Saturday, January 7, 2012

Tội hay phước cũng từ tâm ta mà có

0 nhận xét

Trời Melbourne tuy sắp cuối đông, nhưng sáng sớm hôm nay, khí trời vẫn còn khá lạnh. Nền trời u ám bao phủ bởi những đám mây màu xám. Từng cơn gió nhẹ thoảng qua, gây cho tôi một cảm giác lành lạnh.  


Tôi được Thầy Phước Thái mời tham dự chuyến viếng thăm và uỷ lạo cho các nữ phạm nhân Việt ở trại DAME PHYLLIS FROST CENTRE, gọi tắt là trại DPFC.  Trại nằm về phía tây cách thành phố Melbourne, khoảng 15 cây số và thuộc thị xã Laverton.


Mục đích chính của chuyến viếng thăm này, là làm lễ Vu Lan và an ủi cho những phạm nhân người Việt. Những người đã không có được cái cơ may như chúng ta để họ có thể hít thở, sinh hoạt hưởng cái không khí tự do như ở bên ngoài. Tuy họ cũng có cái không gian, nhưng đó chỉ là cái không gian khép kín.


Thật lòng mà nói, khi đựợc Thầy mời tham gia vào đoàn để đi thăm viếng, tôi cũng đã phải đắn đo suy tư rất nhiều. Nói thế, chắc bạn sẽ cho rằng, tôi là người sao quá kỹ lưỡng cân nhắc lo xa, hoặc là không thích làm những công việc thiện nguyện như thế này chăng! Xin thưa ngay là không phải thế đâu. Vì khi nghe nói đến hai chữ trại tù, thì tôi liên tưởng ngay đến những gì mà tôi đã trải nghiệm. Nghĩa là nó đã khơi động những bi thương hãi hùng sống dậy trong ký ức của tôi. Đó là những hình ảnh thật quá kinh sợ khủng khiếp, mà chính bản thân tôi đã từng nếm mùi cay đắng sau biến cố đau thương 1975. Những gì mà tôi đã từng trải nghiệm như là: buồn, hận, đau đớn, vất vả… vì những cơn đói khát hành hạ triền miên. Rồi đến những nỗi lo lắng ưu tư cho số phận tương lai của mình không biết ngày mai sẽ ra sao! Nhất là trong nỗi niềm cô đơn trống vắng, bơ vơ xa lạ, không người thân, tới lui thăm viếng. Có thể nói, những nỗi thống khổ của một tù nhân hứng chịu thật nhiều cảnh khổ sở đoạn trường. Chúng tôi thiết nghĩ, thật không có bút mực nào mà có thể diễn tả cho hết được! Nhưng rồi, cũng chính những điều đó, đã là nguyên động lực thúc đẩy tôi phải quyết định để cùng tham gia với đoàn trong chuyến viếng thăm tù nhân lần nầy. Vì tôi đã cảm thông cho tình cảnh đau khổ của họ. Bởi họ cũng đã và đang trải nghiệm những nỗi khốn khó cùng cực giống như tôi ngày nào. Có khác chăng là với chế độ và cách hành xử tù nhân ở một xứ tự do có phần nào nhân đạo khá hơn mà thôi.


Ðoàn thăm viếng được tổ chức bởi chùa Quang Minh nói chung, và đạo tràng Quang Minh nói riêng. Người hướng dẫn và điều hợp đoàn là Ðại Ðức Thích Phước Thái. Ngoài ra, còn có các liên hữu tùy tùng khác trong Ðạo Tràng Quang Minh như các vị: Tâm Hải, Lệ Tâm, Viên Nguyện, Chơn Trì, Tâm Sở, Hà Ngọc, Huệ Tịnh, Tony Lê-Nguyễn, Mỹ Phương, Minh Nguyện, Thiện Hồng, Tâm Hoàng và Trí Bảo.


Tôi đến chùa Quang Minh vào lúc 9 giờ sáng. Tôi cứ ngỡ là mình đã đến sớm hơn mọi người, nhưng thật ra chính tôi lại là người đến sau cùng.  Mọi người đã đến chùa từ sáng sớm. Những món thực phẩm đem vào trong trại tù DPFC đã được họ nấu xong và đã bỏ vào các khay các đĩa sẵn sàng. Hai liên hữu Tâm Sở và Tâm Hải lãnh trách nhiệm nặng nề nhất trong đoàn. Họ đã chuẩn bị sắp đặt mọi thứ thức ăn thật chu đáo khéo léo. Những thức ăn cũng khá nhiều vì phải chuẩn bị cho trên 60 phần ăn. Ngoài những thực phẩm chính ra, các vị đó còn mang theo nhiều trái cây nữa. Vì thế, khi đến chùa, tôi không phải làm gì hết và coi như đã bị thất nghiệp!  Ngay cả các bản kinh tụng cho đại lễ, rồi nào là bông hồng cài áo, các băng đĩa ca nhạc Karaoke v.v… tất cả mọi thứ cũng đã được chuẩn bị xong từ các tuần lễ trước. Có thể nói, họ đã chuẩn bị tất cả mọi việc thật là hoàn hảo chu đáo!


Chúng tôi đã rời khỏi chùa Quang Minh vào lúc 9 giờ 30 phút sáng. Bấy giờ, ngoài trời những cơn mưa rơi nhẹ hạt bay lất phất theo gió. Ngồi trong xe, tôi cảm nghe hơi lành lạnh. Nhưng lúc nầy, lòng tôi thì cảm thấy thật vô cùng ấm áp. Vì tôi được duyên lành theo Thầy và các bạn sen trong Ðạo tràng Quang Minh thực hành hạnh bố thí. Ngoài việc chia sẻ phần vật chất ra, điều quan trọng đáng nói ở đây là, chúng tôi còn chia sẻ với nhau bằng tất cả trái tim thương yêu của những con người trong tình nghĩa đồng hương. Mất khoảng hai mươi phút lái xe thì đoàn của chúng tôi đã đến tịnh thất của Thầy Thích Phước Thái.  Chúng tôi vào tịnh thất lễ Phật xong, mọi người ngồi xuống để lắng nghe Thầy khuyên bảo thức nhắc dặn dò lần cuối.


Sau đó, chúng tôi tiếp tục khởi hành, khoảng 10 giờ 30 sáng thì chúng tôi đã đến trại DPFC. Đến nơi, chúng tôi phải mất độ mười phút để chuyển vận thức ăn và mọi thứ vào cổng trại.  Thủ tục kiểm hành lý và khám xét bên trong mất khoảng hơn hai mươi phút.  Khi thủ tục hoàn tất thì chúng tôi đã được anh Hoàng một nhân viên người Việt hướng dẫn chúng tôi vào phòng tiếp tân. Được biết anh Hoàng là người phụ trách công việc giúp cho những tù nhân ở đây. Lúc này, tôi xem đồng hồ tay thì thấy còn mấy phút nữa là đúng 11 giờ.


Từ lúc cái cổng sắt nơi phòng kiểm soát đóng sầm lại sau lưng và trên đoạn đường ngắn đến phòng tiếp tân, tôi có dịp quan sát thấy một số dãy nhà gạch mà tôi nghĩ là nơi giam cầm và chỗ ngủ nghỉ của các phạm nhân. Nhìn bên ngoài, nó cũng có hình thể dáng dấp tương tự như những dãy nhà tù cải tạo mà xưa kia tôi đã từng trải qua.  Mặc dù tôi không thấy đựợc ở bên trong như thế nào, nhưng tôi đoán chắc là nó sẽ có đầy đủ các thứ tiện nghi hơn những trại tù cải tạo ở Việt Nam gấp trăm ngàn lần.


Lúc này, các nữ phạm nhân đã đến phòng tiếp tân khá đầy đủ, khoảng gần bốn mươi vị. Trong số đó có hai vị đã đẩy 2 chiếc xe nhỏ và trong đó có hai đứa cháu nhỏ ngồi. Hai đứa bé thơ ngây thật là vô tội đáng thương. Hình ảnh này đã làm cho chúng tôi thật vô cùng xúc động. Xúc động là vì tôi cảm thương cho hai đứa cháu nhỏ dại khờ nầy. Thử hỏi chúng nó có tội tình gì mà phải vào đây để đồng lao cộng khổ chịu chung số phận ngục tù với mẹ của chúng nó chớ?! Hay đây là một cọng nghiệp chăng? Theo cái nhìn qua lăng kính nhân quả của Phật giáo, thì quả đây là một cọng nghiệp.


Sau khi mọi người đứng vào hàng ngũ nghiêm trang tề chỉnh ở trong ngôi nhà nguyện, anh Hoàng thay mặt cho nhân viên quản lý trại giam và các phạm nhân, đã ngỏ lời cám ơn Ðại Ðức Thích Phước Thái, anh Tony Lê Nguyễn và các bạn sen trong Ðạo tràng Quang Minh. Tất cả vì lòng từ bi, lân mẫn đến đây để làm Lễ Vu Lan và tạo duyên lành cho các phạm nhân được dịp tụng kinh sám hối.  Ngoài ra còn an ủi, thăm hỏi, khuyến khích và tạo niềm tin cho những con người đang trả quả và đang bị mặc cảm về những hành vi tội lỗi của mình trong quá khứ.  Sau đó là một nữ phạm nhân đại diện cho cả nhóm lên cám ơn và cảm tạ tấm chân tình của đoàn thăm viếng.  Cũng xin nhắc thêm, anh Tony chính là người đại diện cho chùa Quang Minh để bàn thảo và xếp đặt chương trình cho buổi viếng thăm này. Nếu như không có anh thì có lẽ buổi Lễ Vu Lan hôm nay thật khó mà có thể thực hiện được. Vì vậy, phải nói anh là người rất có công trong việc nầy.


Trong phần mở đầu của buổi lễ Vu Lan, cô Lệ Tâm thay mặt đạo tràng đã đọc một bài cảm niệm về ý nghĩa của ngày Đại Lễ Vu Lan báo hiếu. Với mục đích là nhằm gởi đến cũng như nhắc nhở về những công ơn sanh thành giáo dưỡng lớn lao của cha mẹ. Sau đó là vài lời nói về ý nghĩa cài hoa hồng của Thầy Phước Thái. Tôi thấy có những vị đã không ngăn được nỗi lòng xúc động rơi lệ.  Có người lại gục đầu thấp xuống như để che giấu những giọt lệ trào tuôn của chính mình. Ngoài kia là cả một bầu trời mênh mông trải rộng, và cơn mưa phùng của những ngày cuối đông như đã tạnh. Thế nhưng, ở bên trong của ngôi nhà nguyện tiếp tân nhỏ bé này, lại có những giọt mưa hối hận, buồn tuổi, nhớ thương … nặng trĩu đang rơi xuống ướt đẩm trên nền nhà. Lễ cài hoa hồng đã diễn ra một cách rất trang trọng trước khi thời khóa lễ Vu Lan bắt đầu. Buổi lễ nầy do Đại Đức Thích Phước Thái làm chủ lễ. Mọi người đều chí thành đọc tụng Bài Sám Vu Lan trong âm thanh đầy truyền cảm và xúc động. trước đó vài phút là cả năm sáu mươi cái tâm riêng biệt, nhưng trong lúc này đây trong hội trường chỉ còn có một cái tâm thành kính quy hướng về cội nguồn mà thôi.


Sau buổi lễ là đến giờ dùng cơm trưa. Tất cả những thức ăn mang theo đều được dọn sẵn ở trên bàn để bên ngoài sân.  Không phân biệt người trong trại hay ngoài trại, chúng tôi đều xếp hàng tự lấy phần ăn cho mình.  Tôi thấy mọi người trong trại đều vui vẻ hơn thêm và những mặc cảm ngại ngùng ban đầu lúc đoàn chúng tôi mới vào, giờ đây như đã tan biến và thay vào đó bằng những nụ cười rạng rở niềm nở thân thương.


Sau buổi cơm trưa chứa chan đầy tình nghĩa thương cảm, mọi người đều tập trung vào trong ngôi nhà nguyện và đều ngồi xuống cung thỉnh Ðại Ðức Thích Phước Thái ban cho mọi người một thời pháp thoại ngắn. Chủ đề của bài pháp thoại hôm nay là thầy nói về phương pháp sám hối tội lỗi tuyệt vời của đạo Phật. Thầy trình bày rõ về nguyên nhân của sự tạo nghiệp thọ khổ. Trong ba nghiệp: “thân, ngữ, ý”, thì ý nghiệp là đầu mối thúc đẩy thân và miệng tạo nên nghiệp thiện ác. Chính ba nghiệp nầy cấu kết chặt chẽ với nhau để tạo thành thiện nghiệp hoặc ác nghiệp. Trong phần nói về tạo ác nghiệp và phương pháp sám hối tội lỗi, thầy có dẫn chứng một câu chuyện rất lý thú và thực tế. Đại khái, tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng một thí dụ mà Thầy đã nói cho mọi người nghe, đó là mặc cảm tội lỗi rất nặng nề của một người lính Mỹ. Người lính Mỹ nầy cũng chỉ vì hận thù bị vô minh sai sử, nên anh ta đã hành động một cách gian ác tàn nhẫn là bỏ chất thuốc nổ vào trong những cái bánh sandwich làm chết cả năm em bé vô tội.


Hình ảnh của các em này trong lúc giãy chết đã ám ảnh anh ta suốt cả ba mươi năm trời. Lúc thức cũng như lúc ngủ, lúc làm việc cũng như lúc nghỉ, nói chung không một lúc nào mà anh ta cảm thấy thảnh thơi an tâm.  Mặc dù anh ta đã chạy chửa khắp nơi, nhưng  không có một phương thuốc hay một vị thầy nào có thể chửa lành tâm bệnh cho anh ta. Thậm chí, ngay cả chính cái tôn giáo mà anh ta đang tôn thờ cũng không giúp được gì cho anh.  Quả đúng là nhân quả nghiệp báo, ngậm máu phun người, miệng của ta đã bị dơ trước rồi.  Sau đó, anh nghe mọi người nói về thiền sư Nhất Hạnh, anh đã tìm đến và rồi tham dự một khóa tu do Hòa Thượng tổ chức. Chính nhờ tham dự khóa tu nầy mà anh ta đã được Hòa Thượng tháo gỡ cái khối nội kết mà anh đã chôn sâu kín trong tận đáy lòng từ bấy lâu nay. Nghĩa là những nỗi ám ảnh đầy mặc cảm tội lỗi sẽ không còn đeo theo anh nữa.  Phương pháp mà Hòa Thượng đưa ra cho anh ta là, năm đứa bé chết oan kia không thể nào đền bồi đựơc, chỉ có một phương cách duy nhất là anh nên phát nguyện cứu giúp cho những đứa trẻ bất hạnh khác.  Những đứa trẻ sắp sửa mất mạng hoặc mang tật bệnh, đói khát, nghèo khổ v.v… Nếu anh cứu sống được mười, hai mươi hoặc năm mươi đứa trẻ đang bị đau khổ như thế v.v… thì thiện nghiệp của anh nếu đem so với cái ác nghiệp mà anh đã gây tạo sát hại 5 đứa bé kia, tất nhiên, là anh vẫn còn có lời hơn chớ không có lỗ lã chi cả.  Anh đã nghe lời Hòa Thượng Nhất Hạnh chỉ dạy và đã làm đúng theo phương cách đó. Từ đó, những mặc cảm tội lỗi của anh ta không còn. Chẳng những thế, mà anh ta lại cảm thấy thiết tha yêu đời hơn. Anh đã khéo biết cải hối tội lỗi và đã tận lực làm mới lại cuộc đời. Đó là cách sám hối chuyển đổi từ tâm gây ra của anh.


Tội hay phước cũng từ tâm ta mà có. Tội tùng tâm khởi cũng phải từ tâm mà sám. Nhờ khéo biết ứng dụng bằng phương pháp sám hối đó, nên anh ta trở nên một con người rất hiền lương và làm nhiều điều phúc tiện lợi ích thực tế cho đời. Những mặc cảm tội lỗi trước kia đã thực sự xóa tan trong tâm trí anh. Giống như chúng ta tẩy xóa những gì lưu trử trong máy điện toán. Chỉ cần biết cách tẩy xóa, tất nhiên là những hình ảnh kia sẽ không còn. Với câu chuyện nầy thật là hàm súc một ý nghĩa vô cùng thâm thúy. Thầy mong sao nếu như chúng ta đã lỡ gây ra tỗi lỗi, thì cũng không nên ôm ấp mãi những hối hận mặc cảm tự ty tội lỗi trong lòng. Mà phải thật lòng chuyển hóa nó. Bởi nghiệp quả không có cố định, nếu như ta quyết tâm cải hối làm lành thì đều có thể chuyển được. Chúng ta nhứt định phải làm mới lại cuộc đời giống như người lính Mỹ kia đã làm. Và điều quan trọng ở đây, chính là Ðạo Phật có khả năng và diệu dụng giúp con người hóa giải và cải tiến trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Phần cuối của bài thuyết pháp là phần Thầy đã trả lời các câu hỏi cho các vị trong trại DPFC.  Mọi người trong trại rất cảm kích về bài thuyết pháp sâu sắc và cám ơn sự giải đáp của Thầy.  Có vị đã yêu cầu Thầy đọc lại bài thơ “TIỀN”. Bài thơ này làm mọi người hứng thú và vui vẻ thêm, có nhiều vị đã xin Thầy cho phép để được chép lại bài thơ.


Sau đó, là phần văn nghệ bỏ túi giúp vui. Các ca sĩ bất đắc dĩ nghiệp dư có tên mà không có tuổi.  Chẳng hạn như ca sĩ Hoàng, anh đã mở đầu chương trình với bản nhạc “Bông Hồng Cài Áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Với giọng trầm ấm truyền cảm anh đã vận dụng  hết tâm cảm của mình để diễn đạt qua từng lời từng câu của bài hát. Quả thật, anh Hoàng đã làm cho cả hội trường phải nuốt lệ nghẹn ngào, vì chính anh cũng đã phải xúc động nghẹn ngào ngập ngừng đôi lần. Sau đó là các ca sĩ thuộc trại DPFC mở đầu với bản vọng cổ do chính Thầy Thích Phước Thái sáng tác. Bản vọng cổ nầy mang đầy ý nghĩa đậm đà tình tự quê hương. Bài ca đã làm cho mọi người vừa xúc cảm lại cũng vừa vui tươi.  Chương trình ca nhạc Karaoke tự biên tự diễn kéo dài đươc một tiếng thì đành phải kết thúc vì thời gian thăm viếng đã hết.


Một lần nữa, anh Hoàng đại diện cho trại DPFC ngỏ lời cám ơn Ðại Ðức Thích Phước Thái, anh Tony và các thành viên trong đoàn, rồi lại có thêm hai vị nữ đại diện cho các trại viên ngỏ lời cám ơn thật tha thiết.  Cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc, giờ phút chia tay cũng bịn rịn và lưu luyến, mọi người trong trại đều yêu cầu Thầy và các vị trong Ðạo Tràng Quang Minh hứa là sẽ đến thăm và tổ chức Ðại Lễ Vu Lan cho mọi người vào năm tới.  Có vị đã tiễn đoàn chúng tôi đến gần ngay cổng sắt của trại rồi mới chịu chia tay!


Ðoàn chúng tôi trở về chùa lúc 3 giờ chiều, mọi người trong đoàn cũng vội vả chia tay nhau về nhà để chuẩn bị cho một tuần lễ làm việc mới.  Một ngày trôi qua thật nhanh, cảnh vô thường hiện rõ, lúc ở nhà, rồi lại đến chùa, rồi là đến trại và rồi lại về chùa.  Bao nhiêu cảm xúc vui buồn lẫn lộn tiếp nối nhau luôn làm tâm ta không lúc nào dừng được.


Làm tôi chợt nhớ đến bốn câu thơ của Thầy Thích Phước Thái trong bài thơ ‘Nhớ Phật’ được đăng trong tập thơ “Hướng Dương Thi Tập” do Thầy sáng tác và chùa Quang Minh ấn hành. Tôi xin mượn bốn câu thơ này để tạm kết thúc bài ký sự này:



Cảnh đời là vô thường

Ta sống vạn tình thương

Ðêm ngày luôn nhớ Phật

Lòng ta thật an tường.



Leave a Reply