Monday, January 9, 2012

TẤM LÒNG CỦA BIỂN

0 nhận xét

Tôi lấy tựa đề của bài viết này là tên của tuồng cải lương mà cô đào Thanh Nga đóng vai chánh. Tôi không phải là đứa say mê cải lương gì cho lắm, nhưng tôi thấy được cái lý của tác giả  Hà Triều, Hoa Phượng khi dùng “Tấm lòng của Biển” để chỉ cho sự nhẫn nhục và âm thầm hy  sinh của người mẹ đối với con mình. Tôi cũng xin mượn lời của Hòa Thượng Nhất Hạnh trong quyển “ Đường Xưa Mây Trắng” chương 67 mà thầy nói về biển,  để mình  được diễn đạt những cảm nghĩ về mẹ của mình. Biển là nơi dung nạp tất cả nước của các con sông như tấm lòng bao dung của mẹ sẳn dành cho con. Biển còn chứa đựng biết bao trân châu, ngọc báu nhưng đầy khiêm nhường, như kho tàng tình thương mẹ luôn dành cho con mà không phô trương hay đòi hỏi. Biển còn là nơi mà những sinh vật được sản sanh và được nuôi dưỡng trong chính môi trường của nó, nên biển cũng biết mơn man, vỗ về, ấp ủ trong lòng nó những sản vật này như một người mẹ sinh con ra, nuôi con lớn khôn, chăm sóc rồi bảo bọc cho con. Nước sông nào cũng chảy vào biển rồi cũng mang một vị mặn như tình yêu đậm đà của mẹ đối với con.


Bà ngoại tôi mượn ba tôi về làm gia sư cho cậu Bảy và má. Rồi một hôm bà cho vời nội tôi đến để câu tôm với bà. Nội tôi mừng rỡ vì ngoại là người giàu có nhứt vùng mà lại hạ thân mời nội là một góa phụ cô thế đến đánh bài. Sau ngày hôm đó ngoại tôi cho biết là bà muốn kết thông gia với nội. Ngoại thẳng thắng cho nội biết của hồi môn của má tôi là những gì. Ngoại là người khôn ngoan, buôn bán lớn lại tính toán rất hay nhưng thành thật, hôm ấy ngoại không ngần ngại mà bàn chuyện hôn nhân của ba má tôi với nội. Không phải má tôi xấu xí, hư đốn gì mà ngoại làm vậy nhưng vì tình thương ngoại đối với đứa con gái út bao la quá, nên ngoại dẹp tự ái để lo cho má tôi, một phần vì ngoại biết ba tôi học hành giỏi dang, phần khác là ngoại biết sức khỏe của mình  như ngọn đèn đến hồi tàn lụn. Ngoại sợ các anh lớn dành của và hành hà má nên ngoại lo sẵn mọi việc trước khi ngoại ra đi. Mỗi lần nhắc chuyện này má tôi khóc. Chúng tôi không biết má khóc vì nhớ thương ngoại hay vì thương thân mình. Nhiều khi mình tính một đường mà chuyện xẩy ra một nẻo. Tình thương ngoại tràn đầy như biển lớn  lo sợ cho đứa con gái út của mình phải khổ sở, nên ngoại phải tìm nơi định chốn cho cuộc đời của má tôi trước khi ngoại nhắm mắt lìa đời.


Năm má 18 tuổi ngoại ra đi, đến năm 21 má về làm dâu cho nhà nội, cho nguyên dòng họ của ba. Thôi thì chuyện làm dâu là việc mà muôn đời không bút mực nào tả cho xiết, kể cho hết những nỗi nhọc nhằn mà người phụ nữ Á Đông như má tôi phải chịu.


Bây giờ chắc nội,  ba, má cùng những người thân bên gia đình nội cũng đã biết được thế nào là oan gia là nghiệp báo. Tôi không muốn lật lại trang sử cuộc đời làm dâu của má vì những người này đã không còn trên cỏi đời ô trọc này nữa.


Má tôi chịu khó,  chịu khổ,  nhẫn nhục, nhường nhịn cả nguyên gia đình chồng. Hồi còn nhỏ khi thấy má khóc là chúng tôi cùng khóc theo má, nhưng khi lớn lên mỗi khi má khóc là cả đám chúng tôi đồng hát bài ca dao sửa lời như sau:



Lá mía cho đường cây mía ngọt,


Anh cho nàng tám đứa con anh.



Má cười khi nghe chúng tôi hát bài ca dao này. Ba tôi nghiêm khắc với má nhưng lại hết dạ thương con. Đám chúng tôi thấy má hầu ba cực khổ nên thề quyết không thèm lấy chồng ở vậy với má. Má chia đều tình thương cho chúng tôi, ai cũng có cảm giác là mình được má thương nhứt nhà.


Chị Hai hay nói: má thương tao nhứt vì tao là đứa con đầu lòng của má, là sản phẩm đầu tay, tao đẹp giống má.


Chị Ba tôi cải lại: bà nói sai rồi, em có miệng móm giống ngoại, em có nước da trắng của ngoại, nên má phải thương em nhứt nhà.


Chị Tư trầm tỉnh nói: em ít nói giống má, em khéo như má, em biết tằn tiện như má, em có khuôn mặt của ngoại, nên má thương em nhứt.


Ba bà chị thấy tôi ngồi im mà mặt méo sẹo, thì thương hại nên hỏi: Kim, nhà ngươi có đặc điểm gì để má thương, nói thử xem.


Tôi  nhìn mấy bà chị thì thấy đúng, quả thật chị Hai tôi có nét yêu kiều diễm lệ với dáng dấp của một vương phi, ba tôi thường nói nửa đùa nửa thật là chỉ gả chị cho hoàng tử Bảo Long mà thôi. Còn chị Ba tôi thì miệng hơi móm mà là loại móm duyên chị chụp hình rất ăn ảnh, tiệm chụp hình Đông Nam Á trên đường Thuận Kiều trước cửa bệnh  viện Chợ Rẫy đã phóng tấm hình của chị to nhứt, để chính giữa mọi người qua lại đều khen. Riêng chị Tư thì ngoài nước da trắng hồng cặp mắt lá răm trông ra cũng rất đẹp và chị  lại  là người khéo léo nhứt nhà. Nhìn đi nhìn lại tôi thấy mình không bằng ai hết, người thì ốm nhom, ốm nhách như con còng gió, mặt thì đen thui, đen thủi lấm tấm mụn của tuổi dậy thì.


Tôi cũng lấy hết can đảm cố hạ giọng đáp: còn em, em có khuôn mặt thon dài của má, đôi mắt sáng của ba, em nói nhiều giống ba, nên em nghĩ má thương em nhiều nhứt.


Ba bà chị cùng xì một cái: ngươi nói gì, ngươi giống ba mà má thương nhiều nhứt à.


Tôi gân cổ cải lại: chứ gì nữa, người ta cũng thương cái gì mà người ta không có, vã lại mấy chị đã ca bài:  Lá mía cho đường cây mía ngọt, Anh cho nàng tám đứa con anh đó sao.  Mà nếu má không thương ba thì nhận làm gì tới tám đứa con cho khổ ?


Chị Hai tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: Ừ tao thấy nó nói cũng có lý.


Má ngồi tủm tỉm cười khi nghe mấy chị em tôi dành nhau tình thương của má, rồi má nói: Đứa nào má cũng thương hết  nhưng má lo cho con Kim nhiều hơn vì nó yếu đuối nhứt nhà.


Ai cũng biết là tại sao má lo cho tôi, ba cho má tám đứa con mà má chỉ giữ được bảy đứa, má có anh Năm trước rồi đến  tôi nhưng chẳng may trong lúc ba đi kháng chiến chống Pháp ở miền xa,  má không kham nổi sự nhọc nhằn nên không giữ anh lại được. Điều này làm cho cả gia đình chồng đay nghiến và ba không vui. Khi lên chín tuổi, tôi đau một trận nhừ tử tương chao nằm viện hơn hai tháng trời,  má phải ở cùng trong viện để lo cho tôi, từ đó tới sau má cưng tôi hơn vì sợ mất tôi như má đã mất anh Năm. Vậy là tình thương của má bao la như biển cả và má là kho tàng châu báu của chị em tôi. Má đã sinh chúng tôi ra rồi nuôi dưỡng, rồi bảo bọc chúng tôi. Nếu biển đã trân quý những sản vật có trong lòng biển như thế nào thì má cũng trân quý chúng tôi như thế ấy.


Nhỏ Hà là con bạn học cùng lớp với tôi, mẹ nó mất sớm nên nó cũng thương má tôi lắm. Năm tôi học lớp Đệ Nhứt, nó chạy lại nhà tôi nói cho má biết là con Cẩm Hồng bạn thân của nó bị bệnh nặng và phải tạm thời nghỉ học để trị bệnh, nó buồn lắm vì ngoài tôi thì Cẩm Hồng là đứa mà nó có thể tâm sự được thì lại xa nó. Còn tôi thì khi lên năm Đệ Tam vì chia lớp nên cũng không được gần nó. Má khuyên nó đừng buồn cứ đến nhà chơi với tôi. Năm sau tôi ra trường thì Hà ở lại lớp, rồi học cùng Cẩm Hồng, sau đó thì tôi cũng không có dịp gặp lại Cẩm Hồng. Hà, Quỳnh Mai và tôi là những đứa to tiếng rộng họng nên thường được đọc lại những bài văn hay,  lập lại những bài chính tả trong lớp.  Sau này Hà làm cho Bộ Canh Nông và được chọn  làm xướng ngôn viên cho đài truyền hình Việt Nam trong chương trình Người Cày có Ruộng.


Mãi đến sau năm 1975, Hà chạy đến bảo tôi: mày xách xe đạp đi với tao lại nhà con  Cẩm Hồng có chuyện này hay lắm, tao cho mày biết sau.


Vậy là tôi và Hà lon con đạp chiếc xe đạp vừa đi Hà vừa kể chuyện về Cẩm Hồng cho tôi nghe.


Hà nói: Mầy còn nhớ năm Đệ Nhứt, Cẩm Hồng nói nó bệnh, rồi má nó xin phép nhà trường cho nó nghỉ một năm không? Sự thật thì nó lỡ dại thương ông thầy dạy kèm của nó mà có bầu. Má nó là Trình dược viên của hảng thuốc tây Roussel nên xin được cái giấy của ông bác sĩ quen để nhà trường cho nghỉ bệnh một năm, rồi đưa thẳng nó lên Đà Lạt mướn nhà mà ở. Mầy cũng biết rồi, má nó góa bụa nhưng rất giỏi. Bà độn bụng đi làm, để tránh tiếng cho con  Hồng. Bà nghĩ chẳng thà bà mang tiếng chửa hoang  còn hơn để Hồng bị người ta khinh bỉ. Sau khi  Cẩm Hồng sanh nở,  một tay bà lo giấy tờ nhìn nhận thằng con nó làm con ruột mà Hồng thì làm chị của con mình.  Bây giờ cách mạng vô, đổi đời rồi Hồng muốn nhận lại con mình, lên Phường khóm thì người ta bảo cần hai người chứng, tao là một, mày là hai. Thôi hai đứa mình lên Phường chứng minh dùm nó.


Tôi đến nhà má Hồng nằm trong ngỏ hẻm ngoằn ngoèo của vùng Tân Định.  Má Hồng chắc nhỏ hơn má tôi chừng năm bảy tuổi gì đó, người lịch duyệt, đon đả mời chúng tôi vào. Từ bếp đi lên một người con gái tuổi độ ba mươi ngoài, thoáng nhìn cũng phải gọi là giai nhân tuyệt sắc. Chị ngồi xuống chiếc bàn ăn cạnh tôi. Má Hồng giới thiệu là chị Hoàng Yến là chị hai của Hồng. Chị đến tủ lấy ra tập hình rồi trao cho tôi, đôi tay chị rồi cái miệng chị bỗng nhiên méo méo giựt giựt, thỉnh thoảng chị lại niểng niểng cái đầu, nét giai nhân thoáng hiện  đã biến mất và giờ thì nhường lại cho một người bệnh tật. Cứ khoảng năm phút thì lại thay đổi trạng thái người chị như vậy. Phải nói là Hà cũng đẹp vì nó một thời đã là xướng ngôn viên của đài truyền hình nhưng nếu chị Yến không bị những sự tàn phế đó thì chị đẹp hơn Hà nhiều. Tôi lần dỡ từng trang hình quả nhiên là một giai nhân thiên kiều bá mị. Chị Hai tôi cũng đẹp nhưng chưa bằng chị Yến này.


Hà nói:  hoa khôi Marie Curie đó mày. Chị là Tiếp Viên Hàng Không quốc tế chuyên đi tuyến đường bay ngoại quốc,  tiếng Anh, tiếng Pháp như gió.


Má Hồng tiếp: ngày xưa bao nhiêu người cầu cạnh, giờ thì ai mà thèm nữa. Rồi bà thở dài.


Sau khi thực hiện xong phần thủ tục làm nhân chứng, Hà và tôi lại lộc cộc đạp xe về. Trên đường thì lần này Hà kể tôi nghe chuyện chị Yến.


Chị Yến tài giỏi, đẹp kiêu sa mà tính tình cũng kiêu kỳ nữa, bao nhiêu người say mê. Dân trường Y mê chị như điếu đổ, chị làm cho bao trái tim rơi rụng và nhiều anh bỏ học đi lính vì chị. Chị đòi hỏi tình yêu tuyệt đối, người yêu phải tôn vinh chị như một nữ thần. Có một anh con nhà giàu học giỏi đẹp trai phải lòng chị, đến cầu cạnh chị, anh lại sắp sửa đi Nhựt để học lấy bằng kỷ sư. Má Hồng cũng thích lắm vì dễ gì mà tìm được người với đầy đủ điều kiện như thế. Chị Yến cũng yêu anh nhưng chị lại ra điều kiện chị là trên hết, nếu anh yêu chị thì anh phải ở lại Việt nam cùng chị mà không được đi đâu cả. Anh giải thích là vì tương lai của hai người anh phải đi, anh xin được đính hôn trước khi anh lên đường vì anh sợ mất chị. Chị dứt khoát là việc đính hôn chỉ xẩy ra khi nào anh bỏ ý định du học. Anh lên đường sang Nhựt với bao nhiêu lá thư gởi về chị vẫn không đổi ý. Hai năm sau anh trở về hỏi dứt khoát, chị vẫn khăng khăng giữ ý. Anh đoạn tuyệt về cưới người vợ khác đem qua Nhựt. Chị đau khổ, điên cuồng, có lần định tự tử. Má Hồng phải lo thuốc thang, biến ứng của thuốc làm chị trở thành  người tàn phế, nói lắp bắp không ra lời nên không làm được việc gì nữa.


Hà nói thêm: Má Hồng khổ lắm nhưng bà không dám than, mà than với ai đây? Con Hồng mấy bửa rày cũng say mê lý tưởng cách mạng lắm, con thì đòi lại nhưng đâu chịu bỏ ra một giờ nào để gần nó đâu. Tao không biết phải nói làm sao?


Tôi kể má nghe câu chuyện của má Hồng thì được má bảo:  đức hi sinh là nét đẹp muôn đời của người phụ nữ Á Đông mà không bao giờ phai nhạt.  Ngày nào đó con có con rồi thì con sẽ thấy, đôi khi mình sẽ làm hết mọi điều bất chấp cả miệng tiếng thế gian để  mong đổi lấy một chút hạnh phúc cho con mình. Má Hồng có đức hi sinh của một vị Bồ Tát. Bà đã biết bảo vệ lấy tính mạng và quyền sống Hồng cùng đứa con của nó, chứ như nghề nghiệp của bà thì bà dư sức diệt đi cái mầm sống kia mà không cần phải ngụy tạo những chuyện như vậy.


Rồi má nói luôn là chị Yến không yêu anh ấy mà chị yêu chị nhiều quá, chứ khi yêu là người ta phải hi sinh cho nhau, san sẽ những vui buồn và phải biết tha thứ cho nhau nữa. Sắc đẹp nào rồi cũng tàn phai chỉ có lòng chân thật, chịu khó và sự quan tâm chăm sóc của mình đối với người mình thương là tồn tại. Việc nào rồi cũng có nhân và quả của nó cả. Chị Yến đã trả một cái giá quá đắc cho việc chị làm vì không phải chỉ riêng anh bạn của chị mà còn cho tất cả những người con trai trước đó. Luật nhân quả không chừa bất cứ một ai.


Lúc nghe má so sánh mẹ Hồng như vị Bồ Tát, tôi mơ hồ như lời nói má hơi quá đáng nhưng tôi không dám cải lại. Mãi đến về sau khi cả hai thầy Phước Tấn và Phước Thái kể về câu chuyện Đức Bồ Tát Quán Âm có tại nhà thì tôi mới sáng lên được ý so sánh của má trong mấy mươi năm về trước.


Nước muôn sông đổ ra biển nhưng biển không bao giờ tràn. Lòng hi sinh, sự chịu đựng của má Hồng là do tình yêu vô bờ bến của mẹ đối với con như biển kia nhận nước nguồn do sông đổ ra mà không bao giờ chán. Chấp nhận hết tất cả những nhọc nhằn đau khổ vì con mà không hề than van, oán hận.


Mấy bà chị tôi cười phì khi nghe Hà đòi cho thằng Hùng đứa con thứ nhì của nó làm con nuôi của tôi mà chỉ là trên danh nghĩa thôi.


Chị Ba tôi nói: thân nó còn lo chưa xong mà đòi lo con người ta.


Vậy mà má nghiêm mặt nói:  “Kim nó phải là người thế nào thì Hà mới giao con cho nó , dù chỉ trên danh nghĩa mà thôi. Không ai dễ gì giao núm ruột mình cho người khác cho dù chỉ là một lời nói.” Như vậy thì cũng thấy má thương chúng tôi tới bực nào.


Anh Quang chồng Hà  đi học tập, có người anh họ bấm tử vi cho thằng Hùng thì nói  nó khó nuôi, chỉ có người cao tay mới mong giữ được nó. Không hiểu Hà nhìn ra tôi cao tay ở chỗ nào mà cứ  nằng nặc đòi giao con cho tôi. Tôi nhận lời vì má cho là một vinh dự hiếm có. Chúng tôi vẫn tiếp tục liên lạc và tôi có người con nuôi thật là dễ thương và thông minh. Hà nói nó lanh giống tôi, khốn khổ tôi đâu có dính líu gì đâu mà nó giống tôi.


Một hôm ngồi chơi, thằng Quân em út của Hà tất tả chạy đến báo: Chị Kim, thằng Hùng té lầu chết rồi. Chị Hà em đòi tự tử, chị làm ơn tới dùm. Tôi phóng Honda tới thì thấy Hà đang vật vã người khóc lóc đòi chết theo con.  Chúng tôi đưa Hà tới bệnh viện Chợ Rẩy để nhận xác Hùng về chôn cất. Thúy Liễu nha sĩ tại bệnh viện, cũng là một đứa bạn thân trong nhóm chúng tôi lo việc này, Thúy Liễu báo cho biết chiếu quang tuyến thì thấy là đầu nó nát như cái vỏ hột gà bị đập dập. Hà khóc cả tuần lễ, kể lể phải chi anh Quang đừng bị đi học tập, phải chi Hà ở nhà ngày hôm đó thì mọi việc đâu có xẩy ra như vầy.


Ba năm trước đó, khi tôi về Trường Mạc Đỉnh Chi tại chợ Phú lâm, dưới dốc cầu Ông Buông, tôi được cử làm chủ nhiệm cho lớp 10 C. Thằng Thanh Phong làm trưởng lớp, thằng Nhựt Tảo làm trưởng ban lao động. Thanh Phong, Nhựt Tảo và Kiệt là ba đứa gia đình liệt sĩ của lớp tôi. Thanh Phong vận động dữ dội để kỳ họp mặt phụ huynh lớp được sĩ số cao. Ba má chúng tâm sự với tôi là để bảng hiệu gia đình liệt sĩ cho yên chuyện. Nhưng mà nào ngờ chiến trường Kampuchia trở nên sôi động, nhà nước tuyển thêm lính đi vào Bộ đội. Ba Thanh Phong khôn ngoan vận động cho nó làm bảo vệ tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương nên nó khỏi đi nghĩa vụ. Nhựt Tảo thì mẹ nó lo dấu nó để trốn nhghĩa vụ. Duy chỉ có chị Hiền má thằng Kiệt là thật thà nên chị cho nó đi. Trường có khoảng mười đứa bị ra đi như vậy, nên tổ chức buổi tiễn đưa, nào kèn nào trống, nào diễn văn rồi diễn từ, đọc túa bụa. Ngày thường thì thằng Kiệt hơi chậm và hơi lười nhưng hôm đó nó trông tự tin và lanh lẹ ra.


Thế rồi một buổi chiều thằng Phong đến trường báo cho tôi hay là thằng Kiệt tử trận, cả tháng nay lận mà bây giờ má nó mới được tin. Má nó sẽ đến thăm mộ con trong tuần này.


Tuần kế tiếp chị Hiền sẽ đến thăm tôi và cả lớp kể về chuyện đi thăm mộ con.


Chị nói qua tiếng khóc: cô ơi, căn cứ nó rút lui về sát biên giới, tưởng đâu yên, mấy anh em nó xúm nhau đánh bài vì ngày mai thì sẽ trở về Saigon nghỉ phép. Vậy mà đùng một cái tụi Pôn Pốt nó pháo kích qua. Trái đầu rơi ngoài cửa sổ, mấy đứa kia nhanh chân chạy vọt ra ngoài được, thằng Kiệt hơi chậm, trái thứ hai nổ bùm nó chết. Hôm thứ Sáu tuần rồi tôi nấu mâm cơm với mấy món mà nó thích, rồi nhang đèn, rồi bánh trái, hoa quả đem lên. Cô biết không, đi cực khổ lắm, hai ba chặng xe, rồi lội bộ một quãng đường  xa trời nóng cháy da. Tôi tới nơi được người giữ nghĩa trang nhìn bản đồ rồi cho biết mộ nó nằm hướng Bắc, hàng dọc rồi hàng ngang gì đó, có số mà không có tên. Cô biết không tôi đương cúng vái thì ông gát cỗng khều vai tôi rồi bảo: “Sai rồi không phải hướng Bắc mà là hướng Tây, mà cũng không phải là số này nữa.” Tôi lục cục thâu hồi đồ ăn thức uống đi theo ổng, tôi đương khóc mùi cũng phải bật cười. Vậy là tự nãy giờ tôi cúng cho ai đâu chớ đâu phải cho thằng Kiệt, con tôi.


Tôi thấy chị Hiền cười mà những giọt nước mắt còn đọng trên má.  Tôi đưa chị Hiền ra cổng.  Chị nói nhỏ với tôi: chết toàn là 17, 18 tuổi không hà cô ơi.


Có bao nhiêu bà mẹ đã khóc con như chị Hiền? Tôi không biết mình phải trả lời như thế nào cho câu hỏi này.


Nước biển chỉ thuần một vị mặn mà thôi, vậy có phải đó là vị những giọt nước mắt của các bà mẹ đã khóc con, như má khóc cho anh Năm, Hà khóc cho thằng Hùng, chị Hiền khóc cho thằng Kiệt, rồi còn ai và còn ai nữa trên cõi đời này mà các bà mẹ đã khóc cho.


Để thay cho đoạn kết bài này tôi xin mượn lời của Đức Phật nói với bà mẹ mất con trong câu chuyện Những Hạt Cải Mù Tạt  “ The Parable of the Mustard Seeds” là  “Sự chết là một định luật tự nhiên của trời đất mà không ai tránh khỏi.”  . Đây là một chuyện giản dị  trong tập truyện cổ Phật giáo nhưng hàm chứa một triết lý sâu xa của cuộc sống.


Thương tặng chị Hai còn ở Việt Nam,
chị Ba phiêu diêu ở chốn phương trời nào đó,
chị Tư và các em Danh, Vân,
Thủy ở Sydney để tưởng nhớ những ngày còn sống bên má.



Leave a Reply