Saturday, January 7, 2012

Theo Chân Các Vị Thiện Tri Thức

0 nhận xét

Trong Kinh Pháp Cú, kệ thứ 208, Đức Phật có dạy rằng: “Người hiền trí, người đa văn, người nhẫn nhục là các bậc thánh giả, là chổ nương tựa  tốt nhứt cho mọi ngườ̀i. Được theo các vị thiện tri thức ấy khác nào như mặt trăng theo đường tịnh  đạo.”


Kính bạch Đức Thế tôn, nương theo lời dạy của Ngài, chúng con  gần bốn  mươi người hiện có mặt trong phòng giảng số 218, trong ngày cuối cùng của Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới đã tìm được bốn vị thiện tri thức, để thực hành phần nghi thức tụng niệm mở đầu cho ngày hôm nay.


Tôi vào phòng vừa đúng lúc thầy Phước Tấn vị chủ lễ giới thiệu chư Tăng Ni hướng dẫn phần nghi thức tụng  niệm cho buổi sáng này. Vị đại diện cho Phật giáo Nam Tông là Sư cả Vijitha Thero người Tích Lan. Một vị đại diện cho phái Kim Cang thừa là vị thầy Tendar  người Tây Tạng. Ni sư Yue Yal tại chùa Phổ Hoàng San thuộc Phật giáo Đại Thừa Tịnh độ. Người cuối cùng là thầy Phước Tấn cũng theo phái Tịnh độ. Theo chương trình thì thầy Phước Tấn chỉ được quyền sừ dụng 5 phút đầu tiên để giới thiệu. Mỗi vị tăng Ni theo từng hệ phái chỉ được dùng 10 phút để tụng bản kinh thuộc ngôn ngữ và hệ phái mình.


Đây là lần thứ nhì tôi được dự khóa lễ buổi sáng. Lần đầu tiên do thầy Jinwot Lee là giáo sư Tiến sĩ tại Triều Tiên làm chủ lễ. Đó là phần hướng dẫn  phương cách tọa thiền, cũng đầy những khách tham dự.


Không gian trầm xuống với lời kinh cầu bằng tiếng Pali của  vị Sư cả Vijitha người Tích Lan. Hạnh phúc tràn ngập trong gian phòng, chúng tôi có cảm giác Sư đã đưa mình  đến Bồ Đề Đạo tràng để được chiêm bái Đức Giáo chủ của chúng ta. Khởi lòng thanh tịnh qua tiếng ngân nga trầm  bổng của vị thầy Tendar  người Tây Tạng. Trong tâm  thanh tịnh  này chúng tôi được hướng dẫn rõ ràng hơn bằng đoạn Kinh Phổ Môn được dịch ra bằng tiếng Anh do Ni Sư Yue Yal tại chùa Phổ Hoàng Sơn đọc. Một điều phải công nhận rằng nguồn văn hoá Việt Nam nhứt là về mặt tôn giáo chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Trung Hoa. Chính vì thế mà những bản kinh và nghi thức tịnh độ không có gì khác nhau. Như bên Ni Sư tụng Phổ Môn thì thầy Phước Tấn tụng chú Đại Bi, rồi cùng hồi hướng công đức.  Như vậy là cả hai bên đều ca tán lòng từ của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Với thầy Phước Tấn thì cuối cùng bao giờ cũng phải là bài Bát Nhã Đa Tâm Kinh.


Đây là lần đầu tiên tôi được phép tụng chung với hai thầy Phước Tấn và Phước Hoan mà không có sự chỉ đạo của ban nghi lễ trong đạo tràng.


Thầy trò chúng tôi là người tụng kinh sau cùng, nhưng ai cũng biết rằng giọng thầy Phước Tấn đượm đầy hương vị ngọt ngào, mát dịu. Thế nên sau buổi tụng kinh thì có người dành câu hỏi cho thầy: “Xin thầy cho biết là thầy đã dùng ngôn ngữ nào trong bài kinh vừa tụng?”  Câu trả lời giản dị của thầy làm tôi hảnh diện: “Bản kinh nguyên thỉ là tiếng Phạn, người Trung Hoa âm thành tiếng Trung Hoa; rồi người Việt Nam âm lại thành bản kinh này, vậy nó chính là tiếng Việt.”


Tôi là đứa hay thắc mắc, cuối giờ lén thầy đến hỏi nhỏ người khách: “Có gì đặc biệt trong bản kinh mà khiến ông đặt câu hỏi cho thầy tôi?” Vị khách mỉm cười đáp: “Thầy cô có giọng đọc kinh truyền cảm quá, khiến tôi xúc động, nên  muốn tìm xem nó thuộc loại ngôn ngữ nào, vậy thôi.” Ôi! vậy ra mình cũng được thơm lây. Thấy chưa! Theo chân thiện tri thức thì bao giờ cũng được phần.


Mười phút sau cùng là những giây phút thiền quán. Hệ phái Nam tông rất nổi tiếng về môn này, vì thế mà theo sự sắp đặt Sư cả Vijitha Thero hướng dẫn chúng tôi thiền và quán hơi thở.


Với căn cơ thấp lè tè như tôi, mười phút quả chưa đủ để làm việc gì cả, tôi vẫn còn chưa an thì Sư cho biết giờ tọa thiền đã hết, nhưng cái hương vị của thiền quán mà Sư vừa hướng dẫn, dường như vẫn còn vương đọng trong tâm tư tôi suốt cả buổi trời sau đó.


Chúng tôi lây oây thu dọn rồi chụp ảnh thì anh Vi Phát phóng viên thứ thiệt (còn tôi là phóng viên giả hiệu, tạm thời, kém chất lượng) vào báo có thầy Huyền Diệu đến tham dự, đồng thời cô Rachael cũng vừa bước chân vào phòng. Chúng tôi làm vài bô hình rồi nhanh chân rời khỏi phòng.


Theo thầy Huyền Diệu có bao điều mầu nhiệm xẩy ra trên thế gian này, nhưng nếu đúng cơ duyên thì ta mới gặp được nó. Vậy thì cơ duyên nào đưa đẩy cho đoàn chúng tôi đây? Một ngạc nhiên đầy thú vị  là Ngài Samdhong, vị Thủ Tướng của đức Đạt Lại Lạt Ma đang đứng trước cửa phòng chờ quý thầy chúng tôi. Một cuộc chào hỏi sơ khởi và cuộ̣c gặp gở bỏ túi được diễn ra trong bầu không khí thân mật trước phòng  giảng số 218.  Anh Vi Phát và tôi làm mấy bô hình rất lịch sử này.


Chưa bao giờ tôi thấy sự hòa hợp cao đẹp giữa thầy Huyền Diệu, thầy Phước Tấn và thầy Phước Hoan như lúc này. Từng cử chỉ, từng lời nói cho ta cảm giác của sự san sẻ, sự lắng nghe như lời Đức Phật dạy. Ở đây ta có thể xem như một tăng đoàn gồm ba người: thầy  Huyền Diệu, thầy Phước Tấn và thầy Phước Hoan đã đạt được lục hòa rồi còn  gì nữa. Tôi nguyện thầm, sự hòa hợp này luôn có trong lòng tăng chúng khắp mọi nơi trên thế giới và như vậy không lo gì chuyện Phật giáo có phát triễn và trường tồn hay không nữa.


Người nói người nghe, câu chuyện càng ngày càng trở nên đậm đà thú vị,  tôi học được nhiều điều từ quý thầy. Tôi học được một Mật pháp của thầy Huyền Diệu mà tôi cho là rất lý thú. Thầy dạy: “Nếu chị biết ai đã ganh ghét, đố kỵ với chị, rấp tâm hại chị. Chị không cách nào hóa giải được thì chị hãy cố gắng tìm cho được tấm hình thật đẹp của họ, mỗi ngày ra vào chị lạy họ ít nhứt ba lạy, tôi bảo đảm chừng khoảng thời gian ngắn họ sẽ thân thiện với chị ngay.”  Tôi tìm  ra bài pháp giản dị,  hóa giải sự đố kỵ của người khác bằng cách lễ lạy họ . Đó cũng là cách tập cho mình tính khiêm cung trong cách xử thế hàng ngày.


Câu chuyện đạo đời được kết thúc bằng buổi ăn buffet trưa do thầy Phước Tấn khoảng đải tại nhà hàng nằm trong trung tâm trưng bài triển lãm của các tôn giáo. Thực khách gồm thầy Huyền Diệu, thầy Pháp Khâm, Sư cô Trung Chính cùng với ba sư cô nữa mà tôi không biết tên. Nhóm tăng thân trúc xanh gồm vợ chồng chị Hậu Ngọc và anh Thắng. Bên phe ta có thầy Phước Hoan, anh Vi Phát, Rachael và tôi.


Sau phần  ăn trưa, tưởng theo dấu chân thầy luôn, nào ngờ khi đến cửa vào giảng đường dự lễ bế mạc, vì tôi mang bản hiệu phóng viên nên bị người gát cổng chận để đưa vào lối khác. Cái mặt khờ khờ của tôi mà ngày đó được sắp ngồi ngày hàng ghế đầu để được lấy tin tức và  thu hình Đức Đạt Lại Lạt Ma thật là chuyện không tin mà có thật.


Thôi thì mọi thứ đều là nhân duyên cả, lẻ ra tôi phải ở cho tới giờ cuối cùng của buổi lễ bế mạc, nhưng khốn khổ thầy Phước Tấn cho tôi ăn nhiều quá. Nói đúng ra thì tại con mắt tôi to hơn cái bụng nên tôi cảm thấy không an vì thế tôi về sớm hơn dự định. Tuy nhiên tôi cũng nghe được hết bài pháp của Đức Đạt Lại Lạt Ma và những diễn giả quan trọng trong ngày. Điều mà Đức Đạt Lại Lạt Ma đời thứ 14 và các Diễn giả có mặt ngày hôm nay muốn là: giử được bầu  trời trong sáng, giử được màu xanh tươi đẹp của hành tinh xanh  mà chúng ta đang sinh sống  và giử luôn cả sự an lành, bình yên cùng thanh tịnh giửa tình người và người.



Leave a Reply