Saturday, January 7, 2012

Một thoáng nhìn lại chuyến hành hương

0 nhận xét


Hành hương chiêm bái đất Phật giống như được trở về cội nguồn tâm linh, nơi mà Đức Phật Thích Ca đã sinh ra, thành đạo và hoằng pháp độ sinh. Điều mong mỏi nhất trong đời người con Phật là được trở về thăm Phật tích một lần. Trong năm vừa qua, Chùa Hoa Nghiêm - Quang Minh, có đủ thuận duyên tổ chức chuyến đi hành hương "Theo dấu chân Phật", đồng thời cũng ghé thăm các Chùa tại Singapore trong tuyến đường trở lại Melbourne.


Theo dấu chân Phật, trở về những nơi khi ngài còn tại thế, đoàn hành hương đã không ngần ngại những phương tiện đi lại khó khăn với tấm lòng thành kính hướng về đấng Từ phụ. Về chiêm bái và nhìn lại những đền đài tu viện xưa kia, ngày nay vẫn còn những vết tích có nơi không còn nguyên vẹn, mà một thời Phật giáo đã phát triển rực rỡ nơi đây.


Điểm chính yếu của chuyến đi chiêm bái nầy là Tứ Động Tâm - nơi Phật Đản sinh, Phật Thành Đạo, Thuyết Pháp lần đầu tiên và Phật Nhập Niết Bàn. Với chặng hành trình kéo dài 13 ngày, ngoài Tứ Động Tâm, đoàn còn có cơ hội viếng thăm những khu di tích văn hóa, mà người Ấn Độ đã tự hào, họ đã có một nền Văn minh hơn mười nghìn năm trước. Viện Bảo Tàng là nơi trưng bày nhiều cổ vật quý giá thuộc hàng quốc bảo trong đó có Xá Lợi Phật. Đến thăm Khải Hoàn Môn, mộ của thánh Gandhi, người đã có công dành độc lập từ bàn tay Anh thống trị bằng con đường thương thuyết - bất bạo động. Thêm vào đó, đoàn đã có thời gian dành ra 2 ngày tại miền Tây Nam - Ấn Độ để tham quan hai hang động Ellora và Ajanta, nơi được coi là di sản văn hóa của UNESCO.


Đặc điểm trong chuyến đi hành hương lần nầy, khởi hành vào ngày 17/11/2010 với 67 Phật tử tham dự chúng tôi nhận xét có những điểm nổi bật như sau:


Về Thăm Viếng Phật Tích: Chuyến hành hương Phật Tích kỳ nầy, rất may mắn được thầy Chơn Minh phụ trách về phần lịch sử. Thầy hiện đang phụ trách phân khoa giảng dạy " Lịch Sử Phật Giáo" ở Học Viện Phật Giáo - Sài Gòn. Có thể đây là chuyên môn nên Thầy giải thích rất dễ hiểu, gần gũi và có phần hài hước, thu hút người nghe. Trong suốt chuyến đi, thầy đã thuyết minh rõ ràng từng nơi thánh tích liên quan đến đời sống của Đức Phật ngày xưa - nghệ thuật kiến trúc điêu khắc và đặc biệt kiến trúc các ngôi bảo tháp còn tồn tại. Từng thời điểm lịch sử, sự kiện lớn nhỏ được phân biệt rõ ràng, đánh tan những điểm nghi ngờ thắc mắc trong lòng nhiều người mà từ lâu chưa gặp ai giải thích thoả đáng.


Về Đời Sống: Nhờ sự sắp xếp chu đáo của Ban Tổ Chức và Sư cô Như Nguyệt trong nhiều tháng trước, nên đoàn hành hương chúng ta kỳ nầy đã được một số tiện nghi khá ổn định. Đoàn nghỉ ngơi ở các khách sạn, và có được những buổi ăn chay đầy đủ, so với kỳ trước thì phải mang thức ăn từ Úc sang. với những món rau cải đơn giản, nhưng rất healthy giàu dinh dưỡng vì đa số nông gia Ấn trồng rau quả ít sử dụng phân hóa học. Đương nhiên các bữa ăn lúc nào cũng không thể thiếu Cà ri chánh hiệu và bánh chapatis, còn nghệ là gia vị chính cho các món ăn.


Về phương tiện đi lại: Đoàn sử dụng hai xe Bus với tiện nghi đầy đủ, hơn nữa, với 4 chuyến bay trong nước, nên tất cả mọi người trong đoàn không có xảy ra bệnh hoạn nào nghiêm trọng. Mặc dù trong đoàn kỳ nầy có nhiều người cao tuổi và bệnh nan y, ai nấy về tới Melbourne cũng đều khỏe mạnh vui vẻ hoan hỷ cả.


Về Từ Thiện: Một điều không thể ngờ được trong chuyến hành hương nầy, với ý nghĩ chúng tôi kêu gọi quý Phật tử đóng góp một ít tiền làm từ thiện để tăng thêm phần ý nghĩa cho chuyến chiêm bái tu học hơn là mục đích cứu trợ, vì chúng ta không có nhiều thời gian tại Ấn Độ. Một điều xảy ra không ngờ, chỉ trong vòng khoảng 20 phút kêu gọi mà số tiền đóng góp lên hơn bốn mươi ngàn đô. Do đó, Ban tổ chức phải có một phiên họp nóng để vạch ra kế hoạch từ thiện tại đất Phật (xin xem thư cảm tạ).


Gần hai tuần tu tập và làm công tác từ thiện ở bang Bihar, đoàn hành hương tiếp tục chuyến hành trình bay xuống Aurangabat, vùng Tây Nam Ấn Độ tham quan hai hang động Ajanta và Ellora, vùng đất mà Phật giáo đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ sau kỷ nguyên Tây Lịch. Nơi đây người ta đục sâu vào trong dãy núi để làm các tu viện cho chư Tăng tu học cùng với nghệ thuật chạm trổ điêu khắc các tượng, phụng thờ Đức Phật trên những vách núi cao . Đây là những công trình nghệ thuật tôn giáo cổ xưa với đường nét độc đáo vẫn còn nguyên vẹn hơn cả ngàn năm cho đến ngày nay.


Thấm thoát hai tuần trôi qua thật nhanh, mọi người đã chìm sâu theo dấu chân Phật từ Vườn Lộc Uyển nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên, qua Sông Hằng Huyền Bí, đến tu tập ở cội Bồ đề nơi Phật thành đạo v.v... Dưới cội Bồ Đề này, hình ảnh của Đấng Từ Phụ, người đã mở ra con đường giác ngộ và độ sanh, đã in đậm trong lòng người con Phật. Mặc dù Ngài chứng đạo mấy ngàn năm đã qua, nhưng mỗi lần về đây, chúng ta vẫn còn cảm nhận được không khí âm vang, ánh từ quang giác ngộ tỏa chiếu, làm khơi dậy tự tánh thanh tịnh trong lòng người con Phật, nó gần gũi, an lạc và lạ kỳ làm sao!


Tu Nghiem



Leave a Reply