Sunday, January 8, 2012

VIỆC SỬ DỤNG INTERNET CỦA CÁC CƠ SỞ PHẬT GIÁO

0 nhận xét

Hệ thống Internet là nguồn tài liệu quan trọng và phương tiện thông tin có hiệu quả rất lớn. Nó cung cấp tài liệu cập nhật và cho chúng ta chiều hướng mới để tác động đến thế giới bên ngoài. Cũng như tất cả ngành nghề khác, các cơ sở tôn giáo đang vận dụng hiệu năng của hệ thống Internet để truyền bá đạo pháp, và Phật giáo cũng không ngoại lệ.


Bài tiểu luận nầy sẽ trình bày về việc sử dụng hệ thống Internet của các cơ sở Phật giáo. Bài gồm có hai phần. Phần đầu sẽ xét về cách truyền bá Phật giáo thời xưa và giá trị truyền giáo mới trong thế giới kỹ thuật hiện đại. Câu hỏi thường được nêu lên là kinh điển có mất tính xác thực hay không, khi được phổ biến qua hệ thống Internet hay các phương tiện truyền thông khác. Phần thứ hai của bài luận nầy chú trọng về việc sử dụng Internet của Tăng già để truyền bá lời Phật dạy đến Phật tử và thế giới.  Có điều quan ngại nào trong việc Tăng già sử dụng kỹ thuật chăng? Họ có nên trau dồi kỹ thuật tin học trong thế giới hiện đại không? Cách giảng dạy Phật pháp theo lối mới có thích hợp với tu sĩ Phật giáo hay không?


Trong quá khứ, sau khi thành đạo đức Phật đã đem hết phần còn lại của đời mình để hoằng dương giáo pháp của ngài. Suốt bốn mươi chín năm, với đôi chân trần ngài đã lê gót khắp nơi ở Trung Ấn, kể cả những vùng xa lạ để truyền bá giáo lý mầu nhiệm đến mọi người. Trong cuốn sách ‘Đức Phật và Phật Pháp’, Đại đức Narada tán dương công hạnh của đức Phật như sau: 


Đức Phật là nhà truyền giáo đầu tiên hoạt động tích cực nhất trong lịch sử nhân loại. Trải qua bốn mươi chín năm trường, ngài đi từ nơi này sang nơi khác để hoằng dương giáo lý, đến hàng đại chúng cũng như các bậc thiện trí. (trích từ bản dịch của Phạm Kim Khánh: 1964: 14)


Đức Phật hoàn tất những công tác khó khăn nhất mà chưa ai từng làm bao giờ. Ngài không những phục vụ lợi ích cho nhân loại mà còn quan tâm đến nỗi khổ của tất cả mọi loài. Đức Phật thành lập đoàn thể chư Tăng, Ni được gọi là ‘Tăng già’, bao gồm các môn đồ đã thọ giới, sống chung đời phạm hạnh và bình đẳng. Hơn nữa, ngài đã chỉ bày cho quần chúng lối sống đạo đức, hài hoà và hạnh phúc qua sự giữ gìn giới luật như: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng các chất say và nhiều giới luật khác. Ngoài ra, ngài còn sử dụng trí huệ tối thượng, lòng từ bi và đạo đức của mình làm mẫu mực để chúng sanh noi theo và thực hành, nhằm mang lại lợi ích cho chính mình và tất cả.


Mặc dù Đức Phật đã nhập diệt nhưng giáo lý của ngài vẫn được các đệ tử lưu truyền một cách trọn vẹn. Ba tháng sau khi ngài nhập Niết-bàn, kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất diễn ra dưới sự chủ toạ của ngài Ma ha Ca diếp, là đệ tử trưởng lão của Phật, cùng năm trăm vị La-hán.  Đại đức A nan đà, là người em họ và cũng là thị giả của Phật, đã trùng tuyên lại lời Phật dạy. Đại đức Ưu ba ly trùng tuyên Giới luật. Cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai xảy ra sau kỳ thứ nhất khoảng một trăm năm. Do sự bất đồng ý kiến về giới luật, Tăng đoàn chia ra làm hai nhóm: nhóm thứ nhất họp tại Tỳ-xá-ly được gọi là ‘Thượng Toạ Bộ’, nhóm kia gọi là ‘Đại Chúng Bộ’, họp tại thành Vajji, và là cơ sở của Đại thừa Phật giáo sau nầy. Qua hai kỳ kết tập, giáo lý của đức Phật được truyền miệng từ các bậc Thầy đến hàng đệ tử trong Tăng đoàn qua nhiều thế hệ; chưa có trên văn tự. Cho đến kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba trước Dương lịch ba trăm năm, ở thành Hoa thị dưới thời Hoàng đế A dục, giáo pháp của đức Phật được ghi lại dưới nhiều dạng khác nhau, các bằng chứng đặc biệt hơn hết là những lời Phật dạy được khắc trên nhiều trụ đá dưới dạng chữ cổ, còn tồn tại tới ngày nay. Trước khi hoàng đế A dục trị vì, đạo Phật là một trong nhiều giáo phái đang hoạt động ở Ấn độ thời bấy giờ. Nhưng sau khi ngài trở thành Phật tử, đột nhiên Phật giáo trở thành tôn giáo chánh ở Ấn độ. Ngài đã gởi các nhà truyền giáo đi khắp lục địa Ấn độ và các nước lân bang như Tích lan, Kashmir, Mông cổ và một số tăng đồ đã đi hướng Tây và Bắc đến các nước như Ai cập, Palestine và Hy lạp.     


Sự hoằng dương Phật pháp thời xưa còn chậm chạp vì phương tiện chuyển vận và truyền thông còn quá thô sơ. Sau mấy thế kỷ, Phật giáo mới truyền tới các nước ngoài lục địa Ấn-độ. Hơn nữa, phải mất khoảng năm trăm năm Phật pháp mới được truyền sang các nước Á Châu. Lúc bấy giờ, thời gian không phải là vấn đề duy nhất, mà sự truyền giáo còn phụ thuộc vào sự triển khai giáo lý đức Phật để hòa nhập với nền văn hóa bản xứ và trở thành một hình thức ‘Phật giáo địa phương’, thí dụ như Thiền tông ở Trung quốc. Phật giáo còn phải đương đầu với các tôn giáo và triết lý của bản xứ như Lão giáo, Khổng giáo, đạo Thờ tổ tiên và nhiều đạo khác, trước khi được dân chúng chấp nhận. Trong quá trình hội nhập nầy, giáo lý được chia thành nhiều môn phái để thích hợp với văn hóa và truyền thống địa phương. Ví dụ như, truyền thống Nguyên thủy thực hành giáo lý căn nguyên từ thời đức Phật, và truyền thống Đại thừa có phần cải cách từ căn nguyên. Các nước theo truyền thống Nguyên thủy gồm có Tích lan, Miến điện, Cam bốt, Lào, Thái lan và nhiều nước khác. Truyền thống Đại thừa được ưu chuộng ở các nước như Trung hoa, Tây tạng, Việt nam, Nhật bổn, Đài loan và Mông cổ. 


Ngày nay, Phật giáo đã có một phương hướng mới để phổ biến giáo lý hay thông tin đến Tăng già, cộng đồng Phật tử và thế giới. Sự chấp nhận giáo lý đức Phật không còn dựa trên sự phù hợp với văn hóa địa phương hay tôn giáo khác, mà dựa trên sự trình bày cốt lõi của học thuyết. Marshall McLuhan là lý luận gia của ngành truyền thông phát biểu như sau: 


‘Nội dung’ của mỗi ngành truyền thông luôn là ngành truyền thông khác, nội dung của văn tự là lời nói, nội dung của lời nói là sự suy nghĩ hoặc không bằng văn bản. Nội dung của văn bản là in ấn và sự in ấn là nội dung của báo chí. (1964, 8)


Như lời ông Mcluhan, thì dường như ‘nội dung’ của giáo lý Phật sẽ không bị thay đổi khi được chuyển tải qua hệ thống Internet hay qua ngành truyền thông nào khác. Sự trình bày giáo lý có thể thay đổi chút ít so với phương cách ngày xưa, nhưng cốt tủy hoặc ý nghĩa của kinh điển vẫn như cũ. Kinh điển Phật giáo không những được viết hoặc in trên sách mà còn được biến đổi sang ‘Ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản’ (Hypertext Markup Language) hay những dạng thức mới mẻ khác.


Việc sử dụng hệ thống Internet và trang mạng lưới toàn cầu trở nên chánh thức trong việc phổ biến tôn giáo. Mục đích của họ là thực hiện sứ mệnh truyền bá tôn giáo, phục vụ tín đồ và cộng đồng thế giới dưới nhiều dạng thức khác nhau. Cũng như thế, một tu viện hay cơ sở Phật giáo là cơ cấu quan trọng trong sự giữ gìn văn hóa và truyền thống Phật giáo. Họ dùng trang mạng lưới để trình bày kinh điển, hình ảnh, âm thanh và đôi khi các nghi lễ tâm linh của Phật giáo, qua đó họ có thể biểu trưng và duy trì sự hiện diện của giáo pháp, của đức Phật và chư Bồ-tát, để khuyến khích sự phát tâm của tín đồ.


Hơn nữa, việc sử dụng trang mạng lưới của các cơ sở Phật giáo nhằm mục đích tạo sự nối kết hay liên hệ giữa Tăng già, cộng đồng Phật tử và thế giới. Trước khi hệ thống Internet được phổ biến khắp nơi, các tu viện hay cơ sở Phật giáo hầu hết chỉ được cộng đồng và nhân dân địa phương biết đến qua nhiều cách khác nhau (báo chí, phát thanh địa phương, vv…). Bây giờ, các tổ chức Phật giáo được nhiều người ngoại quốc biết qua các trang mạng lưới toàn cầu. Việc sử dụng Internet để đưa những hình ảnh tu viện, công tác phục vụ và sinh hoạt của chùa sẽ thu hút du khách trong nước và ngoại quốc, họ sẽ đến thăm chùa nhân dịp thuận tiện nào đó. Hơn nữa, du khách có thể được tác động qua những tư liệu (hình ảnh, âm thanh, video, vv…) về văn hóa Phật giáo được đăng tải hay trình bày trên các trang mạng lưới. Càng ngày càng nhiều học sinh từ các trường trung học viếng thăm chùa thay vì những nơi khác, nhân dịp du ngoạn của họ. Hệ thống Internet được mở rộng toàn cầu để đem lại lợi ích và thuận tiện cho những người tìm cầu tâm linh, hay tìm những nơi du lịch theo ý thích.


Theo như Stevenson nói “dù chúng ta sống cố định ở thôn làng nơi mà chúng ta sinh ra,  hoặc không ngừng du lịch toàn cầu, văn hóa của ngành truyền thông luôn luôn hiện diện ở đó”. Cũng như vậy, các cơ sở Phật giáo cũng không thoát khỏi những phương tiện truyền thông, đặc biệt là hệ thống Internet bởi sự thuận tiện của nó. Trong quá khứ, những Phật tử hay người cầu đạo sẽ tới chùa chiền hỏi Phật pháp; có khi họ phải lặn lội trong rừng sâu để tìm thầy học đạo. Bây giờ, người cầu đạo giải thoát có thể ngồi ở nhà, trước máy điện toán để tìm kiếm những tài liệu cần thiết từ những trang mạng lưới toàn cầu của Phật giáo trong khoảnh khắc. Hơn nữa họ có thể gởi những câu hỏi Phật pháp bằng điện thư hoặc đăng tải trên những diễn đàn để có được câu trả lời từ những ‘tu sĩ máy tính’. Cũng như vậy, Tăng già không còn phải lặn lội tới những nơi xa xôi để truyền bá Đạo pháp, giống như họ đã làm trước đây vài thế kỷ.


Ở thời điểm này, vẫn còn sự chống đối về ý niệm sử dụng hệ thống Internet và ngành Tin học trong nội bộ Phật giáo. Trong cuốn “Reinventing the Wheel; A Buddhist response to Information age” Peter Hershock sử dụng khía cạnh Phật giáo để lập luận rằng, việc sử dụng kỹ thuật sẽ trở thành tập quán và điều này sẽ gây nên nhiều vấn nạn bắt nguồn từ sự thu hút của kỹ thuật, “ Chúng ta sẽ thất bại nếu dựa trên kỹ thuật để thực hiện sự cứu khổ, bởi vì kỹ thuật bị sự ham cầu điều khiển” (trích từ Barnhart, M, G: 1999, 145). Ông đã lập luận thêm “chúng ta có càng nhiều, lòng tham của ta càng lớn, và chúng ta không thể thoát cái “ngã”. Nhưng, Phật giáo thì dạy chúng ta tự mình giải thoát khỏi cái “ngã”, đó là con đường duy nhất để ra khỏi “bế tắc”, ông dùng từ này thay vì dùng từ “đau khổ” được dịch ra từ tiếng Pali “dukkha”. Ông nói tiếp theo: 


Thực hành thiền định không phải với mục đích kiểm soát các sự kiện hay những gì liên quan đến mà chính là quay về nội tại và tháo bỏ những vướng mắc tự tâm hồn (trích từ Barnhart, M: 1999, 414-418). 


Theo giáo lý Phật giáo thì những lập luận của Hershock dường như đúng. Nhưng việc sử dụng kỹ thuật tin học đang gia tăng và ngày càng có nhiều người “dính mắc” nó, bởi vì sự tiện lợi. Trong trường hợp mạng lưới  Internet, người sử dụng sẽ không ngừng được việc kiểm tra ‘hộp’ điện thư của họ, bởi đó là sự cần thiết phải thông tin liên lạc hằng ngày. Trong sách New media; an introduction  Argyle diễn tả việc sử dụng điện thư đã trở thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày của cô “Tôi nối kết với những danh sách, các chủ đề và thư từ trong hộp thư của tôi được gởi tới từ những người bạn trên mạng lưới của tôi”. (Argyle: 1999, 133). 


Ngành tin học sẽ tồn tại và phát triển trên thế giới, với những thuận tiện và bất lợi của nó. Có nhiều vấn đề được nêu ra, và những quan ngại của một số thành viên trong các cơ sở Phật giáo về việc sử dụng kỹ thuật cho việc hoằng pháp. Những thành viên nầy có nên cập nhật kiến thức của họ về phương diện kỹ thuật không? Tăng ni có thích hợp với việc sử dụng computer không? Tu sĩ có nên tra cứu trên trang mạng lưới không? Hàng loạt câu hỏi được tiếp tục đặt ra liên quan giữa Tăng già và kỹ thuật. Thầy Panyavaro, chủ trang mạng lưới BuddhaNet, bày tỏ quan điểm về việc Phật giáo sử dụng kỹ thuật để truyền bá giáo lý như sau: 


Phật giáo rất thích ứng trong việc sử dụng kỹ thuật để truyền bá giáo lý, nhưng phải nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng do sự quyến rũ của kỹ thuật. Giải pháp là bạn cần có chánh niệm và chú tâm tới công việc. Cho nên khi trực tuyến, bạn cần có ý thức và cảnh giác về những gì mình đang làm. (trích từ Sean, H: 1997). 


Hệ thống Internet sẽ tồn tại và Tăng già cần phải quyết định là chấp nhận máy điện toán và kỹ thuật mới, khi họ bước vào thế kỷ thứ 21 hay là giữ nguyên truyền thống cũ. Có sự quan tâm và lo ngại rằng Tăng già có thể bị ô nhiễm thế pháp qua việc sử dụng kỹ thuật, đến mức bị hư hỏng hay biến chất. Vì thế, Tăng già cần có chánh niệm và chú tâm trong khi sử dụng kỹ thuật để đem Phật pháp đến quần chúng có hiệu quả hơn. Sự thực hành giáo lý Đại thừa hay Bồ tát hạnh bao gồm lý tưởng từ bi và phục vụ tha nhân, nên có phần thích nghi với thế giới hiện đại hơn. Tôi nghĩ, bởi vì Phật giáo có cơ sở khoa học vững chắc, nó sẽ thích ứng với kỹ thuật và vượt qua mọi khó khăn, để đem lại lợi ích rộng lớn cho chúng sanh. 


Hệ thống Internet có thể trở thành công cụ to lớn cho ngành giáo dục tâm linh cũng như giáo dục thế tục, đặc biệt là với sự thuận tiện và cập nhật hóa liên tục của nó. Việc sử dụng Internet trong Phật giáo không phải hoàn toàn loại bỏ phương cách hoằng pháp thời xưa, nghĩa là chúng ta vẫn cần có những tăng sĩ đi đến tận các địa phương để giảng dạy Phật pháp. Tuy nhiên, mạng lưới Internet là ngành truyền thông có thể giúp đẩy mạnh và lan truyền lời Phật dạy một cách bao quát và ảnh hưởng hơn, đến khắp nơi trên thế giới. 


References: 


Books:


McLuhan, M. (1964). Understanding Media. Carter Lane: Routledge & Kegan Paul Limited. London.


Narada. (1988). The Buddha and His Teachings. Jalan Berhala: Buddhist Missionary Society. Kualar Lumpur.


Flew, T. (2002). New Media; an introduction. South Melbourne: OxfordUniversity Press. Victoria. 


Articles:


Ven. Panyavaro. (2001). E-learning Buddhism on the Internet. German Dharmaduta Society.

http://www.buddhistisches-haus.de/en/dharma/e-learning.html [Nov 7, 2003]


Ven. Panyavaro. Should monks surf the net. Buddha Net Magazine.

http://www.buddhanet.net/mag_surf.htm [Nov 7, 2003]


Healey, S (1997). Buddhism in cyberspace. Podzeen III.

http://www.octapod.org.au/poi/3/index.htm [Nov 7, 2003]


Barnhart, M, G. (1999). Reinventing the wheel: A Buddhist response to the information age. Book review. University of Hawaii ‘I Press.


Website: http://www.buddhanet.net [Nov 7, 2003]



Leave a Reply