hợp nhứt. Có hợp nhứt là có chánh niệm và an lạc. Đó là nói sơ lược về sự ích lợi của lễ bái.



Khi nhóm A xướng danh hiệu đức  Phật A Di Đà lễ lạy, thì nhóm B ngồi niệm Phật. Đây là chúng ta ứng dụng gọi là lễ bái trì danh. Thay vì cá nhân lễ bái trì danh, thì chúng ta lại áp dụng cho tập thể. Phương pháp trì danh niệm Phật nầy, ta cần phải hiểu cho thật rõ trong khi hành trì. Trước hết, nói về tư thế ngồi. Khi ngồi xuống, ta liền thầm niệm bài kệ:



Bồ đoàn ngồi thảnh thơi

Không bận tâm việc đời
Chỉ chuyên lòng niệm Phật


Trí huệ chiếu sáng ngời




Ngồi niệm Phật



Tư thế ngồi, có 2 cách: Kiết già hoặc bán già. Kiết già hay còn gọi là Toàn già, đây là kiểu ngồi hình hoa sen. Cách ngồi nầy, được cái lợi là xương sống thẳng, thân vững vàng. Đây là cách ngồi theo Phật ngồi. Tư thế ngồi nầy, đối với những người trọng tuổi, thì rất khó. Vì chân cứng, nên khó bẻ và dễ bị đau chân. Tuy nhiên, nếu ai ngồi được, thì rất tốt. Còn ngồi bán già, thì tương đối dễ hơn. Cách ngồi nầy, là chân mặt để lên chân trái, hay ngược lại đều được. Đại đa số chúng ta đều ngồi theo tư thế ngồi nầy. Khi ngồi niệm Phật hay ngồi thiền, trước tiên là phải điều thân, mà điều thân tức là điều chỉnh tư thế ngồi cho đúng cách. Có ngồi đúng cách, thì ta mới ngồi lâu và thoải mái. Bằng ngược lại, thì dễ đau chân và sanh bệnh.

Hai chữ “thảnh thơi” trong bài kệ nói, là nó đồng nghĩa với “tâm không”. Tâm không là tâm không có vướng mắc, không phiền não, không suy nghĩ lung tung, chớ không phải là tâm không trơn, như lông rùa sừng thỏ. Vì hễ có phóng tâm suy nghĩ việc nầy, việc kia, thì lòng ta đã bất an rồi. Đã bất an, thì làm gì có thảnh thơi. Muốn có được thảnh thơi, thì nhứt quyết là ta không bận tâm đến việc đời. Kể cả việc nhà cửa, việc cháu con v.v… Nói một cách nghiêm khắc và dứt khoát rõ hơn là ta không suy nghĩ hai bên : có không, phải trái, hơn thua... Có như thế, thì tâm ta mới thật sự an lạc. Vì không còn những cặp đối đãi khuấy rầy ta nữa.



Ta phải ý thức rằng, sự có mặt của ta hôm nay và ở đây là ta đã phát nguyện quyết chí tu hành. Đã thế, thì ta cần phải buông bỏ tất cả. Còn vướng bận bất cứ việc lớn nhỏ gì, thì tâm ta không bao giờ yên được. Như thế, thì chỉ còn có cái xác ngồi đó mà hồn ta đã gởi tận nơi đâu đâu. Muốn không khởi nghĩ chuyện gì, thì ta phải hết lòng niệm Phật. Khi niệm danh hiệu Phật, ta phải lắng tai nghe theo nhịp mõ và nghe tiếng niệm Phật của ta và của người. Nghĩa là tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau. Ta phải nghe rõ ràng từng chữ, từng câu. Không để tâm xao lãng. Phải luôn nhớ danh hiệu Phật, không được buông lơi, hở ra, nên gọi đó là Trì Danh.( giữ gìn danh hiệu Phật một cách chắt nịch không xen hở)



Tâm ta luôn nhớ Phật như thế, thì chắc chắn là ta sẽ có an lạc ngay tức khắc. Mà tâm ta được an lạc, thì đó là tịnh độ hiện tiền. Cõi Tây phương hiện ra trước mắt ta. Nhưng với điều kiện là tâm ta phải thật sự an lạc. Vì tất cả đều từ tâm mà ra. Cảnh Cực lạc cũng do tâm ta mà có. Vậy khi niệm Phật, ta phải hết lòng tập trung tâm ý vào câu hiệu Phật. Nếu được kéo dài như thế, thì lâu ngày tâm ta dễ được an định và khi đã được an định, thì lần lần ta sẽ đạt được Nhứt tâm bất loạn. Đó là sự lợi ích thiết thiệt của pháp môn Trì Danh Niệm Phật.





Leave a Reply