Thursday, January 12, 2012

CHĂM SÓC CHO NGƯỜI BỊ BỆNH SA SÚT TRÍ TUỆ

0 nhận xét

Trang Giúp Đỡ này giải thích về một số những thay đổi trong việc giao tiếp vốn xảy ra do kết quả của bệnh sa sút trí tuệ đồng thời đề nghị một số cách mà các gia đình và những người chăm sóc có thể giúp đỡ. Trang này còn có một vài sự hướng dẫn cá nhân về vấn đề giao tiếp do một người bị bệnh sa sút trí tuệ viết.


Một số thay đổi trong việc giao tiếp


Mỗi người bị bệnh sa sút trí tuệ đều khác nhau, và những khó khăn trong việc diễn đạt tư tưởng cũng như cảm giác đều khác nhau ở mỗi người. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sa sút trí tuệ, và mỗi nguyên
nhân ảnh hưởng tới não bộ một cách khác nhau.


Một số thay đổi quí vị có thể để ý thấy bao gồm:



  • Khó khăn trong việc tìm được từ ngữ thích hợp. Họ có thể dùng một từ ngữ liên quan thay vì từ ngữ mà họ không thể nhớ được

  • Họ có thể nói năng trôi chảy, nhưng không có ý nghĩa

  • Họ có thể không hiểu những điều quí vị đang nói, hoặc chỉ có thể nắm bắt được một phần nào đó

  • Khả năng viết và đọc cũng có thể bị sút kém

  • Họ có thể mất khả năng xã giao bình thường và ngắt lời hay phớt lờ một người đang nói chuyện, hoặc không ứng đáp khi người này nói chuyện với họa

  • Họ có thể cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt những cảm xúc của mình một cách thích đáng


Nơi bắt đầu


Điều quan trọng là hãy kiểm tra để chắc chắn là thính giác và thị giác không bị hư hại. Kính đeo mắt hay một dụng cụ trợ thính có thể giúp được một số người. Kiểm tra để chắc chắn là các dụng cụ trợ thính hoạt động một cách đúng mức và kính đeo mắt được lau chùi thường xuyên.


Xin nhớ


Việc giao tiếp gồm có 3 phần:



  • 55% là ngôn ngữ cử chỉ, tức là thông điệp mà chúng ta đưa ra bằng sự biểu lộ trên nét mặt, cử chỉ và dáng điệu

  • 38% là âm sắc và cao độ trong giọng nói của chúng ta

  • 7% là những từ ngữ chúng ta sử dụng Những số liệu thống kê này cho thấy tầm quan trọng về cách thức gia đình và những người chăm sóc hiện diện trước mặt người bị bệnh sa sút trí tuệ. Những ngôn ngữ cử chỉ tiêu cực chẳng hạn như thở dài hay nhướng lông mày có thể rất dễ dàng được nhận biết.


Những điều nên làm thử


Thái độ quan tâm


Người ta thường lưu giữ những cảm giác và cảm xúc, ngay cả trong trường hợp họ không hiểu những điều đang được nói ra. Vì vậy, điều quan trọng là hãy luôn bảo vệ nhân phẩm và lòng tự trọng của họ. Hãy linh động và luôn dành nhiều thời giờ để bệnh nhân ứng đáp. Trong tình huống thích hợp, dùng sự đụng chạm để bệnh nhân chú ý và để diễn đạt những cảm giác nhiệt tình và trìu mến.Những cách nói chuyện.



  • Giữ bình tĩnh và nói chuyện một cách nhẹ nhàng từ tốn và thật tình

  • Sử dụng những câu nói ngắn gọn và đơn giản, mỗi lần chú trọng vào một ý tưởng

  • Luôn dành nhiều thời giờ để bệnh nhân hiểu được những điều quí vị vừa nói ra

  • Việc dùng những tên gọi mà bệnh nhân muốn nghe trong trong những lúc thích hợp có thể rất hữu dụng, chẳng hạn như: "Con trai của ông/bà, Tám"


Ngôn ngữ cử chỉ


Quí vị có thể phải dùng tay làm cử chỉ và diễn tả bằng nét mặt để bệnh nhân hiểu được quí vị. Việc chỉ trỏ hoặc minh họa có thể giúp ích. Sờ hoặc cầm tay họ có thể giúp để họ chú ý và cho biết là quí vị đang quan tâm đến họ. Một nụ cười nồng nhiệt và một tràng cười chung thường có thể khiến cho việc giao tiếp có hiệu quả hơn ngôn từ.


Môi trường thích hợp



  • Hãy cố tránh những âm thanh ồn ào tranh giành nhau, chẳng hạn như tivi hay radio

  • Nếu quí vị đứng yên tại chỗ trong khi đang nói, bệnh nhân sẽ dễ theo dõi quí vị hơn, đặc biệt nếu quí vị đứng ngay trong tầm mắt của họ

  • Duy trì các thông lệ bình thường hàng ngày để giúp giảm thiểu tối đa sự lẫn lộn và để giúp cho việc giao tiếp

  • Bệnh nhân sẽ ít bị lẫn lộn hơn nếu tất cả mọi người cùng sử dụng một cách thức giao tiếp giống nhau. Việc lập lại một lời nói theo cách thức giống hệt như trước là điều quan trọng đối với tất cả mọi gia đình và những người chăm sóc


Những điều KHÔNG nên làm



  • Đừng tranh cãi. Điều này chỉ khiến cho tình hình trở nên tệ hại hơn

  • Đừng ra lệnh cho bệnh nhân

  • Đừng nói với họ về những điều họ không thể làm. Thay vào đó, hãy nói những điều họ có thể làm

  • Đừng ra bộ kẻ cả. Một giọng nói kẻ cả có thể được nhận biết, ngay cả trong trường hợp người nghe không hiểu những từ ngữ trong đo

  • Đừng hỏi quá nhiều câu hỏi trực tiếp vốn đòi hỏi người trả lời phải có một trí nhớ tốt

  • Đừng nói về những người khác trước mặt họ như thể những người đó không có mặt tại đó


Phỏng theo tài liệu ‘Thông hiểu những hành vi cư xử khó khăn’ (Understanding difficult behaviours) do Anne Robinson, Beth Spencer và Laurie White biên soạn.


Một vài hướng dẫn của một người bị bệnh sa sút trí tuệ


Christine Bryden (Boden) được chẩn đoán bị mắc bệnh sa sút trí tuệ ở số tuổi 46, và đã chia sẻ một số hiểu biết của mình về những cách thức gia đình và bạn bè có thể giúp cho một người bị bệnh sa sút trí tuệ. Christine còn là tác giả của một số tài liệu xuất bản, bao gồm tài liệu ‘Tôi sẽ là ai sau khi chết?’ (Who will I be when I die?), là cuốn sách đầu tiên do một người Úc bị bệnh sa sút trí tuệ viết.
Christine có những hướng dẫn sau đây về việc giao tiếp với một người bị bệnh sa sút trí tuệ:



  • Hãy cho chúng tôi có thời gian để nói, chờ cho chúng tôi tìm được từ ngữ chúng tôi muốn sử dụng trong đống từ ngữ lộn xộn dưới đáy của bộ não. Hãy cố đừng chấm dứt câu nói của chúng tôi. Chỉ
    nên lắng nghe, và đừng khiến cho chúng tôi phải lúng túng nếu chúng tôi đánh mất dòng tư tưởng trong những điều chúng tôi nói.

  • Đừng thúc giục chúng tôi vội vàng vì chúng tôi không thể suy nghĩ hay nói nhanh đủ để cho quí vị biết là chúng tôi có đồng ý hay không. Hãy cố cho chúng tôi có thời gian để ứng đáp – để cho quí vị biết là chúng tôi có thực sự muốn làm điều đó hay không.

  • Khi quí vị muốn nói chuyện với chúng tôi, hãy nghĩ một vài cách để nói mà không phải đặt ra những câu hỏi vốn có thể làm cho chúng tôi hoảng sợ hay cảm thấy không thoải mái. Nếu chúng tôi đã quên mất một điều đặc biệt nào đó mới xảy ra gần đây, đừng cho rằng điều đó cũng không đặc biệt đối với chúng tôi. Chỉ nên gợi ý cho chúng tôi một cách nhẹ nhàng – đầu óc của chúng tôi có thể chỉ trống rỗng trong giây lát.

  • Đừng cố gắng tìm mọi cách giúp chúng tôi nhớ lại một sự việc nào đó mới vừa xảy ra. Nếu chúng tôi đã không ghi nạp sự việc đó, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể hồi tưởng lại được sự việc đó

  • Tránh những tạp âm, nếu được. Nếu tivi đang mở, hãy chận âm thanh đó lại trước tiên.

  • Nếu có các trẻ em ở dưới chân, xin nhớ rằng chúng tôi sẽ rất dễ bị mệt mỏi và sẽ cảm thấy rất khó khăn tập trung vào việc nói và nghe. Có lẽ mỗi lần một em và không có tạp âm là điều tốt nhất.

  • Có thể mang dụng cụ bịt tai khi ghé tới các trung tâm thương mại, hay những nơi ồn ào khá.


Alzheimer's Australia chịu trách nhiệm về nội dung của Tờ Giúp Đỡ này.


Tài liệu này chỉ cung cấp phần tóm lược tổng quát về đề tài được đề cập. Mọi người nên tìm ý kiến cố vấn chuyên môn cho từng trường hợp riêng của mình. Alzheimer’s Australia không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hay bỏ sót nào trong tài liệu này.


Alzheimer’s Australia cung cấp việc hỗ trợ, thông tin, giáo dục và cố vấn. Xin liên lạc với Đường Dây Giúp Đỡ Toàn Quốc về Bệnh Sa Sút Trí Tuệ qua số 1800 100 500.


Dịch Vụ Tư Vấn Toàn Quốc về Hành Vi Cư Xử liên quan đến Bệnh Sa Sút Trí Tuệ (National Dementia Behaviour Advisory Service) (NDBAS) là dịch vụ tư vấn qua điện thoại trên toàn quốc dành cho các
gia đình, những người chăm sóc và các nhân viên chăm sóc thay thế vốn cảm thấy bận tâm về hành vi cư xử của những người bị bệnh sa sút trí tuệ.


Dịch vụ này cung cấp việc cố vấn một cách kín đáo và bao quát, hoạt động 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Số điện thoại liên lạc của dịch vụ là 1300 366 448.


Muốn biết thêm thông tin và đọc các Tờ Giúp Đỡ khác, xin ghé xem trang mạng của chúng tôi tại www.alzheimers.org.au



Leave a Reply