Saturday, January 7, 2012

THEO TRIỀN THUNG LŨNG

0 nhận xét


Nắng tháng Tám vàng sắc da bưởi chín.

Gió qua đê thổi hương cốm vào làng.

Mỗi Trung Thu con về thăm nội.

Phiên chợ rằm theo gót nội xênh xang.

Đêm vừa xuống trăng lên tàu lá chuối.

Gió hay hay nội trãi chiếu ra hè.

Con tíu tít bám hoài theo chân nội.

Xem nội treo đèn bày cỗ Trung Thu....


Tôi không biết bài thơ này do tác giả nào đặt ra, nhưng mỗi lần đọc là tôi nhớ nội và ba vô cùng. Nội không còn, mà ba cũng không còn để tổ chức Trung Thu cho tôi nữa, đúng hơn tôi không còn tuổi để  chơi đèn phải nói là tôi đang tuổi phải tổ chức và bày cỗ cho đám trẻ con hiện tại. May mắn thay, tôi lại không phải làm việc này vì thầy trụ trì đã lo mọi việc một cách chu toàn để nhóm thọ bát  thứ Bảy ngày hôm đó gồm có Quảng Thọ, Lệ Tâm, Diệu Viên, Viên Định và tôi được rảnh rang tu tập.


Sau phần dược thạch, thầy trụ trì Phước Tấn hỏi ý là chúng tôi có thích đi thiền hành hay không. Tôi là đứa hay lo việc quan để trốn việc làng nên nhanh nhẩu đáp có. Thế là sáu thầy trò chúng tôi cùng nhau xuống núi, để thầy Minh Từ  ở lại giử chùa. Người ta lên núi để tìm đạo, riêng chúng  tôi thì phải xuống núi để tìm sự tĩnh lặng cho tâm hồn, bỏ lại đằng sau lưng những ồn ào náo động của đám trẻ con đang sắp sửa rước đèn.


Chùa Quang Minh tọa lạc trên một đỉnh đồi nhìn xuống là dòng sông thơ mộng Maribyrnong lặng lờ trôi chảy. Thầy đưa chúng tôi đi lần theo con đường trải đầy sỏi trắng nằm bên cánh trái của đền Tam Thánh. Theo yêu cầu của nhóm Thọ Bát hôm nay,  phần thiền hành tạm thời gát bỏ để thầy thuyết minh từng phần. Chúng tôi phục thầy vô song vì thầy thuộc từng cành cây ngọn cỏ, từng viên đá nằm bên vệ đường. Cứ mỗi góc độ của triền dốc thì hiệ́n bày một cảnh khác nhau. Chúng tôi thích thú ngắm nhìn sự chuyễn biến của cảnh vật như những đứa trẻ đang nhìn vào trong chiếc kính vạn hoa và say sưa nghe thầy giảng.  Tôi không biết gì về phong thủy nhưng cũng có một ít kiến thức về địa lý và địa hình. Chùa Quang Minh có một may mắn là được nằm trên vuông đất bồi của dòng sông  Maribyrnong. Theo địa lý và cũng theo kinh nghiệm dân gian thì vùng đất bồi là điểm  phát triển và nơi tụ người .


Chúng tôi đi khoảng một phần đường thì được thầy cho dừng lại để thầy thuyết giảng, thầy bảo chúng tôi nhìn ngược về phía Đại Hùng Bửu Điện đang xây cất thì sẽ thấy những bờ đá gợn sóng như hình con rồng uốn khúc đang nằm dưới chân ngôi chùa. Nếu giàu tưởng tượng một chút ta sẽ thấy được chiếc mõm rồng nằm cuối bức tường, vào cánh trái của Đại Hùng Bửu Điện, do những tảng đá vô tình nằm vất vưởng trên ngọn đồi tạo nên. Nơi mà trước đây trơ trọi, nay được bàn tay kiến tạo của con người đặt tới, liền với các tảng đá là mô đất có hình khum như cái đầu rồng được nối với chiếc mõm. Chiếc đầu rồng đang hướng ra dòng sông Maribyrnong, rồi bờ đá được nối liền với con đường sỏi trắng uốn cong dợn sóng như hình con rồng dài đang uốn khúc. Nó dường như đang chạy lần xuống miền thung lũng hay nói đúng hơn là con rồng từ dưới miền thung lũng đang trườn mình bò tới và nằm phục dưới chân  Đại Hùng Bửu Điện. Đúng là biểu hiện của dạng thanh long đầu phục .


Khi tôi học cách thiết kế trang Web với thầy Minh Từ thì thầy luôn bảo chúng tôi: “Quý vị phải có đầu óc tưởng tượng một tí thì sẽ thiết kế được một mẫu mã đẹp.” Trước cảnh hoang sơ trước đây của khu đất mà ngày nay chúng ta thấy được sự hùng vĩ của nó thì cũng nói một phần lớn là do đầu óc sáng tạo đầy mỹ thuật của thầy Phước Tấn cùng với bàn tay khéo léo của nhà tạo cảnh.  Thầy cho biết bức tượng Di Lặc sẽ được đặt nơi lớp đất nằm dưới chiếc đầu rồng tưởng tượng mà tôi vừa kể.


Những tảng đá được đặt chồng lên nhau nhìn xa như những chiếc vẩy rồng. Đây là loại đá hoa cương vi tính nên những tinh thể thạch anh được chiếu lấp lánh dưới ánh mặt trời làm tăng thêm phần linh hoạt của nó.  Chúng ta không những chỉ có một bờ đá mà chúng ta lại có những ba bờ đá lận, trông xa như một quần thể rồng đang chầu phục dưới chân Đại Hùng Bửu Điện chùa Quang Minh, để bảo vệ và che chở cho ngôi chùa chúng tôi.


Khi chúng tôi xuống tới thung lũng, thửa đất còn đang cày dở, nhà tạo cảnh đã làm việc với hứng thú thực sự nên thầy rất hài lòng về cách sắp xếp và bày trí các cây cảnh của ông ta.  Ngoài bờ đá, thầy còn có chương trình trồng cây xanh trên các triền đồi với tác dụng giử đất và làm nơi cư trú cũng như nguồn cung cấp thức ăn cho những sinh vật sống nơi đây. Tôi  cảm giác dường như lời huấn thị của Đấng Từ Tôn được thầy thể hiện qua việc làm này là dùng tâm từ để  làm việc và luôn nghĩ đến muôn loài.


Thầy đưa chúng tôi đến vuông đất bồi của dòng sông rồi thầy cho biết nơi đây là vùng bình yên và tĩnh lặng nhứt . Chúng tôi dừng lại nơi này một hồi lâu để tận hưởng giây phút yên bình trong cuộc đời. Tôi có cảm giác  như dòng sông và con đất đang bao bọc và che chở thầy trò chúng tôi. Rồi nhìn lên các bờ đá có dạng hình rồng, đột nhiên ý tưởng thoáng hiện trong đầu tôi hay là các con rồng đang về hộ trì và cuối đầu quy phục trước : bóng dáng uy nghiêm của Hòa thượng chúng tôi, một người suốt cuộc đời vì đạo pháp và lo cho đàn con dại; chiếc bóng tròn đầy của thầy Phước Tấn trong những ngày tháng miệt mài, những đêm thức trắng để tìm mọi kế hoạch lo chu toàn trách nhiệm, hoàn thành công tác xây dựng chùa, cùng giử vững giềng mối đạo; chiếc bóng cao nghiêng đổ của thầy Phước Thái trong những đêm dài  nặn óc tìm phương dạy dỗ chúng tôi qua những bài thơ, những dòng nhạc, những bài pháp, những phương pháp trì chú niệm Phật công hiệu nhứt; chiếc bóng cao gầy gầy của thầy Minh T̀ừ với cách thiết lập trang Web kỳ bí mà tôi gỡ hoài không ra, với lời kinh A Hàm đưa chúng tôi về khoảng quá khứ xa xôi nào đó và cô đọng những bài học muôn đời sẽ không bao giờ quên được; chiếc bóng hiền từ của thầy Phước Hựu với thời Kinh Hoa Nghiêm thâm sâu; chiếc bóng to cao lớn của thầy Phước Thiền với những bài pháp thoại giản dị và vui tươi; chiếc bóng gầy của thầy Phước Đắc ngồi lặng lẻ bên chiếc máy vi tính và lần từng trang kinh trong những khi chiều xuống; chiếc bóng thầy Phước Nguyên trong những buổi trì danh niệm Phật của ngày thứ bảy; chiếc bóng thầy Phước Thiệt với những buổi pháp đàm đầy thân mật; chiếc bóng cô Nguyên Lưu với những bước chân đi gập ghềnh với chiếc gậy  trong tay nhưng không sót một thời kinh công phu nào cả, cùng với  khu vườn “Lộc Uyển” bên hông chánh điện, mà Diệu Viên và tôi phải vun xới theo ý cô,  sau mỗi kỳ thọ bát ngày thứ bảy; chiếc bóng cô Như Bửu hiền hòa thanh tịnh trong những buổi trai tăng tôn nghiêm tại hội trường và trong những thời kinh ngày Chúa nhựt; chiếc bóng cô Phước Chơn với lời đọc kinh nhẹ nhàng vào mỗi chiều trong mùa an cư kiết hạ khi chùa  vắng lặng không người, cùng với những bình hoa khoe màu trong chánh điện; chiếc bóng cô Phước Hồng với lời  kinh cầu trong giọng đọc êm êm của người Huế, cùng những chiếc bánh cam tròn đầy đượm tình sư đệ;  chiếc bóng cao gầy trang nghiêm của cô Diệu Trinh trong những thời kinh vào ngày Chúa Nhựt mỗI tuần.


Chúng tôi được thầy đưa trở về quá khứ của hai trăm năm trước với con đập chắn ngang dòng sông.  Chính tại nơi đây những người thổ dân đã dùng phương tiện thô sơ nhứt để bắt cá.  Cũng chính nơi này, những trại chủ đã dùng nó để làm chỗ nghỉ chân cho đàn cừu qua lại giữa hai vùng đất Avondale Heigh và Braybrook . Thầy còn cho biết chùa vừa nhận được ngân khoảng hơn 35,000 đô cho việc tái tạo lại quang cảnh môi trường cây xanh nơi đây. Tôi cũng được biết rằng kế hoạch này được thầy gọi là “The Meeting Place” mà thầy sẽ là Quản Đốc trông coi công trình đó.


Trăng rằm tháng Tám tròn đầy và mủm mỉm như những đứa trẻ một tay cầm chiếc lồng đèn, một tay níu áo theo mẹ đi rước đèn. Rồi trăng ẩn mình vào gợn mây nhẹ bay ngang qua bầu trời như khuôn mặt của những đứa trẻ lần đầu tiên mới đến chùa dự lễ còn e thẹn  hay mắc cở. Đàng xa là một số em nhỏ đang chạy đuổi nhau cười đùa vui vẻ.  Nhìn những đứa trẻ nô đùa trong khoảng đất trống, thầy cho biết nếu có điều kiện thầy sẽ làm bằng khoảng đất cuối của chùa để tạo một công viên cho chúng vui chơi thỏa thích. Thầy còn nói thêm chẳng thà nhìn chúng té ngã, trầy trụa rồi đứng lên để học được bài học nhân quả trong đời, còn hơn nhìn chúng miệt mài trong những ảo giác của chiếc máy games vô tri, vô tính mà hậu quả vô cùng tai hại cho chúng sau này.  Điển hình là câu chuyện anh chàng bên Mỹ xách súng vào một trường mẫu giáo mà tàn sát vô cớ đám trẻ em trong trường. Tôi nghe xót xa về câu chuyện này. Tôi cũng không biết chúng ta sẽ phải làm gì trước cơn bệnh điên cuồng của thời đại khoa học và kỷ thuật này.  Ngoài việc là chúng ta phải có  lòng tin và hướng về Tam Bảo để cầu nguyện và nên đối xử với nhau trong trong tinh thần lục hòa của đạo Phật. Đúng là khoa học đã cung ứng cho ta một đời sống quá ư là tiện nghi, nhưng đôi khi chúng ta lại phải trả một giá quá đắt.


Chúng tôi trở lên chùa vừa đúng vào lúc các em cùng cha mẹ đang vòng quanh sân ngoài chánh điện, vui vẻ rước đèn và cũng đúng vào thời công phu chiều. Chúng tôi cùng nhau lên chánh điện để kịp dự thời sám hối cuối tuần.


Ba tuần sau thì nhà tạo cảnh đã hoàn thành chiếc đuôi rồng hình rẻ quạt ở dưới thung lũng, với những con đường mòn và những ô đất hình tam giác thật đẹp. Công trình sẽ còn tiếp tục với những thay đổi trong bàn tay xây dựng và kiến tạo của con người.


Như ước muốn của thầy, các em trong nhóm Vô Vi Nam đã dựng lều và sử dụng phần đất vừa mới dọn xong để cắm trại trong hai ngày cuối tuần. Thầy rất hài lòng với việc này, tôi nghe thầy đề cập đến nó với giọng tràn đầy vui vẻ.



Leave a Reply