Sunday, January 8, 2012

Ra Mắt Thi Phẩm Lệ Hoàng và CD Của Lý Thừa Nghiệp

0 nhận xét

Ngày chủ nhật 25 tháng 3 năm 2007, vào lúc 2 giờ chiều tại hội trường chùa Quang Minh Melbourne, có buổi văn nghệ ra mắt và phát hành thi phẩm Mẹ, Quê hương, nỗi nhớ của nhà thơ Lệ Hoàng và CD ca nhạc Hương Cỏ Hương trời của nhà thơ Lý Thừa Nghiệp (Lý Thừa Nghiệp). Buổi lễ ra mắt, dưới sự chúng minh của Ðại Ðức Thích Phước Tấn và Ðại Ðức Thích Phước Thái. Số khán thính giả đồng hương Phật tử đến tham dự khoảng hơn 400 người. Thơ của Lệ Hoàng do hai nhạc sĩ: Nguyễn Nhật Tân và Ngọc Quân phổ nhạc. Trong khi đó, thơ của Lý Thừa Nghiệp được phổ nhạc do các nhạc sĩ: Nguyên Thông –Văn Giảng, Ngô Văn Dẫn, N. Thức, Cẩm Văn, La Tuấn Dzũng, Mai Phạm, Ngọc Quân, Nguyễn Đại và Kim Vũ.





Xướng ngôn viên điều khiển chương trình là anh Phan Bách (phu quân của thi sĩ Lệ Hoàng) từ Sydney xuống và cô Nghiêm Lệ là người ở Melbourne.


Thông thường những chương trình sinh hoạt văn học nghệ thuật mang tính văn hóa Phật giáo đều đưọc Thầy trụ trì Thích Phước Tấn thường xuyên khích lệ và giúp đỡ. Lần ra mắt sinh hoạt kỳ nầy, được quý đồng hương Phật tử tham gia hưởng ứng đến xem và ủng hộ chật cả hội trường. Trước khi chương trình văn nghệ bắt đầu, Thầy trụ trì Thích Phước Tấn có vài lời tuyên bố khai mạc.


Mở đầu chương trình văn nghệ, Xuân Hùng và Quang Hải cùng Sương Mai Band đồng hợp ca nhạc phẩm Hái Mùa Xuân. Nhạc phẩm nầy, thơ của Lý Thừa Nghiệp và do nhạc sĩ Nguyên Thông-Văn Giảng phổ nhạc. Tiếp theo, Xuân Hùng đơn ca bài Lại một mùa xuân, thơ của Lệ Hoàng và nhạc của Nguyễn Nhật Tân. Tiếp nối chương trình là hai em thiếu nữ duyên dáng xinh đẹp: Thanh Trúc và Lynda song ca bài Ca Dao về Mẹ, thơ Lý Thừa Nghiệp và nhạc của La tấn Dzũng. Rồi đến Diệu Thanh ngâm bài thơ của Lệ Hoàng “Nén tâm hương” với tiếng sáo véo von tuyệt vời của anh Nguyễn Minh . Sau đó nhà thơ Lệ Hoàng được mời lên sân khấu để tâm tình cùng mọi người. Lệ Hoàng trong chiếc áo dài tha thướt giọng nói truyền cảm:


“Thật là một niềm xúc động lớn lao, khi Lệ Hoàng hôm nay được đứng đây hầu chuyện với tất cả quý vị trong buổi chiều ấm áp và thân tình nầy. Xin cho tôi được trân trọng chào đón tất cả quý vị với tấm lòng thân yêu. Sởĩ tập thơ Mẹ, Quê hương và Nỗi nhớ được hình thành, là bởi vì tôi cũng như mọi người đều có Mẹ, có Quê hương và khi xa vắng, mất mát, thì những nỗi nhớ niềm đau mãi hiện về trong tâm trí. Làm sao tôi có thể quên được Mẹ tôi với hình ảnh cái áo túi trắng và cái khăn mỏng vắt vai và chai dầu Nhị thiên đường lúc nào cũng trong túi áo Mẹ. Hình ảnh Mẹ tôi, tuy đơn sơ, nhưng bất cứ kỳ quan nào trên thế giới cũng không thể nào sánh nổi.


Tôi lớn lên gắn liền với quê hương, tôi nhớ về quê hương với những cánh đồng thẳng tấp. Con sông Cửu Long trước nhà tôi với hai buổi nước lớn ròng chở nặng phù sa tưới tẩm ruộng vườn. Tôi yêu quê hương, vì nơi đó có ông bà, chú bác, cô dì và nhứt là với những con đường mòn, những lũy tre xanh với những hàng cây xanh lá…Tuy người dân quê mộc mạc, tay lấm chân bùn nhưng họ luôn thể hiện trong nếp sống hiền hòa với tình thương yêu thân thiết chòm xóm, láng giềng.


Quê tôi người ta trọng đạo làm người, an bần thủ đạo, đối đãi nhau bằng tình nghĩa, nhân hậu. Quê hương tôi là tất cả ông bà, cha mẹ . . . là nhành lúa, vườn trầu, là con trâu, cây trái, chiếc thuyền nhỏ trên giòng sông. Nay xa xôi cách trở nỗi nhớ lại theo từng mùa xuân mà ngậm ngùi thương cảm.


Tìm chăng lưu lạc cội Mai già,


Đã mấy mùa trăng mấy nẽo qua


Sống đẩy thuyền đau nhìn biển cả


Ngậm ngùi đất tổ, khóc quê cha.


Cho tôi được cảm ơn đến tất cả quý vị. Xin cho tôi được lưu giữ tình cảm nầy mãi mãi trong trái tim và cuộc đời còn lại của tôi . . .”


Sau đó sân khấu kéo màn và chuẩn bị cho một màn hợp ca độc đáo của Cực Lạc Liên Hữu Liên Xã Quang Minh đạo tràng. Tâm Hải ngồi gỏ mõ trong khi những liên viên khác cất vang lên cao giọng với một điệu hát đặc biệt: “Tôi nghe như vầy một thuở nọ . . . ” làm khán giả rất ngạc nhiên, thích thú theo dõi. Rồi cô Cẩm Vân với giọng ca điêu luyện vừa là một nhạc sĩ tài ba, với ngón tay thần kỳ móc lên những tiếng đàn Tây Ban Cầm classic tuyệt diệu, cô vừa ca bản nhạc do cô sáng tác theo lời thơ Lý Thừa Nghiệp Chiều Mưa và Như Giọt Lệ đầy. Kế tiếp vẫn nhạc cô Cẩm Vân do Trúc Ly ca bài Mấy Hàng Nghiêng, thơ anh Lý Thừa Nghiệp.


Nhà thơ Lý Thừa Nghiệp được mời lên sân khấu phát biểu. Anh cảm tạ thầy Phước Tấn đã giúp đỡ và những người bảo trợ chương trình văn nghệ ra mắt nầy.


Diệu Thanh trở lại sân khấu với hai bản nhạc Như Mây và Hừng Đông của N.Thức và La Tuấn Dũng phổ nhạc từ thơ Lý Thừa Nghiệp. Đặc biệt kỳ nầy có ba thiếu nữ trẻ là Ngân Hà, Xuân Thi, Viết Hồng từ Trung Tâm Dòng Sông Xanh hợp tấu đàn tranh với hai bản Lý Tình Tang và Lý cây xanh với sự tán thuởng nồng nhiệt của khán giả. Chương trình rất dài và hấp dẫn như Thanh Khâm đơn ca Tình Cha nhạc Ngọc Sơn. MC Nghiêm Lệ đơn ca bài Cát bụi, Quang Hải đơn ca bài Biển Nhớ do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác. Ngọc Mai đơn ca bài Suy tưởng, thơ của Lệ Hoàng do Nguyễn Nhật Tân phổ nhạc. Đôi song ca Túy Hồng, Xuân Hùng trình bày bản Đang Xuân, nhạc của La Tuấn Dũng phổ theo thơ của Lý Thừa Nghiệp. Giọng ca trầm ấm lôi cuốn và gây xúc cảm khán giả của nhạc kiêm ca sĩ Ngọc Quân với bài Tình Nhân, thơ Lệ Hoàng do anh sáng tác. Thanh Trúc đơn ca Ngàn năm gió hát nhạc N Thức, Xuân Hùng ca bài Hương hoa, hương cỏ hưong trời, nhạc Minh Duy, cả hai bài ca nầy đều là lời thơ Lý Thừa Nghiệp.


Những bài thơ sâu lắng của nhà thơ Lý Thừa Nghiệp được các nhạc sĩ tài danh khởi hứng dệt thành nhạc rất hay. Trong cõi bụi hồng của hương hoa, hương cỏ và hương trời có ánh dương soi sáng, có tiếng chim hót líu lo, có trăm hoa đua nở và có cõi lòng của con người với tình thương thổn thức về thân phận của kiếp người và muôn loài. Trong thế giới muôn màu muôn vẽđó, loài hoa thì khoe sắc thắm với mùi hương đa dạng, hương cỏ xanh thì xanh tận chân trời thật nên thơ và dịu mát. Trong khi đó bầu trời bao la nối liền màu xanh của hoa và cỏ tạo ra bức tranh thiên nhiên cẩm lệ tuyệt vời. Sống hòa mình với thiên nhiên như thế, dù thăng trầm vinh nhục phong sương mấy độ nổi chìm bao phen, con người vẫn nở nụ cười an nhiên trong hạnh phúc. Bao phiền lụy của cõi đời ô trược chỉ còn là một thoáng quá khứ có mặt lúc đầu như một tâm lý thoáng quên, nhưng sau đó là sự chuyển hóa tận gốc rễ của khổđau và bất hạnh. Lắng đọng tâm tư ngắm bầu trời trong xanh núi non gấm vóc, sông nước phù sa dưới ánh nắng long lanh, cơn gió thoảng với đàn chim bay không in dấu và cả thế giới hiện hữu như chúng đang ở, là để cảm nhận được hương hoa, hương cỏ và hương trời trong mỗi phút giây mầu nhiệm của sự sống


Trên đường về tiếng nói cười vui vẻ của các anh chị văn, thơ và nghệ sĩ trong buổi ăn chiều bún chay Phan Thiết vẫn còn trong tâm trí tôi. Tôi thầm nghĩ đến quý anh chịấy dù trong cuộc sống bận rộn vẫn dành công sức để gieo trồng vun bón cho vườn hoa văn học nghệ thuật ở hải ngoại thêm tươi đẹp. Quý anh chị nầy đã cống hiến công sức mình cho tư tưởng Phật giáo được lan rộng. Tôi thật cảm phục tài năng và lý tưởng của các anh chị. Mong sao những chương trình mang tính cách văn học nghệ thuật lành mạnh nầy sẽ tiếp nối và phát huy mãi mãi nơi xứ sởđa văn hóa nầy.

Leave a Reply