Saturday, December 31, 2011

Ý nghĩa câu tình dữ vô tình…

0 nhận xét

Hỏi: Trong bài phục nguyện cũng như trong bài sám có câu: tình dữ vô tình giai cộng thành Phật đạo. Hoặc tình dữ vô tình đồng viên chủng trí. Xin hỏi: ý nghĩa của hai câu nầy như thế nào?





Đáp:
Muốn hiểu ý nghĩa của hai câu nầy, trước hết, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của những từ ngữ: “Phật đạo và Chủng trí”. Phật đạo ở đây không có nghĩa là chỉ cho Phật quả. Mà ta có thể hiểu là chỉ cho Tánh giác. Còn danh từ “chủng trí” cũng là tên khác của Tánh giác mà thôi. Bởi trong kinh có nói đến 3 loại trí: 1. Nhứt thiết trí là trí của hàng Thanh Văn. 2. Đạo chủng trí là trí của Bồ tát. 3. Nhứt thiết chủng trí là trí của Phật. Như vậy, chủng trí nói cho đủ là “Nhứt thiết chủng trí”, tức cái trí biết tất cả chủng loại. Còn tình, nói đủ là hữu tình, tức chỉ cho những loài có tri giác tình thức phân biệt. Còn vô tình là những loài không có tri giác. Mà những loài không có tri giác, thì làm sao biết tu hành thành Phật được.



Cho nên, nếu chúng ta hiểu hai chữ Phật đạo là Phật quả, thì không làm sao giải nghĩa được hai câu trên. Còn nếu chúng ta hiểu Phật đạo hay chủng trí ở nơi cái Tánh thể, thì mới giải thích được. Lý do tại sao? Bởi vì tất cả các loài hữu tình hay vô tình đều có chung một Tánh thể. Vạn vật đồng nhứt thể. Dụ như muôn ngàn lượn sóng to nhỏ có khác nhau, nhưng tất cả đều từ nước mà có. Sóng tuy có khác mà nước thì chỉ có một. Nước là thể mà sóng là tướng và dụng của nước vậy.



Tánh thể nầy là tánh thanh tịnh bản nhiên của muôn vật. Ở nơi loài hữu tình, thì gọi nó là Phật tánh; ở nơi loài vô tình, thì gọi nó là Pháp tánh. Như vậy, giữa Phật tánh và Pháp tánh, danh từ tuy khác, nhưng Thể không hai. Tuy nhiên, nếu ta nói một cũng không đúng. Tại sao? Vì tánh thể nầy khi tác dụng ở nơi loài hữu tình, tiêu biểu như loài người, thì gọi đó là trí huệ và dùng trí huệ nầy nhận ra được tánh thể của muôn loài, thì gọi đó là pháp tánh.  Người nào nhận ra và sống trọn vẹn với cái tánh thể đó, thì gọi người đó là Phật hay bậc Đại giác. Như vậy là hai mà không hai, (trong kinh thường gọi là Pháp môn bất nhị), vì giác ngộ việc đó nên thành phật thì Phật cũng không ngoài Pháp tánh. Nói chung, hữu tình và vô tình đều có chung một bản thể sáng suốt thanh tịnh, nên nói là đồng thành Phật đạo hay đồng viên chủng trí cũng thế.



Leave a Reply