Saturday, January 7, 2012

Tân xuân Tùy Bút

0 nhận xét

Cứ mỗi độ xuân về lòng người như hân hoan rộng mở, nô nức háo hức chào đón xuân sang. Vì mùa xuân là mùa tươi đẹp gợi cảm, gây cho lòng người với biết bao niềm ước mơ hy vọng tràn ngập ở tương lai. Bất cứ ước mơ nào, người ta cũng nhằm hướng đến tô dệt nên nhiều mộng đẹp. Trong khi mơ ước, người ta lại quên đi cuộc sống hiện tại. Có người nghĩ rằng, vì cuộc sống hiện tại có quá nhiều đau khổ, nên khiến người ta phải nghĩ đến nuôi dưỡng nhiều mộng tưởng hy vọng tươi đẹp sáng lạn ở tuơng lai. Nuôi dưỡng niềm hy vọng để cho cõi lòng dịu bớt những căng thẳng bức xúc đau khổ trong hiện tại. Đó chính là phương cách trốn chạy không dám nhìn thẳng vào sự thật.





Niềm ước mơ hy vọng nầy, nếu nhìn ở một gốc độ nào đó, thì cũng không hẳn là hoàn toàn vô lý. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng, bất cứ một ước mơ nào, nó cũng chỉ là ảo tưởng biến hiện của dòng tâm thức mà thôi. Trong khi mơ ước, người ta lại không quan tâm gì đến những việc xảy ra trong hiện tại. Nhưng người ta đâu có ngờ rằng, chính hiện tại mới là cái chất liệu quan yếu để định hướng xây dựng sự nghiệp ở tương lai. Chối bỏ hiện tại là ta đã đánh mất cuộc sống. Một cuộc sống thật sự có mặt quý giá mầu nhiệm. Một khi đã đánh mất cuộc sống “Chân, Thiện, Mỹ” hiện tại, thì chúng ta đừng mong có được một cuộc sống tươi sáng rạng rỡ ở tương lai.

Từ ý niệm đó, cho chúng ta thấy rằng, đời sống có hạnh phúc hay khổ đau, đều hoàn toàn do chính chúng ta định đoạt lấy. Cứ nhìn vào kinh nghiệm bản thân, cho ta thấy rõ điều đó. Nếu bạn là một học sinh, bạn có quyền mơ ước đến cuộc sống tương lai của bạn. Bạn có thể vẽ ra với nhiều mộng đẹp. Điều đó, không ai có quyền ngăn cấm bạn. Nhưng thưa bạn, khi mơ ước điều gì, xin bạn chớ quên rằng, muốn đạt được lý tưởng ước vọng đó, thì bạn phải ý thức đến việc làm hiện tại của bạn. Nghĩa là bạn phải cố gắng hết sức mình trong việc học tập. Như thế, thì hiện tại chính là yếu tố quan trọng, nó có đủ thẩm quyền quyết định cho chiếc thuyền đời tương lai của bạn. Ngược lại, nếu chỉ là một ước mơ suông, thì bạn sẽ không bao giờ tựu thành mộng ước. Nếu như bạn không cắm rễ sâu vào hiện tại, thì chắc chắn cây tương lai của đời bạn sẽ khô héo tàn tạ và như thế thì không bao giờ có nở hoa và trái hạnh phúc được.


Nếu bạn là người tu hành đang tu tập theo pháp môn Tịnh độ chẳng hạn, bạn luôn thao thức mong mỏi là sau khi bỏ báo thân nầy, được sanh về thế giới Cực lạc. Điều nguyện ước đó, quả là một lý tưởng rất cao đẹp tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là một ước nguyện suông, thì bạn đừng hòng có được như thế. Mà đó chỉ là một ảo tưởng mơ hồ, thiếu thực tế. Nếu bạn muốn biến giấc mơ đó thành sự thật, thì hằng ngày bạn phải thành tâm tha thiết niệm Phật và tu tạo thêm nhiều điều phước thiện khác. Đó là bạn khéo biết, biến nhận thức thành hành động cụ thể. Có thế, thì điều bạn mong muốn, chắc chắn nó sẽ trở thành sự thật. Như vậy, có phải hiện tại là yếu tố chính nhằm quyết định cho hướng tương lai của đời bạn không? Xin bạn nhớ rằng, bất cứ một tương lai nào cũng phải bắt nguồn từ hiện tại mà ra.


Xin nêu ra đây một thí dụ cụ thể cho dễ hiểu. Như bạn muốn xây dựng một căn nhà, thì việc cần yếu trước tiên là bạn phải có tiền. Tiền và những điều kiện vật liệu khác, tất cả đều phải được chuẩn bị đầy đủ trong hiện tại. Khi đã chuẩn bị chu đáo rồi, thì căn nhà tương lai của bạn đã thực sự có mặt ngay trong hiện tại rồi. Vì cái quả nó đã hình thành có mặt ngay trong cái nhân. Như một hành động giết người, thì cái quả ngồi tù nó cũng đã có mặt ngay trong hành động sát nhơn đó. Ngược lại, nếu như, hiện tại bạn không có chuẩn bị thứ gì cả, thì việc ước muốn xây dựng căn nhà tương lai của bạn, chỉ là một mộng ước không tưởng mà thôi. Hiểu thế, cho chúng ta một kết luận về yếu lý của sự sống rất là cụ thể. Tất cả mọi việc đắc thất, thành bại, nên hư, đều bắt nguồn từ nơi hiện tại mà ra.


Những điều trình bày trên đây, là chúng tôi muốn trao đổi chia sẻ cùng bạn qua cái nhìn thực tiễn trong thế gian pháp hay tục đế. Nghĩa là với cái nhìn trong ước định thời gian tương đối. Nếu luận sâu hơn, mang tính chất thiền vị của chơn đế, thì thưa bạn, đời sống hạnh phúc hay đau khổ của bạn, nó nằm trong từng ý niệm của bạn. Bạn không cần phải tìm kiếm ở đâu xa. Bạn cứ sống thiết thiệt trong mỗi phút giây hành động của bạn. Một hành động hay lời nói của bạn phải luôn có mặt trời ý thức soi sáng. Được vậy, thì chính ngay giây phút đó là bạn đã có tràn đầy hạnh phúc. Bạn không cần phải mong cầu điều gì khác. Bạn cứ vui sống hít thở trong không khí chánh niệm. Bạn đừng để dòng tâm thức của bạn phiêu lưu trong ảo tưởng. Càng phiêu lưu chừng nào, thì bạn càng đánh mất bạn trong hiện tại và lẽ tất nhiên, bạn sẽ chuốc lấy nhiều khổ lụy đắng cay nhiều chừng nấy.


Một cuộc sống thật đơn giản, không lo âu, sợ hãi, và cũng không cần tính toán đến ngày mai. Vì ngày mai đối với bạn chỉ là thời gian trong hiện tại. Nếu không có hiện tại, thì làm gì có ngày mai? Tất cả chẳng qua chỉ là những danh từ giả lập và thời gian cũng chỉ là giả lập hình thành bắt nguồn từ vọng thức giả định của con người mà ra. Nói một cách nghiêm khắc cụ thể hơn, tất cả đều từ tâm bạn mà ra cả. Trong kinh Phật thường gọi là: “Nhứt thiết duy tâm, vạn pháp duy thức”.


Hẳn bạn còn nhớ bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm nói:



Nhược nhơn dục liễu tri


Tam thế nhứt thiết Phật


Ưng quán pháp giới tánh


Nhứt thiết duy tâm tạo.


Nghĩa là:



Nếu người nào muốn biết rõ


Tất cả chư Phật trong ba đời


Nên quán sát kỹ tánh pháp giới


Tất cả đều do tâm tạo.


Mọi sự vật ở đời, không có thứ gì ngoài tâm bạn. Tất cả đều biến hiện từ vọng thức của con người mà ra. Trở về dựng lại mùa xuân an lạc trong tâm thức của bạn, đó mới thực sự là mùa xuân miên viễn vĩnh cửu. Một mùa xuân, vượt ngoài phạm trù lý giải nhị nguyên thường tình. Mùa xuân đó, không còn có sự kỳ thị, tranh chấp, hận thù, hơn thua, đắc thất, thành bại, chiếm đoạt, thương ghét, hay thủ xả v.v…Chính đó mới đích thực là mùa “Xuân” mà lâu nay chúng ta đã không tìm thấy. Sống được như thế, không giây phút nào là bạn không có mùa xuân. Đó là xuân lòng ngát tỏa hương thơm rộng khắp đất trời vượt qua mọi thời gian và nơi chốn. Như thế là bạn sẽ bắt gặp mùa xuân chơn thường của Thiền Sư Mãn Giác đời Lý.



Xuân đáo bách hoa khai


Xuân khứ bách hoa lạc


Sự trục nhãn tiền quá


Lão tùng đầu thượng lai


Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận


Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


Tạm dịch:



Xuân đến trăm hoa nở

Xuân đi trăm hoa rụng

Việc đời qua trước mắt

Trên đầu già đến rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.


Thiền Sư đã khơi dậy cho chúng ta nhận rõ mùa xuân miên viễn ở nơi chính mình. Xuân ngoại tại tự nó đã là mang yếu tính vô thường sanh diệt, vì đó là mùa xuân vận hành theo thời tiết bốn mùa của đất trời. Đó là mùa xuân theo ước định của thời gian giả lập. Khi xuân đến thì trăm hoa thi nhau đua nở. Nhưng khi xuân qua rồi, thì trăm hoa rụng hết không còn. Vạn vật đều có chung trong một quy trình: sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Không có một hiện tượng nào thoát ngoài quy luật vô thường sanh diệt đó.

Tuy nhiên, nếu việc đời chỉ có ngần ấy, thì cuộc sống của con người sẽ mất hết ý nghĩa. Vì mọi vật chỉ xuôi theo dòng nước vô thường chảy trôi qua trước mắt. Sống theo một chu kỳ lặp đi lặp lại của những việc: ăn, mặc ở, ngủ nghỉ, làm việc v.v… rồi lão hóa và chờ chết. Thế là hết cuộc đời. Chấm dứt một đời người của kiếp nầy để rồi tiếp nối đi lang thang thọ báo qua đời khác. Cứ thế mà xuôi theo dòng nghiệp thức thọ báo khổ vui trong vòng luân hồi bất tận. Sống như thế, thì thật là vô vị nhạt nhẻo và khổ lụy biết bao nhiêu!


Nhưng ở đây, Thiền Sư đã hé mở cho chúng ta thấy rõ cánh cửa giải thoát. Không phải hoa mai rụng hết là không còn gì nữa. Nếu thế, thì chúng ta tu theo đạo Phật, cuối cùng, lại trở thành phái “Đoạn Diệt” hết sao? Không. Hoa mai tuy có rụng hết, nhưng cành mai nào có mất đi đâu. Cành mai vẫn còn có mặt sờ sờ đó. Có mặt sờ sờ, nhưng tại vì chúng ta bị mê vọng lầm qua không nhận ra đó thôi. Cũng thế, vọng tâm sanh diệt tuy không còn, nhưng chơn tâm vẫn hằng hiện hữu nào có mất đi đâu. Lâu nay, chúng ta quen nhìn đời bằng cặp kính màu vọng thức, nên nhìn đâu cũng thấy là chân thật. Đó là cái nhìn chủ quan chấp thủ vào hiện tượng, chỉ thấy sóng nổi lô nhô trên mặt biển mà chúng ta không nhận ra được sự yên lặng hằng hữu của mặt biển. Do nhìn theo lối biến kể sở chấp như thế, nên chúng ta mãi bị trầm luân đau khổ.


Thiền sư đã đánh thức cho ta cần phải thay đổi lối nhìn. Đó là cánh cửa đã mở tung ra cho chúng ta thấy trong cái vô thường sanh diệt, còn có cái chơn thường bất sanh bất diệt ẩn tàng trong đó. Đừng đi tìm cái chơn thường ngoài cái vô thường. Trong ngôi nhà năm uẩn lại có sẵn ông Phật vàng hay viên ngọc quý ẩn tàng trong đó. Nhận rõ điều đó, thì cuộc sống của con người mới thực sự có ý nghĩa và đáng sống. Sống để làm lợi ích cho tha nhân. Mượn con người giả tạm nầy để hành hoạt đem lại nguồn sống lợi lạc thiết thật cho mình và người. Hằng sống trong khung trời an vui giải thoát. Đó là chúng ta khéo biết dựng lại mùa xuân lý tưởng. Một mùa xuân chỉ có hoa và trái hạnh phúc. Đó cũng là một lộ trình rộng mở thênh thang tràn đầy xuân hoa tươi đẹp mà các vị Bồ tát đã đi qua.


Đối với người Phật tử xuân cảnh hay xuân tâm, đều không có gì là quan trọng. Điều quan trọng là phải luôn sống trong tỉnh thức chánh niệm. Sống có chánh niệm là sự sống tràn đầy ý nghĩa. Một sự sống không còn vướng bận chi phối, bởi bất cứ một ý niệm thị phi buồn vui nào. Một sự sống bao dung rộng mở tràn ngập khắp cả đất trời. Đó là chúng ta khéo biết hội nhập hòa mình trong nguồn sống của vũ trụ bao la. Nơi đó, không còn ý niệm tương tranh phân chia nhân ngã, bỉ thử. Triệt tiêu mọi vọng chấp đối đãi nhị nguyên. Đó mới chính là người Phật tử nhận lại mùa xuân thực tại miên viễn ở nơi chính mình.


Trong ý hướng tu tập, thiết nghĩ, là người tu học Phật, chúng ta cũng nên noi theo tấm gương trong sáng hạnh giải tương ưng của các Ngài mà chúng ta cất bước hành trình theo. Có thế, thì chúng ta mới thật sự vui xuân và thưởng thức hương vị của một mùa xuân miên viễn trong tận cõi lòng của người Phật tử. Cầu mong mọi người luôn tắm mình trong ánh sáng xuân quang và luôn bình an trong nếp sống.

Leave a Reply