Monday, January 9, 2012

Quan hệ vợ chồng

0 nhận xét


Đề tài nầy nghe quá quen thuộc đối với mọi người nhưng nó có nhiều vấn đề khá phức tạp và quan trọng trong đời sống gia đình của mọi người đang chung sống với nhau trong quan hệ vợ chồng. Câu hỏi đầu tiên cần được đặt ra đây là quan hệ vợ chồng là gì?


Theo nghĩa thông thường dễ hiểu thì quan hệ vợ chồng là sự ràng buộc tình cảm giữa người nam và người nữ sống chung trong một gia đình, chia xẻ nhiều sinh hoạt gần gủi riêng tư, gần như không còn có một khoảng ngăn cách thể xác trong đời sống cá nhân của hai vợ chồng. Chính sợi dây ràng buộc tình cảm vợ chồng nầy quyết định sự bền chặt của mối quan hệ vợ chồng. Tình cảm càng sâu đậm thì mối quan hệ vợ chồng càng bền vững, lâu dài; trái lại, như chúng ta thấy có nhiều cập vợ chồng mới cưới nhau chẳng bao lâu, thì lại chia tay, nhất là trong môi trường xã hội tây phương ngày nay. Như vậy, sợi dây ràng buộc tình cảm vợ chồng được tạo ra như thế nào và làm sao đo lường nó được? Đây mới chính là câu hỏi then chốt trong bài nầy.


Yếu tố tình cảm rất quan trọng trong mối quan hệ vợ chồng, bởi vì ngay từ đầu khi hai người nam và nữ mới quen nhau mà không có cảm tình với nhau thì dĩ nhiên không đưa đến quan hệ tình cảm vợ chồng; tuy nhiên từ tình trạng quan hệ tình cảm ban đầu đến quan hệ tình cảm vợ chồng trải qua rất nhiều giai đoạn với nhiều điều kiện khá phức tạp. Có lẽ vì vậy mà trong xã hội tây phương người ta thường trải qua một thời gian dài tìm hiểu nhau trước khi đi đến hôn nhân. Tuy nhiên, giải pháp nầy vẫn không bảo đảm sự bền vững của quan hệ vợ chồng sau khi hai người chính thức cưới nhau; bằng chứng là hình như trong xã hội tây phương xảy ra nhiều trường hợp ly dị hơn là trong xã hội Á Đông, mặc dù sự ly dị còn liên quan tới nhiều lý do khác nữa.


Trở lại câu hỏi về sợi dây ràng buộc tình cảm vợ chồng được xây dựng như thế nào? - Bằng nhiệt tâm, hy sinh, giúp đỡ và yêu thương nhau chân thật mà cả hai người đều cần phải có! Vì các điều kiện vừa nêu hoàn toàn trừu tượng nên ở đây chúng ta cần đặt ra biện pháp đo lường; nhưng đo lường các hiện tượng tâm lý, tình cảm trừu tượng như vậy là một việc làm vô cùng khó khăn nên chúng ta chỉ có thể dùng phương pháp đối chiếu hành động cụ thể để ước lượng thái độ tâm lý tình cảm giữa vợ chồng mà thôi. Thí dụ một người vợ biết rõ sở thích của chồng và luôn luôn đáp ứng các sở thích đó của chồng chứng tỏ rằng người vợ có nhiệt tâm yêu thương chồng; và trái lại người chồng đối vợ cũng vậy. Có lễ vì muốn trắc nghiệm mức độ tình cảm chân thật nầy mà khi phỏng vấn về mối quan hệ tình cảm hôn nhân để cứu xét đơn xin định cư theo diện hôn nhân, các viên chức Bộ Di Trú thường đặt ra các câu hỏi có liên quan đến sở thich cá nhân như vậy. Đó là trường hợp quan hệ tình cảm hôn nhân ban đầu khi hai người mới cưới nhau hoặc sẽ cưới nhau; trường quan hệ tình cảm hôn nhân giữa hai vợ chồng chung sống với nhau khá nhiều năm rồi thì phương pháp đối chiếu hành động cụ thể để ước lượng thái độ tâm lý tình cảm vợ chồng nhất định còn có hiệu nghiệm hơn nhiều. Một người vợ hay chồng ít khi mua sắm hay đề nghị mua sắm một thứ gì theo nhu cầu hay sở thích của người phối ngẫu mình thì làm sao chứng tỏ được mức độ nhiệt tâm và chân thật trong quan hệ tình cảm vợ chồng? Người ta có thể biện minh bằng lý do “quên”; nhưng quên quan tâm về nhu cầu, sở thích cá nhân của chồng hay vợ là phản ảnh thái độ tiêu cực, thiếu nhiệt tâm và chân thật trong quan hệ tình cảm vợ chồng. Điều nầy khó biện minh hay chối cãi được!


Ngoài ra, “nói lỗi người khác” là điều cấm kỵ trong đạo Phật. Trong quan hệ vợ chồng, điều cấm kỵ nầy càng nên tránh hơn. Nói lỗi người khác, tức là nói ra các khuyết điểm của một người cho người khác nghe. Tại sao người ta không tránh được thói quen “nói lỗi người khác”? – Có thể vì vô tình hay vì ngẫu hứng trong lúc đàm đạo uyên thuyên với bạn bè cho vui miệng chớ người nói không có một thâm ý xấu nào cả. Tuy nhiên sự vô tình hay ngẫu hứng cho vui miệng như vậy lại là một thói xấu cần nên tránh để duy trì hạnh phúc gia đình hay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Muốn tránh được thói xấu nầy, chúng ta cần quan tâm đến hiểm hoạ của khẫu nghiệp, tức là hậu quả xấu của cái miệng; bởi vậy Đức Phật mới dạy trong Kinh Đại Phước Đức hãy “biết nói lời ái ngữ” như là một trong những điều phước đức lớn nhất. Biết nói lời ái ngữ còn có liên hệ với “Chánh Ngữ’ và “Chánh Kiến” trong Bát Chính Đạo. Không có Chánh Kiến có thể đưa đến tình trạng không có Chánh Ngữ và không “biết nói lời ái ngữ” như Đức Phật đã dạy. Thí dụ một người chồng làm nghề viết lách thường xuyên làm việc với máy vi tính, bà vợ lại cho rằng chồng mình “cứ tối ngày mê cái máy vi tính”! Và tệ hơn nữa là lời bình phẩm không có Chánh Kiến như vậy của bà vợ cứ lập đi lập lai hoài mỗi khi giao tiếp với bạn bè. Ông chồng nghe nhiều lần như vậy cũng bực mình lắm chứ, nhưng không biết làm sao phân giải! Ở điểm nầy, người viết muốn nhắc lại những lời Phật dạy về ái ngữ, chánh kiến và chánh ngữ để mong sao người ta nhớ áp dụng trong đời sống hàng ngày hầu đem lại niềm an vui cho mình và cho người khác.


Tóm lại, muốn duy trì hạnh phúc gia đình, muốn giữ gìn mối quan hệ tình cảm vợ chồng được bền vững, chúng ta không nên chủ quan luôn luôn nghĩ rằng mình hoàn hảo và chỉ nhìn thấy cái lỗi của người phối ngẫu mà quên mất nhiều ưu điểm như đã nhìn thấy từ thuở ban đầu và trong suốt quá trình chung sống với nhau! Hãy quan tâm nói lời ái ngữ, với chánh kiến và chánh ngữ. Hạn chế phát biểu và nhớ rằng càng nói nhiều thì càng có nhiều sai lầm. Lời nói phải mang một ý nghĩa hữu ích nào đó, chớ không nên nói để cho cái miệng mình có “việc làm” mà lại là “việc làm” vô ý thức, gây tổn thương cho người khác! Mong lắm thay!



Leave a Reply