Sunday, January 8, 2012

TĂNG SĨ PHẬT GÍAO TRONG THỜI ĐẠI MỚI

0 nhận xét













Bước qua thế kỷ 21, sự tiến bộ của nền khoa học kỹ thuật phải nói là đạt đến mức cao độ và luôn luôn phát triển không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, sự tiến bộ đó đã không giải quyết được cội gốc khổ đau của nhân loại và cũng không làm cho con người được thanh bình, an lạc. Bởi thế, Phật giáo cần phải thích nghi và phát triển trong đời sống hiện đại để cung ứng về mặt tâm linh cho nhân loại, vì Phật giáo là ánh sáng của từ bi và trí huệ. Do đó, Tăng sĩ Phật giáo có nhiệm vụ thiêng liêng là truyền bá lời Phật dạy đến mọi người, nhằm đem lại lợi ích cho tất cả và cho chính bản thân. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập về việc chư Tăng, Ni dùng phương tiện truyền thông điện tử để truyền đạt giáo lý Phật đà. Trọng điểm xin đề cập đến sự hành đạo qua việc sử dụng công cụ điện tử của chư Tăng, Ni ở hải ngoại. Điểm thứ hai xin vắn tắt nói về tầm quan trọng của Phật giáo đối với khoa học hiện đại và nhu cầu trong sự hướng dẫn con người quay về nội tâm, ổn định đời sống tinh thần.












Trong đời sống xã hội Tây phương, máy vi tính điện toán (computer) là công cụ quan trọng được đa số người sử dụng hằng ngày. Cũng không ngoại lệ, hầu hết Tăng sĩ sinh sống ở hải ngoại đã sử dụng computer để làm các công việc hoằng pháp, văn phòng và hành chánh; trình bày và trang trí sách, báo, hình ảnh, thư từ v.v...cho giáo hội, cơ quan và tổ chức Phật giáo.



Những sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn như các băng âm thanh CD (Compact disc), băng hình (DVD và Video), trang mạng lưới (website) đều có thể làm bằng và từ computer. Một số cơ quan Phật giáo có đầy đủ các phương tiện hiện đại như: thư viện, phòng computer, phòng thu âm, phòng làm phim ảnh v.v, để phục vụ đạo pháp và nhu cầu văn hóa xã hội. Vấn đề nầy được nhiều người thắc mắc, chư Tăng, Ni có nên cập nhật hóa với khoa học kỹ thuật hiện đại chăng? Việc sử dụng computer có được chấp nhận trong vai trò của Tăng sĩ Phật giáo không? Một số người có khuynh hướng tán thành, số khác không đồng ý. Ngoài ra, một số người quan niệm là Tăng sĩ thì có đời sống ẩn dật, cách biệt với thế giới bên ngoài, cho nên việc hành đạo và computer không thể kết hợp. Nhưng, Thầy Ching Hsin, đại diện Phật giáo Trung Hoa và là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già Phật Giáo Thế Giới đã đưa ra vấn đề nầy trong Đại Hội Khoáng Đại kỳ VII ở Đài Loan như sau:


Chủ đề của đại hội kỳ nầy "Hướng đến một kỷ nguyên mới về việc truyền bá lời Phật dạy qua phương tiện truyền thông điện tử" (Heading towards a new era for the propagation of Buddha's teachings through electronic media). Chủ đề nầy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc sử dụng đạo Phật để dẫn dắt nhân loại trong thế kỷ thứ 21. Đặc điểm nầy cho thấy đạo Phật là tôn giáo luôn có cái nhìn xa và bao quát về thế giới…


Nếu thế kỷ 20 được gọi là "thế kỷ của khoa học" thì thế kỷ 21 là " thế kỷ của tôn giáo.


(Ven Ching Hsin: 2000) 


Bất luận ở thời đại nào, Tăng sĩ cũng đều thích nghi và hòa cùng nhịp sống của nhân loại vào thời kỳ đó. Nếu thế kỷ 21 là “thế kỷ của tôn giáo”, thì vai trò và trách nhiệm Tăng sĩ Phật giáo sẽ nặng nề hơn trong sự chỉ dẫn con người quay về nội tâm, ổn định lại đời sống tinh thần. Để hoàn thành sứ mạng thừa kế, các Tăng sĩ cần phải cập nhật hóa kiến thức trong thế giới hiện đại. 


Ngày nay là thời đại của thông tin điện tử. Mạng lưới Internet là nguồn cung cấp tài liệu thuận lợi và là một phương tiện truyền thông đạt tới tốc độ cao. Do đó, việc tìm hiểu và học hỏi thêm về phương tiện truyền thông sẽ giúp Tăng sĩ Phật giáo truyền đạt giáo lý đến quần chúng nhanh hơn. Trong quá khứ, sự cung cấp tài liệu cho Phật học gặp nhiều khó khăn vì phương tiện truyền thông hạn hẹp. Có những vị tha thiết trong việc cầu đạo, nên đã phải lặn lội tới những nơi xa xôi, hẻo lánh hoặc vào rừng sâu để ‘tầm sư học đạo’.  Nhưng thế giới ngày nay, phương tiện giao thông và thông tin đạt tới mức tinh vi về mặt thời gian. Cung cấp tin tức, tài liệu đến con người một cách nhanh chóng. Vì vậy, người đi tìm chân lý thời nay có thể ở một nơi nhất định, dùng nhiều phương tiện thông tin hiện đại và mạng lưới toàn cầu để giải đáp những thắc mắc của họ. Ngược lại, các Tăng sĩ không còn vượt núi băng rừng để thỉnh kinh và truyền bá chánh pháp của đức Phật như cách đây vài thế kỷ. Tam tạng kinh điển và tài liệu giảng dạy được chuyển tải lần lên mạng lưới Internet để quảng bá toàn cầu. Hơn nữa, các vị giảng sư có thể thực hiện các buổi thuyết pháp trong các ‘giảng đường’ trên mạng lưới Internet. Điều thuận tiện là thính giả không phải tốn thời gian di chuyển tới địa điểm xa xôi nghe giảng. Tuy nhiên, lạm dụng kỹ thuật thông tin hiện đại sẽ giảm đi sự tiếp xúc giữa con người với nhau. Quần chúng, Phật tử ít còn cơ hội tới chùa chiền hoặc các cơ sở Phật giáo để gần gũi học hỏi qua ngôn giáo và thân giáo của các bậc cao Tăng. Sự thân tình, quan hệ giữa Thầy và Trò sẽ đi vào nguội lạnh.


Bên cạnh đó việc sử dụng điện thư (email) rất quan trọng trong việc gởi văn kiện, tài liệu giữa các cơ quan Phật giáo, quần chúng và Phật tử. Nhờ vào phương tiện nầy, tăng sĩ có thể truyền tải đạo pháp đến phạm vi toàn cầu ở tốc tộ cập nhật. Với phương pháp truyền đạt và nghiên cứu mới, phải chăng sự giác ngộ có phần mau chóng hơn?


Các nhà tư tưởng trên thế giới đánh giá cao về khả năng xây dựng xã hội của Phật giáo đối với thế giới ngày nay. Nhà vật lý học, Albert Einstein là danh nhân thế giới ngành khoa học tự nhiên của thế kỷ 20 ghi nhận về Phật giáo như sau:


Nếu có tôn giáo nào ứng phó được với các nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần phải duyệt xét lại hầu cập nhật hóa với những khám phá khoa học mới đây. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học, vì Phật giáo không những đã bao gồm cả khoa học mà còn vượt qua cả khoa học nữa. (Trích từ Giao Điểm: 1997, 11)


Khoa học kỹ thuật thường được phát triển ở các nước phương Tây. Cho nên, đa số các nước nầy sống bằng công nghiệp, hễ công nghiệp phát triển thì đất nước giàu có, đời sống vật chất đầy đủ và tiện nghi. Mà ngược lại, tâm linh lui sụt vì con người phần nhiều hướng ngoại, dựa vào vật dụng và phó mặc cho sự tiến bộ của khoa học. Bởi không chú trọng và thiếu quán sát nội tâm, nên đưa đến tinh thần căng thẳng gây ra khổ đau, nạn tự tử chiếm tỷ lệ cao trong xã hội Tây phương. Trong hoàn cảnh hiện tại, Tăng sĩ Phật giáo đóng vai nhà tâm lý học, dùng Phật pháp để điều trị các căn bệnh nội tâm.


Từ đó có thể làm cho con người sống trong hạnh phúc và tinh thần sáng suốt. Cho nên nhà tâm lý học nổi tiếng của Anh Quốc là Tiến sĩ Graham Howe khen ngợi Phật giáo và những vị nghiên cứu Phật học như sau:


Từ hai ngàn năm trăm năm trước đây, người học Phật đã biết những vấn đề tâm lý hiện đại nhiều hơn chúng ta thường biết tới. Họ nghiên cứu những vấn đề nầy từ lâu và đã tìm ra phương pháp giải quyết.


(Trích từ Hồng Ngọc: 2001, 212)


Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, khoa học đang trong vòng suy luận, nghiên cứu và chứng minh, bởi những thành quả chưa phải là câu trả lời nhất định và còn trong vòng tương đối mò mẩm. Giáo lý Phật học đã đi tới kết luận tuyệt đối, vì vậy Tăng sĩ Phật giáo phải lấy Tam tạng kinh điển làm cốt yếu. Song song đó, nên biết qua các môn học thế gian để trợ giúp cho việc hoằng pháp sẽ được nhiều thuận lợi hơn.  



Tài Liệu Tham Khảo:



WBSC (2000). Proceedings Seventh General Conference ; World Buddhist Sangha Counci. Taiwan.




Giao Điểm, (1997). Phật giáo trong thế kỷ mới.  California; Giao Điểm xuất bản.


Hồng Ngọc, (2001). Giáo dục cái gì trong giai đoạn mới. Sài gòn; Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.







Leave a Reply