Friday, January 6, 2012

TRƯ GIỮA CHÚNG TA

0 nhận xét






Một cảm thức về đường đi phía giữa (trung đạo – middle way) của Trư Bát Giới


Tổng quát về Trư


Trư theo từ Hán Việt cũng có nghĩa là heo. Nhan đề bài viết được dùng ‘trư’ thay vì ‘heo’ vì ngữ ‘heo’ trong tiếng Việt có khi dễ gây một số ngộ nhận nào đó. Thật ra từ ‘heo’ được dùng phổ quát ở Nam và Trung trong khi đó ‘lợn’ hay được dùng ở Bắc. Nhưng không hẳn hoàn toàn như vậy, một sản phẩm của người Nam được gọi là ‘bánh da lợn’ hoặc một số từ được dùng chung cả ba miền như ‘phim con heo’ (chẳng ai gọi là phim con lợn), ‘chim lợn’ (chẳng ai gọi là chim heo) v.v.



Nói chung heo hay lợn được xếp vào loại động vật có vú, thị giác kém, thính giác khá nhạy và khứu giác rất tinh. Cơ thể nặng nề, ục ịch, mũi dài, mõm ngắn, chân có 4 ngón và có đến 44 cái răng. Con cái có trên 10 vú xếp hai hàng. Cũng đã có một số đùa nghịch như AVT ‘ba bà đi bán lợn xề …’ - cứ thử tưởng tượng sử Tàu chọc quê người Việt viết rằng Bà Triệu dài tới rốn, còn đằng này lợn xề lại còn kéo lê trên đất – nghe mà phát khiếp. Heo thường được xem như một trong các loại gia súc của người Việt. Trước đây, rất nhiều người Việt nuôi heo trong nhà, để dành làm thịt cho những ngày đặc biệt trong năm như giỗ họ, Tết v.v.



Heo còn được xem là biểu tượng để dành tiền của trẻ em như ‘nuôi heo cho mập’ - một cách tập cho các em tiết kiệm. Heo được chế biến thành rất nhiều món ăn từ Đông sang Tây. Các món Tây chúng ta thường ăn như thịt muối, xông khói, xúc xích v.v. Trong lúc đó heo được dùng trong các món ăn Việt rất phong phú. Chỉ đơn cử sơ sơ như chả, bì cuốn, cháo sườn heo, óc heo, cháo huyết, cháo tim cật, cháo lòng, giả cầy, bún bò giò heo, giò hầm măng, giò chả, giò thủ, nem, tré, thịt nướng, sườn nướng, cà bung (thường có thị heo ba chỉ trong đó), heo phay (luộc), heo dầm nước mắm, heo kho tàu, ruốc bông, thịt heo kho nước dừa, nem lụi, lạp xưởng, thịt đông và một món rất phổ thông trong cưới hỏi là heo quay (một số được trích từ Tự điển văn hoá ẩm thực). Da heo cũng được dùng nhiều trong nấu nướng, bánh bèo Huế nếu không có tóp mỡ thì thiếu sót nhiều lắm. Mỡ heo ngày xưa thường được dùng để chiên xào các món ăn, ngày nay ít dùng do xài dầu tiện hơn. Nhưng thật ra không hẳn hoàn toàn như vậy, một hôm chúng tôi có dịp đi du lịch ghé tiệm chả cá Lã Vọng nỗi tiếng đất Thăng Long, tất cả các bà trong nhóm đều đồng ý rằng chất chính để chiên cá là mỡ heo. Vì vậy tất cả họ cho rằng lâu lâu ăn thì được chứ thường xuyên thì sẽ dễ bị mỡ máu cao.



Mọi thứ ngày nay đều bị đảo lộn do con người giàu có hơn ngày xưa nhiều lắm, họ phải ăn kiêng mỡ vì vậy mấy cái câu: ‘con lợn có béo thì lòng mới ngon’ & ‘con lợn ủn ỉn…’ v.v. cần nên xét lại vì thời nay ở Tây phương heo công nghiệp không còn nuôi mập như xưa nữa - bụng chẳng còn thòng xuống giống Trư bát Giới. Và không biết có đúng không, tôi thấy lòng heo ở Úc ăn dở hơn lòng ở Việt
Nam nhiều lắm kể cả thịt nữa. Cụ Sển viết: ‘Heo Huế là giống heo nhỏ con, heo bản xứ, không bao giờ lai giống với heo nước khác. Heo Huế tuy nhỏ con nhưng thịt săn và mềm, thớ mịn, khi luộc phay chấm nước mắm Hòn thì ngon tuyệt, ngon không chỗ nói’ (Vương H.S.p.433) .. trong khi đó heo lai giống (heo Tây – công nghiệp) ăn không ngon bằng, kém dai và nhai nghe xam xảm’ (Vương H.S. 1992: p.434).


Người ta thường hay ví ‘ngu như heo’ hay Trư bát Giới trong truyện cũng thường được gọi là chàng Ngốc. Thật ra không hẳn hoàn toàn như vậy. Các khảo sát gần đây cho thấy heo còn thông minh hơn chó. Con heo Babe của Úc đóng phim ‘heo chăn cừu (Sheep-Pig)’ thật là tuyệt. Bởi vậy nhân dịp Xuân con heo thử đổi một tí câu nghe có lọt tai không chẳng hạn - ‘con chó nhỏ của lòng anh’ thành ra ‘con heo của lòng anh’ có nên không nhỉ?    


Heo trong văn học & thơ ca    


Hầu như heo vắng mặt hẳn trong thi ca. Có lẽ do các hình dung từ quá xấu xí về nó như ‘phim con heo’, ‘đồ heo nọc’, ‘đồ con heo’ v.v. thật ra heo quá ‘hiền’ so với các loại động vật khác được xếp theo thứ tự võ công thượng thừa từ trên xuống là rùa, tê giác, hải cẩu, voi … dê chỉ đứng vào hạng thứ bảy so với các ‘sư phụ’. Vì vậy, nếu đúng theo ngữ cảnh trên thì nên rủa như một số người Hoa mới đúng ‘đồ con rùa’, hoặc tệ tệ thì cũng phải là ‘đồ tê giác’, ‘đồ hải cẩu’, đồ voi’ v.v. Ngoài ra còn có các từ khác cũng nặng nề không kém ‘ngu như heo’, ‘bẩn như lợn’ v.v. Cũng vì thế nên chẳng thi sĩ nào đưa heo vào thơ của họ. Tôi thử tìm qua gần vài trăm bài thơ Đường mà chẳng thấy có bất cứ câu nào có liên quan đến heo cả mặc dù có rất nhiều các con khác kể cả dê, trâu, gà, chim chóc, cá v.v. Thơ Việt cũng vậy, chẳng có bài nào hay câu nào đề cập đến heo cả, trừ một vài câu tục ngữ, ca dao như ‘con lợn có béo thì lòng mới ngon’ hay ‘Con gà cục tác lá chanh. Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi’ v.v.


Heo trong văn học được một số nhà văn Tây Phương từ cực tả triền qua đến cực hữu triền có nhắc nhở đến, tiêu biểu trong họ là John Steinbeck và George Orwell. Nhân vật chính trong chuyện ‘Trại súc vật’ (Animal farm) là đám heo cai trị được nhân cách hoá. Việc cai trị và tổ chức trong nông trại rơi vào tay heo sau khi người chủ nông trại chết, trong đó heo được xem là thông minh nhất trong đám súc vật (Orwell G.1976, P.15). Chúng được Orwell nhân cách hoá với những gì xấu xa nhất trong cõi thế về các lạm dụng cho cá nhân hay nhóm nhỏ nhân danh tập thể. John Steinback thì viết về những khó khăn của các nông dân ở Oklahoma bị mất đất, bị lạm dụng trong ‘The grapes of wrath’, trong đó heo được nhắc đến như để tô đậm thêm nỗi khó khăn của những nông dân này. Có đoạn mô tả một nông dân tự làm lấy con heo mình có và ăn một cách vội vã sau đó. Chính cái hình tượng này làm một nông dân khác cám cảnh ‘Coi anh ta ăn thịt heo kìa, nó làm tao phát thèm khi nghĩ về điều đó. Tao chỉ được có bốn lát thịt heo nướng trong bốn năm - mỗi lát cho một lần Giáng Sinh’ (Steinbeck J.1983, p.34-35). Trong đoạn này cũng có nhắc đến cảnh nuôi heo ở nhà để dành cho mùa Giáng Sinh y như là người Việt nuôi để dành cho Tết Nguyên Đán.


Heo cũng được đề cập đến trong văn học Việt như ‘Cổ học tinh hoa’ (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê) qua bài viết ‘Lợn mẹ giết lợn con’ trong đó nói về một con lợn nái đen tuyền đẻ 3 con với hai con đen tuyền và một con bị lốm đốm. Con nái mẹ ghét con đốm vì thấy không giống mình và cuối cùng cắn chết đốm con. Lời bàn của tác giả cho rằng tâm thuật của lợn nái đã mất do thấy sự khác biệt không giống mình (Nguyễn N & Trần N, 1997 – p.30).



Người Việt thường nuôi heo trong nhà vì vậy trong Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính có nhắc đến lợn trong mục thuật nuôi súc vật: ‘Lợn chê cám, viết 5 chữ Khương Thái Công tại thử vào một mảnh giấy vàng dán lên chuồng lợn, thì khỏi bệnh. Lợn đi không về lấy cái đủa cắm đàng sau ông Táo, hoặc úp cái bồn cho lợn ăn xuống đất và lấy một cành khế cắm vào cửa chuồng thì lợn tự nhiên về’ (Phan B. 2001: p. 426).



Trái ngược hẳn với Pythagoras một triết gia, nhà toán học vừa là một bậc thầy của ăn khiêng, người đã thất bại trong việc gây ấn tượng đối với công dân của Croton - ở miền Nam nước Ý đặc biệt là thực đơn ăn kiêng trong khi đó thì Vương Hồng Sển lại đưa heo vào miếng ngon của người Việt và được tán thưởng nhiệt liệt. Đọc ộng ta dễ thấy thèm một tí cháo lòng quê hương - ‘Quán Vĩnh Lợi dọn dĩa lòng ra không chỗ nào chê, nào bao tử, nào phèo non, nào dồi trường màu trắng nuốt như bông bưởi, nào gan tim dòn ngọt, món thịt luộc thái mỏng cũng ngon ngọt lạ thường’ (Vương H. S. p.433). Vì vậy cuối cùng Pythagoras phải rời khỏi xứ này để rồi chết vào khoảng năm 500 trước Tây lịch (Strathen P. 1998: p.9-10).


Liên quan đến heo trong văn học được nhiều người Việt biết và yêu thích nhất từ xưa đến nay vẫn là nhân vật Trư Bát Giới. Nhan đề của bài viết có chữ Trư cũng chính là cảm hứng từ nhân vật này trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Theo thiển ý, đây là một nhân vật có nhiều thuộc tính người nhất, từ những cái thích rất bản năng nghiên về cái mà thông thường người ta chê là xấu cho đến cung cách sửa đổi hành vi, hỗ trợ hoằng pháp (thỉnh kinh) để đắt quả. Nó có thể so sánh như giữa Plato - một triết gia khắc kỷ và Dionysius người cai trị xứ Syracuse.



Ngược hoàn toàn với Plato, Dionysius là người thích ăn uống, có lần ông mở tiệc kéo dài đến 90 ngày. ‘Dân chúng ở đó được mô tả như khoái ăn đồ ăn kiểu Ý và rất hạnh phúc ăn hai buổi chính trong một ngày và không bao giờ ngủ một mình ban đêm’ Điều này khó có thể nào chấp nhận bởi Plato - một người chủ trương khắc kỷ, học trò Socrates và chịu ảnh hưởng nhiều về lối ăn kiêng (gần như chay) của Pythagoras (Strathen P. 1998: p.24-25). Giữa hai cái cực đó, dường như Trư chọn đườngđi phía giữa trong quá trình vận động, tu tập để hướng về Nát Bàn giải thoát, về cái Chân, Thiện, Mỹ (Truth, Goodness, Beauty) của Plato.



Trư nguyên là Thiên Bồng Nguyên Soái bị đày xuống trần và không may lại đầu thai vào heo nái vì vậy hình dáng bên ngoài của chàng rặt nòi trư ‘Trư Bát Giới ở bên cạnh, chẩu mõm heo, giương mắt chẫu, ngắm nghía nữ vương. …. Chú Ngốc ngắm đến nỗi mê đi miệng thèm rõ rãi, bụng tựa hươu lồng, tê tái cả người…’ (Ngô T.A. 2000: p.87). Bát Giới được xem là tám giới của người tu Phật. Nhưng tại sao lại là tám giới mà không là mười giới của sa di mặc dù Trư đã được thọ giới bồ tát với Tam Tạng, vì ‘tám giới thọ vào ngày Upotasa (bố tát) dành cho nam, nữ tại gia, gọi là giới tại gia’ (Thich N.T.H. 1992: p.27).



Nếu vậy thì chàng Trư không thọ hai giới nào? - tửu giới với trai giới hay dâm giới? Truyện không đề cập đến một cách rõ ràng, nhưng ở hồi 23, khi Bồ tát hoá thân thử thách thầy trò Tam Tạng thì Chú Trư phô bày hoàn toàn tính chất sắc tình vật dục của chú. ‘Nếu sợ các em tranh nhau thì mẹ gả tất ba em cho con là xong’. Cho đến khi bà mẹ bảo tất cả các con không ai chịu lấy Trư thì chàng rất nhanh chóng ‘các em không chịu lấy con, hay là mẹ lấy con vậy’. Cuộc tranh luận giữa ‘Ăn để sống’ và ‘sống để mà ăn’ thật ra vẫn còn chưa ngã ngũ. Thoạt mới trông qua ta có cảm giác chàng Trư thuộc loại ăn để sống vì chàng rất tạp ăn, ham ăn hay ít văn vẻ hơn ‘ăn như heo’ thật vậy  khi dân làng tiễn chân, góp lương khô lại làm một, gọi Bát Giới lên ăn. ‘Chú Ngốc bất chấp sống chín, ăn cho kỳ hết, rồi lên đường’ (Ngô T.A. 2000: p.319) Y lại dặn những người đưa tiễn ‘nếu có lòng tốt, đưa ngay thêm cho một tí cơm để thầy trò tôi tiếp sức’. Đến sáng hôm sau người ta mang thức ăn lại nữa ‘Chú Ngốc đã chũi đất hai ngày, đương lúc đói meo, …. bất chấp cơm tẻ bánh trái, y đem trộn hết vào làm một với nhau, ngốn một chập cho hết trọi’ (Ngô T.A. 2000: p.319).



Đó, Bát Giới ăn như vậy đó – gây cái cảm giác Bát Giới chỉ chú ý tới lượng mà quên mất phần phẩm chất của thức ăn. Thật ra do dạ dày của chàng lớn nên phải lo nhét thức ăn vào cho đầy trước đã – ngon tính sau. Dù ăn tạp như vậy nhưng ta thấy chàng ăn rất ngon - thưởng thức thức ăn ngon không kém nhân vật nữ trong truyện của Võ Hà Anh (nhà văn khá nổi tiếng miền Nam của những năm gần 1975) – cô bé vất cái cặp xuống, mở liền cái tủ lạnh, miệng đang nhai miếng chả lụa, người cúi cúi, một tay đang lùa trái ổi trong tủ lạnh, tay kia thì đang cầm miếng xoài chua. Ôi! phải chăng chất Trư cũng dẫy đầy trong con cháu bà Triệu Ẩu. Lượng khi nhiều đến một mức nào đó có khi cũng biến thành chất – có phải vậy chăng? hay cái triết học cận nhân tình Đông Phương ‘có thực mới vực được đạo’ trãi dài ra trong toàn bộ tác phẩm, đặc biệt là khi nói về chàng Trư. Có ăn thì mới đủ sức quảy gánh và đinh ba đi thỉnh kinh, kể cả khi chàng đắc quả cũng chỉ là Tịnh Đàn Sứ Giả là phẩm cấp có ăn uống do người đời dâng cúng (Ngô T.A. 2000: p.892) và dĩ nhiên phẩm phải cao hơn vì là đồ cúng. Bản năng sắc tình vật dục của chàng Trư chẳng khác gì của người thường nhưng ngày càng được kiểm soát qua tiến trình đi thỉnh kinh và cũng là tiến trình tu tập. Khởi đầu ta thấy chàng Trư muốn lấy một lúc luôn ba nàng con gái (do một vị bồ tát thử thách thầy trò Tam tạng) và cuối cùng không được thì chàng muốn luôn bà mẹ, chàng tán tỉnh ‘mẹ ạ, các em không chịu lấy con, hay là mẹ lấy con vậy’. Càng về sau chàng Trư ngày càng khá hơn trong quá trình chuyển hoá chẳng hạn khi gặp gái đẹp do yêu ma giả dạng:


             ‘Người đâu vóc ngọc mình ngà.


              Áo phanh hở ngực đẩy đà thơm bay.


              ………


              Tấm thân chim yến tơ đào,


              Tiếng oanh uyển chuyển ai nào chẳng ưa.


              ……


Bát Giới thấy thiếu nữ có vẻ xinh đẹp, lòng phàm tục lại ngứa ngáy, nhưng cố nhịn không dám nói bậy bạ’ (Ngo T.A. 2000: p.485).


Tham, sân, si trong chàng có đủ như tất cả những người bình thường khác. Có bữa Tề Thiên Đại Thánh xí gạt và lấy được thỏi bạc dấu trong tai Bát Giới ‘Hành Giả cười nói: - Tôi cho chú là phường cặn bã, Lão Tôn bảo hộ sư phụ, chịu đựng biết bao nhiêu khổ nạn, chú thì đi vơ vét gom góp vốn riêng! Bát Giới nói: -Rõ cái mặt! vốn riêng vốn chung nào đó! Đều là những đồng tiền bớt mồm bớt miệng ra đấy, tôi không dám mua tí gì bỏ miệng, dành dụm để mua tấm vải may cái quần cái áo, anh lại đến bịp mất, hãy trả lại tôi một nữa! (Ngo T.A. 2000: p.487)’. Sân, si thì đã được chàng Trư thể hiện quá nhiều bằng hành động xuyên qua toàn bộ cuốn sách, chẳng hạn nói xấu Tôn Hành Giả để Tam Tạng niệm chú làm Hành Giả nhức đầu v.v.


Phải chăng Trư của chúng ta mang tính chất rất thực của con người với đủ tham, sân, si, đắm mê sắc dục v.v. nhưng không loại trừ ý hướng tiến tới cái chân, thiện, mỹ mà đã được thực hiện qua quá trình đi thỉnh kinh đầy gian khó. Và như vậy con đường đi giữa (trung đạo) của Bát Giới, của con Người trong hành trình tìm về chân lý đã có phần chấp nhận nội tại và chung quanh ta không bao giờ phiến diện mà tròn đầy và đồng nhất thể. Kể cả khi hoàn tất cuộc thỉnh kinh chàng vẫn được xem là ‘tính ương vẫn còn, sắc tình chưa hết’ và vì vậy chỉ được phong là Tịnh Đàn Sứ Giả - và cũng rất gần với con người, với chức năng này chàng Trư vẫn có cơ hội xực phàn của ngon vật lạ từ sự dâng cúng. Nó cho ta cái cảm nhận con người vừa là Dionysius vừa là Plato (đã nói ở trên) trên đường chế ngự chất Trư – ‘không bao giờ con người lại thuần thánh thiện hay thuần tội lỗi’ (Hesse H. & Phung K. 2001: p.211) –



‘Không, Đức Phật tiềm năng đã sẵn có trong người tội lỗi, tương lai đã ở trong hiện tại. Đức Phật tiềm tàng ấy phải được trực nhận trong người kia, trong bạn, trong tất cả mọi người. Thế giới không phải bất toàn hay đang từ từ trên đường dài để đạt đến toàn thiện. Không, nó hoàn hảo trong mọi giây phút, mọi tội lỗi đều mang theo với nó mọi sự ân xá, mọi trẻ con đã là những ông già tiềm tàng, mọi mầm non đã sẵn mang chết chóc, và trong mọi người hấp hối, sự Sống vĩnh cửu. Một người không thể thấy được người khác đi được bao xa, đức Phật hiện hữu trong kẻ trộm cướp và tay bạc bịp; kẻ trộm cướp hiện diện trong người Bà la môn’ (Hesse H. & Phung K. 2001: p.211). Bát Giới như là một sa di, một con người ‘không có ảo tưởng nào về sự toàn thiện, mà trái lại để nó nguyên trạng là nó, yêu thương nó và vui thích được dự phần với nó’ (Hesse H. & Phung K.2001: p.212) mà ta có thể nhận thấy xuyên qua toàn bộ tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.




Kết


Cũng nhân dịp Xuân con heo, xin cầu chúc mọi người mãi giữ được tinh thần yêu người (nên đi thỉnh kinh), yêu đời (nên vẫn còn được đi ăn đồ cúng dài dài) bất thối chuyển của Trư Bát Giới trong dòng biến chuyển tâm thức – trong khúc sinh ca đời: ‘Tôi là ai, mà trần gian thế … Tôi là ai, mà yêu quá đời này’ (Trịnh.C.S.).         




Sách Tham Khảo:


-Hermann Hesse - Phùng Khánh (Dịch giả), 2001: Câu chuyện dòng sông - Việt Nam 


-Ngô Thừa Ân - Thuỵ Đ. & ChU T. (Dịch gỉa), 2000: Tây Du Ký – Nhà Xuất bản Văn  


  Nghệ


-Nguyễn Thi Huế, 2001: Tự Điển Văn Hoá Ẩm Thực – Nhà sách Hàn Thuyên


-Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Tử An Trần Lê Nhân, 1997: Cổ học tinh hoa – Nhà Xuất     


  Bản Đồng Tháp.


-Orwell George, 1976: Animal farm – Hunt Bernard Printing Ltd – Great Britain


-Phan Kế Bính, 2001: Việt Nam phong tục – Hà Nội


-Steinbeck John, 1985: The grapes of wrath – Richard Clay Ltd – England


-Strathen Paul,1998: Plato – St. Edmundsbury Press Ltd – Great Britain


-Thích Nữ Trí Hải, 1997: Thanh Tịnh Đạo – Visuddhi Magga


-Vương Hồng Sển, 1992: Hơn nữa đời hư – Viet Nam








Leave a Reply