Saturday, December 31, 2011

Nhứt nhơn hành đạo cửu huyền thăng

0 nhận xét

Hỏi: Câu nói: Nhứt nhơn hành đạo cửu huyền thăng. Nếu nói như thế, thì có trái với luật nhân quả không? Xin hỏi: câu nầy ý nghĩa như thế nào?  Kính xin thầy giải đáp.





Đáp: Không có gì chống trái với luật nhân quả cả. Câu nói, mới nghe qua người ta dễ hiểu lầm. Không phải một người tu hành, thì cả dòng họ chín đời đều được siêu thăng hết. Chữ siêu thăng ở đây, xin chớ vội hiểu là về Cực lạc hay an hưởng cảnh giới Niết bàn. Nếu chỉ một người biết lo tu hành mà mọi người khác trong thân tộc đều được về Cực lạc hay an trụ Niết bàn hết, thì thật là khỏe khoắn vui sướng biết bao! Hiểu như thế là chống trái với luật nhân quả. Vì trên đời nầy, không có chuyện người nầy ăn mà người khác no. Ai ăn nấy no, ai học nấy biết chữ. Ai tu nấy thành, ai hành nấy đắc. Luật tắc nhân quả là như thế.



Câu nói trên, theo chỗ hiểu của chúng tôi, thì ngầm ý nói rằng: Nếu trong dòng họ mà có một người xuất gia tu hành chơn chánh, thì có thể cảm hóa được những người thân thuộc khác. Có nghĩa là những người trong thân tộc sẽ phát tâm tu theo. Trải qua một đời cho đến nhiều đời đều như thế. Như trường hợp đức Phật Thích Ca, Ngài đã trải qua nhiều kiếp tu hành, cứ mỗi đời Ngài phát nguyện tu, thì đều có những người thân thuộc phát tâm tu theo. Cho đến sau khi thành Phật, những người thân có duyên xưa kia phát tâm tu theo Ngài, tất cả đều có mặt trong pháp hội thuyết giáo của Ngài. Và những người nầy tu hành đều được giải thoát cả. Cụ thể hơn, là sau khi xuất gia tu hành đắc đạo, Ngài trở về hoàng cung hóa độ được những người thân theo Ngài tu hành giải thoát.



Sự tác động ảnh hưởng của Ngài quá lớn. Ngài đã gây ảnh hưởng cho những người khác phát tâm bồ đề hướng thiện tu hành, nói siêu thăng là như thế. Siêu thăng là vượt lên cái tâm bất thiện để trở thành cái tâm thiện. Nói rõ hơn là vượt lên cái tâm phàm tình gây tạo ác nghiệp để chuyển thành cái tâm thánh thiện hiền lương. Còn nói cửu huyền là một cách nói trải qua nhiều đời. Cứ mỗi đời trong thân tộc có người xuất gia tu hành, thì những người thân khác phát tâm tu theo. Nghĩa là một người tu được giải thoát, thì nó có một tác động mạnh mẽ, đánh thức được bao nhiêu người trong thân tộc khác để hướng về đạo đức tu hành làm lành lánh dữ v.v…



 Hiểu như thế, thì không có gì là chống trái với nhân quả cả. Chẳng những không chống trái mà còn đúng theo luật nhân quả. Bởi vì nhờ vào hình ảnh của một người thân thuộc tu hành có đức độ mà cảm hóa ảnh hưởng đến những người khác hướng thiện tu hành. Đó là điều rất thực tế và tốt đẹp. Đức Phật cảm hóa trong hoàng tộc của Ngài là như thế, chớ không phải Ngài dùng thần thông đưa hết dòng họ của Ngài về Cực lạc hay Niết bàn. Nhờ vào hình ảnh siêu thoát của Ngài mà đánh động được tâm thức những người khác phát tâm tu theo, nên kết quả họ cũng được siêu thoát như Ngài. Nói siêu thăng là như thế.



Leave a Reply