Friday, January 6, 2012

Đường Bay Của Con Thiên Nga

0 nhận xét


As the peacock, azure-necked, never rivals flight of Swans,

Bhikkhu Khantipalo Translated from Muni Sutta


Thầy Minh An và tôi chắc cũng phải có duyên thầy trò trong một tiền kiếp nào đó. Hai mươi mấy năm về trước khi còn ở Sydney. Mỗi lần chùa Phước Huệ tổ chức các Đại lễ thì chúng tôi thường gặp thầy trong bộ Y vàng của phái Nam tông. Lần nào bóng thầy xuất hiện thì tôi cũng lại nghe tiếng thì thào bên tai cùng một câu nói quen thuộc là: “ Ồ! Ông Tây tu theo đạo Phật của mình.” Bẳng đi một thời gian không thấy thầy xuất hiện ở chùa Wat  BuddhaDharma; nơi mà thầy đã có một thời làm vị Sư cả.


Tình cờ vào một ngày đẹp trời năm 2009 vừa qua,  tôi thấy bóng dáng cao lêu khêu của thầy lại xuất hiện bên bóng tròn đầy của thầy Phước Tấn ở chùa Quang Minh tại Melbourne. Rồi Tâm Kiên , Rachael và tôi được nghe thầy kể lại một phần quảng đời tu khổ hạnh của thầy tại Thái Lan. Thế là tôi được hầu chuyện cùng thầy khi có dịp đến chùa Quang Minh. Thầy Minh An chính là vị Sư Cả Khantipalo tại chùa Wat BuddhaDharma. Pháp danh Minh An là do thầy Phước Tấn trao cho thầy trong kỳ thọ giới cụ túc lần thứ nhì tại chùa Quang Minh. Thế danh của thầy là Laurence.


Một hôm ngồi nghỉ chân trước tăng xá, thầy đến và trao cho tôi một cuốn tập ghi chép đã ngã màu vàng úa. Thầy cho biết đây là bản kinh Mâu Ni bằng tiếng Anh do thầy dịch từ kinh Pali và đây là  bài kệ thứ 221 mà thầy đắc ý nhứt. Trong đó đức Phật đã dạy rằng:



As Sage secluded meditating in the wood

As the peacock, azure-necked, never rivals flight of Swans,

So householders are no match for forest sage who meditates


Tôi không hiểu đây có phải là bài kệ  thứ 15 mà Hòa Thượng Nhất Hạnh dịch và nói trong kỳ Pháp thoại Kiết đông tháng 12 năm 2009 hay không ? Nhưng tôi xin trích ra đây để quý vị tường lãm:



Con chim công cổ xanh khi bay lên không gian không thể nào sánh được với con thiên nga.

Người thế tục vướng bận trong cuộc đời không thể nào so sánh được với người xuất sĩ đang ngồi thiền định một mình trên núi.


Tôi không rõ thầy Minh An có ý gì khi trao cho tôi bản dịch này nhưng một điều mà tôi cảm nhận nơi đây là: Ngày nay,  chắc ta không tìm được những vị chân tu trong những cánh rừng sâu nữa, nhưng ngược lại ta có một kho tàng vô giá là quý thầy ở chung quanh chúng ta. Cố gắng học một hạnh của một vị thầy nào đó, thì lớp bụi tam độc trong tâm ta chắc cũng có ngày lần lần sẽ phai nhạt đi.


Tôi thấy thấm thía ý nghĩa phần bản dịch về bài kệ 221 của thầy Minh An trong Kinh Mâu Ni. Tự nhiên tôi nhớ lại mẩu chuyện riêng tư của gia đình tôi là: Ông Bác Sáu của tôi đã không để Ba tôi thừa kế ngôi chùa do ông sáng lập. Rõ ràng là đức Thế Tôn đã trả lời được cái thắc mắc của Ba tôi trong mấy chục năm trời khi người còn sống: “..Con chim công cổ xanh bay là đà dưới mặt đất ,  không thể nào sánh cho bằng với đường bay của con thiên nga trên bầu trời cao rộng...” Ba tôi còn có thể làm được con công cổ xanh vì người đã từng thọ giới Sa di tại ngôi chùa  này trong ba năm trời và suốt cuộc đời Ba, ngày hai buổi sáng chiều công phu, tụng kinh niệm Phật. Chứ riêng tôi chắc là tôi chỉ làm được con vịt bầu đi lạch bạch dưới mặt đất để nối đuôi con chim công mà thôi. Làm sao tôi sánh bằng Ba được !


Tôi chắc Ông Bác Sáu và Ba chưa từng đọc qua một bài kệ nào cả trong kinh Mâu Ni, nhưng đôi khi ngồi kể lại chuyện xưa ba cũng thường nhắc lại rằng: “ Ông Bác Sáu nói Chùa là nơi thờ phượng ba ngôi tam bảo. Không có đủ ba viên ngọc quý đó thì không gọi là chùa được. Đã không làm thì thôi, mà đã làm phải làm cho đúng phép Làm không khéo thì mang tội nặng lắm.”


Chưa lần nào mà tôi cảm thấy lúng túng trong việc chọn lựa vị thầy mà mình đến để nghe pháp trong ngày như lần Đại Hội Tôn giáo Thế giới  năm 2009 này. Cuối cùng thì tôi quyết định chọn đề tài hơn là chọn thầy.


“Chuyễn Pháp luân”. Một đề tài  lý thú mà thầy Phước Tấn cùng với ba giảng viên khác là: bà Camelia Darmawan người Nam Dương, thầy Tiến sĩ Jinwot Lee người Triều Tiên và thầy Yoshiharu Tomatsu nhà sư Nhựt Bản. Trong phần nầy cô Mỹ Lý  giử vai trò giới thiệu và đúc kết chương trình. Đề tài này được trình bày vào ngày 04/12/09 tại phòng giảng số 103.  Ở đây, quý giãng viên đã cho thấy những diễn tiến của công việc xiển  dương Phật giáo tại nơi mình cư ngụ. Tôi cảm phục bà Camellia với những cố gắng và nổ lực của bà trong việc chấn hưng Phật giáo tại một xứ sở mà Hồi giáo đã chiếm đại đa số. Từ những việc làm xả hội và từ thiện bà cùng nhóm Phật tử tại đây đã chứng tỏ cho ta  thấy được nơi nào có chánh pháp nơi đó niềm tin được phát triển. Phần thầy Jinwot những công việc của nhóm Phật giáo Triều Tiên cũng không kém phần chông gai nhưng đầy  thích thú với những thành quả mà thầy cùng các đạo hữu đã đã đạt được. Riêng phần thầy Phước Tấn, thầy cho thấy được rằng cho dù tông phái nào đi nữa thì mục đích tối hậu vẫn là đưa con người đạt đến chổ nhứt tâm bất loạn để đi đến bờ giải thoát. Bằng vào lịch sử của Phật giáo cho thấy Tổ Huệ Viễn, tổ Thiện Đạo cũng chính là những vị thiền sư. Cũng như bản thân thầy Phước Tấn, trong những năm đầu thọ giới Sa di chính ra thầy thuộc Tông Thiên Thai bên Thiền Tông; giờ thì thầy lại là trụ trì của một chùa theo Tịnh Độ. Thầy còn cho biết thêm là việc hội nhập nền văn hóa tây phương đã mở ra đường hướng mới trong việc hoằng pháp của thầy tại xứ Úc này. Câu hỏi mà tôi thích nhứt là:Hầu hết các tôn giáo đều thờ trời, vậy thì đạo Phật  của chúng ta có thờ trời hay không ? Và như thế thì ta giải thích như thế nào về những việc xẩy ra trong đời sống hằng ngày của chúng ta?  Luật nhân quả do thầy Yoshiharu Tomatsu giải thích; Thuyết Tánh không  do bà Camelia Darmawan  và thầy Jinwot Lee  đưa ra  cùng với  Lý duyên khởi mà thầy Phước Tấn đề ra làm hài lòng các dự thính viên có mặt trong ngày.


Kim Cang thừa hay Mật Tông có Đức Đạt Lại Lạt Ma và các vị Pháp Vương; Thiền Tông có Hòa Thượng Thanh Từ, Hòa Thượng Nhất Hạnh v.v. v; Tịnh độ Tông có Hòa Thượng Trí Tịnh, Hòa Thượng Tịnh Không v. v. v; Mỗi bậc cao tăng đạo hạnh thâm sâu đã chấn hưng và xiển dương Phật giáo theo những phương cách tuy có khác nhau, nhưng tựu chung là quý ngài cũng đã phô diễn được nét đẹp tuyệt vời trên đường bay của con thiên nga trong bầu trời cao rộng.


Tuy không phải là những bậc cao tăng như các vị trên, nhưng quý thầy ngày hôm nay cũng đã là tấm gương cho chúng tôi soi chung vì quý thầy đã hi sinh cuộc đời mình trong việc phụng sự cho mọi người  vì lý tưởng vì đạo pháp. Nó cũng tạo được nét đẹp của người tu sĩ trong lối sống đầy vị tha và bác ái .


Tôi xin mượn lời Đức Phật dạy trong bài kệ thứ 14 do chính Hoà Thượng Nhất Hạnh dịch từ Kinh Mâu Ni để làm đoạn kết cho bài viết này.


Người cư sĩ vướng vào vợ con, phải chăm sóc lo lắng, thiếu điều kiện bảo vệ sự sống cho mọi loài, khó sống tiết chế và thiểu dục; người xuất sĩ trái lại, nhờ cắt ái từ thân, sống thảnh thơi, có cơ hội giúp đời và bảo vệ sinh mạng cho mọi loài, sống tiết chế và thiểu dục một cách dễ dàng.


Đây là bài kệ thứ  220 do thầy Minh An dịch, tôi cũng xin được trích ra đây:



Householder having wife: the not-mine-maker of strict practices their ways of  living not the same.

House-livers unstrained from taking others’ lives; but the sage always guards the lives of other being.





Leave a Reply