Monday, January 9, 2012

CÂY MUỐN LẶNG MÀ GIÓ CHẲNG DỪNG!

0 nhận xét

Tôi lại viết và cứ muốn viết mãi đề tài này. Và đây là lần thứ tư mà tôi đã viết. Tôi nhớ rất kỹ lần đầu tiên tôi viết là vào năm 1953. Dạo đó tôi còn là một học tăng của Phật học đường Nam Việt, cấp đại học. Nhơn sau buổi giảng của tôi vào chiều Chủ Nhật tại Hội Phật Học xong, vì mùa Vu lan, đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt cũng là chủ bút Nguyệt san Từ Quang, yêu cầu tôi viết một bài cho tờ báo. Tôi không có khiếu về văn chương, nên viết lách là điều bắt buộc đối với tôi.  Tuy nhiên vì một yêu cầu không thể không đáp ứng, do đó mà câu chuyện bắt đầu … bài chung quanh về vấn đề chữ Hiếu và Mẹ.


Mẹ tôi qua đời trong mùa Vu lan năm tôi đúng 19 tuổi và thân phụ tôi viên tịch cũng trong mùa Vu lan năm tôi đúng 45 tuổi. Từ bao nhiêu mùa Vu lan qua rồi, lòng tôi ray rức xót xa, hồi tưởng lại những lỗi lầm của mình đã tạo trong lúc chưa hiểu đạo và cũng trong lúc kiến thức còn nông sơ, và tôi kể lại đây để những bạn trẻ đọc mà thấm thía!


Thuở bé, tôi vốn là đứa trẻ ốm yếu, thường bệnh hoạn, nên mẹ tôi là người chịu khổ nhất đối với tôi. Tôi nhớ mỗi lần tôi đau, mẹ tôi phải mất ít nhất trên một tiếng đồng hồ về việc cho tôi uống thuốc. Vốn sợ thuốc mà lại hay đau! Một lần nọ mẹ tôi bắt buộc phải cạy răng để đỗ thuốc và do đó tôi cắn vào ngón tay trỏ của bà lủng sâu và máu ra nhiều, nhưng bà vẫn không thấy đau mà nhất định bắt tôi phải uống cho được. Sau khi uống xong liều thuốc, nhìn thấy những giọt máu đào từ ngón tay thân yêu của mẹ chảy ra, khiến tôi mềm lòng và từ đó tôi không bao giờ để mẹ bảo lần thứ hai và tự nhủ rằng: Từ nay mẹ bảo uống thuốc thì uống ngay, dầu là thứ thuốc độc uống xong rồi chết liền cũng được; chứ trước thì bệnh, mẹ bảo uống thuốc cho hết bệnh, lại làm như là mẹ bắt buộc mình uống thuốc độc không bằng!


Quê tôi vùng Cát Lái, cũng đồng ruộng mênh mông, cũng vườn dừa, vườn cau sầm uất. Gia đình tôi thuộc hạng trung nông, cha tôi cũng có vị thế khá trong hương thôn. Mẹ tôi lại là vợ kế của cha tôi. Mẹ trước mất đi, để lại ba người con đều trai cả. Khi mẹ tôi về thì người con cuối của mẹ trước mới lên ba tuổi. Lại có hai người dì, em mẹ lớn không được tốt bụng và đó là nguyên nhân gây nhiều khổ sở cho mẹ tôi. Mẹ tôi sanh được bốn đứa, ba trai một gái, đứa em gái là đứa con được cha tôi thương nhiều nhất, nhưng chỉ 3 năm sau thì vắn số. Vì là con hai dòng, nên mấy người dì em mẹ trước sợ mẹ tôi đoạt hết gia tài về cho con mình, nên cố xúi mấy người anh tôi hành hạ, ức hiếp mẹ tôi nhiều điều, đủ cách; nhưng mẹ tôi là một hiền mẫu không vì lẽ không phải chính con mình sanh ra mà bạc đãi, hành hạ con chồng, cũng một mực thương yêu chìu chuộng đứa trước thế nào thì đứa sau cũng vậy, vẫn ăn học đồng đều.


Có một lần, buổi sáng đi học, mẹ tôi phát cho mấy người anh mỗi đứa hai xu, riêng tôi chỉ một xu thôi, em tôi chưa đi học, và như thế tôi là nhỏ nhất. Mẹ tôi bảo: hôm nay mẹ kẹt không còn thêm một xu nữa để cho con đủ số như các anh con vì con còn nhỏ nên phải chịu thiệt một chút. Tôi nhất định không nhận và cũng nhất định không đi học, nếu mẹ tôi không cho đủ hai xu. Mẹ tôi ngọt ngào dụ dỗ không được, đánh đập cũng không lấy và hôm ấy tôi bỏ học, và cũng suốt ngày hôm ấy mẹ tôi buồn khóc không ăn cơm. Khi lớn lên, biết suy nghĩ, mới thấy mình thật ngu ngốc: học cho mình chớ nào phải học mướn cho mẹ, mẹ thiếu tiền mướn không đi, sau nầy nên người thì mình nhờ, chớ mẹ mình có lột vỏ theo mình để hưởng gì đâu! Lại khi không đủ hai xu để cho con thì lòng mẹ cũng héo hon, đau xót, nhứt là những lằn roi trên mình con là những lằn dao rạch xé tâm can của mẹ. Có người mẹ nào muốn cho con mình thiếu thốn khổ sở bao giờ! Lòng mẹ bao la như biển Thái bình, biển Thái bình có ngày còn cạn chớ lòng thương của mẹ thăm thẳm nghìn trùng!


Năm tôi 19 tuổi và đang theo Thầy học đạo tại chùa Ông Ngộ, tức chùa Tôn Thạnh tại làng Mỹ Lộc quận Cần Giuộc, nghe tin mẹ tôi đau, tôi xin Thầy về nhà nuôi mẹ, vì nhà đơn chiếc, chỉ có một em trai nhỏ dại ở nhà thôi. Nhắc lại việc tôi xuất gia cũng rất ly kỳ. Gia đình tôi mất hai người anh trước sau hai ngày, một anh của dòng trước và một anh của dòng sau.


Bây giờ tôi trở thành anh trưởng của dòng sau, và coi như là anh cả trong nhà, vì các anh trước tôi đã lập gia đình và ra riêng cả. Hồi tôi mới sanh đến năm lên ba, tôi vẫn ăn được duy nhứt toàn đồ lạt không ăn được cá thịt. Thường ngày mẹ tôi phải hấp hồng khô cho mềm để cho tôi ăn cơm. Cha tôi sợ tôi ốm yếu, lớn lên không làm gì được nổi, nên bắt mẹ tôi phải bằng mọi cách cho tôi ăn mặn. Mẹ tôi không dám cải, nên từ từ tập cho tôi ăn tép rang đường thiệt ngọt, dần dần đến những thứ ít tanh, hôi. Ngày lớn lên đi học, trong xách cơm đi học hằng ngày của tôi luôn luôn là dừa khô kho đường, muối, hoặc đường thẻ, đường tán, không thì cũng tép rang đường. Năm tôi 12 tuổi, một biến trạng xảy đến, làm cha mẹ tôi phải một thời gian mất ngủ. Số là, dạo nầy hễ cứ đêm đến thì những bóng ma quái cứ hiện đến phá phách, luôn đêm nầy sang đêm khác, làm cho gia đình chúng tôi phải bị đắm chìm trong không khí lo sợ, hãi hùng. Chạy đã đủ thầy, cũng vô hiệu, thậm chí luôn cả bao nhiêu đêm, cha mẹ tôi nằm hai bên tôi, cha tôi thủ sẵn một con dao, hễ nghe tôi giựt mình la hoảng, thì người quơ dao lên khoảng không, để chực đuổi đi, nhưng đêm nào cũng như đêm nấy, bọn ma quái cứ hiện đến phá quấy luôn. Mãi đến ba tháng sau, cha tôi mới chợt nghĩ đến việc cầu Phật, vì hết cách chữa trị. Ngày xưa, cha tôi tu theo Tịnh độ tông, nhà thờ Phật để trên trang cao, mỗi lần lên đốt hương, phải bắt thang gỗ, và nơi thờ kính tôn nghiêm đó, cha tôi có treo một xâu chuỗi ngắn 18 hột. Người cầu nguyện với Phật thỉnh xâu chuỗi xuống, đeo vào cổ tôi, và lạ thay, kể từ hôm đó cảnh phá khuấy không còn nữa.


Đến năm đúng 14 tuổi, thì tôi được xuất gia theo thầy học đạo.Tôi mà đi tu được thì ngoài sự hy sinh tình cảm sâu đậm của mẹ tôi, còn thêm sự dẫn dắt của bà nội tôi nữa! Nội tôi đã già nhưng rất sùng đạo, hằng tháng, ngày 14 và 30, tháng thiếu thì 29, nội tôi luôn luôn có vài bình bông trang hoặc thọ, và vài nãi chuối, hoặc ít trái cây lên chùa sám hối và ở lại chùa đến khuya còn theo thầy công phu, chúc tán. Mà như vậy thì không đêm nào Nội tôi không dẫn tôi theo và nền móng xuất gia của tôi bắt nguồn từ đó.


Nhà tôi trước chỉ ăn chay kỳ, mỗi tháng 10 ngày. Nội tôi thì trước ở với người chú út của tôi, mãi khi chú tôi qua đời sớm, thì bấy giờ bà mới chịu về ở chung với gia đình tôi, cha tôi là con trưởng. Trong thân tộc tôi ít có người nào sống được quá 50, ngoại trừ Nội tôi thọ 81 tuổi, cha tôi (tức Hòa Thượng Thích Đạt Kiến) thọ 85 và người cô ruột kế út cũng thọ đúng 81 như Nội tôi. Riêng Nội tôi thì ăn chay và tu từ khi ông nội mất lúc 45 tuổi, nên khi về ở chung với chúng tôi, thì bà được dọn riêng và ăn riêng hoặc rau luột, nước tương hay cà kho, đậu kho vậy thôi, vì có một mình bà cụ nên không bầy biện.


Một hôm nọ, cha tôi đang cùng gia đình ăn uống vui vẻ với mâm cơm mặn có canh, có cá thịt, bỗng ông nhìn sang mâm ăn sơ sài của Nội tôi với chiếc thân già lặng lẽ, ông bỗng buông đũa, nước mắt dầm dìa, nói với mẹ tôi: Từ nay gia đình ta ăn chay, không thể nuốt trôi khi mẹ già ăn uống khổ cực và cô quạnh như vậy. Thế là từ đó mẹ tôi đổi nghề nấu bếp …


Ngày mẹ tôi thọ bệnh, vì gia đình không có ai, tôi phải giả từ thầy tổ, về nhà đóng vai trò con gái để nuôi bệnh cho người. Mẹ tôi vì quá vất vả trong cuộc sống, để không phải mang tiếng mẹ ghẻ, con chồng, lại tảo tần làm lụng không nghỉ để dành dụm cho con, nên mới gần 50 bà đã kiệt sức và mẹ tôi mang chứng bệnh nan y. Tất cả công việc nấu nướng, chợ búa thậm chí tắm rửa, giặt giũ cho mẹ tôi, tôi cũng làm nốt và làm rất thành thạo.


Bệnh mẹ tôi càng ngày càng thêm nhiều, sức khoẻ của người càng ngày càng sút giảm mà công việc của tôi càng ngày lại càng thêm. Có một hôm, sau một giấc ngủ say vùi vì mệt nhọc, tôi bỗng giựt mình đến toát mồ hôi, một cảnh tượng hãi hùng, mà cho tới mãi bây giờ tôi mường tượng như trước mắt: Mẹ tôi nằm chèo queo ở một góc giường, chiếc giường tre dùng cho người bệnh đã cháy một vùng tròn và cháy sém lên trên hai lớp mền nỉ! Tôi kêu thất thanh và cha tôi cũng chạy đến để dập tắt vừa hơ hám cứu chữa cho mẹ tôi. Khi bà tỉnh lại, tôi hỏi tại sao mẹ không kêu, khi bà bị phát lạnh nửa đêm. Mẹ tôi bảo: thấy con đang ngủ say và vừa mới ngủ, sợ mất giấc ngủ của con rồi con sẽ không còn sức khoẻ, nên đi đốt lửa để hơ, nào ngờ ngọn lửa bốc cao, làm cháy cả giường, mền, trong lúc mẹ thì ngất xỉu. Đến giờ phút nguy nan có thể nguy hiểm đến tánh mạng như vậy, mà vẫn chỉ nghĩ đến sức khoẻ của con mình, mẹ ơi, giờ phút mẹ mất rồi, con biết tìm đâu ra bóng hình thân yêu và tấm lòng quảng đại ấy! Bây giờ lớn lên, lòng thương nhớ mẹ hiền tha thiết, muốn được còn mẹ để sớm hôm hầu hạ, để được gần gũi tắm ánh sáng nhiệm mầu qua tình thương của mẹ, thì không còn được nữa, mẹ hiền đã khuất bóng! Thật là: cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn nuôi mẹ thì bóng mẫu từ đã sớm khuất.



Leave a Reply