Saturday, January 7, 2012

LỄ VU LAN TRONG TRẠI TÙ NỮ DAME PHYLLIS FROST

0 nhận xét


Sáng sớm hôm nay 18.9.09, thời tiết trở nên trong sáng tươi mát thật dễ chịu. Nắng ấm đầu xuân thật là mát mẻ không lạnh lẽo như mọi hôm. Những tia nắng vàng nhạt dịu hiền của buổi sáng ban mai như đủ để sưởi ấm lòng người. Lần đầu tiên, chùa Quang Minh đã tổ chức đi thăm một trại giam có tên là Dame Phyllis Frost Centre thuộc vùng Deerpark ở miền Tây. Ðây là trại giam những tù nhân nữ. Ðoàn chúng tôi gồm có 8 người. Thượng Tọa trụ trì Thích Phước Tấn vì bận nhiều việc nên đã cử Ðại Ðức Thích Phước Thái cùng với Tony Lê Nguyễn, người phụ trách về việc phát triển cộng đồng cùng hướng dẫn đoàn trong chuyến đi nầy. Ngoài thầy Phước Thái và Tony ra, còn lại chúng tôi gồm có 6 liên hữu nữ Phật tử trong đạo tràng Quang Minh.


Theo chương trình đã định, chúng tôi phải có mặt tại trại tù vào lúc 10giờ 30 sáng. Do đó, đoàn chúng tôi phải đến chùa sớm để chuẩn bị cho những vật dụng và thực phẩm cần thiết để mang theo. Tôi nhìn thấy trên gương mặt của mỗi người đều hiện rõ niềm hoan hỷ vui tươi. Vì đây là một việc làm, một nghĩa cử mang đầy ý nghĩa tình người và tình đạo. Nhất là chuyến đi thăm lại rơi vào trong mùa Vu Lan Báo Hiếu.


Nhìn lại, trong xã hội chúng ta đang sống có biết bao mảnh đời trôi nổi chìm đắm trong những nỗi khổ niềm đau cùng cực. Bởi sự có mặt của chúng ta trên trái đất nầy là do nghiệp nhân mà chúng ta đã gây tạo từ trong quá khứ. Sự trả quả nặng nhẹ đau khổ nhiều ít là còn tùy thuộc vào biệt nghiệp của mỗi cá nhân. Ngoài cộng nghiệp ra, còn có hoàn cảnh biệt nghiệp của mỗi người khác nhau, không ai giống ai. Chúng tôi muốn nói đến những người vì mê lầm nhứt thời mà họ đã lỡ gây ra những lỗi lầm, để rồi phải lãnh lấy những hậu quả đau thương bị giam cầm trong vòng lao lý. Người xưa nói: “nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại”. Nghĩa là một ngày ở trong lao tù thời gian dài hơn cả một trăm năm bên ngoài. Vì đời sống trong lao tù làm sao có được tự do thoải mái như ở bên ngoài. Chim nhốt trong lòng dù có chuyền nhảy như thế nào, nhìn lại cũng vẫn thấy mình đang bị nhốt kín ở trong lồng. Ðó là thân phận của cá chậu chim lồng là thế đó! Suy cho cùng, những nhà tù trên thế gian nầy, dù có những hành phạt nặng nề đau đớn khổ sở về thân xác thật, nhưng cũng không sánh bằng những nỗi lo âu sợ hãi, mặc cảm, cô đơn, buồn tủi kéo dài hành phạt dai dẳng héo hắt trong tâm hồn. Ðó là một nỗi đau khổ thắm thiết mà tâm hồn họ luôn luôn bất an. Một nỗi bất an không lối thoát, vì họ chưa tìm ra được phương cách để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau.


Trong chiều hướng tư duy đó, chúng tôi rất cảm thông những nỗi thống khổ mà họ phải âm thầm chịu đựng. Ðời người không ai lại không phạm lỗi lầm sai trái. Nhơn vô thập toàn, làm người không ai tròn vẹn được hết. Mỗi người một tâm cảnh nghiệp báo khác nhau. Làm sao chúng ta có thể thấu hiểu được hết. Bởi chúng ta còn sống trong vòng nghiệp thức do ba thứ độc tố: “Tham, sân, si” làm chủ động tạo nghiệp. Thiết nghĩ, khi chúng ta chưa nhắm mắt từ giả cõi đời, thì chưa nên vội kết luận trọn vẹn đời người. Vì bảy mươi chưa gọi là lành kia mà! Bụng làm dạ chịu, đó là điều không thể trách.


Trách ai đây, chúng ta đừng quên rằng:



Ðã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Có trách thì hãy trách ta

Tham sân tạo nghiệp khổ đà lụy thân

Một khi ta đã gây nhân

Làm sao thoát khỏi quả gần hoặc xa


(Nguyễn Du)


Nhân nào quả nấy đó là chân lý không sai. Tuy nhiên, là con người với nhau, cùng có chung dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, chúng ta hãy nên mở rộng cõi lòng để cảm thông đón nhận thương yêu những con người bất hạnh. Do nghĩ thế, nên tôi quyết định tham gia chuyến đi đầy ý nghĩa nầy. Mục đích là để góp một bàn tay, một lời an ủi, động viên tinh thần và xoa dịu phần nào những vết thương lòng cho các chị em. Ðó là tâm nguyện chung của chúng tôi trong chuyến đi nầy.


Ðược biết, hiện nay có nhiều chị em người Việt đã vi phạm luật pháp và bị bắt bớ giam cầm ở trong các trại tù trên toàn nước Úc. Họ bị giam cầm bởi có nhiều nguyên nhân nội và ngoại tại khác nhau. Tuy nhiên, dù nguyên nhân nào, kết quả cũng lãnh lấy quả báo khổ đau cả thể xác lẫn tinh thần. Nhất là những nỗi đau đớn vày vò căng thẳng về tinh thần. Nhưng làm thế nào giúp cho họ giảm bớt những bức xúc căng thẳng tinh thần, đó là điều mà chúng ta cần nên hỗ trợ. Chúng ta giúp cho họ lấy lại niềm tin vào bản thân và nhất là vào lãnh vực niềm tin tôn giáo. Tạo cơ hội cách thế để cho họ hướng về điều thiện. Mục đích là để cho họ tỉnh thức hầu tìm lại đời sống đạo đức tâm linh làm mới lại cuộc đời. Ðó là điều mà chúng tôi thiết nghĩ, các nhà lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo cần nên quan tâm và hỗ trợ tinh thần cho họ nhiều hơn.


Như đã dự định, chúng tôi bắt đầu khởi hành vào lúc 10 giờ sáng và phải có mặt tại nhà tù lúc 10giờ 30. Ðoàn chúng tôi đi hai chiếc xe du lịch nhỏ. Tới nơi, sau khi mang thức ăn và những đồ vật dụng cần thiết ra khỏi xe, chúng tôi đến trước cửa chính của trại tù để nhiếp ảnh lưu niệm. Sau đó, chúng tôi vào bên trong văn phòng để làm thủ tục giấy tờ vào thăm. Nơi đây, chúng tôi đã gặp lại anh Hoàng. Anh Hoàng là một nhân viên làm việc toàn thời ở trong trại giam nầy. Anh làm việc cho Bộ Tư Pháp. Anh là người trung gian liên lạc và giúp cho chúng tôi có được cơ hội để viếng thăm các phạm nhân. Sau khi làm thủ tục xong, chúng tôi đi thẳng đến ngôi nhà “Nguyện” để gặp các chị em đang có mặt chờ đợi tiếp đón phái đoàn chúng tôi. Giây phút tiếp xúc đầu tiên giữa các chị em và chúng tôi, tuy có hơi bỡ ngỡ, nhưng sau đó, chúng tôi rất thân thiện chuyện trò hỏi thăm hàn huyên với nhau rất thân mật. Trong ánh sáng tình người và tình đạo giữa chúng tôi, như có một năng lực huyền diệu phá tan đi những áng mây đen thành kiến cách biệt.


Cần nói rõ, trước khi chuẩn bị vào thăm, chúng tôi cũng đã gởi báo chương trình cho Ban Giám Ðốc quản lý nhà tù biết rõ. Họ rất ưu ái và đặc biệt dành cho chúng tôi có được thời gian là 3 tiếng đồng hồ để sinh hoạt. Chương trình sinh hoạt bắt đầu chánh thức là vào lúc 11 giờ trưa cho đến 2 giờ chiều.


Theo chương trình sinh hoạt, do Thầy Phước Thái vạch ra, đoàn chúng tôi bắt đầu thực hiện như sau:


Trước tiên, chúng tôi thiết lập và trang trí một bàn thờ Phật tuy đơn sơ nhưng không kém trang nghiêm. Sau đó, là lễ cài hoa hồng. Các chị em được gắn những đóa hoa hồng trên áo, tất cả đều tỏ ra rất bùi ngùi xúc động, và không một ai ngăn được những dòng lệ bi cảm tuôn trào. Nhìn thấy cảnh tượng đó, cả đoàn chúng tôi cũng vô cùng xúc động không cầm được nước mắt. Thế mới biết, tình cảm thiêng liêng của con người, dù ở bất cứ nơi đâu hay trong bất cứ cảnh ngộ nào, mỗi khi nhớ đến ân nghĩa thâm sâu của các đấng sanh thành giáo dưỡng cũng không sao quên được. Nhớ đến thâm ân cha mẹ và rồi lại cảm thương tủi phận cho chính mình. Ðó là tâm trạng của các chị em đang tủi lòng ngậm ngùi thương nhớ.


Một buổi lễ cài hoa hồng tuy rất đơn giản, nhưng đã nói lên trọn vẹn ý nghĩa hiếu đạo tình người. Nhất là buổi lễ đã diễn ra trong một hoàn cảnh khá đặc biệt thương tâm nầy. Thử hỏi có mấy ai mà không xúc động rơi lệ cho được?


Tiếp theo là vài lời giới thiệu ngắn gọn của anh Hoàng. Anh là người luôn quan tâm chăm sóc cho các chị em. Anh nói rằng, các chị em đừng nghĩ rằng, khi vào đây rồi các chị em Phật tử sẽ bị các thầy lãng quên. Bằng chứng hôm nay, với sự có mặt của thầy và của những người bạn đạo. Ngần ấy, cũng đủ nói lên và trả lời cho sự than phiền hờn trách đó. Các chị em đừng nghĩ rằng, mình là thành phần bất hảo nhứt trong xã hội và chắc hẳn người ta sẽ xem mình như là cặn bã rác rưởi trong xã hội. Ðể phá tan mặc cảm tự ty nầy, chính là sự có mặt của thầy và của quý bạn đạo luôn quan tâm đến và đã diễn ra trong buổi lễ hôm nay.


Sau đó, là vài lời phát biểu của ông Giám Ðốc quản lý người Úc. Trước khi phát biểu, ông cũng đã được cài trên áo một bông hồng vinh danh cho Mẹ. Ðây là điều ông cảm thấy rất gần gủi với ngày Mother Day của người Tây phương. Ông cảm ơn thầy và quý Phật tử đã có mặt hôm nay. Và ông cũng bày tỏ niềm vui chung của mọi người. Ông mong rằng, chưong trình nầy sẽ được thực hiện nhiều lần để tạo niềm cảm thông sưởi ấm cho những người bất hạnh. Ông rất hài lòng và tán thành chương trình sinh hoạt nầy. Vì đây là một việc làm chắc chắn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa vui tươi hơn.


Tiếp theo, thầy Phước Thái trình bày tổng quát về nội dung mang ý nghĩa tình người trong suốt buổi sinh hoạt. Thầy nói, trong buổi sinh hoạt hôm nay, hy vọng sẽ đem lại niềm vui nho nhỏ cho các chị em. Chương trình sẽ gồm có những tiết mục như là:



  • Khóa lễ tụng Kinh Vu Lan.

  • Thực tập quán niệm hơi thở.

  • Dùng cơm chay thân mật do quý vị trong Ban Trù Ðường của chùa Quang Minh thiết đãi.

  • Dùng cơm xong, thầy sẽ trình bày vài nét chính về Vu Lan và Tình Người.

  • Trao đổi giải đáp những thắc mắc của mọi người.

  • Tập hát một vài bản nhạc đạo, do thầy sáng tác.

  • Cuối cùng là phần hướng dẫn cách thức tụng niệm cho các chị em. Ðó là nội dung của buổi sinh hoạt hôm nay.


Sau khi trình bày, kế tiếp là phần tụng Kinh Vu Lan. Chúng tôi có mang theo 30 quyển Kinh Vu Lan để cho mọi người tụng niệm. Thầy hướng dẫn cho mọi người về cách thức trì tụng. Thời khóa lễ tụng niệm rất trang nghiêm và hết sức thành kính. Mọi người dị khẩu đồng âm nhịp nhàng theo tiếng mõ lời kinh. Bất giác, tôi cảm nghĩ, nơi đây không phải là nhà giam mà là nơi điện Phật. Thật vậy, nếu người biết tu hành, thì nơi đâu cũng có thể biến thành nơi trang nghiêm thanh tịnh cả.


Thời khóa tụng niệm hôm nay sao mà nó quá nghiêm trang cảm động. Các chị em như trút hết nỗi lòng sâu kín của mình theo mỗi lời kinh tiếng kệ. Mỗi người như tự thầm nhắc mình, phải nên ăn năn hối cải những lỗi lầm sai trái mà chính mình đã gây ra. Tôi nhìn thấy rõ trên gương mặt của mỗi người đã biểu lộ tất cả những hoài vọng, những nỗi niềm uẩn khúc trong lòng. Mọi người dâng lên với tất cả tâm thành hướng lòng vể Tam Bảo cầu nguyện. Theo dòng tâm thức đó, tôi cũng thầm cầu nguyện chư Phật gia hộ cho mọi người sớm thoát khỏi cảnh đọa đày đau khổ!


Thời khóa lễ chấm dứt, bằng những lời phục nguyện tha thiết chân thành của thầy chủ lễ Thích Phước Thái thật là bi cảm xúc động. Thầy cầu nguyện chư Phật gia hộ cho mọi người luôn được kiết tường như ý và luôn an bình trong nếp sống.


Tụng kinh xong, là đến giờ ăn trưa. Tất cả chị em thầy trò chúng tôi không còn phân biệt tù hay không tù gì cả. Mọi người hân hoan vui vẻ đi lấy thức ăn rồi ngồi chung quanh quây quần bên nhau. Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò rất thân mật lý thú. Khung cảnh chúng tôi dùng trưa thật là ấm áp. Ðó là một cái sân rộng bên ngoài nhà nguyện. Không khí thật thoải mái vui tươi. Cũng thức ăn đó, cũng những con người đó, nhưng sao hôm nay chúng tôi cảm thấy thân thương nhau vô cùng. Thế mới biết trong cảnh hoạn nạn mới biết người có lòng nhân. Trong cảnh khổ đau mới biết được tình bạn thân thương chia sẻ.


Có vị nói, trong đây thèm nhứt là món chao. May phước chúng tôi xin được Ban Giám Ðốc đem vô được vài hũ chao. Các chị em chia nhau mỗi người một hai cục chao, họ ăn sao thấy mà phát thèm. Thế mới biết, cái gì hiếm có, thèm khát, thì cái đó mới thật là có quý giá. Ðối với chúng ta, chao có gì là lạ quý giá đâu. Nhưng đối với các chị em trong đây, một hũ chao đối với họ quả thật là vô cùng quý giá quan trọng. Bởi vì, quy luật nhà tù cấm tuyệt đối không ai được đem chao vào. Thậm chí, có chị tưởng chúng tôi cũng khao khát thèm chao như các chị, nên có chị đem phân phát cho chúng tôi mỗi người một cục và còn quảng cáo chao ngon hết sẩy nữa.


Sau buổi cơm chay thân mật đầy tình nghĩa đạo vị, tất cả chị em trở vô bên trong nhà Nguyện để nghe Thầy Phước Thái thuyết giảng. Buổi thuyết giảng hôm nay, thầy trình bày với đề tài là: “Vu Lan và Tình Người”.


Trước tiên, thầy nói về ý nghĩa nội dung của Kinh Vu Lan. Thầy nói, vì không có thời gian nhiều, thầy chỉ xin được phép chia sẻ trao đổi trình bày một cách ngắn gọn vắn tắt thôi. Thầy nói, chủ yếu của Kinh Vu Lan là đức Phật nhắm thẳng nâng cao giá trị đạo đức nhân bản của con người. Mà tiêu biểu là tôn giả Ðại Hiếu Mục Kiền Liên. Nhân vật chính của Kinh Vu Lan là bà Thanh Ðề.


Tôn giả Mục Kiền Liên là một người con đã thể hiện trọn vẹn chữ hiếu của đạo làm người. Ðó là nét đặc thù sáng giá của đạo đức tình người. Mở rộng nguồn hiếu đạo làm lợi ích cho chúng sanh, đó là bức thông điệp mà đức Phật đã gởi gắm trọn vẹn trong quyển Kinh Vu Lan. Vì yếu nghĩa của hai chữ Vu Lan là cứu cái “khổ bị treo ngược”. Thầy nói, hầu hết chúng ta ít nhiều gì cũng đều bị cái khổ treo ngược cả. Hai chữ “treo ngược” từ Hán Việt gọi là điên đảo. Vì tâm điên đảo nên chúng ta gây tạo nhiều nghiệp ác. Ðã tạo nghiệp ác tất nhiên phải thọ khổ.


Thầy nhấn mạnh, nghĩ cho kỹ sống trong cuộc đời nầy thử hỏi có mấy ai mà không bị những nỗi đau khổ. Ðau khổ từ bản thân, trong gia đình và hoàn cảnh xã hội. Muốn tháo gỡ những nỗi bức xúc thống khổ đó, thì chính mỗi người phải tự ý thức tỉnh giác vươn lên để tìm phương tháo gỡ. Bà Mục liên Thanh Ðề sở dĩ thoát khổ là chính do bà tự biết ăn năn hối cải. Tạo tội cũng từ tâm và muốn hết tội cũng phải từ tâm mà cải hối. Phật và Thánh chúng cũng chỉ là những trợ duyên tốt, nhằm cảnh tỉnh đánh động tâm thức hối cải của bà. Mặc dù ngài Mục Kiền Liên có thần thông quảng đại, nhưng cũng không thể nào cứu thoát được nghiệp lực của mẹ mình. Thế mới biết thần thông đầu hàng trước nghiệp lực.


Tụng Kinh Vu Lan chúng ta cần phải nhìn kỹ lại mình. Nhìn kỹ để tự tháo gỡ những gút mắc “Nội Kết” mà chính mình đã gây tạo. Hiếu đạo là nguồn sống có giá trị nâng cao phẩm giá đạo đức con người. Nó có một năng lực rất mạnh hướng con người đến chân trời giải thoát. Mà trước tiên là biểu hiện tình người nâng cao phẩm hạnh đạo đức là mỗi người nên tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau. Vì đời người thật quá ngắn ngủi. Ngắn ngủi như một chớp mắt. Thế mà chúng ta không chịu thức tỉnh giác ngộ để lo tu hành. Là Phật tử, chúng ta nên cố gắng tránh gây tạo các điều ác mà nên gắng sức làm các điều lành. Chúng ta nên ý thức đến luật nhân quả mà tự cảnh giác lấy mình. Người Phật tử phải thường xuyên thực tập cho mình có được đời sống trong chánh niệm. Giữ gìn chánh niệm qua mọi hành động và ngôn ngữ. Người Phật tử nói và làm phải luôn có mặt trời trí huệ ý thức soi sáng. Ðó là điều mà chư Phật Tổ thường khuyên nhắc răn dạy chúng ta.


Thầy nêu ra một vài mẫu chuyện ngắn nói lên sự sai lầm do vô minh thúc đẩy tạo nghiệp thọ khổ. Trong mỗi người chúng ta đều tiềm tàng sẵn hai loại hạt giống: thiện và bất thiện. Thầy khuyên mọi người nên nuôi dưỡng và phát triển những hạt giống lành. Và nên loại trừ những hạt giống ác ra khỏi khu vườn tâm thức.


Thầy nêu ra hình ảnh của người làm vườn khéo biết nhổ bỏ những cây cỏ hoang dại. Ðồng thời, nên khéo biết nuôi dưỡng và chăm sóc thường xuyên những cây rau cải xanh tươi. Ðó là phương cách tu tâm dưỡng tánh của chúng ta. Thầy nói thêm, Phật dạy, trên đời nầy có hai hạng người trí: một là, người không gây tạo tội lỗi. Hai là, đã gây tạo tội lỗi mà biết ăn năn sám hối và nguyện không bao giờ tái phạm. Phật nói, cả hai đều có trí tuệ và sức mạnh như nhau. Sức mạnh của đời sống tâm linh hướng thượng tự tạo cho mình một hướng đi lành mạnh vững chắc để tiến đến đầu nguồn của sự sống an lạc và giải thoát.


Rất tiếc, thời giờ có hạn nên buổi nói chuyện của thầy Ban Tổ Chức chỉ dành cho thầy có nửa tiếng đồng hồ. Nên thầy không thể nói nhiều được. Thầy chỉ tóm tắt ngắn gọn, nhưng ý nghĩa thật vô cùng súc tích thâm trầm. Mọi người như đã lãnh hội những gì mà thầy muốn trao gởi thức nhắc.


Sau đó, thầy trả lời một vài câu hỏi thắc mắc của một vài vị. Qua những điều giải đáp thắc mắc của thầy, mọi người rất vui vẻ hài lòng và tán thưởng bằng những tràng pháo tay nhiệt tình giòn giã.


Cuối cùng, một vài người trong đoàn chúng tôi hướng dẫn các chị em tập hát những bài hát đạo. Mọi người ca hát rất vui tươi thoải mái. Ai nấy đều vui cười qua những giọng hát câu hò lạc điệu của mình. Thật là một buổi sinh hoạt tràn đầy ý nghĩa và rất ấm cúng tình người. Tất cả mọi người như quên hết những nỗi ưu tư phiền muộn. Họ như quăng đi những gánh nặng quằn quại trên đôi vai của những tháng ngày dài chịu nhiều đau khổ.


Sau đó, chúng tôi hướng dẫn cho các chị em về nghi thức tụng niệm. Với mục đích là để sau nầy các chị em tự tụng lấy. Chúng tôi trao tặng những món quà như là Kinh sách và những loại băng dĩa giảng pháp v.v...


Cuộc vui nào rồi cũng qua. Cuộc họp mặt nào rồi cũng phải chia tay. Ðó là quy luật của cuộc đời. Giờ sinh hoạt đã mãn, chúng tôi mỗi người nhìn nhau bằng những ánh mắt quyến luyến giả từ. Chúng tôi lưu luyến với nhau trong mối quan hệ tình đạo và tình đời. Người ở lại tiễn chân người ra đi, bằng những nụ cười gượng gạo trên môi. Tôi biết, các chị em sẽ buồn lắm! Nhìn thấy các chị em vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi, nhưng không thể che giấu được những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má. Mỗi bước chân của chúng tôi đi, như là một dấu ấn đậm nét ngậm ngùi trong tình yêu thương mến tiếc. Chúng tôi hẹn sẽ gặp lại nhau vào dịp khác. Nếu có đủ cơ duyên, chắc chắn là chúng tôi sẽ trở lại. Chúng tôi nhìn bầu trời trong sáng dưới ánh nắng chan hòa, như nhắc nhở chúng tôi nên cố gắng tu tạo những điều lành và hãy mở rộng trái tim trong sáng để tiếp nhận tình người yêu thương với nhau trong muôn thuở.



Leave a Reply