Saturday, January 7, 2012

NHÂN MÙA VU LAN KỂ CHUYỆN VỀ CHA

1 nhận xét


Kính dâng hương hồn phụ thân người đầu tiên cho con niềm tin Phật Pháp




Trẻ  con thì thật là buồn cười , có thể khóc la vì một lời nói cỏn con vô nghĩa lý. Tôi còn nhớ câu chuyện cải vả giữa tôi và thằng Được.




Lêu, lêu, lêu, thầy giáo lá, ăn cháo cá, hổng trả tiền.




Lêu, lêu, lêu, thầy giáo lá, ăn cháo cá, hổng trả tiền.




Tôi vừa chạy theo thằng Được , vừa khóc vừa la:  “ Mầy nói bậy, mầy nói bậy, tao mét ngoại mày.




Bà Năm từ trong nhà bước ra, kêu thằng Được lại đứng trước mặt tôi mà nói: “ Cả vùng này chỉ có ba nó  thi đậu  để được học làm thầy giáo; còn bà ngoại nó là người nhân đức đã giúp đở gia đình mình. Con không được phá nó nghe chưa.”




Tôi chạy u về nhà xà vào lòng mẹ,  thỏa thích vì lời nói của bà Năm nhưng vẫn còn thắc mắc tại sao ngoại mình lại là người ân của gia đình họ.




Ba tôi cho biết lúc còn sanh tiền, cứ vào tháng Tư và tháng Bảy Âm lịch là ngoại mua hàng trăm bao gạo để bố thí cho người nghèo khổ. Rồi cũng vào mùa Vu Lan tháng Bảy mỗi năm, hể gia đình nào có thân nhân qua đời mà không đủ tiền mua hòm hay lo việc tống táng thì ngoại tôi lo hết. Mẹ bà Năm qua đời được ngoại lo chu đáo, nên bà nhớ ơn ngoại.




Ông nội tôi thứ Tám là con út trong một gia đình chỉ có ba người còn sống. Ông nội tôi qua đời khi ba tôi được mười tuổi, chú Ba bốn tuổi  và cô Tư vừa lên một tuổi. Bà nội tôi góa bụa ở cái tuổi ba mươi, làm công cho người anh chồng là ông bác Sáu tôi trong cái nhà bảo sanh tại xóm Bình Hòa.




Ông Bác Hai và ông Bác Sáu là người giàu có trong vùng. Ông Bác Sáu tôi có xây một ngôi chùa  ở xóm Bình Hòa vùng Chợ lớn. Ngôi chùa có tên Phổ Đà. Ông Bác Sáu phải ra tận Quảng Nam rước một thầy về làm Giáo Thọ. Ông Bác Sáu tôi không rành chữ Hán, vì ông là Y tá trong bệnh viện Nam Việt thời bấy giờ.  Ông lập nhà bảo sanh rất lớn vào thời đó tại vùng  nầy, nhưng sau khi xây chùa rồi thì đi tu. Chùa có tượng Di Đà cao gần hai mét bằng gỗ mít, tượng được sơn son thếp vàng.




Ba tôi sống hơn ba năm tại ngôi chùa này. Ba cho biết là cũng vào ngày rằm tháng Bảy Ba cùng ông bác Sáu đi khắp mọi nơi trong vùng phát tiền và vải cho người nghèo. Cứ mỗi cuối tuần là Ba đi lượm giấy chữ Nho đem về đốt; ông Bác Sáu giải thích việc làm này là vì chữ Nho in Kinh Phật, nên không được sử dụng bừa bãi. Ba còn nói vào những độ trăng rằm, cả chùa cùng nhau ra lạy mặt trăng. Đến năm 1969, khi hai Phi hành gia người Mỹ đầu tiên đặt chân lên thăm chị Hằng, Ba nói phải chi ông Bác Sáu còn sống, ông sẽ cười phì khi thấy điều phi lý của việc mình làm.




Thầy Phước Thái thường nói cái gì cũng phải có nhân duyên cả. Tôi kể lể dài dòng để cho thấy Ba tôi cũng có chút vốn liếng về Phật pháp nên đã dạy dỗ tôi. Vậy ba là vị thầy đầu tiên đã gieo duyên lành khiến cho mấy chị em tôi biết được giáo lý cao cả này.




Tối tối, ba thường đem chuyện về cuộc đời Đức Phật và những chuyện cổ tích tương tự kể cho chúng tôi nghe . Sau buổi cơm chiều vào mỗi tối Thứ Bảy  và Chúa Nhựt , ba tập chúng tôi ngồi bán già trước bàn thờ Phật để  tụng sám hối.  Nói là nói như vậy nhưng chúng tôi chỉ ngồi để nghe ba tụng mà thôi. Ba có giọng đọc ngân nga và trầm ấm, chúng tôi đứa nào cũng cho là giọng ba thật truyền cảm và gây được sự thích thú cho chúng tôi. Ba nhắc lại lời ông Bác Sáu thường nói với ba  là mình tội lỗi  nhiều thì chỉ cần sám hối là tâm hồn được an lành thì không cần phải cầu an gì nữa. Ngang hông trường tôi học là chùa Xá Lợi . Mỗi năm chúng tôi được Ba đưa đến chùa vào tối 30, đọc kinh rồi dự tiệc trà đạo vị do ngài Chánh Trí Mai Thọ Truyền tổ chức.




Tôi không nhớ rõ năm nào của thập niên 1950, Hội Phật học Nam Việt do ngài Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Hội Trưởng, Bác sỉ Cao Văn Trí là Phó hội trưởng lấy chùa Xá Lợi làm trú sở  thì ba là hội viên. Vào thập niên 60, cứ mỗi lần chùa Xá Lợi có tổ chức thuyết pháp mà do ngài Mai Thọ Truyền thuyết giảng là ba cố gắng khuyến khích và cổ động cả nhà cùng đến nghe. Có lần thầy Thông Khâm cũng thuyết giảng tại giảng đường chùa Xá Lợi với bài pháp nói về nhân duyên giữa cha mẹ và con cái. Ba khen thầy Thông Khâm giảng hay có tính triết lý và khoa học. Tôi thầm cảm ơn Trời Phật đã cho tôi được cái nhân duyên làm con ba mẹ tôi. Thầy Thông Khâm là vị Pháp sư có tài biện thuyết rất hay. Thầy vốn là tu sĩ phái Nam tông đã hoàn tục. Hai vợ chồng thầy qua đời trong một trường hợp rất bi thương mà tôi không dám thuật lại; các vị tu sĩ bạn đều cho là chẳng qua là sợ ứng nghiệp mà thầy phải trả.




Ngài Chánh  Trí ra đi rất nhẹ nhàng và bình yên trong sự thương tiếc của mọi người. Ba cho đó là sự mất mát lớn của hội Phật học Nam Việt. Vì ngài Chánh Trí thuyết Pháp với lời lẽ rõ ràng mạch lạc với lý luận vững chắc  có tính khoa học lại biết cách điều hành cùng tổ chức hội Phật học Nam Việt thành công. Phải chi ba còn sống đến ngày nay, để được nghe thầy Phước Thái giảng và thấy thầy sắp xếp cùng các khóa tu học thì chắc Ba cũng sẽ rất hài lòng.


Sau này, mỗi lần nhắc đến ngôi chùa của ông Bác Sáu thì tôi lại nhớ câu nói của Hòa thượng Phước Huệ trước mọi việc thay đổi của cuộc đời của lòng người: “ Còn duyên hợp giả duyên tan.”  Ông Bác Sáu tôi chắc cũng biết cái sự thường tình của việc tan hợp này sẽ đến với ngôi chùa đó. Vì thế nên ông đã  không để cho Ba tôi thừa tự nó, mặc dù ông không có đứa con nào cả và ba tôi lại là cháu đích tôn trong dòng họ và lại đã từng tu học tại ngôi chùa này.




Đầu thập niên 1930, ông Bác tôi viên tịch, cái chùa bị các người con nuôi tranh dành và được bán rẻ cho người đạo Thiên Chúa có quốc tịch Pháp. Đúng vào thời điểm mà những người Pháp làm chủ tình hình đất nước ta, cô Tư N, con nuôi của ông Bác Sáu có người bạn trai với đầy đủ uy quyền để mua ngôi chùa và miếng đất với giá tượng trưng. Không một người nào trong dòng họ tôi dám có một lời phản đối và cũng không ai được chia phần trong việc mua bán này chỉ trừ cô Tư N. Đó là điều mà ba tôi thường an ủi nội  là mình không mang tội bán chùa. Ngôi chùa bị phá đi để làm trái ưa. Bà  nội tôi  trước đã giấu ông Bác Sáu vì tội đã không lấy tiền chùa nuôi bốn mẹ con côi cút của bà; giờ lại còn giận hơn khi biết ba tôi không được thừa tự ngôi chùa đó. Thật ra thì bên cạnh ngôi chùa là miếng đất gần hai mẩu tây, đó là phần giá trị mà nội tôi và mọi người đều muốn. Theo lời mẹ tôi kể thì ông Bác Sáu có nói tiền chùa là tiền của bá tánh không thể lấy nuôi người thân được. Vã lại ông cũng biết nội tôi có máu bài  bạc mà ba tôi thì lại rất có hiếu, nội mà muốn điều gì thì ba sẽ tuân theo.




Vào Tết Mậu Thân năm 1968, ba được tin cô Tư N, con nuôi của ông Bác Sáu tôi, người đứng ra bán ngôi chùa, không hiểu rõ vì sau lại bị Việt cộng chém chết tại vùng ngoại ô của thành phố Sàigòn  mà không ai dám đến phúng viếng. Ba đọc một thời kinh cầu siêu cho cô Tư N tại nhà ; rồi ba đến trước bàn thờ ông bác Sáu tôi lâm râm khấn nguyện điều gì mà cả đám chúng tôi đều không được biết.




Theo lời cậu  Bảy tôi, người phá ngôi chùa của ông Bác Sáu làm ăn thua lỗ, bán trại cưa và miếng đất rồi về vùng ngoại ô của thành phố Saigon cạnh ngôi chùa nhỏ mua miếng đất tại đó. Không biết lý do gì, sau đó ông quy y theo đạo Phật. Khoảng năm 1975, ông mất sau những năm tháng dài của cơn bạo bệnh và được chôn sau cầu tiêu của ngôi chùa nhỏ đó. Phần đất nơi tọa lạc ngôi chùa của ông Bác Sáu được một người Hoa mua lại và lập đền thờ Quan Thánh. Ba tôi ngậm ngùi nói: “ Như vậy thì tốt hơn là làm trại cưa”.




Năm tôi học lớp Đệ lục, ba chở tôi trên chiếc xe mô bi lết đến tiệm đồ cỗ đường Đồng Khánh, quận Năm. Ba nói nhỏ là trong khi ba nói chuyện với người chủ thì tôi đến sau tượng dưới cái bệ bên chân trái của Đức Di Đà xem là có khắc một hàng số hay đúng ra là bài toán nhơn thì báo cho ba biết. Tôi tìm được khoảng sơn tróc và hàng số lí nhí, mờ phai theo năm tháng, mờ phai theo thời gian.




Chùa Xá Lợi không hợp cho bức tượng đó ba nói.Vài tháng sau ba trở lại thì người chủ cho biết có người đã rước bức tượng rồi. Trở về nhà buồn bả, ba cho biết bức tượng khơi lại quảng đời thơ ấu khi ba còn ở với ông Bác Sáu, nơi mà đạo Phật đã thâm nhập vào tâm hồn ba. Bốn tháng qua ba cố gắng tìm một ngôi chùa để an vị nhưng duyên chưa đến, biết làm sao bây giờ?!?




Ba tiếp tục hướng dẫn chúng tôi có niềm tin vào đạo Phật một cách nhẹ nhàng là tạo thói quen cho chúng tôi đi chùa khi có dịp và có cơ hội đến. Ba lại càng đọc kinh nhiều hơn  khi nội tôi mất và cứ mỗi tháng bảy là Ba cùng chúng tôi đọc kinh Địa Tạng. Mẹ tôi nói ba muốn đọc kinh cầu nguyện cho hương hồn nội tôi sớm giải thoát vì bà thường nặng lời với ông Bác Sáu tôi. Sau khi ba vượt biên thì mẹ con chúng tôi lại càng đến chùa thường xuyên hơn.




Ba qua Úc năm 1982, mãi đến ba năm sau tôi mới vượt biên được để sum hợp cùng ba. Khi đi tôi đem bức hình của mẹ tôi đã qua đời trong cơn bạo bệnh tại Việt Nam và tượng đồng Đức Phật Thích Ca mà thầy Giáo Lại , bạn ba, đã thỉnh khi đi qua Ấn Độ năm 1958.




May mắn là khi qua Úc được hai năm thì tôi được làm việc tại trung tâm cung cấp nhà cho những người có lợi tức thấp. Ông giám đốc trung tâm đã tận tình giúp đỡ  cho ba và em trai tôi có được một căn nhà khang trang với giá thuê rẻ. Ông giám đốc là người Ái Nhỉ Lan, hể nói đến dân Ái Nhỉ Lan thì phải biết là dân gốc đạo Thiên chúa từ bao nhiêu đời, nói nôm na là đạo dòng. Nên khi ông ngỏ lời cưới, tôi quính quáng  chạy về hỏi ba là tôi phải xử sự thế nào cho phải, vì tôi không muốn vì lấy chồng mà phải bỏ đạo. Lúc đó ba nhẹ nhàng bảo: “ Con đến cầu nguyện Tam bảo cho con một giải quyết thỏa đáng.” Tôi đến chùa Pháp Bảo cầu nguyện y như ba bảo. Qua tuần sau đi làm trở lại, tự nhiên ông giám đốc hay ông xả tôi bây giờ  cho biết là tôi không bắt buộc phải theo đạo nếu chúng tôi làm đám cưới, rồi ông còn nói nên nhờ vị tu sĩ Phật giáo làm chứng minh cho đám cưới chúng tôi.




Vài năm sau ông xả tôi quy y khiến ba rất hài lòng nhưng ba vẫn hỏi tôi: “ Con đã bắt buộc hay tự ý nó làm?” Tôi thưa với ba: “ Thưa ba , ở xứ Úc này không ai có thể bắt người khác làm những ̣điều mà họ không muốn, vả lại ông không ép con theo đạo ông thì con không có quyền bắt buộc ông theo đạo con.”




Cuối đông năm 1993, tôi đưa ba về lại căn nhà xưa, sau trường Petrus Ký. Ba sống lại những giờ phút êm đềm cùng những người bạn thân như bác Trần Hữu Văng, bác Lê Văn Tài; những người mà một thuở đã giữ chức vụ quan trọng tại trường Petrus Ký và Bộ giáo dục cũ.




Đầu thu năm 1994, đàn con năm đứa từ Sydney đáp chuyến bay trở về Việt Nam hợp cùng hai người còn lại cùng một số bạn hữu của ba đã đưa ba đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ba ra đi cũng khá nhẹ nhàng bên những người bạn thân yêu và trên mảnh đất quê hương; nơi mà ba đã từng là một người con hiếu thảo của nội tôi; một chiến sĩ can cường của Đệ Tam Sư Đoàn kháng chiến chống Pháp; một người bạn đạo và đồng nghiệp của bác Trần Hữu Văng, Bác Tăng văn Chương, bác Lê văn Tài vân vân và vân vân và là một người cha kính yêu vô vàn của những đứa con ba.




One Response so far

  1. Unknown says:

    Hay lắm cố gắng phát huy nha bạn
    keyword : sach hay nen doc

Leave a Reply