Saturday, January 7, 2012

Thắp Sáng Niềm Tin

0 nhận xét

Tôi không biết phương trượng chùa Quang Minh đã bỏ bao nhiêu thời gian để chúng tôi  có được ngày hôm nay.  Một ngày mà Phật tử Melbourne nói chung và nhóm Phật tử chùa Quang Minh nói riêng có được cái vinh hạnh là cùng nhau ngồi tại gian phòng nhỏ của tòa Thị Sảnh thành phố Melbourne.  Rồi được cùng với quý thầy trì chú, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng lợi lạc, dưới sự chủ lễ của Thượng tọa Thích Minh Trí.  Tôi dùng chữ Phương trượng để chỉ thầy Phước Tấn, vì hôm đầu năm đi lễ chùa, lúc đến chùa Vân Dương, thầy đã sử dụng tiếng Quan Thoại rất là ngọt ngào và trôi chảy, làm chúng tôi rất ngạc nhiên và nhìn thầy với cặp mắt đầy thán phục. Tôi chắc thầy có biết qua tiểu thuyết Kim Dung nên tôi dùng từ Phương trượng để chỉ thầy.


Để kỷ niệm 2550 ngày Đản sanh của Đấng Từ Phụ, thầy và một số người thiện nguyện có trong cộng đồng Phật giáo tại Melbourne đã không quản khó khăn, nhọc nhằn tổ chức tuần lễ triển lãm này, mà chúng tôi là những người đã thừa hưởng cái hạnh phúc đó. Bằng con tim và khối óc, ban tổ chức đã cố gắng thu nhặt những tượng Phật từ mọi nơi và cố gắng sắp xếp mọi chương trình cho phù hợp, để chinh phục trái tim của người dân  Melbourne bằng ánh sáng từ bi của đạo Phật cao cả.


Nếu đã gọi Melbourne là trái tim của tiểu bang Victoria thì ta có thể nói tòa thị sảnh là cửa ngỏ, là linh hồn của thành phố. Tôi yêu Melbourne ở cái dáng vẻ của một thành phố Tây Âu đầy cỗ kính và trang nhiêm. Cỗ kính ở chổ có nhiều tòa nhà được xây bằng đá xanh với kiến trúc theo lối cỗ của Tây phương vào thế kỷ 19 . Điển hình là tòa Thị Sảnh Melbourne có dáng uy nghi trông xa như tòa lâu đài cỗ. Trên tháp có chiếc đồng hồ làm tôi nhớ tới chiếc đồng hồ ở bốn cửa Đông ,Tây, Nam, Bắc tại chợ Saigon. Còn trang nghiêm là nếu ai muốn vào cỗng,  ta phải trình qua người gác cỗng, ông ta như vị Hộ Pháp giử chùa. Thấy chưa đã nói đến chùa thì phải có ngôi chánh điện chứ? Vâng, xin thưa rằng ban tổ chức đã bày trí một chánh điện với đủ vẻ uy nghiêm của nó bên trong.


Bây giờ thì xin quý vị hãy cùng tôi đến viếng thăm vùng đất Phật. Tôi đùng từ đất Phật thật không có chi là quá đáng. Nếu người Hồi giáo nhắc nhở nhau bằng từ Mecca, người Do Thái giáo, người Thiên chúa giáo bằng từ Jerusalem để chỉ thánh địa của họ. Ngược lại, với người Phật tử thì đất Phật không chỉ riêng vườn Lâm Tỳ Ni, mà đất Phật còn có thể là: nơi có bóng chiếc y vàng của Đức Phật mà ngày nay được quý thầy trang nghiêm khoác lên người,  theo Sự Tích cây Nêu trong truyện cỗ dân gian Việt  Nam; cũng có thể là mảnh đất trong đó có ngôi chùa, theo Hòa thượng Tuyên Hóa nói; hay là những bảo tháp trụ giữa hư không như kinh Pháp Hoa nói.


Nếu quý vị đã trình qua với thần Hộ Pháp rồi, xin quý vị cứ thẳng tiến vào trong, nơi có chiếc bàn con để ta có thể ghi danh cho các thời khoá ngắn do các thầy diễn giảng. Bằng như quý vị muốn tham quang thì xin cứ tự nhiên đi thẳng vào bên trong, trước mặt ta là tủ kính hình ngũ giác chứa Xá Lợi của Đức Bổn Sư mà ta cũng có thể tạm xem là bảo tháp của Phật. Bên tay mặt là gian hàng bày bán những tranh ảnh, tượng Phật, hoa sen trắng tinh khiết và tất cả những gì liên quan Đạo Phật nhằm gây quỹ cho chương trình đem Phật giáo vào các trường Tiểu Học công lập để giảng dạy. Đằng sau lưng là căn phòng nhỏ dùng làm phòng giảng cho quý thầy hay còn tạm gọi là thiền đường. Phòng ngoài nối với phòng trong bằng một bậc tam cấp rộng,  giữa phòng là ngôi chánh điện các tượng Phật được đặt trên chiếc bục cao gần một mét. Ban tổ chức đã cố gắng sắp xếp các hình tượng của Đức Phật theo con mắt mỹ thuật, mà cũng có thể theo tầm vóc. Theo nhận xét của tôi thì có thể mỗi cộng đồng Phật giáo tại Melbourne đã góp phần trong việc chưng bày này bằng sự đóng góp các tượng Phật mang sắc thái dân tộc. Trên bệ thờ chúng tôi ghi nhận có tượng  Quán Âm bằng thạch cao trắng của chùa Quang Minh đứng khiêm nhường bên cạnh bức tượng màu nâu đen trông tôn nghiêm, trầm mặc của Đức Bổn Sư, cao hơn cả thước  được đặt chính giữa bệ thờ của Đài Loan.  Ngoài ra còn có các tượng của các quốc gia khác  như: Đại Hàn, Ấn Độ, Cao Miên, Tích Lan, Thái Lan, Úc .v.v.v.Mỗi tượng mang sắc thái riêng,  nhưng tôi thích nhứt là bức tượng bằng gỗ do điêu khắc gia người Úc tạc. Ta đã thấy được sự cố gắng  của tác giả trong việc ghi lại nét bình dị của người dân Úc trên khuôn mặt của Đức Thế Tôn. Gian phòng được ngăn ra thành nhiều căn lều nhỏ, bằng chiếc bửng cao lưn lửn, để mỗi cộng đồng có thể bày trí những hình tượng mang tính đặc thù của dân tộc mình.


Hôm mùng 1 tháng 3 năm 2007, tức là ngày thứ tư của tuần lễ triển lãm, chúng tôi, các liên viên của Đạo tràng Quang Minh bằng phương tiện chuyên chở công cộng,  qua nhiều ngỏ khác nhau của Melbourne,  đã cùng nhau đến đây.  Rồi ngồi bên nhau để cùng chú nguyện cho mưa thuận gió hòa đến với  tiểu bang đang khô hạn này. Gần đến giờ làm lễ mà Rachel vẫn chưa liên lạc với Phương trượng tôi. Nét lo âu thoáng hiện trên khuôn mặt của người phụ nữ Tây Âu này, nhưng không làm cô mất đi vẻ trầm tỉnh. Có lẻ nàng đã học được nết điềm đạm của Phương trượng tôi rồi chăng ? Trong đám đệ tử “duột” của Phương trượng, tôi chỉ chấm được có mỗi Thiện Minh là có nết ăn và cách ở giống thầy mà thôi. Nay tôi chấm thêm được Rachel nữa. Phương trượng mà được hai vị này làm đệ tử chân truyền đời thứ nhứt thì quả chùa Quang Minh chúng tôi có phúc vô cùng.


Đến 10 giờ kém 10, qua chiếc điện thoại cầm tay Rachel báo cho tôi biết thầy vừa rời khỏi phi cơ. Cùng lúc ấy T̀âm Hải và một số vị khác vào, sau đó là thầy Phước Thái.  Rachel cho biết là Phương trượng không về kịp,  vì vào ngày hôm qua thầy phải đến dự  buổi khánh thành của một ngôi chùa trong giáo hội,  tại Tân Tây Lan. Cô còn nói nếu có đủ thầy thì chúng tôi nên chuẩn bị làm lễ. Tôi được thầy Phước Thái giao nhiệm vụ là sắp xếp chỗ cho quý thầy và quý Phật tử. Số người  đến dự ngoài số dự trù, ngoài các liên viên của đạo tràng, tôi còn ghi nhận có một số người ngoài và các khách người Úc gốc Tây Âu. Chúng tôi chiếm hết khoảng trống từ chân bệ thờ đến căn lều của quý thầy Tây Tạng, rồi ăn lan lên năm bậc thềm nối từ phòng ngoài vào phòng trong nhưng vẫn chưa đủ, chúng tôi tấn công lên phòng ngoài chỗ bày bán các Phật cụ.


Sau đó hai thầy Minh Trí, Thiện Tâm bước vào cùng với quý cô Phước Hồng và Phước Chiếu. Chúng tôi chuẩn bị làm lễ, thầy Phước Thái với giọng trầm ấm đã mở đầu cho buổi tụng niệm bằng sự phát biểu vài cảm tưởng của thầy. Thầy nói đây là một vinh hạnh  mà chúng ta có được  buổi cầu nguyện như ngày hôm nay. Đó cũng là do sự nhứt tâm của các cộng đồng Phật giáo tại Victoria đã ngồi lại và cùng nhau cố gắng tổ chức cuộc triển lãm này. Nó đánh dấu cho một bước tiến  lớn trong sự phát triển Phật giáo tại Úc . Thầy kêu gọi mọi người nên để hết tâm vào việc tụng niệm cho tiểu ban đang bị khô hạn này.


Chúng tôi mừng là qua những tháng dài tịnh dưỡng thầy đã lần lần lấy lại phong độ cũ, sau ca mỗ gần mười tiểng đồng hồ. Tôi còn nhớ lần đầu thầy vào viện, Phương trượng và chúng tôi có tổ chức buổi cầu an cho thầy nhằm ngày thứ Năm trong tuần; đến đúng Chúa Nhựt tuần đó gặp thầy trong chùa đi lại trông có vẻ an lành. Tôi về nói với ông xả là lời nguyện chúng tôi được chứng.  Sau hay ra là ca mỗ được dời lại, quê quá tôi không dám đính chính cùng ông xả. Nhưng không sao, trước chưa chứng thì nay cũng đã chứng rồi vậy. Chúng tôi thầm cám ơn chư Phật mười phương đã gia hộ cho thầy qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, để thầy còn đủ sức khỏe mà dìu dắt chúng tôi trên con đường tu tịnh nghiệp.


Chúng tôi bắt đầu làm lễ vào khoảng 10 giờ  30 phút dưới sự hướng dẫn của quý thầy như: Thầy Minh Trí,  Thầy Thiện Tâm, Thầy Phước Thái, Thầy Phước Đắc cùng với quý sư cô  Phước Hồng và  sư cô Phước Chiếu.  Chúng tôi hòa mình vào tiếng kinh cầu của bài Chú Đại Bi, Chú Kiết Tường, rồi Bát Nhã Tâm Kinh. Chúng tôi thành tâm tụng niệm và mong rằng những cơn mưa sẽ đến với Melbourne trong những ngày tới đây. Tiếng kinh cầu chấm dứt trong sự hân hoan của mọi người. Thầy Phước Thái tiếp nối chương trình bằng bài giảng: “Do đâu mà ta có được hình tượng Phật.” Chúng tôi im lặng lắng tai nghe thầy giảng. Bổng thầy trầm giọng xuống và báo: “Thầy Phước Tấn tới kia rồi”.  Phương trượng xuất hiện giữa tiếng vỗ tay nồng nhiệt của mọi người. Gió bụi đường xa có làm nhạt nhòa chiếc áo nâu mà thầy đang mặc nhưng không làm tắt đi nụ cười luôn nở trên môi, trên khuôn mặt hiền hòa đó. Thầy Phước Thái nhường lời lại cho Phương trượng trong việc giải thích các hình tượng tại đây.


Thầy bắt đầu bài giảng tại  căn lều của xứ Nhựt. Tôn giáo bao giờ cũng đi đôi với nghệ thuật cho nên ta sẽ thấy các hình tượng Phật được chưng bày ở nơi đây cũng biểu thị một phần nào văn hóa của nước đó. Tông phái Thiền Tông rất thịnh tại Nhựt nên ta thấy những bức tranh mô tả các vị thiền sư  theo lối ký họa được trang hoàng tại đây cùng các bản viết chữ Nho đẹp trên vuông giấy lụa hoặc là nghệ thuật uống trà thiền. Tuy nhiên rằng Tịnh Độ không nhiều thì ít cũng ảnh hưởng đến nền văn hoá của xứ Phù Tang này. Bằng cớ là ta thấy có hai cái bàn thờ nhỏ được chạm trổ tinh vi cùng với tượng Di Đà được sơn son thiếp vàng thật đẹp cũng được chưng bày tại nơi này.


Rồi thầy đưa chúng tôi đến vùng Đông Nam Á, nơi mà Tịnh Độ Tông có ảnh hưởng lớn. Bắt đầu là Trung Quốc, ta thấy có sự phong phú về các bức tượng Di Đà hay các vị Bồ Tát hoặc vẻ trên vuông giấy lụa hoặc điêu khắc  hoặc đúc. Tôi ghi nhận có tượng  Quán Âm màu gụ bằng danh mộc được chạm trỗ tinh vi rất đẹp đứng trên con cá hóa long được thầy Thiện Tâm cho mượn, đặt ngay vị trí và tầm nhìn của khách thập phương. Đối với người Trung quốc thì cái nhìn về tướng mạo của họ có điểm đặc biệt là tất cả mọi đường nét phải được tròn trịa, đầy đặn thì mới gọi là nét phúc hậu là tướng tốt. Như khi Nguyễn Du tả Thúy Vân thì là:” Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” . Ở đây thì xin mở ngoặc nói nhỏ sao tôi thấy cụ Nguyễn Du  tả cái mặt của Thúy Vân giống Phương trượng vô cùng. Xin đóng ngoặc lại và nói tiếp: vì thế nên ta thấy các vị Phật hay Bồ Tát đã được vẻ hay điêu khắc theo thẩm mỹ phương đông là có khuôn mặt tròn và đều đặn. Các vị này có khuôn mặt chính cống 100 % theo mỹ thuật  của người Trung Hoa. Nếu ai đã từng về Việt Nam  ghé qua chùa Tây Phương thì sẽ thấy nét đặc thù của 18  vị La Hán nơi đây thuần túy là người Việt Nam. Đó là cái hay của nghệ thuật diễn đạt lòng người.


Ở đây chúng tôi được thầy lưu ý là Bồ Tát Quán Âm đích thực là người nam nhưng qua đến Trung quốc thì biến thành người nữ. Có lẽ do vì chế độ phong kiến ở xã hội Trung Quốc thời xưa đã bắt người đàn bà phải đảm nhiều chức vụ trong gia đình lo cho chồng con. Rồi phải hi sinh, phải biết cam chịu những khổ nhục, thế nên họ dễ dàng thông cảm, tha thứ, bao dung, nhứt là luôn mở rộng vòng tay để tiếp đón những đứa con dù tội lỗi, dù xấu xa, dù tệ hại  đến đâu đi nữa;  Vì họ biết rằng nó chính là đứa con mình mang nặng đẻ đau. Thế nên người ta chuyển tượng thành đàn bà là người dễ thông cảm với nổi khổ đau của nhân loại. Thầy không giải thích nhiều như thế nhưng vì tôi là phụ nữ nên tôi có cảm nhận của riêng mình, nên nói ra thôi. Thầy Phước Thái có giảng sự tích tại sao Đức Quán Âm lại là người nữ, mà tôi không nhớ rõ nên không dám nói ra.


Cạnh bên Trung Quốc là Đài Loan, anh em cùng cha nhưng khác tư tưởng về chánh trị nhưng tư tưởng về Phật học thì không khác. Do đó chúng ta sẽ thấy có sự liên tục trong nghệ thuật chạm trổ và điêu khắc. Ngoài tượng Đức Di Đà, Thích ca,  Quán Âm ta còn thấy các tượng của các Bồ Tác khác như ngài Mục Kiền Liên, ngài Địa Tạng cùng tổ Bồ Đề Đạt Ma.  Tôi thích nhứt là bức tượng của Tổ Bồ Đề Đạt Ma sản phẩm làm từ ống tre lên nước bóng ngời rất đẹp chắc cũng phải có tuổi thật cao. Thầy nói cái nổi bậc trong các hình tượng của Tổ là cặp mắt của ngài luôn mở to chứng tỏ sự tỉnh thức.  Tôi cũng thích lúc thầy giảng về nét mặt và bàn tay của các vị Phật. Thầy nói cử chỉ của bàn tay hay thủ ấn  và nét mặt nói lên được rất nhiều điều mà ta cần phải học hỏi. Ngón giữa  chỉ cho trí tuệ Bác nhã, tánh không;  ngón đeo nhẩn chỉ sự từ bi.  Khi bàn tay Đức Phật úp xuống và chấm đất là lúc ngài thành đạo, chuyễn pháp luân có ý nói đất đã chứng minh cho ta.Lúc cánh tay mặt ép sát người, bàn tay mở ra đưa ngang ngực chứng tỏ lòng từ ái, làm ta yên tâm và không còn sợ hải tức là ngài đang cứu độ chúng ta. Khi ngón trỏ bấm vào ngón cái là lúc Phật thuyết pháp. Còn một ấn nữa đó là ấn tam muội thì chắc ai cũng biết vì thầy Phước Thái đã dạy chúng ta nhiều lần khi ngồi thiền. Thầy nói nhiều lắm nhưng tôi nghe từ lổ tai này sang lổ tai kia rồi quên mất.


Bây giờ thì mời quý vị đến lảnh thổ Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu thì nghệ thuật vẻ, chạm trổ, điêu khắc của ta ảnh hưởng bởi hai nền văn hóa Ấn-Hoa. Nhưng các tượng Phật được trình bày đây mang đặc tính Trung Hoa ; do đó mà ta thấy không có sự thay đổi  trong nét mặt của Đức Phật hay các vị Bồ Tát. Về nghệ thuật đã không khác mà về học thuật thì gần như rập khuôn, ảnh hưởng Tịnh Độ rất lớn ở Việt Nam. Nhưng phải nói, Thiền Tông, Nam Tông hay Mật Tông là những tông phái có ảnh hưởng không ít tại Việt Nam.  Ngoài  tượng của các vị Phật hay Bồ Tác, ta còn có những tượng và tranh vẻ  khá đặc biệt là: Tượng hai chú Điệu cỗng nhau bằng đá hoa trông như có sự tương thân, tương ái của tình huynh đệ trong chùa mà rất nhiều người thích; bức tranh vẻ Đức Phật đứng chế ngự con rắn mang ảnh hưởng của tư tưởng trong Kinh Thánh cũng được chưng bày nơi đây.  Như trên đã nói học thuật và nghệ thuật luôn luôn đi đôi, không ít thì nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Âu Tây cũng đã tô điểm thêm phần tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc và chạm trổ.  Bức tượng Đức Như Lai bằng thạch cao trong phòng khách của Phương trượng đã được trưng bày nơi gốc trái của gian phòng, nguyên là của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn đã nói lên điều này. Thay cho những đường cong dợn sóng là những nét vẻ theo lối những đường thẳng ngang, dọc mang tính kỷ hà học,  được trình bày trong bức tượng này, đó cũng là nét đặc thù của thế kỷ 20. Tôi còn nhớ lúc bà Ngô Đình Nhu mời điêu khắc gia nổi tiếng ở Đại Học Đường Sorbonne bên Pháp là bác Nguyễn văn Thế nguyên là  em người bạn thân của ba tôi, bác đã tạc bức tượng của hai bà Trưng đặt trước bến sông Saigon thì nét điêu khắc cũng mang tính kỷ hà mà ba cho là ảnh hưởng của Picasso. Tưởng cũng nên nhắc lại là cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn là người đã từng có các tác phẩm hiện được trưng bày tại  Viện Đại Học Monash, bảo tàng viện tại Canberra, một số tượng còn lại tại Việt Nam như tượng Phật đặt tại chùa Huệ nghiêm Saigon và tượng cụ Phan Bội Châu tại Huế.


Một nước láng giềng của chúng ta là Cao Miên hay cũng còn gọi là xứ Chùa Tháp lúc nào cũng luôn vai sát vai với chúng ta. Bằng chứng là mỗi năm đi lễ chùa hễ đến Hoa Nghiêm bước qua một bước thì ta tới chùa Miên. Phật giáo ở đây là phái Nam Tông và được xem là Quốc giáo, ta thấy các hình tượng mang nét Ấn Độ nhiều hơn Trung Quốc. Chiếc y vàng của  Đức Thích ca đã hoàn toàn thay đổi, cánh tay và vai hữu được bày ra.  Khuôn mặt đôi khi hơi vuông và mang nhiều nét Ấn Độ hơn. Tôi nghe thầy nói có bức tượng phải có tuổi gần ba trăm năm. Theo phái Nam Tông thì chỉ  tôn thờ có mỗi Đức Bổn Sư mà thôi, nên tượng tuy có nhiều nhưng nhằm chỉ những tư thế nằm ngồi của Đức Phật : tượng ép xác theo lối tu khổ hạnh chỉ còn lại bộ xương trên thân thể ngài; tượng  dưới cội bồ đề sau những ngày tháng chánh định tìm được lối giải thoát nổi khổ của con người; tượng ngồi dưới rắn hổ mang năm đầu; tượng Phật lúc chuyển pháp luân; tượng Phật nằm hay nhập niết bàn. Ngoài ra còn có chậu cây bồ đề và một tủ kính đựng những vật trang sức là những  tượng Phật nhỏ như mặt dây chuyền.


Qua khỏi xứ chùa Tháp thì ta được đến xứ chùa vàng Miến Điện. Đây cũng là một nước mà đạo Phật được xem là Quốc giáo và tông phái chính là Nam tông. Nơi đây có bức tranh vẻ bảo tháp chứa chín sợi tóc của Đức Phật. Ngoài ra còn có một số bức vẻ những sự tích Đức Phật hoặc được người cúng dường, hoặc thuyết pháp v.v.v.  Thầy còn chỉ cho thấy một mô hình trên là bánh xe chánh pháp, dưới là vườn Lộc Uyển, rồi thầy nói thường khi vẻ bánh xe chánh pháp mà kèm theo vườn Lộc Uyển là để chứng tỏ được nhờ có sự ra đời của Đức Thế Tôn  mà ngày nay ta có được chánh pháp.  Tưởng cũng nên biết là xứ này còn có ngôi chùa  vàng mà trong đó có 6,000 cái chuông bằng vàng đặt trên cái tháp, trên đỉnh tháp có viên kim cương rất to đường kính khoảng 3 cm, tất cả đều do phật tử cúng dường,


Tích Lan là phần đất cuối cùng của xứ Ấn Độ, nơi mà cơn sóng thần cuối năm 2004 đã càn quét một làng ở ven biển và không còn để một dấu tích nào cả. Có lần Hòa thượng đã cho chúng tôi biết xứ Tích Lan  này còn sót lại một số Phật tích rất đẹp và rất nổi tiếng,  mà thầy muốn là có một lần nào đó trong đời thầy sẽ cùng chúng tôi mở chuyến hành hương đến đó. Phật giáo Nam tông chiếm phần lớn trên đất nước này và chánh phủ tại đây là chính phủ theo Phật giáo.  Điểm đặc biệt trên những bức tượng là chiếc y vàng của Đức Phật luôn có những nếp ly được xếp sóng đôi trông rất gọn gàng và lịch sự, ngoài ra ta còn có hình những bảo tháp chứa ngọc Xá lợi của Đức Phật.


Thái Lan  là người bạn láng giềng nhưng hơi xa của ta, đây cũng là một xứ mà Phật giáo được gọi là Quốc giáo. Nam tông là tông phái chính tại đây, những bức tượng luôn được mạ vàng, điểm đặc biệt là ngoài nhục kế, trên đỉnh đầu của Đức Bổn Sư còn có chóp nhọn mà thầy gọi là đảnh Tam Muội. Thái Lan là một nước thích đồng phục cho nên những tín đồ trong hệ phái Dhammakaya mỗi khi họ làm lễ phải nói có đến hàng trăm ngàn người đến dự, vận đồng phục cùng lễ lạy trông rất đẹp mắt. Hòa Thượng của chúng ta có kết tình thân với các Sư tại Thái Lan, nên được quý Sư tặng cho viên xá lợi của Đức Bổn Sư. Lúc đó tôi và một số bạn thân có ra tận phi trường Sydney để rước  ngọc xá lợi.


Nói đến Tây tạng là ta phải nhắc đến Đức Đạt Lại Lạt Ma và những cờ phướng màu sắc sặc sở. Căn lều của quý thầy Tây Tạng với những bức tranh thêu đầy màu sắc. Đứng trước một bức tranh lớn nhứt rồi thầy chỉ cho thấy ông mặt đen chính giữa và nói trong đời dù ai giàu, dù ai nghèo, hay đẹp hay xấu đều cũng phải có một lần gặp ông nầy, vì đó là ông thần chết. Chung quanh ông thần chết là lũ đầu trâu, mặt ngựa cùng với những xiềng xích ràng buộc chúng ta, nơi đây chỉ có những vị Phật , Bồ Tác là thoát khỏi cảnh ràng buộc đó. Thầy có kể về chuyện con cá, con rùa ngụ ý về bản tánh chân như có trong chúng ta rất hay. Điểm nổi bậc của cuộc triễn lãm này là các thầy trong nhóm Sera Je Monks sẽ bỏ suốt một tuần lễ này để vẻ bản đồ Mạn Đà La hay các cảnh giới Phật. Vào ngày 04/03/07 bản vẻ bằng cát này sau khi hoàn tất sẽ được xóa đi và một phần cát được chia cho chúng tôi còn phần kia được rãi xuống sông Yarra để cầu mưa.


Đại Hàn là một quốc gia theo phái Đại thừa. Ta và Đại Hàn vốn có tình thân tộc. Tôi còn nhớ Tổng Thống Lý Thừa Giản của Đại Hàn cùng thời với Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã từng xác nhận mình là hậu duệ của các vua nhà Lý,  vì bị nhà Trần tiếm ngôi và tiêu diệt nên bỏ chạy qua đây. Căn lều của quốc gia Đại Hàn cũng có bức tranh rất lớn có thể nói là lớn nhứt ở đây. Trong đó có Diêm Dương cùng các Phán quan và những vị Phật. Thầy cũng lưu ý là các vị Phật,  ông nào ông nấy cũng đều được vẻ râu cả. Rồi thầy giải thích lý do vẻ râu là ý cho biết chỉ có người nam mới được làm Phật. Đọc Kinh Pháp Hoa đã thấy rồi, làm thân người nữ thì nhơ uế và không đủ 32 tướng tốt để đặng làm Phật cùng một số chức vị khác. Trong Kinh Thánh thì cũng bảo, người đàn bà mang tội tổ tông vì nghe lời quỷ quyệt của con rắn độc ác. Rồi những trận cuồng phong, những cơn bảo táp,  những thiên tai có trong trời đất đều mang tên những người đàn bà đẹp nhứt trong lịch sử Âu Tây không thôi.  Vậy có phải đàn bà chúng tôi là người mang nhiều tội lỗi chăng ?!?! Thôi về nhà ráng đọc kinh Pháp Hoa đi, để kiếp sau lỡ có trồi đầu lên chốn Ta bà này lại, thì xin được chuyễn làm thân người nam cho tròn một kiếp.


Mỗi người thấy cái hay của cuộc triển lãm trên một bình diện khác nhau. Riêng tôi, tôi thích nhứt là buổi kết thúc. Ngày hôm đó tôi đi trễ nên không được dự lễ xóa Mạn Đà La, nhưng cũng được tham dự lễ rải cát Mạn Đà La xuống sông Yarra và phần văn nghệ bỏ túi, phần rước đèn cùng phần chiếu phim. Nhìn những người bạn trẻ Rachel và Hiếu điều khiển chương trình. Rồi nhìn đám trẻ em từ nhiều sắc tộc khác nhau, hân hoan cùng cha mẹ xách chiếc lồng đèn chờ được thắp sáng, trên cao là những hình ảnh của các tượng Phật đẹp nổi tiếng trên thế giới.  Tôi đứng lên cầm chiếc mồi lửa đến từng em, rồi tôi mồi từng ngọn nến trong chiếc lồng đèn của các em: để tôi được thấy khuôn mặt hồn nhiên reo vui của các em; để tôi thấy được niềm tin trong ánh mắt các em. Tôi thấy rồi trong tôi và trong các em có cùng một niềm tin được thắp sáng .  Đó là niềm tin vào ánh sáng từ bi của đạo Phật nhiệm mầu. Bây giờ thì tôi rõ ra là tại sao thầy lại phải bỏ biết bao nhiêu thì giờ và công sức để gây dựng những buổi lễ như thế này. Ngoài mục đích chính là gây quỹ, mà thầy còn nói có những việc xẩy ra không nằm trong dự trù lại đem đến kết quả vô cùng mỹ mãn.  Vậy nó cũng có thể là sự gieo duyên của ngày hôm nay, để tạo một dải nối giữa những người trung niên như chúng tôi với những người bạn trẻ như Hiếu, như Rahel; để rồi có sự truyền thừa và liên tục đến với các em nhỏ ngày hôm nay và mãi mãi cho những ngày sau này.



Leave a Reply