Monday, January 9, 2012

RAMADAN IFTAR: BUỔI TỐI THÂN THIỆN VÀ SAN SẺ

0 nhận xét


Hồi  giáo là một tôn giáo trẻ nhưng có sức sống mãnh liệt và phát triễn rất nhanh. Hồi giáo có sau Thiên Chúa giáo trên 800 năm, như vậy là nó có sau đạo Phật  gần  1400. Vậy mà giờ đây lại là một tôn giáo có số tín đồ đứng hàng thứ nhì trên thế giới sau nhóm Cơ Đốc giáo.


Như vậy là chúng ta cũng cần phải học hỏi thêm ở những người bạn láng giềng này. Được sự khuyến khích và ủng hộ của Hiệp Hội Liên Hiệp Văn Hóa Úc châu( Australia Intercultural Society), Cộng đồng Hồi giáo Victoria cùng Cộng đồng Phật giáo Victoria và Cộng đồng Phật giáo Melbourne, Thượng Tọa Thích Phước Tấn đã mạnh dạn đứng ra tổ chức buổi ăn tối với đầy đủ ý nghĩa và theo tinh thần Ramadan của Hồi giáo nhưng mang tính từ bi của đạo Phật cao cả. Đã là người con Phật không ai lại không nhớ đến lời Phật dạy về gới sát sanh trong ngủ giới: “ Này Anan, ta không sát sanh vì sát sanh sẽ làm đoạn mất giống từ bi. ” Thế nên trong buổi cơm tối nầy chúng tôi được khoảng đải với những món ăn chay thịnh soạn qua sự hợp tác của ban trù đường và ban công quả chùa Quang Minh cùng các thành viên trong cộng đồng Hồi giáo có tại Melbourne và những vùng phụ cận.


Cũng xin nói thêm là Ramadan mang ý nghĩa rất đẹp vì  nó là tháng mà mọi người cùng nhau chay tịnh từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt rời lặn. Sau đó cả  nhà cùng đọc kinh cầu nguyện rồi ngồi chung trong bàn ăn để bàn bạc kiểm điểm; để dâng tặng nhau những món quà tốt đẹp nhứt về tinh thần lẫn vật chất,  cũng như đánh giá những thành quả tốt đẹp của các thành viên trong gia đình; để cùng nhau củng cố nó.  Rồi cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc do các bà mẹ, các người vợ là những phụ nữ đảm đang của dân tộc Hồi nấu nướng. Đây là một tháng mang tính hài hò#a bất bạo động.


Có sự trùng hợp ngẩu nhiên trong Phật giáo chúng ta, đây cũng là tháng trong mùa Vu Lan để cả gia đình cùng đến chùa cầu nguyện cho cha mẹ hiện đời cũng như cha mẹ bảy đời. Lễ cài hoa hồng mang ý nghĩa tốt đẹp với lòng biết ơn và sự kính trọng ông bà cha mẹ và những người thân yêu trong gia đình. Đây cũng là tháng dâng quà trai tăng cho quý thầy và dâng quà cho cha mẹ trong gia đình qua việc tổ chức Lễ Thượng Thọ của các cụ trên 85 vừa qua tại chùa Quang Minh. Nó cũng trùng hợp với vào đúng ngày Father’s day của dân tộc Úc. Vậy thì buổi tối hôm nay có tính rất là đa văn hóa và mang đầy ý nghĩa  cho mỗi dân tộc nói riêng và toàn dân Úc nói chung.


Không khí mát dịu của ngày đầu Xuân mang lại một chút sản khoái, một chút nhẹ nhàng đến cho quý vị làm công quả. Không phải đợi đến giờ phút này ban nhà trù mới bắt đầu làm việc, mà phải nói việc làm đã được chuẩn bị từ bao nhiêu tuần trước rồi. Tony, Mỹ Phương bận rộn với phần chương trình, âm thanh, ánh sáng trong cả suốt ngày hôm nay. Đây cũng là hai nhân vật chính trong buổi lễ. Tony còn là Điều Hợp Viên của chương trình “The Taste of the Faith”, là một chuổi kết hợp của ba  việc. Ramadan Iftar là việc đầu tiên, ngoài ra ta còn hai việc nữa là Interfaith Forum for Student sẽ được tổ chức vào ngày Thứ Sáu hôm sau cũng tại chùa Quang Minh. Cái cuối cù#ng là Interfaith Community Gathering là


buổi ăn tối dành cho Đại Hội Nghị Tường tôn giáo quốc tế vào tháng 12 tới đây. Anh Tâm và anh Kiệt là những lực lượng lao động đắc lực có trong chùa đã cùng mọi người sắp xếp bàn ghế. Chị Tâm Sở, anh Hai , chị Hai,  Cô Hoa, Lệ Tâm, Mỹ Lộc, Diệu Thọ, Chi Diệu Đức, cô Dung bận bịu trong công việc chuẩn bị cho buổi ăn tối ngày hôm nay. Mọi người làm việc trong tinh thần an vui thanh tịnh. Rồi cộng đồng Hồi cũng mang thực phẩm tươi mát của họ đến bày trên dãy bàn giữa Hội trường. Anh chàng trẻ tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ mang một cát mẹt lớn đựng đầy bánh mì rất ngon của dân Thổ và những món chấm hấp dẫn. Anh lăn xăn chạy tới chay lui cung cấp thức ăn và lo luôn phần tiếp tân thực khách trong cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ của anh.


Lơ thơ một vài khách từ xa đến, có những vị phải vượt đoạn đường dài cả trăm cây số, nên đã cố gắng đến sớm hơn giờ đã đị#nh. Được sự cho phép của thầy Trụ trì, tôi đã hướng dẫn khách đến thăm ngôi Đại Hùng Bửu Điện đang xây cất. Mọi người đều khen ngợi công trình và vẻ đẹp mỹ miều hiếm có của nó trong một vị thế sông nước hài hòa phù hơ#p với lòng người.


Trong số khách đến sớm vừa có đại diện của các trung tâm Hồi giáo, vừa có cả khách của Cộng đồng Phật giáo. Một duyên lành đến với  tôi là, chiều hôm đó tôi được tiếp xúc với thầy Andrew Williams. Thầy cho biết là thầy rất quý người Việt của chúng ta. Hòa Thượng Thích Chơn Thanh trụ trì chùa Liên Hoa tại California chính vị Bổn Sư của thầy. Hiện nay thầy là giảng viên dạy Pháp bằng tiếng Anh cho chư Tăng Ni và Phật tử tại chùa Vân Dương  (Yun Yang) cách Melbourne không xa lắm cùng là một số học viện thuộc phái Mật Tông của Tây Tạng ở Úc, Mỹ, Gia Nã Đại .v.v.v. Thầy tỏ lòng tôn quý đức độ thầy Phước Tấn. Thầy mong có một ngày không xa thầy sẽ tìm và học hỏi thêm về những việc làm dấn thân đầy ý nghĩa vì Đạo Pháp của thầy Trụ trì chúng tôi.


Nắng tắt dần sau hàng cây bạch đàn bên lưng đồi chùa. Đây là giờ hoạt động chánh của ban tiếp tân. Có chừng khoảng trên 300 thực khách, lớn hơn số dự trù là 200 người. Theo sự sắp xếp của ban tổ chức khách mời sẽ được ngồi pha lẫn nhau,  như trong một bàn thì phải có một phần khách Hồi giáo, một phần khách Phật giáo cùng một số ít thân hào nhân sĩ chánh khách, chánh khứa.  Tôi cho là ý kiến tuyệt diệu và nó cũng là mục đích chính của buổi tối ngày hôm nay, một buổi tối chia sẻ và hòa hợp cho hai cộng đồng Phật và Hồi giáo.


Để mở đầu cho chương trình là lời chào mừng quan khách. Người MC của buổi lễ ngày hôm nay là ông Azan. Ông tuyên bố buổi lễ bắt đầu với bản kinh của người Hồi giáo Sunset–Maghred prayer. Thường họ phải đọc kinh cầu nguyện trước rồi mới ăn. Hàng tín đồ chia làm hai phái nam và nữ riêng, họ đi qua hai bên cách gà của sân khấu lạy lễ một cách thành thục. Nhìn đó để ta học hỏi được tính thuần thục của tín đồ đạo Hồi mà thán phục mà bắt chước.  Tôi không biết vị chủ lễ là ai, nhưng một điều đáng ca ngợi là: họ đi trong vòng trật tự và yên lặng. Sau phần lễ lạy là phần tụng bản kinh cầu nguyện. Bản kinh này tôi được nghe mỗi ngày khi còn ở đảo Galang trong trại tị nạn. Khi ấy thì thấy bản kinh dài lòng thòng, mọi người  cầu cho mau hết bản kinh là nhảy vào nhà ăn tìm một cái gì bỏ vào bụng. Vậy mà giờ đây nghe lại thì thấy nó mang nhạc điệu trầm bổng có một chút gì thiết tha, cũng có một chút gì thư thái và mong được nghe thêm để tận hưởng được cái hay của nó. Thế mới biết  cảm  thọ thương ghét là những cái không có thật.


Có thực mới vực được đạo. Theo tôi đây là phần chính của buổi lễ, ta hãy cùng nhau ăn vì xem ra ai cũng đói bụng cả rồi. Chúng tôi được kêu thứ tự theo số bàn để tự mình lo lấy phần ăn của chính mình. Nhìn thức ăn bày la liệt trên dãy bàn chính giữa, ai thấy cũng phát thèm. Màu sắc cũng là phần tô điểm cho nhản quan nhưng cũng góp phần vào việc làm cho món ăn đó trở thành ngon miệng hơn. Màu đỏ của dưa cải chua, màu vàng của cà ry, màu trắng tinh khiết của những chiếc bánh bèo, đứng cạnh bên màu xanh những lá nho cuộn cơm, màu vàng của mấy cuốn chả giò, điểm bên đó là màu đỏ của nồi đậu hầm, rồi những cuốn bò bía thon dài đầy màu sắc của những rau quả ẩn bên trong làm ta chưa ăn mà đã cảm thấy ngon miệng. Bên Hồi giáo có món lá nho cuộn gạo sống rồi hầm cả ngày trời.  Đây là món ăn khoái khẩu mà thực khách tây phương rất thích. Ngoài ra món cà ry, cái nồng nàn của quế chi của gừng pha lẫn cái thơm tho của đại hồi, tiểu hồi của đinh hương quyện vào mũi ta khiến ta ngây ngất như được nhìn ngắm vẻ đẹp của những người phụ nữ Hồi. Thầy trụ trì tạt  ngang bàn chúng tôi rồi khuyến khích: “Quý vị thử ăn miếng bánh xèo đi, để thưởng thức hương vị quê hương Việt Nam.”  Một lực lượng hùng hậu nhà bếp Quang Minh được dàn hàng ngang ở dãy cuối cùng gần nhà bếp. Sáu cái bếp ga nhỏ đặt bên trên là sáu cái chảo gang. Xèo một cái một chiếc bánh đã làm xong. Chiếc bánh hình bán nguyệt màu vàng, mang giải ren mỏng mảnh dòn dòn bên ngoài. Bên trong là giá, là đậu hủ, là nấm rơm tươi. Bạn để vào miệng chất béo của dừa của bột tan chầm chậm làm cho người ăn cảm thấy hài lòng và muốn ăn thêm. Làm bánh xèo mà không có nước chấm ngon là hỏng. Vậy là chúng tôi được cả hai phần vừa bột vừa nước chấm.  Ngoài ra còn phần tráng miệng do chùa Quang Minh khoảng đải với món bánh ích lá dứa màu xanh ngọc là phần cống hiến của chị Diệu Đức nằm duyên dáng bên dĩa khóm vàng tươi với chùm nho mọng đỏ, bên cạnh đó là chiếc bánh dẻo trắng nỏn nà tạo thành bức tranh lập thể đầy màu sắc.


Làm như cái mặt của tôi có chữ Quang Minh hay sao mà ai cũng lại cười thân thiện và bày tỏ lời khen ngợi. Tiến sĩ Zane ở trường Đại học Monash chạy đến vổ vai tôi rồi  nói: “ Tôi chưa thấy buổi ăn nào ngon lành và thịnh soạn như buổi ăn này.” Hai  cô công an của địa phương rất tha thiết với món bò# bía và hứa hẹn là sẽ đặt phần ăn từ nhà bếp chùa Quang Minh mà trong đó phải có món bò bía.  Có một ông người Croatian vừa tròn vừa béo cứ nhứt định đòi cho bằng được công thức chế biến chiếc bánh xèo để về cho vào thực đơn nhà hàng ông ta. Nhiều thực khách đã rất thích chiếc bánh xèo. Cô Linda, người Đài Loan, là một thành viên đắc lực trong cộng đồng Phật giáo Melbourne, đã đề nghị đưa chiếc bánh xèo vào buổi gây quỷ tại St Kilda trong dịp tới đây. Rồi các em trong gia đình Phật tử cũng khen món bánh xèo hết mình. Phải thành thật mà nói lúc nghe chương trình du lịch và ăn uống phát thanh từ đài ABC, có một anh phóng viên thuộc loại quốc tế có hạng mà tôi quên tên đã  phát biểu là: “Tôi đi khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng phải công nhận là thức ăn Việt Nam đáng được sắp vào hàng đầu và càng đi về miền Nam thì thức ăn càng ngon và càng khoái khẩu.” Tôi chưa tin lắm nhưng nay thì lời nói này đã được kiểm nhận qua sự đánh giá của món bánh xèo do chị Diệu Đức chủ trì.


Tôi thấy việc sắp xếp chương trình của buổi lễ rất là thực tế. Vì sau khi ăn xong thì mọi người no bụng nên có thể nghỉ ngơi để nghe những lời phát biểu của những nhân vật quan trọng.


Người được giới thiệu mở đầu cho buổi lễ là thầy Phước Tấn. Lúc nào thầy cũng là người bận rộn nhưng lúc nào thầy cũng biểu lộ được phong thái trầm tỉnh hiếm có. Với vẻ mặt tươi vui và phong cách an nhiên điềm đạm.Thầy nhắc nhở lại cuộc gặp gở gần đây giữa thầy và người bạn tại Melbourne, mà  thuở xa xưa hai người cùng học chung trường Canley Vale trên Sydney. Từ  đó thầy dẫn cho ta thấy sự kết tập của những người từ nhiều sắc tộc khác nhau mang đến sự hòa điệu và hạnh phúc tuy rất  hiếm thấy  nhưng nó cũng đã được thể hiện trong tinh thần của tổ chức AIS hiệp hội văn hóa này. Theo đạo Phật thì đây là một việc làm  mang nghiệp toàn thiện. Thầy mong rằng mọi người cùng nhau an vui và san sẻ cho nhau niềm hạnh phúc có được ngày hôm nay.


Kế đó là lời phát biểu của ông Ahmet Orhan Polat, Điều hợp viên của AIS. Ông cho biết việc chùa Quang Minh đứng ra tổ chức buổi ăn tối này mang ý nghĩa trọng đại và AIS giử vai trò quan trọng  trong việc làm giải nối giữa hai khối Phật và Hồi giáo. Buổi ăn tối Ramadan Iftar nhằm khuyến khích mọi người thắt chặc thêm tình thân hữu, sự san sẻ và lòng tin lẫn nhau . Ông cũng nhắc  là  cũng trong dịp này ta nên đem lòng thương tưởng đến những kẻ nghèo đói khốn cùng mà giúp đở họ.


Cuối cùng, ông ngỏ lời cám ơn hết tất cả những người đã góp công trong việc thành công viên mãn của buổi tối ngày hôm nay.


Tiếp đến là phần đọc đoạn kinh Quran do Hafit Adem. Anh chàng nầy có giọng đọc vô cùng diễn cảm, làm cho người nghe bồi hồi xúc đô##ng .


Một giáo sư tiến sĩ người Úc đọc bản kinh Pháp cú bằng Anh ngữ với hình ảnh minh họa. Bản kinh này được cô Kim dịch lại bằng tiếng Việt.  Trong phần trích dẫn thể hiện qua những câu: “ Lòng từ bi càng nhiều,  trí huệ càng cao thì ưu phiền càng ít;  Chiến thắng vạn quân , không bằng tự thắng mình; Chỉ có tình thương mới diệt được hận thù.v.v.v.” Tuy đây chỉ là  một phần nhỏ được trích ra từ kinh Pháp Cú nhưng cũng đã cho thấy  được lời dạy của Đấng Từ Tôn  luôn luôn phù hợp trong mọi hoàn cảnh , mọi tình huống,  mọi thời đại và luôn đem lại sự hài hòa, an vui trong đời sống của chúng ta.


Sau đó là phần trình diễn âm nhạc của hai nhóm Hồi và Việt. Lực lượng bên Hồi giáo có phần lớn mạnh hơn vì có tới 6 nhạc công cùng hòa tấu, nào đàn, nào trống nào sáo; nhưng không vì thế mà lấn át tiếng đờn tranh dìu dặt của Anh Tường.


Trời càng về khuya thì không khí của bàn ăn có phần sôi nổi hơn, chúng tôi bắt đầu thấy ngon miệng và ngon cả lời. Vì thế nên sự đóng góp có phần sôi nổi hơn về đời sống gia đình, về kinh tế, về văn hoá về chánh trị v.v.v. Có những chiếc khăn voang choàng trên mái đầu bên cạnh mái tóc vàng óng hay những mái tóc huyền đen kề bên những mái tóc nâu , rồi cùng nhau chia sẻ những nụ cười dí dõm hay những câu pha trò đầy ý nghĩa.


Vậy là buổi lễ thành công tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng và mọi người đều hài lòng về ý nghĩa, cách tổ chức  cùng những thức ăn được thưởng thức ngày hôm nay.


Đây phải nói là sự đóng góp của nhiều cá nhân, nhiều cơ quan đoàn thể và do những bàn tay, do những tấm lòng đã vì hạnh phúc, vì lợi ích chung của mọi người. Thượng tọa Thích Phước Tấn và chùa Quang Minh xin ghi nhận công đức của quý vị cùng các đoàn thể sau đây:



  • Ông  Ahmet Orhan Polat, Điều Hợp viên của Hiệp Hội AIS



  • Victorian Multicultural Commissions

  • Victoria Buddhist Council

  • Nhiều Chùa và Nhóm Phật Giáo Bạn Tại Melbourne

  • Ông Melmet Seker Học viên Tiến Sĩ

  • Tiến Sĩ  Zane Ma Rhea Đại học Monash

  • Dân Biểu Marsha Thomson MP

  • Dân Biểu Marlene Kairouz MP

  • Dân Biểu George  Seitz MP

  • Ông Thị Trưởng và các nghị viên của thành phố Maribyrnong, Brimbank và Moonee Ponds

  • Australia Sufi Music Group

  • Nhạc Sĩ Trần Tường.

  • Ban nhà trù và ban công quả chùa Quang Minh



Leave a Reply