Friday, January 6, 2012

Cần Người chia xẻ niềm vui

0 nhận xét

Trong cuộc sống bon chen hàng ngày ở trong một xã hội văn minh tây phương ngày nay người ta có nhiều nhu cầu vật chất lẫn tinh thần. Mỗi thứ nhu cầu nầy đều có cái giá trị riêng của nó, nhưng cả hai đều rất cần thiết cho đời sống con người. Thiếu một trong hai thứ nầy là nguyên do khiến cho người ta mất hạnh phúc; mà hạnh phúc mới đích thực là mục tiêu của lẽ sống. Đời không có hạnh phúc là đời bất hạnh. Vì vậy, từ khi ra đời, con người đã bắt đầu có cả hai thứ nhu cầu vật chất và tinh thần. Nhu cầu vật chất như quần áo, món ăn thức uống, còn nhu cầu tinh thần đơn giản nhất là tình thương, là sự an ủi dỗ dành của người thân. Lẽ tất nhiên, hai thứ nhu cầu nầy sẽ thay đổi dần theo thời gian và hoàn cảnh cá nhân, lắm khi nó trở thành phức tạp và có thể gây ra nhiều tác động mâu thuẫn nhau thậm chí có thể lấn áp, huỷ diệt lẫn nhau; có khi âm thầm, có khi bộc phát biến thành thù hận, bi quan, chán đời!


Vì vậy nếu người ta không cân nhắc để quân bình hai thứ nhu cầu vừa nêu khi họ không chế ngự được lòng tham vô hạn của mình thì tai biến tiêu cực có thể xảy ra, mặc dù trên thực tế nhu cầu thể xác và tinh thần có thể chỉ rất đơn giản mà thôi!


Nhu cầu thể xác thì nhiều nhưng thường rất dễ nhận diện vì nó mang tính chất cụ thể và nhìn thấy hay cói thể sờ mó được; còn nhu cầu tinh thần thì phức tạp hơn, mặc dù có nhiều trường hợp nó rất đơn giản mà người ta vẫn không đạt được. Chính vì vậy mà trọng tâm bài viết nầy là muốn chia xẻ với quí độc giả về một số tình huống liên quan tới nhu cầu tinh thần hơn là nhu cầu vật chất.


Như đã đề cập ở trên, nhu cầu tinh thần liên quan tới khía cạnh tình cảm của con người. Thông thường, các sinh hoạt giải trí nói chung đều nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tinh thần.  Sinh hoạt giải trí thì rất đa dạng mà người ta thường phân biệt hai loại tổng quát là giải trí lành mạnh và không lành mạnh. Tuy nhiên, nhu cầu tinh thần còn bao gồm nhiều thứ khác phức tạp hơn, mặc dù nó có thể rất đơn giản và không thuộc loại giải trí nhưng lại rất cần thiết trong đời sống con người. Đó là nhu cầu tình cảm; một thứ tình cảm không nhất thiết thuộc loại tình yêu nam nữ, và cũng không nhất thiết là tình bằng hữu, mặc dù những thứ tình cảm nầy cũng rất cần thiết trong cuộc đời.


Sự phân biệt các loại tình cảm đôi khi cũng rất phức tạp, bởi vì nó liên quan tới các lãnh vực văn hoá và tâm lý trong xã hội loài người. Tình bằng hữu là một trong những thứ nhu cầu tinh thần phức tạp đó. Nhưng tình bằng hữu mà người phương tây người ta quan niệm rất rộng rải thường được mô tả bằng chữ 'friendship'. Mặc dù chữ 'friendship' phát xuất từ chữ 'friend', nghĩa là bạn, nhưng đối với người phương tây có nhiều khi chữ 'friendship' ám chỉ một ý nghĩa 'tình cảm' tổng quát chớ không nhất thiết chỉ là 'tình bạn' mà thôi! Thật vậy, người ta có thể dùng chữ (hay tiếng) 'friendship' để nói về mối quan hệ tình cảm giữa cha con hay anh chị em, và dĩ nhiên nó còn ám chỉ mối quan hệ tình cảm giữa bạn bè nữa. Chính vì sự hiểu lầm mà người Việt chúng ta có nhiều khi bị 'xóc' khi bị liên kết giữa tình cha con với 'friendship' của người tây phương, bởi lẽ thông thường người mình hay nhạy cảm và hiểu chữ 'friendship' là tình bạn bè mà thôi! Quan hệ tình cảm giữa cha mẹ với con cái mà chỉ là 'tình bạn bè' thôi thì ai mà không 'xóc' cho được! Người Việt chúng ta không có 'friendship' trong quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái, mà chỉ có tình cha con hay tình mẹ con thôi! Đây là mối liên hệ tình cảm rất thiêng liêng cao cả, bởi vì nó còn đi kèm theo các nghĩa vụ tinh thần như trách nhiệm và hy sinh trong cách cư xử với nhau nữa.

Sự hy sinh của cha mẹ cho con cái thì rất nhiều và rất đa dạng, cho nên ta mới có những câu chăm ngôn hay thành ngữ như "Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" hoặc 'Lòng mẹ bao la như biển Thái bình …".  Tuy nhiên khi còn trong vòng tay chăm sóc của cha mẹ, ít ai để ý tới hay hiểu thấu đáo mức độ yêu thương và lòng hy sinh của cha mẹ đối với con cái. Ở đây người viết không có ý tô điểm hay thần tượng hoá vai trò của cha mẹ đối với con cái, nhưng chỉ muốn nêu lên một vài tình huống rất thực trong đời sống con người mà thôi.


Ngoài sự hy sinh cao cả ít được lưu tâm, cha mẹ còn là nguồn an ủi ta trong cơn khốn khó và chia xẻ niềm vui với ta trong lúc vinh quang. Vậy thì trong cả hai tình huống vinh quang và khốn khó ta đều cần có sự hiện diện của cha mẹ, bởi vì được an ủi, dỗ dành trong thất bại và được chia xẻ niềm vui lúc vinh quang đều là những nhu cầu tinh thần rất cần thiết cho đời sống hàng ngày của chúng ta. Rất cần thiết nhưng người ta có bao giờ nghĩ tới cái giá trị tinh thần qua sự hiện hữu của cha mẹ trong đời mình hay không? Câu hỏi nầy xin dành cho mọi người suy gẫm để tự tìm câu trả lời; trả lời cho riêng mình mà thôi!


Nhu cầu được an ủi, dỗ dành lúc lâm nguy hay thất bại là chuyện đã đành và hiển nhiên, nhưng nhu cầu được chia xẻ niềm vui trong lúc vinh quang lại cũng cần thiết không kém! Chính vì vậy mà chúng ta mới thấy có nhu cầu 'chúc mừng' trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Tuy nhiên được chúc mừng trong lúc vinh quang hay thành công đổ đạt vẫn chưa phải là món quà tinh thần cao quí nhất khi nó chỉ là biểu tượng cho hành vi xã giao thông thường của những bạn bè và người thân thuộc xung quanh mình. Sự chia xẻ niềm vui trong lúc vinh quang đạt tới tột đỉnh hạnh phúc của nó không phải xuất phát từ những lời chúc tụng thông thường ấy, nhưng nó có thể đến từ cái nét mặt vui mừng của cha mẹ khi biết được sự thành công của con cái. Nét mặt vui mừng đó có khi không diễn tả được trọn vẹn bằng ngôn từ, nhưng chỉ bằng sự cảm nhận rất trung thực và tự nhiên trong mối quan hệ tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái mà thôi! Nhưng làm sao có được sự cảm nhận nầy? – Xin thưa, chỉ có được trong sự hiện hữu của cha mẹ mà thôi!


Chính vì vậy mà trong thực tế cuộc đời có nhiều trường hợp, khi người ta đã thành công tột đỉnh trong sự nghiệp, học hành, đáng lẽ lúc vinh quang nầy phải được thể hiện bằng niềm vui lớn, nhưng nó lại là lúc u buồn và tuyệt vọng khi đối tượng tình cảm thiêng liêng không còn nữa để chia xẻ niềm vui với mình! Đó là lúc cha mẹ không còn hiện hữu trên thế gian nầy!


Chỉ là đối tượng tình cảm thiêng liêng thôi, sự hiện hữu của cha mẹ đã là điều đáng được trân quí rồi, chưa nói chi đến những hỗ trợ tinh thần và vật chất khác đối với chúng ta! Tiết thay sự hiện hữu của cha mẹ có nhiều khi được coi như là một điều hiển nhiên, rất bình thường đối với những ai còn cha mẹ; nhưng khi đã mất thì không ai có thể tìm lại được. Điều nầy cũng là một sự hiển nhiên nên ít ai lưu tâm khi cha mẹ còn sống.


Trong truyền thống Việt Nam, người con nào cũng mang nặng chữ hiếu trong lòng, mặc dù mỗi người thể hiện một cách khác nhau về hình thức và mức độ. Khi còn đi học, chưa thành danh đỗ đạt, cũng có lúc họ thầm ước mơ một ngày nào đó khi ra trường, có đủ điều kiện vật chất sẽ đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ mình; hay ít nhất cũng hy vọng rằng họ sẽ mang về cho cha mẹ một món quà tinh thần cao quí nhất sau những năm tháng dài miệt mài đèn sách. Phần thưởng đó chính là kết quả đổ đạt, là sự thành công trong sự nghiệp đầu đời. Tưởng tượng rằng khi hay tin đứa con mình đổ đạt hay thành công trong sự nghiệp như vừa nhận một việc làm tốt, vừa được thăng cấp, thì đó chính là một món quà tinh thần quí giá nhất của cha mẹ. Đứa con cũng mong có ngày mang về cho cha mẹ món quà tinh thần đó, nhưng sự ước mong nầy có khi vẫn mãi mãi nằm trong sự mơ ước mà thôi, mặc dù đã thành danh, đổ đạt! Đó là những trường hợp đã xảy ra cho những đứa con không còn có ai để chia xẻ niềm vui! Trong tình huống nầy, người ta mới thấy nhu cầu được chia xẻ niềm vui cũng là một nhu cầu rất lớn trong đời. Nó tuy có vẽ đơn giản, nhưng có khi lại vượt ra ngoài tầm tay của những người con bị chơi vơi giữa dòng đời khi không còn có nơi nương tựa tinh thần, khi hai đấng sinh thành của mình đã trở thành những bóng mờ trong kỷ niệm ngàn đời không bao giờ được gặp lại!


Niềm vui biết chia xẻ cùng ai? Đó là tâm tư của những người con bất hạnh trong kiếp mồ côi. Đó cũng là một bài học kinh nghiệm nhắc nhở người đời, nhất là những đứa con trong lứa tuổi thành niên đang còn có đủ hai đấng sanh thành. Khi cha mẹ còn sống là mình còn có nơi nương tựa tinh thần, còn có đối tượng để chia xẻ tâm tình, để hãnh diện những thành công, hay để coi thường và bực bội về những quan tâm nhỏ nhặt hàng ngày mà người mẹ nào cũng có đối với con cái!



Leave a Reply