Friday, January 6, 2012

QUÊN MÌNH

0 nhận xét

Lời thật mất lòng’ là câu nói nghe rất quen thuộc và nó đã trở thành một câu ngụ ngôn trong dân gian Việt Nam từ ngàn xưa. Câu ngụ ngôn nầy thật ra nó còn có thêm một cụm từ đối đầu để thành đầy đủ hơn, đó là: ‘thuốc đắng đả tật, lời thật mất lòng’. Cái “đắng” ở đây tượng trưng cho một thứ hương vị mà cái miệng con người thường không thích, mặc dù trên thực tế chúng ta cũng dùng những loại thức ăn có vị đắng như trái khổ qua hay rau đắng chẳng hạn. Về phương diện y học, nhất là y học cổ truyền, một số loại thực vật có vị đắng được dùng để trị một vài chứng bệnh thông thường từ thời xa xưa khi khoa học còn phôi thai, thuốc men khan hiếm.

Trong sinh hoạt đời sống hằng ngày, có khi “nói thật” làm mất lòng người khác, cho nên người ta mượn cái tính chất khắc nghiệt của vị đắng so sánh với “lời thật” để tạo thành câu ngụ ngôn chua chát như trên. Câu ngụ ngôn nầy có một giá trị triết lý thâm sâu, được coi như là một sự cảnh giác hay một sự nhắc nhở để khỏi làm mất lòng người khác khi phải nói những điều thật. Là người Phật Tử chắc ai cũng biết nói dối là một trong năm giới cấm nghiêm trọng mà chúng ta không bao giờ muốn vi phạm. Tuy nhiên, “nói thật” thì lại sợ “mất lòng” người khác, vậy thì ta phải làm sao đây!

Tuỳ theo hoàn cảnh và mục đích mà người ta chọn nói thật hay nói dối. Có khi nói dối mà đem lại lợi ích cho người khác thì cũng nên! Tuy nhiên, trong mọi trường hợp bình thường, là người Phật tử chắc không ai muốn nói dối cả. Chúng ta vẫn biết rằng lời nói dịu ngọt, dễ nghe bao giờ cũng dễ làm hài lòng người khác. Tuy nhiên có nhiều trường hợp lời nói dịu ngọt mà mang ý trái ngược quan điểm người khác thì cũng chưa chắc sẽ làm họ vui lòng, bởi vì người đời thường thích người ta chấp nhận hay chiều theo ý kiến của mình; trái lại, người nêu ra ý kiến trái ngược quan điểm với họ thì họ không ưa!

Hiện tượng bất đồng quan điểm cá nhân là một trong những nguyên do đưa đến tình trạng “mất lòng” qua lời nói. Người nầy nói lên ý kiến không hợp với ý kiến của người kia thì có chuyện “mất lòng” xảy ra.. Nguyên do thâm sâu có chuyện nầy là vì thông thường ai cũng muốn bảo vệ cái ý kiến của mình, và tự cho ý kiến của mình là hay, là số 1, nên nếu có ai nêu lên ý kiến trái với ý kiến của mình thì mình có cảm tưởng như bị tấn công hay bị tước đoạt một cái gì to lớn hay quan trọng lắm của mình! Vấn đề là tại sao người khác phải đồng quan điểm với mình mà mình lại không thể nào chấp nhận quan điểm của người khác – có khi là quan điểm của đa số? Trong xã hội loài người, có nhiều trường hợp người ta không giải quyết được các dị biệt về quan điểm nên mới đặt ra những nguyên tắc ‘dân chủ’ để làm mẫu mực giải quyết theo ý kiến đa số. Tuy nhiên, nếu mọi người đều tôn trọng nguyên tắc dân chủ bằng cái tâm chân thật của mình thì tình trạng ‘chiến tranh lạnh’ do hậu quả của sự bất đồng quan điểm đã không xảy ra! Đây là tình trạng đáng buồn về sự mù quáng của con người, bởi vì người ta cố chấp và bảo vệ những thứ mà thực ra không phải của mình! Xét cho cùng thì ở trên đời nầy có cái gì là của ta đâu! Lời nói, ý kiến càng không phải của ta mà tất cả là của người khác! - Chắc bạn không đồng ý điều nầy ư!

Xin bạn hãy bình tâm nghĩ lại từ khi mới mở mắt chào đời! Bạn đâu có biết nói một lời nào ngoài tiếng khóc ‘ngoa, ngoa’! Bạn cũng không hề có một ý kiến nào! Trong đầu bạn hoàn toàn trống rổng! Bạn chẳng khác nào là một ‘vật thể’ vô tư có linh hồn, chỉ biết thở và biết khóc khi bắt đầu cuộc sống mới! Thế mà đến khi lớn lên, bạn dần dần học lóm từ người nầy đến người khác qua lời nói, việc làm hay qua sách vở, báo chí. Khi thấy cái nào hay thì bạn âm thầm ‘chôm’ nó về làm của riêng! Để rồi từ đó hễ khi có cơ hội thì bạn dùng nó, bạn phát biểu, như là ý kiến riêng của mình - những ý kiến hoàn toàn vay mượn của người khác! Thế mà hễ ai bác bỏ hay không chấp nhận nó thì bạn tức giận và bắt đầu có thành kiến với họ! Tệ hơn nữa, kể từ khi có một lần biết được một người có quan điểm khác với mình thì những lần khác lý trí bạn không thèm ‘làm việc’ nữa; bạn không trở về với cái tâm chân thật của mình để suy xét khách quan tường tận. Con bệnh “thành kiến” đã làm cho lý trí suy nhược để nhường chỗ cho ‘sân si’, chấp ngã! Ở đâu mà có các ‘chú’sân si xâm lấn thì hiện tượng ‘ganh ghét’ xuất hiện. Một khi lý trí không còn hiệu quả nữa thì người ta có thể ganh ghét nhau vì nhiều lý do không tiết lộ, nhưng chung qui là hễ thấy người khác hơn mình về một khía cạnh nào đó thì mình không ưa họ. Không cần biết hiện tại mình là ai, mình có ưu điểm gì, một khi đã có thành kiến với người nào rồi thì bất cứ cái gì họ hơn mình thì mình cũng ghét cay ghét đắng! Từ cái tâm trạng ganh ghét vu vơ khiến cho người ta đâm ra tự ty mặc cảm, tức là có cái cảm giác thua kém người khác, khiến cho tâm hồn ít khi khi nào được thảnh thơi, nét mặt sa sầm, nụ cười tắt lịm trên môi! Tư tư tưởng “hận đời” ngấm ngầm xâm chiếm tâm hồn vì lúc nào cũng có cái cảm giác bị mất mát, thua sút người khác. Đặc biệt những người có quá khứ huy hoàng bị đời đánh mất thì cái tư tưởng hận đời và ganh ghét người khác lại càng dễ bộc phát hơn!

Đó là những người đã quên mình, không biết mình là ai vì không sống với cái tâm chân thật của mình để nhận ra được cái gì thực sự là của mình, còn cái gì chỉ là thứ vay mượn của người khác. Là người con Phật, chúng ta hãy tự xét là có bao giờ đã ‘quên mình’ hay không? Lúc nào mình sống với Tâm Chân và lúc nào mình bị cái Tâm Vọng lấn áp? Hoà thượng Thích Thanh Từ giải thích rằng “Tâm Chân là cái tâm chân thực, không động và thường hằng”. Còn Tâm Vọng là “cái tâm mang tính chất phức tạp, dao động và không thực”. Theo nghĩa nầy, có lẽ “Tâm Chân” chính là ta, và “Tâm Vọng” không phải là ta! Vậy chỉ khi nào ta trở về với cái Tâm Chân thì mới có thể nhận ra mình là ai, để từ đó tránh được trạng thái dao động, cố chấp – là cái trạng thái của sân si. Chỉ khi nào ta trở về với ta, tức là sống bằng cái Tâm Chân, thì ta mới biết rằng tất những hiệu hữu trên đời nầy đều là những thứ vay mượn, không thường hằng, cho nên có bị mất đi cũng là điều tất nhiên thôi! Nếu biết rằng những gì gọi là “của ta” không thực sự là của ta mà chỉ là những thứ vay mượn của người khác thì ta sẽ không hề hối tiếc hay tức giận khi bị người khác bác bỏ, coi thường hay tước đoạt!

Dù mục đích bài nầy hoàn toàn có tính cách xây dựng; tuy nhiên, “ý kiến xây dựng” và “tư tưởng dạy đời” nằm cách nhau chỉ trong đường tơ kẽ tóc! Mỗi người có thể nhận thức khác nhau khi đọc bài nầy tuỳ theo nhiều yếu tố và hoàn cảnh cá nhân, nhưng người viết hoàn toàn không mang cái tư tưởng ‘dạy đời’ theo cái nghĩa cống cao ngạo mạng, mà chỉ muốn chia xẻ một ít kiến thức khiêm tốn được vay mượn từ nhiều nguồn xuất phát khác nhau, trong cái bối cảnh xã hội bất ổn và thói quen ‘quên mình’ của con người ngày nay. Nếu mọi người nhớ mình là ai trong từng giây, từng phút và trong từng hành động, việc làm của mình thì chắc sẽ tìm được một sự bình yên trong cuộc sống. Tiếc thay, con người rất dễ quên. Hôm qua khi ở nhà họ là một người chồng, người cha, khi ra ngoài họ có thể là một người bạn, một người hàng xóm v.v. Người lãnh đạo thì có ngôn từ của người lãnh đạo; một thành viên thì có ngôn từ khiêm tốn của một thành viên. Mỗi người đóng nhiều vai trò theo dòng thời gian, theo hoàn cảnh, sinh hoạt. Nếu mỗi người nhớ mình đang đóng vai trò gì - tức là nhớ mình là ai - trong từng giây phút hiện tại, thì chắc lời nói, cử chỉ hay hành động của họ có thể tạo được sự hài hoà trong cộng đồng, xã hội. Nhớ mình là ai còn giúp cho cái tâm của mình được bình thản, tránh được sân si trong mọi tình huống sinh hoạt bòn mót công đức hàng ngày. Hoà Thượng Thích Phước Huệ có lần giảng dạy về hai chữ ‘thiền môn’ một cách rất đơn giản nhưng đầy ý nghĩa ‘giáo pháp’ thâm sâu. Ngài dạy rằng: ‘thiền môn’ hay cổng chùa là nơi mà mọi người tới đây phải gạt bõ hết những thứ tạp nhạp của ‘cái tôi’ không có thật để bước vào một ‘thế giới’ thanh tịnh, trang nghiêm hầu tạo phước duyên cứu độ cho mình qua từng việc làm công quả.

Những ý kiến trên đây rút từ những kinh nghiệm tổng hợp; nó không phải là của người viết mà chỉ là một sự góp nhặt hay học lóm qua nhiều nguồn xuất phát khác nhau để chia xẻ với nhau trên diễn đàn nầy với ước đem lại một sự tỉnh thức hầu giúp nhau tìm được sự bình yên trong trong cuộc sống hàng ngày. Nếu có ai cảm thấy ‘khó chịu’ về các nhận định nêu trên, thì xin cố gắng xua đi tự ái cá nhân mà trở về cái ‘tâm thật’ của mình để thấy rằng nhiều thứ trên cõi đời nầy là không có thật, là không vĩnh cửu, không thường hằng và không mãi mãi là của ta! Bám víu cái ý kiến không có thật của mình và không chấp nhận ý kiến của người khác (cũng là không thật) là một thái độ tự cô lập, chấp hữu, hối tiếc quá khứ và ganh tỵ với người khác trong tư tưởng “hận đời”, thật là buồn bã vô cùng!


Leave a Reply