Sunday, January 8, 2012

Đối chiếu sự dị đồng giữa Ta bà và Cực lạc

0 nhận xét


Khi đối chiếu so sánh giữa hai thế giới Ta Bà và Cực Lạc, ta thấy ngay nơi danh xưng đã là khác nhau một trời một vực rồi. Thế thì đối chiếu so sánh để làm gì cho phí sức. Thật ra, có đối chiếu so sánh giữa đời sống và cảnh vật của hai thế giới, thì ta mới phát khởi tín tâm nhiều hơn. Và như thế, đâu không phải là điều thú vị lắm sao! Như thế, thì việc làm nầy đâu phải là vô ích.



Hôm nay, tôi xin nêu ra một số vấn đề về cảnh vật và đời sống của hai thế giới Ta Bà và Cực Lạc, để chúng ta chiêm nghiệm giữa hai đời sống khác nhau như thế nào. Đã gọi là thế giới, tất nhiên, đó là phần vật chất hình tướng. Đã là vật chất hình tướng, thì tất cả đều là hư ảo huyễn mộng. Tuy nhiên, tuy huyễn mộng, nhưng cũng có mộng đẹp và mộng xấu. Nói cách khác là thiện mộng và ác mộng, tức mộng khổ và mộng vui. Thế thì ta nên chọn mộng nào? Chắc ai cũng thích chọn mộng đẹp và vui. Có ai ngu dại gì mà lại chọn mộng xấu khổ bao giờ?



Đứng về mặt sự tướng mà nói, thì Ta Bà hay Cực Lạc, tất cả đều tùy tâm hiển hiện. Không có vật nào ngoài tâm. Đúng vậy. Nhưng hiện tại, thử bình tâm xét lại tâm ta như thế nào? Tâm ta có được an ổn không? Hay luôn luôn bất an xáo trộn, loạn động không dừng. Vẫn biết, khi tâm tịnh, thì mọi vật đều tịnh. Nhưng ngặt nỗi, tâm ta chưa an tịnh thì sao? Mọi vật có an tịnh hết không? Hay là tối ngày phan duyên theo trần cảnh, chưa từng ngừng nghỉ. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu giữa hai thế giới người và cảnh khác nhau thế nào.



Thứ nhứt, xét về danh xưng, tức tên gọi: Ta Bà và Cực Lạc. Ta thấy, ngay trong danh xưng thực chất của nó đã là khác nhau rất xa rồi. Một bên là thuần vui không khổ. Ngược lại, một bên là thuần khổ không vui. Cho nên gọi là Ta Bà và Cực Lạc.



Ta Bà là cực kham khổ. Cực lạc, thì cực thuần vui. Khổ như thế nào? Và vui như thế nào? Về khổ thì cõi nầy, xét về mặt tục đế, hay sanh diệt Tứ đế, thì đời sống của con người không một ai thoát khỏi bốn nỗi khổ lớn: “sanh, già, bệnh, chết”. Bốn nỗi khổ phụ là: “ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội và ngũ ấm xí thạnh khổ”. Ngược lại, cõi Cực lạc, thì không có những nỗi thống khổ nầy. Lý do tại sao? Lần lượt đối chiếu, chúng ta sẽ thấy rõ.



Thứ hai, khác nhau về cảnh vật. Theo kinh Di Đà diễn tả cho chúng ta biết, thì cõi Cực Lạc, tất cả cảnh vật đều kết thành bằng bảy thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.



  1. Đất báu ( bảo địa ) toàn bằng lưu ly ( thuộc loại ngọc xanh ) trong suốt sáng ngần.

  2. Ao báu ( bảo trì ) đáy ao và chung quanh ao, đều kết hợp bằng 7 thứ báu tạo thành. ( tượng trưng cho thất thánh tài. Thất thánh tài gồm có: Tín, tấn, giới, tàm quý, văn, xả, định huệ ). Dưới đáy ao toàn bằng cát vàng, khác hẳn với ao ở cõi trần toàn là bùn lầy.  Ao sâu và rất rộng.  Nước thì có tám thứ công đức: 1.Vắng lặng. 2.  Mát mẻ 3. Ngon ngọt 4. Nhẹ nhàng 5. Bóng lộng 6. Ôn hòa 7. Uống vào khỏi đói 8. Uống vào nuôi lớn các thiện căn. Nước trong ao khi uống vào mát mẻ và khỏe khoắn lạ thường. Nước thuần một vị trong mát, không có mặn lạt hay nhơ bẩn như nước cõi nầy.


  3. Cây báu (bảo thọ ) cây tự nhiên không do ai trồng. Có nhiều loại cây tên gọi khác nhau. Tất cả đều ngay hàng thẳng lối. Cây chiên đàn hương, cây kiết tường quả v.v… nhánh lá, bông, trái đều đặn chỉnh tề. Thân lá bông trái đều kết tụ bằng thất bảo.  Ngược lại, cây ở cõi nầy có vô số loại và tên gọi khác nhau. Có những loại mọc tự nhiên, có nhiều loại do người ta trồng. Loại trồng theo hai bên đường, cũng giống như cõi Cực Lạc, cũng ngay hàng thẳng lối, trông rất đẹp mắt. Song có điều không phải do các thứ báu kết tụ thành. Dĩ nhiên, thân và tàn cây không cao lớn và sum sê mát mẻ như cây ở cõi Cực Lạc.


  4. Lầu báu ( bảo lâu ) các tòa lâu đài cũng do các thứ báu tạo thành. Những cung điện có rất nhiều từng. Dĩ nhiên, là sang trọng cao quý hơn ở cõi nầy rất nhiều. So với những cung điện, lầu các của các cõi trời ở cõi Dục giới, thì lâu đài, cung điện ở cõi Cực Lạc sang trọng đẹp đẽ hơn nhiều.


  5. Tòa sen báu ( bảo tòa ) Màu sắc rực rỡ đẹp lạ thường. Màu nào phát ra ánh sáng màu nấy. Phật, Bồ tát và các người dân ở cõi Cực Lạc đều ngồi trên tòa sen báu cả. Tòa sen có nhiều cỡ loại lớn nhỏ cao thấp khác nhau. Sự khác biệt nầy, tất cả đều do công đức niệm Phật tu hành sâu cạn của người ở cõi nầy mà có những tòa sen khác nhau.



Ngoài ra, còn có những thứ khác nữa như lưới cũng bằng báu. Ở đây, cũng có lưới, nhưng lưới kết lại bằng dây nhợ.

Đến như các loài chim, như chim Khổng tước, chim Ca lăng tần già, chim Cọng mạng v.v… cũng đều do đức Phật A Di Đà biến hóa ra. Ngày đêm phát ra những tiếng pháp nhiệm mầu. Rồi đến gió thổi, suối reo, nước chảy, nhạc trời v.v… cũng đều phát thành tiếng nói pháp, ai nghe đến cũng đều phát khởi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Về cảnh vật, chúng tôi chỉ xin đơn cử lược bày đại khái như thế. Tất cả những cảnh vật nêu trên, ở cõi nầy cũng đều có. Nhưng chỉ khác nhau ở chỗ một đằng thì kết tụ bằng báu vật, một đằng thì không phải vật báu, mà toàn bằng những thứ xấu uế.



II. Khác nhau về đời sống của người dân.



Sự sống của người dân ở cõi Cực Lạc như thế nào? Trong quyển Đường Về Cực Lạc, do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh biên soạn có nêu ra, chúng tôi xin tóm lược đại khái như sau:

Người sanh về cõi Cực Lạc là do thần thức gá vào hoa sen thành thai, nên gọi là thai sen hay liên hoa hóa sanh. Lấy hoa sen làm cha mẹ. ( Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu ). Khác hơn cõi nầy, thân người có ra là do nam nữ giao hợp và thần thức gá vào, đủ duyên kết hợp lại tạo thành thai bào, rồi đủ ngày tháng sanh ra. Nên gọi nam nữ là cha mẹ. Người sanh ra ở cõi Ta Bà là do nghiệp thức quá khứ dẫn thọ sanh. Tùy nghiệp báo thọ sanh.  Do đó, nên thân hình của mỗi người khi sanh ra đẹp xấu… có khác nhau. Nghĩa là xét về thân hình, thì có đẹp xấu, cao thấp, màu da, đen trắng, vàng xanh, mập óm v.v… mỗi mỗi đều khác nhau. Trên gương mặt cũng không ai giống ai. Đã có thân, thì có trẻ, già, bệnh và cuối cùng là chết. Ngược lại, người sanh về Cực Lạc là do nghiệp Tịnh mà sanh, nên  thân thể khác hơn ở cõi nầy.



 Nói tóm lại, thân thể cõi nầy là do duyên hợp mà có. Đã do duyên hợp nên mới có những sự khác biệt và các nỗi thống khổ. Ngược lại, người ở cõi Cực Lạc, vì do hoa sen báu sanh ra, nên thân hình của họ là thân kim cương bất hoại. Do đó, nên họ không có sự sai biệt về thân hình cũng như không có những nỗi khổ sanh, già, bệnh chết.( không có già nên không có nhà dưỡng lão. Không có bệnh nên không cần có bác sĩ, y tá, bệnh viện và thuốc men. Không có chết, nên không cần có quan tài,  nhà quàn, nghĩa địa, lò thiêu và mồ mả. Khỏi phải tốn tiền chi phí cho những thứ nầy. Ở cõi nầy, khi sống, thì tốn tiền chi dụng đủ thứ, lúc chết cũng phải tốn tiền, mới thanh toán được cái thân xác. Thật là lắm phiền toái phức tạp).  Thân tướng ai cũng như nấy, đồng xinh đẹp tướng hảo như nhau. Đó là sự khác biệt rất lớn về thân thể của hai thế giới Ta Bà và Cực Lạc.



III. Khác nhau về phần thọ dụng.



 Mọi cảnh vật ở cõi Cực Lạc do tự nhiên mà thành, tuyệt đối, không do ai tạo tác. Ăn mặc hưởng dụng tự nhiên, muốn như thế nào thì hiện ra như thế nấy. Các thứ vật dụng uống ăn, đều tùy ý của người thọ dụng mà hiện ra. Như dĩa, bát v.v… tất cả đều bằng châu báu. Thực phẩm đều thuần chất thơm ngon. Không có vấn đề bị nhiểm độc hay mất vệ sinh như ở cõi nầy. Ăn xong, mọi vật dụng đều tự biến mất. Không cần phải dọn rửa cất dẹp chi cả. Nên cõi Cực lạc không có ban trù đường, ban hành đường và cũng không có người công quả, nhà bếp, nồi niêu soong chảo, mọi thứ lỉnh kỉnh như bên nây. Do đó, nên không có phiền toái tính toán về vấn đề ăn uống. Và cũng không có nạn chết vì ngộ độc ăn uống.



 Đã có ăn vào, tất nhiên phải có tiêu hóa. Như vậy, người ở cõi Cực Lạc có phải đi đại tiểu tiện như người ở cõi nầy hay không? Nếu có tiêu tiểu, tất nhiên, là phải có nhà cầu vệ sinh ( toilet ). Vậy nhà cầu vệ sinh bên đó như thế nào? Nếu không có đại tiểu tiện thì họ phải tiêu hóa ra sao?



Xin thưa, Sau khi ăn, “vật thực vào thân họ tự nhiên tiêu tan lần, hóa thành hơi thơm theo lỗ chưn lông tiết ra ngoài, không có cặn bã, tẩm bổ thân thể thêm sự khỏe mạnh, tâm được an vui như bậc vô lậu”. (Đường Về Cực Lạc, tr 77). Ngược lại, ở cõi nầy nếu mượn vô mà không trả ra, thì phải đến bác sĩ hoặc vào bệnh viện điều trị. Vì sinh lý người cõi Ta Bà và người cõi Cực Lạc sự cấu tạo khác nhau. Khác nhau từ lúc thọ thai. Điều khác biệt đó, cũng không có gì là lạ. Cho nên, người ở cõi nầy, bận rộn phiền toái đủ thứ về vấn đề ăn mặc. Ho lo lắng, tính toán,  đua chen, tranh giành, cấu xé, hơn thua,  quanh đi quẩn lại, suốt tháng quanh năm, khổ đau, đau khổ cũng chỉ vì ba cái thứ ăn, mặc, ở nầy. Còn ở cõi Cực Lạc, như trên đã nói, thật là sung sướng vô cùng. Cái gì cũng tự nhiên, cũng tùy ý hết. Muốn ăn, có ăn, muốn mặc, có mặc, không thiếu thốn thứ gì.



Có người thắc mắc: Nếu nói như vậy, thì người ở cõi Cực Lạc ai nấy đều lười biếng hết sao? Vì tối ngày không có làm gì hết. Cứ ăn không ngồi rồi, như thế, thì làm sao chịu nỗi? Người nói như thế, là vì họ quen sống trong cảnh cơ cực lầm than vất vả ở cõi nầy. Tối ngày, họ làm đầu bù tóc rối kiếm sống mà không có đủ tiền bạc tiêu dùng. Đúng là cày ngày không đủ tranh thủ cày đêm. Nói thế,  khác nào như người nhà quê, nghe nói những người giàu có ở thị thành, nhà cao cửa rộng, tiền kho bạc đụng, tối ngày họ ăn không ngồi rồi, không làm động tới móng tay, đời sống rất sung sướng, thì họ cho đó là hạng người lười biếng được hay sao? Hay tại vì người ta đang thụ hưởng cái phước báo giàu sang mà do người ta đã hết lòng tu tạo.



Người muốn sanh về Cực Lạc, không phải muốn về là về được. Cũng như người ở cõi nầy, không phải muốn giàu là giàu được. Tất cả đều phải nỗ lực tu tạo phước đức. Người nào muốn vãng sanh về Cực Lạc, thì Phật Tổ thường khuyên dạy, phải bền tâm chí thành niệm Phật và tu tạo các nghiệp phước lành. Đồng thời, phải tin sâu nguyện thiết, hằng mong mỏi nguyện sanh về cõi đó. Được thế, thì mới kỳ vọng vãng sanh về thế giới Cực Lạc.



IV. Khác nhau về tâm tánh và thần thông.



Người ở cõi Cực Lạc, tất cả đều có trí huệ sáng suốt, biện tài vô ngại. Vì tâm tánh của họ thuần thiện, không bao giờ khởi niệm nghĩ ác hay sai trái, nên lúc nào họ cũng phát ra lời nói hiền lành và đúng với chánh pháp. Ho tinh cần tu học, thường xuyên nghe pháp, không có một niệm phóng vật, nên lòng họ rất an định. Mỗi người đều có ngũ thông. Ngũ thông là: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông và thần túc thông. Họ không có lậu tận thông. Vì họ chưa dứt sạch hết phiền não lậu hoặc.



Ngược lại, người ở cõi Ta Bà nầy, thì lắm điều triền phược, thiếu trí huệ sáng suốt, tâm trí luôn u mê. Do sống trong vô minh vọng nghiệp, nên ý nghĩ, lời nói, hành động của họ thảy đều bất thiện. Ít khi, họ nói lời đạo đức xây dựng, phần nhiều hay nói những lời hung ác phá hoại. Tâm ý thì buông lung tạo nghiệp ác, nên họ thích sống phóng thể trụy lạc sa đọa. Đã thế, thì làm gì họ có được thần thông. Thần thông của cõi nầy là do nhân tạo. Như những thứ vận chuyển: tàu thuyền, máy bay, điện thoại, máy vi tính điện tử v.v… Đó là những thứ thần thông hiện đại của nhơn loại ở cõi Ta Bà.



V. Khác nhau  về công việc thường ngày.




Người ở cõi Cực Lạc, mỗi sáng sớm, họ thường mang hoa báu đến cúng dường bổn Phật ( Phật Di Đà) và thập phương chư Phật. Ngoài ra, do nương thần lực của dức Phật Di Đà, họ muốn cúng dường các thứ vật báu khác đều được toại nguyện cả. Họ cũng dùng âm thanh vi diệu xưng tán ca tụng công đức của chư Phật. Cúng dường nghe pháp xong, bỗng nhiên, họ cảm thấy thân thể rất nhẹ nhàng bay về bổn quốc vẫn còn trước giờ ăn trưa.



Sau giờ thọ trai, họ đi kinh hành tư duy diệu pháp, hoặc niệm Phật, Pháp và Tăng. Xong rồi, chiều lại, tất cả đều nghe giảng kinh thuyết pháp, hoặc trên đất liền hoặc ở hư không. Sau đó, mỗi người tham thiền nhập định, hoặc đi thiền hành tùy ý. Do sống trong khung cảnh đầy thắng diệu, nên ai nấy đều nỗ lực tu hành. Do đó, mà họ tu học tiến bộ rất nhanh.



Xét về điểm nầy, người tu học ở cõi Ta Bà, cũng có những điểm giống nhau, ít ra là giống nhau trên hình thức. Ở đây, chúng ta cũng thọ trai, kinh hành niệm Phật, cũng dâng hoa cúng Phật, ( nhưng chỉ cúng Phật tượng chớ không phải Phật thiệt). Chúng ta cũng có những buổi giảng pháp, nghe Kinh và pháp đàm, hoặc thiền trà… Nghe xong, chúng ta cũng có những giờ tọa thiền, hoặc thiền hành. Đạo tràng chúng ta trong mỗi khóa tu, cũng có tổ chức những buổi thắp nến niệm Phật. Mỗi hai tuần, chúng ta cũng có những ngày tu học thọ bát chung. Nhứt là những khóa tu kết kỳ niệm Phật, chúng ta cùng tu học sinh hoạt trong đạo tràng suốt bảy ngày. Nhờ những lúc tu học, sinh hoạt chung như thế, mà sự tu học của chúng ta có thêm phần tiến bộ. Tuy tinh thần tu học của chúng ta không bằng người ở cõi Cực Lạc, nhưng chúng ta quyết chí cố gắng tạo cho mình có những thắng duyên để cùng nhau nhịp nhàng tiến bước. Nghĩa là, chúng ta cùng nhau tiến bước về mặt hành trì trên phần sự tướng cũng như gạn lọc phiền não nội tâm. Cả hai, đều phải tận lực song hành.



Đó là những đặc điểm mà chúng ta không khác mấy ở cõi Cực Lạc. Còn về phần tâm tánh, nếu chúng ta nhiếp tâm tha thiết niệm Phật, thì những giây phút đó là chúng ta đang ngồi ở cõi Cực Lạc rồi. Lý do tại sao? Tại vì những lúc đó tâm ta thật sự an lạc, không khổ. Mà an lạc không có khổ, thì đó là Cực Lạc. “Vì cõi Cực Lạc không có những điều khổ mà chỉ thuần có những điều vui”. Vậy, lúc nào tâm ta thật vui thì lúc đó ta đang ở Cực Lạc. Theo ý nghĩa đó, ta cũng có thể tạo cho ta có Cực Lạc ở tại nơi đây. Khi tâm ta thanh tịnh, thì dù ta ngồi ở đâu, thì nơi đó cũng là Cực Lạc cả.



Nhưng chỉ ngồi ở Cực Lạc trong từng phút giây thôi, chớ chưa phải trọn đời. Vì vậy, chúng ta cố gắng tu hành, thành tâm niệm Phật, càng kéo dài thời gian ra chừng nào, thì ta có Cực Lạc dài chừng nấy. Đó là một kinh nghiệm hiện thực, chớ không phải nói ngoa. Chúng ta cứ nỗ lực gia công hành trì,  thì chúng ta sẽ chứng nghiệm cảm nhận cõi Cực Lạc hiện đời ngay.



VI. Khác Nhau về Đức Vị.



Người sanh về cõi Cực Lạc được cái thắng duyên là không bao giờ thối chuyển, chỉ có một bề tiến tu cho đến khi thành Phật. Trong kinh nói, chỉ một đời thành Phật. Nhưng một đời ở cõi Cực Lạc, chúng ta không biết là bao lâu. Vì con người không có sanh, già, bệnh, chết. Đó là một thắng duyên hy hữu mà cõi nầy không có. Người tu hành ở cõi nầy, khi tiến, khi thối bất thường, sự tinh tấn rất yếu kém. Có khi, vì một nghịch duyên nào đó, cũng dễ thối thất bồ đề tâm.



 Vì sao bất thối chuyển? Vì ở Cực Lạc cảnh duyên trang nghiêm thanh tịnh, gần gũi các bậc toàn là thượng thiện nhơn, ngày đêm thức nhắc tu hành, chỉ giúp tăng thêm đạo hạnh, cho nên khó mà thối chuyển. Theo Ngài Trí Giả Đại Sư, thì ở cõi Cực Lạc có 7 duyên lành làm cho người ta luôn mãi thăng tiến. Bảy duyên lành đó là:



  1. Thường được thấy Phật, được nguyện lực của Phật nhiếp trì. Như ở trên tàu to không bị sóng nhồi nước đắm.

  2. Quang minh của Phật thường chiếu đến thân, làm cho bồ đề tâm tăng tấn. Như được ánh sáng mặt trời, khỏi sa hầm sụp hố.


  3. Thường gần gũi Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, chư đại Bồ tát, được Bồ tát dắt dìu gia hộ, mọi người ở quanh mình đều thuần là bực thượng thiện, không tà sư ác hữu, như gần đèn được sáng.


  4. Nước, chim, cây, lưới, gió nhạc, quang minh v.v…đều luôn diễn nói pháp mầu. Tai nghe tiếng pháp thời tâm liền thanh tịnh.


  5. Đồ ăn thức uống, nước tắm rửa đều làm thêm lớn thiện căn.


  6. Tâm ý trọn không kiến chấp vọng duyên, không ác niệm phiền não, chánh niệm thường hiện tiền.


  7. Thân thể lại là kim cương bất hoại. Không già yếu, không tật bệnh, sống lâu vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp. Không bị già bệnh làm trở ngại công phu. Khỏi phải vô thường làm gián đoạn đạo hạnh. 



Đủ các thắng duyên như trên thời có thể nào thối thất đạo tâm mà không quyết định thành Phật!



Tóm lại, qua những điểm dị đồng giữa cõi Ta Bà và Cực Lạc mà chúng tôi y cứ vào quyển Đường Về Cực Lạc của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh tạm nêu ra sáu điểm khác biệt. Đa phần đều khác biệt. Khác biệt ngay từ cái tên gọi của nó. Từ đó, cho chúng ta thấy, một cõi thuần vui, một cõi thuần khổ. Tuy nhiên, nếu nói theo Chân đế, thì cõi nầy cũng không hẳn là thuần khổ. Thuần khổ, là đối với những ai còn sống trong vô minh nghiệp thức. Ngược lại, đối với những người giác ngộ, thì cõi nầy cũng là Cực Lạc. Cho nên chúng ta không thể nói quyết định một chiều được.



Thế nhưng,  số người thực sự  giác ngộ, tâm họ luôn luôn an tịnh, thử hỏi thời mạt pháp nầy có  được mấy người? Đối với những bậc thượng căn thượng trí, thì chúng ta không dám luận bàn đến. Chỉ bàn đến là đối với bậc Trung và Hạ căn. Đối với những hạng người nầy, theo tôi, thì chúng ta nên dốc chí niệm Phật cầu sanh về cảnh giới Cực Lạc. Vì cõi Cực Lạc có đầy đủ thắng duyên hơn cõi nầy rất nhiều.  Phải nói là quá siêu việt tuyệt vời. So với cõi nầy mà chúng ta đang sống, thì thật là lắm phiền toái chướng duyên.



Nội tâm thì luôn luôn bị phiền não thiêu đốt làm rối loạn bất an. Ngoại cảnh, thì luôn luôn xáo trộn, biến loạn. Lớp thì bị thiên tai giáng xuống họa hại, rồi đến nhơn tai khủng bố đe dọa hằng ngày. Mỗi ngày nhơn loại sống trong hồi hộp, phập phòng,  lo âu, sợ hãi đủ thứ. Thế thì, từ con người cho đến cảnh vật, không lúc nào yên cả. Bởi thế, nên Phật nói, cõi nầy là Ngũ trược ác thế. Khổ khổ chất chồng, trong lòng không lúc nào an vui.



Chỉ có cõi Cực Lạc mới là nơi an thân lập mệnh của chúng ta. Cực Lạc mới chính là đích thực quê hương của chúng ta để gởi thân về đó. Vậy, chúng ta còn ngần ngại gì nữa mà không tiến bước. Chỉ cần chúng ta hội đủ ba yếu tố:Tín, Hạnh, Nguyện là chúng ta có đủ tư lương để về Cực Lạc rồi. Chúng ta nguyện kết duyên làm người bạn sen trong muôn thuở. Mong lắm thay!




Leave a Reply