Saturday, January 7, 2012

Độc Tố

0 nhận xét

Sống giữa một thế giới đầy biến loạn, hận thù, tranh chấp. Con người mãi sống trong sự phập phồng lo sợ từng giây phút. Ngoài việc lo mưu sinh vật lộn với đời, giành giựt hơn thua nhau từng miếng ăn lời nói. Con người còn biết bao nhiêu nỗi ưu tư khác. Động cơ gây ra những biến loạn và cuộc sống đảo lộn rối bời hiện nay, tất cả cũng chỉ vì tham, sân, si mà ra. Đây là 3 thứ độc tố mà con người đã bị thâm nhiễm từ lâu. Vì tham lam quá độ, muốn chiếm hữu cả thế giơi về mình. Tham không được như ý muốn, không thỏa mãn lòng dục vọng, thì nổi sân. Khi đã nổi sân hận, thì con người bất chấp mọi thủ đoạn, chế tạo nhiều loại vũ khí tinh vi ác độc để tàn hại lẫn nhau. Lớn thì như thế, nhỏ thì cá nhân với cá nhân, đoàn thể với đoàn thể, tranh chấp, ấu đả, chém giết nhau. Hiện trạng nầy xảy ra hằng ngày, không nơi nào là không có. Ngày nào 3 thứ độc tố nầy, còn hung hản, tác oai, tác quái, thì ngày ấy con người vẫn mãi sống trong nỗi lo âu sợ hãi và đau khổ ngút ngàn.


Nhìn theo lý duyên sinh Phật nói, thì không một ai thoát khỏi cộng nghiệp. Cái cộng nghiệp  của nhơn loại ngày nay, đã và đang bị nhiễm độc đủ mọi thứ. Từ những thực phẩm cho đến môi sinh. Không một thứ nào không ngầm chứa độc tố. Những thứ độc tố nầy từ đâu mà có? Phải chăng cũng do xuất phát từ cái nhân chính là: 3 thứ độc tố căn bản: tham, sân, si, trong mỗi con người mà ra. Xin đơn cử một thí dụ điển hình. Như nước mưa ngày xưa là một loại tương đối tinh khiết. Người ta dùng nó rất nhiều. Nhưng bây giờ nó không còn tinh khiết nữa rồi. Bởi con người tạo ra quá nhiều thứ hóa chất, thảy ra biết bao nhiêu lượng khí dơ bẩn, độc hại, tưởng đâu không liên hệ đến sự sống con người. Sự sống con người, đâu phải chỉ có ăn, mặc ở không thôi, mà điều quan trọng nhứt là hít thở không khí. Nếu không khí trong lành tươi mát, thì con người hít thở cảm thấy khỏe khoắn. Ngược lại, không khí bị ô nhiễm, thì sẽ gây ra nhiều thứ bệnh tật. Cuộc sống của con người là một sự liên hệ chằng chịt. Một người gây ra nhân xấu, có thể gây ảnh hưởng không tốt cho biết bao nhiêu người chung quanh.


Rồi đến những thứ ẩm thực hằng ngày, những nhà chế tạo thức ăn, thức uống, vì lòng tham vọng muốn làm giàu, ai chết mặc ai, tạo ra nhiều thứ hóa chất độc hại. Người tiêu thụ, đâu cần biết đến sự tai hại của nó, nhưng dẫu có biết, thì vì nhu cầu của sự sống, cứ mua lấy mà dùng, tới đâu hay đó. Sự tích lũy ngấm ngầm của những thứ độc tố nầy rất là tai hại. Nó là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nan y. Các nhà y học, hay các khoa học gia đôi khi phải bó tay trước những căn bệnh hiểm nghèo, không tìm ra được nguyên nhân chữa trị. Đó là một hậu quả lắm tang thương mà ngày nay nhơn loại đang hứng chịu.


Từ đó suy ra, ngày nay con người luôn sống trong sự đe dọa của tử thần. Nguyên nhân đó do đâu? Chính do con người tạo ra những độc tố tàn hại lại con người. Cho nên, khoa học dù nhìn dưới dạng thức nào, nó cũng là con dao hai lưỡi. Lợi và hại luôn tương phản tác dụng ảnh hưởng nhau. Suy gẫm kỹ, kiếp sống con người có bao nhiêu năm. Nói năm tháng là nói thời gian hơi kéo dài một chút. Bởi vốn dĩ con người quá sợ chết. Một mặt thì sợ chết, ham sống, mặt khác lại tạo ra toàn là những thứ giết người. Như thế có phải là mâu thuẩn lắm không? Nếu ai cũng nghĩ đến cái chết, thời gian sống quá ngắn ngũi, chỉ trong nháy mắt thôi, thì đừng gây thêm khổ đau cho nhau. Bởi khi chúng ta sinh ra đời không ai mang gì ra, đến khi nhắm nghiền khép kín đôi mắt lại cũng trả lại hết cho đời, không có ai mang gì theo. Của cải, tiền tài, danh dự, địa vị… bây giờ nó ở đâu? Hay nó chỉ là vang bóng một thời. Nó có trung thành theo mình không? Hay là nó đã qua tay người khác? Bấy giờ còn lại hai kẻ trung thành của mình nhứt, đó là nghiệp lành và nghiệp dữ mà thôi. Chính hai chú nầy mới là kẻ trung thành theo mình không rời một bước. Vì vậy, khi còn một hơi thở, ta phải cố gắng tạo nghiệp lành. Chuẩn bị cho khi nhắm mắt, ta còn có quả lành để hưởng.


Việc đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng làm chi?! Quả đúng với câu: “Nhắm mắt rồi cũng nắm tay không”. Nói nắm tay, chẳng qua là một cách nói. Thật ra khi chết có mấy ai nắm tay lại bao giờ? Khi mới mở mắt chào đời, thì hai tay nắm chặt lại. Đó là biểu hiện cho lòng tham, muốn nắm cả vũ trụ vào trong tay của mình. Nhưng tiếc thay! Thử hỏi con người nắm được bao lâu? Bạn có muốn nắm thật chặt đi chăng nữa, nhưng chắc gì nó ở mãi trong tay của bạn hoài. Bởi vốn dĩ nó là những thứ vô thường, giả trá, tạm bợ. Hơn nữa, nó thuộc của 5 nhà: Hỏa gia, thủy gia, sung công gia, tặc gia và tử gia. Bạn cứ bình tâm chiêm nghiệm lại thật kỹ, có phải tất cả tài sản của mình tạo ra, nó có ở bền bỉ với mình hay không? Hay là nó luôn phản bội mình? Trong đời, có biết bao người, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, cắt ca cắt cõm chắt mót dành dụm từng đồng từng cắt. Muốn cho mình có tiền thật nhiều, nhưng một mai “bà hỏa” đến viếng thăm, thì ôi thôi! Bộ đồ còn không có mặc, nói chi đến những thứ khác. Cho nên, trong Kinh Đức Phật thường khuyên nhắc con người nói chung, phật tử nói riêng, nên hằng nhớ đến “tài sản thuộc về năm nhà”. Tránh nhà nầy, cũng bị nhà kia cướp đoạt. Có lắm người đau khổ, vì nạn cướp của, có khi đến mất mạng cũng chỉ vì do có nhiều của cải. Người khác, thì lại bị chính đứa con ngỗ nghịch của mình nó phá tiêu tan gia sản. Như vậy, xét cho cùng, con người sống vì của cải, rồi cũng đau khổ hay chết cũng vì tiền tài của cải. Bởi thế, trong Kinh Phật nói chứa vàng bạc trong nhà như chứa rắn độc. Đã là rắn độc, nên nó cắn mình bất cứ lúc nào. Có người lo cất chứa tiền của cho nhiều, không nghĩ đến tu tạo phước đức, bạn bè khuyên bảo nên bố thí cúng dường, thì họ lại ngoảnh mặt làm ngơ. Vì tâm bỏn sẻn, keo kiết, đến khi bị nhơn tai hay thiên tai gây ra tiêu tan hết tài sản, bấy giờ họ mới ăn năn hối tiếc. Khi hối tiếc, họ thốt lên hai tiếng: “Phải dè”. Phải dè hồi đó mình lo tu tạo phước đức, thì bây giờ dẩu có tiêu hao hết đi, mình cũng còn có phòng thân để sau nầy mình hưởng. Hối tiếc, ân hận, đã muộn màng quá rồi! Khổng Tử nói: “Nhơn vô viễn lự, tắc hữu cận ưu”. Nghĩa là, người không biết lo xa, ắt có buồn gần. Phải chăng, đó cũng do độc tố tham, nên mới có hối tiếc. Nên Phật dạy người phật tử cố gắng phá trừ bớt đi 3 thứ độc tố nầy. Dù mình có đi chùa, làm phước nhiều, mà mình không đá động gì đến 3 thứ nầy, cũng chưa xứng danh là người tu. Bởi tu là sửa. Đi chùa, bố thí, cúng dường, tuy được phước, nhưng chưa phải là người thật tu. Người thật tu, là hằng ngày phải cố gắng nhìn lại thật kỹ ở nơi mình để lo tảo thanh 3 thứ độc tố căn bản nầy. Có lắm phật tử đi chùa thật lâu năm, nhưng nhìn lại 3 thứ nầy vẫn còn nguyên vẹn. Tệ hơn nữa. Là đi chùa tính theo thời gian lâu, mau . Đi càng lâu năm, thì mình lại tự hào cho rằng mình tu nhiều. Chưa phải thế đâu. Đi chùa, dù lâu năm, mà 3 thứ nầy chưa đụng tới, thì Phật không có khen ngợi hay thương lắm đâu! Chẳng những không thương mà Phật Tổ còn quở rằng, mình chưa biết tu hành gì cả. Người thật sự tu hành là phải lo dũa gọt mòn 3 thứ nầy, cho đến ngày nào mà chúng nó không còn quậy phá nữa, thì chừng ấy mình mới được an nhàn giải thoát. Như thế, thì đời mình mới thật sự hết khổ.


Mong sao mỗi người tự ý thức nhớ lời Phật dạy, cố gắng nhìn lại mình từng giây phút để dẹp trừ 3 thứ độc tố nầy.
Tịnh Đức


Lắng Nghe


Lắng nghe là một từ ngữ dịch nghĩa từ hai chữ “đế thính” của chữ Hán. Rãi rác trong các kinh điển Phật giáo, chúng ta thường thấy, khi nào Phật muốn chỉ dạy điều gì quan trọng, thì Ngài hay bảo các hàng thính chúng phải lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Nghe là một trong ba món huệ học: văn, tư, tu. Nghe thuộc về nhĩ căn, là một cơ quan tiếp nhận thanh trần rất nhạy bén. Trong sáu căn, nó có một công năng vượt trội hơn tất cả những căn kia. Những căn kia khi tiếp xúc với cảnh trần, còn có phần chướng ngại, như mắt chỉ thấy phía trước và hai bên, chớ không thể nào thấy được phía sau. Ngược lại, tai thì nghe khắp tất cả không có gì chướng ngại. Vì nó có một công năng thù thắng như thế, nên trong nhà thiền thường ứng dụng tu ở nơi nhĩ căn. Do vì sáu căn đều có sự hỗ tương với nhau, nên khi tu, chỉ cần thông một căn, thì tất cả những căn khác cũng đều được dung thông với nhau cả. Như trong kinh Lăng Nghiêm đã có nói rõ về vấn đề nầy. Thông thường, chúng ta cũng nghe, nhưng ít khi biết cách Lắng Nghe. Cái nghe của chúng ta hoàn toàn lệ thuộc ở nơi thanh trần. Nghĩa là chúng ta đã bị thanh trần đồng hóa: Nghe và tiếng nhập lại làm một. Do đó, chúng ta đã hoàn toàn mất hết tự chủ. Từ một con người có chủ quyền, biến thành một kẻ nô lệ cho ngoại cảnh thanh trần. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra một căn làm tiêu biểu, từ đó suy ra các căn khác cũng đều như thế. Với thái dộ nghe thiếu cảnh giác nầy, nên trong kinh Lăng Nghiêm Phật quở là: “Quên mình theo vật”. Quả thật,đại đa số chúng ta là những kẻ quên mình theo vật. Như vậy, nếu chúng ta không muốn mất mình một cách oan uổng như thế, thì  chúng ta phải thường xuyên thực tập lắng nghe. Nếu chúng ta chịu khó thực tập lắng nghe một cách kiên trì và thiết thật, thì nó có thể giải tỏa hết mọi vấn đề rắc rối nội kết khó khăn trong đời sống thường ngày mà chúng ta thường hay bị vướng mắc. Vậy thì lắng nghe bằng cách nào? Trước hết, chúng ta cần phải tập theo hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm, lúc tu nhân, Ngài thường xuyên lắng  nghe một cách sâu sắc; một sự lắng nghe có ý thức và hoàn toàn không lệ thuộc vào thanh trần lôi cuốn. Đạt được sự lắng nghe đến một trình độ vững chải như thế, thật quả không phải là một chuyện dễ dàng. Không phải một ngày một bữa mà chúng ta có thể thực hiện được. Bước đầu chúng ta cần phải học hiểu về sự lắng nghe nầy. Sau đó, chúng ta nên tham dự một vài khóa tu để có cơ hội thực tập. Khi thực tập trong khóa tu, điều kiện tiên quyết phải có, là chúng ta không nên nói chuyện. Vì nói chuyện sẽ làm tiêu hao tinh thần lực của chúng ta rất nhiều. Chúng ta không nên tiêu sài phung phí một cách vô ích.Vì nói chuyện nhiều, nó sẽ đưa chúng ta phiêu lưu trong mê hồn trận của vọng thức hai đầu: “chuyện đã qua và chuyện chưa đến”. Như thế, thì rất trở ngại cho sự thực tập. Khi chúng ta có được một nội lực trầm tĩnh, thì chúng ta mới dễ dàng hóa giải những khó khăn bức xúc nội tại. Tiếng chuông trong khóa tu, nó có một công năng hiệu dụng rất lớn. Chúng ta phải thực tập lắng nghe tiếng chuông một cách tha thiết và thành khẩn. Vì tiếng chuông khi thỉnh lên như một lời thức nhắc của đức Phật đang kêu gọi chúng ta hãy trở về sống với thực tại. Một thực tại rất là mầu nhiệm mà bình thường chúng ta không thể nào tiếp xúc được.


“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe,
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhứt tâm”. ( Ts Thích Nhứt hạnh )


Và mỗi khi nghe chuông, chúng ta cũng có thể thầm niệm đến bài kệ:


Nghe tiếng chuông lòng nhẹ vơi
Trí huệ phát lòng thảnh thơi
Tình thương trải khắp muôn nơi
Về thực tại dứt khổ đời. ( Thích Phước Thái )


Thực tập như thế lâu dần, chúng ta sẽ có được một thói quen trầm tĩnh rất cao. Chính sự trầm tĩnh nầy, chúng ta mới có đủ nghị lực để tiếp nhận mọi thứ thanh trần: “vừa ý hoặc không vừa ý”. Chúng tôi được nghe một câu chuyện thật rất thú vị về hiệu quả của sự thực tập lắng nghe nầy. Theo lời Hòa Thượng Nhứt Hạnh kể lại trong một dĩa VCD  của một buổi thuyết giảng cho khóa tu ở tại chùa Hoằng Pháp Việt Nam. Hòa Thượng nói: có một bà phật tử  Thiên Chúa giáo người Mỹ than phiền với Hòa Thượng về chuyện bất hòa giữa bà ta và ông chồng. Bất hòa đến nỗi mà hai ông bàkhông thể nào trao đổi những câu chuyện gì với nhau cả. Nói ra vài ba tiếng là sẽ đưa đến gây gỗ ngay. Hai vợ chồng sống trong một sự chiến tranh lạnh như thế kéo dài khá lâu. Nghe qua tình cảnh bất hòa của hai vợ chồng nầy, Hòa Thượng khuyên bà ta nên sắp xếp việc nhà để tham dự một khóa tu. Khóa tu Quán Niệm được mở ra tại Mỹ, có cả ngàn người tham dự. Bà ta nghe theo và dự tu. Khóa tu tổ chức bảy ngày. Trong lúc dự tu, bà ta thấy sự thực tập lắng nghe theo sự hướng dẫn của Hòa Thượng, rất có hiệu nghiệm. Bà cảm thấy, bao nhiêu những giận hờn trách móc ông chồng, tất cả đều như tan biến. Vì bà ta cảm nhận lỗi đó không phải hoàn toàn do ông gây ra, mà bà cũng có dự phần lỗi trong đó. Nhờ trải qua những ngày thực tập quán niệm sâu sắc, bà đã thấy rõ như thế. Bà tự thừa nhận phần lớn lỗi lầm gây nên sóng gió bất hòa là do chính bà gây nên. Từ đó, bà cảm thấy như có một sức nhiệm mầu nào khơi dậy trong lòng bà phải mở rộng cõi lòng hối cải và tha thứ khoan dung. Chỉ cố công thực tập lắng nghe một cách sâu sắc, bà cảm nhận như thế. Kết quả, sau khóa tu, bà trở về nhà và bà áp dụng phương thức lắng nghe. Bà thú nhận một phần lỗi lầm và khuyến khích người chồng của bà nói ra những gì mà bà đã làm cho ông ta cảm thấy khó chịu. Bà thực sự lắng nghe và dĩ nhiên ông chồng được cơ hội bày tỏ tất cả những gì mà lâu nay ông đã ẩn ức phiền hà trách móc bà. Và ông ta cũng không ngờ rằng, bà ta có những lời ái ngữ thật ngọt ngào dịu hiền mà lâu nay bà không bao giờ có. Tất cả thái độ, lời nói dịu ngọt, đều do bà tiếp nhận một cách sâu sắc chân thật của thầy hiền bạn tốt trong khóa tu. Và từ đó, gia đình bà trở nên đầm ấm, vợ chồng biết cảm thông nhau. Đồng thời, bà cảm hóa thuyết phục ông chồng đến Làng Mai để dự khóa tu, do Hòa Thượng tổ chức. Từ một gia đình bất hòa, thiếu sự thiết lập cảm thông nhau, do vì ác cảm thành kiến, là con đẻ của tâm bất an, nay ông bà biết chuyển hóa hối cải đồng một tâm cảm, được thế, tất cả đều do hiệu quả của sự thực tập qua hai nguyên tắc cơ bản: Ái ngữ và Lắng nghe. Kết thúc câu chuyện, Hòa Thượng nhấn mạnh cho khóa tu cố gắng thực tập cho kỳ được hai nguyên tắc cơ bản hữu hiệu nầy.


Qua câu chuyện trên, cho chúng ta thấy tinh thần tháo gở nội kết của một người phụ nữ có gốc đạo Gia Tô Giáo, một cách rất nhiệt thành trong sự bế tắc của đôi vợ chồng nầy. Câu chuyện nầy là một trong muôn ngàn câu chuyện mà hiện mọi người trên thế giới, dù ở bất cứ tôn giáo nào cũng đều vướng phải. Song có điều họ đến với Phật giáo, chịu khó thực tập đúng phương pháp, thì họ sẽ tự hóa giải, khai thông một cách dễ dàng. Đó là người khác tôn giáo mà họ còn thực tập có kết quả như vậy thay! huống gì chúng ta là một phật tử lẽ nào không bằng họ hay sao? Hỏi tức tự mỗi người chúng ta sẽ có câu trả lời  thích đáng rồi vậy.


Tịnh Đức.


Một món quà lớn


 


Xã hội dù văn minh tiến bộ đến đâu, cũng không thể có một cuộc sống an bình nội tại. Thật vậy, hiện chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh cơ khí tối tân, những phát minh về kỹ thuật máy móc, điện toán đang trên đà phát triển vùn vụt mỗi ngày. Thế giới đã và đang quá đặt nặng về vật chất. Các nhà khoa học ngày đêm như quên hẳn thế giới bên ngoài, họ dồn hết mọi nổ lực tinh thần cho những sự tìm tòi phát minh của họ. Sự phát minh đó cũng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là cung ứng những nhu cầu cho đời sống của nhơn loại. Loài người hôm nay có được cuộc sống đầy đủ những tiện nghi thoải mái vật chất, phần lớn đều nhờ sự phát minh cung ứng của họ. Đó là điều mà cả nhơn loại điều cảm phục và mang ơn họ. Tuy nhiên, những tiện nghi vật chất máy móc mà họ đã tạo ra, chúng là con dao hai lưởi. Sự lợi hại của chúng là tùy theo trình độ kiến thức của người xử dụng. Chính vì nhơn loại quá chú trọng vào đời sống vật chất, nên họ đã xao lãng thờ ơ đến đời sống tinh thần. Nói rõ hơn là đời sống đạo đức. Nhìn chung ở các nước tây phương, dường như họ không mấy quan tâm đến việc giáo dục đạo đức. Quan niệm đạo đức của họ, như một cái gì trừu tượng, phó mặc cho tôn giáo. Từ quan niệm đó, nên căn bản giáo dục của họ không đặt nặng vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường. Thử hỏi, một đời sống, chỉ biết chạy đua theo nhu cầu vật chất: ăn, mặc ở… cho thỏa mãn dục vọng không thôi, thì trách gì xã hội không nổi loạn? Sự sống của con người đâu chỉ có vật chất không thôi. Nếu thế, thì còn gì là ý nghĩa của sự sống. Con người là một tổng hợp thể của hai nhân tố: tinh thần và vật chất cấu tạo. Nếu chỉ biết cấm đầu lo bươi chảy tìm kiếm vật chất để cung phụng cho nhu cầu xác thân, thì còn gì là giá trị của sự sống? Có đôi lúc, chúng ta nói sống, nhưng bất chợt có người hỏi sống là gì? Thì chúng ta lại lúng túng ngay. Không biết phải trả lời sao cho đúng. Chả lẽ, sống chỉ là một sự sinh hoạt của thể chất: ăn nhậu, chơi bời, hút sách, ngủ nghỉ, hưởng thụ vật chất cho phủ phêv.v… thế là sống. Nếu sống chỉ có thế, thì con người có khác gì cái máy!. Nhưng chúng ta tự hỏi, cái gì biết lo cho đời sống? Và cái gì chủ động điều khiển cái xác thân nầy? Cái gì biết toan tính nghèo giàu, biết hưởng thụ… Cái gì đó, hẳn ai cũng nói đó là tinh thần hay tư tưởng của chúng ta. Vậy thì cái gì biết cảm nhận sướng khổ? Rõ ràng hạnh phúc hay khổ đau, không phải do thân xác chúng ta cảm nhận, mà là do tâm thức của chúng ta. Cơ thể con người chỉ là một bộ máy, giống như một chiếc xe hơi. Tài xế giống như là tâm thức. Nếu chiếc xe dù có đủ bộ phận máy móc tốt, nhưng nếu thiếu anh tài xế điều khiển, thì chiếc xe đó cũng không thể nào chạy được. Như vậy, rõ ràng tài xế là người điều khiển chiếc xe, chớ chiếc xe không bao giờ điều khiển anh tài xế. Giả như chiếc xe bị hư, thì cái gì đau khổ? Xe đau khổ hay anh tài xế đau khổ? Lẽ dĩ nhiên là anh tài xế đau khổ. Tại sao anh đau khổ? Tại vì anh cho chiếc xe là của ảnh. Mất xe là mất ảnh. Cũng thế, sở dĩ chúng ta đau khổ là vì chúng ta quá coi nặng cái thân nầy. Vì quá coi nặng nó, nên chúng ta tìm đủ mọi cách để cung phụng cho nó. Như vậy, thì cái gì quan trọng? Cái gì chánh? Cái gì phụ? Ai cũng công nhận tinh thần là quan trọng. Biết nó là phần chủ yếu quan trọng, thì tại sao chúng ta lại bỏ nó như con ma đói? Nó cũng cần món ăn như cơ thể cần vật chất. Nhu cầu ăn hay những thứ cho cơ thể hưởng thụ, người có ý thức biết lựa chọn cho nó thích hợp. Do khéo lựa chọn thích hợp và điều dưỡng, nên cơ thể tương đối sẽ được khỏe mạnh. Cũng vậy, món ăn tinh thần, cũng cần phải có sự lựa chọn thích hợp lành mạnh. Trong nhà Phật có nêu ra 4 loại thực: Đoàn thực, xúc thực, thức thực và tư niệm thực. Đoàn thực là chúng ta đưa vào miệng những thức ăn thông thường trong đời sống hằng ngày. Như cơm, bánh mì, trái cây v.v… Xúc thực, chữ thực ở đây không có nghĩa là chúng ta ăn như đoàn thực nữa. Chữ thực ở đây nghĩa nó rất rộng, ăn qua lãnh vực tinh thần, chớ không phải vật chất. Xúc thực là chúng ta ăn khi chúng ta tiếp xúc với mọi cảnh vật chung quanh. Cái ăn nầy qua sự cảm thọ của sáu căn. Đến thức thực hay tư niệm thực cũng thế. Nhưng sở dĩ hằng ngày chúng ta bị đau khổ là vì chúng ta không biết cách tiêu thụ thức ăn. Như  tuổi trẻ ăn qua phim ảnh đồi trụy, khiêu dâm, gây kích thích tình dục, hay phim ảnh bạo động v.v… thì  quả đó là những thứ xúc thực rất nguy hiểm. Cũng như chúng ta cho lỗ tai ăn bao thứ chuyện thị phi tạp nhạp ở thế gian, thì những món ăn đó chỉ có hại thêm, chớ không có gì là bổ ích cho tinh thần. Người khéo biết nuôi dưỡng tinh thần, thì họ rất thận trọng trong việc chọn thức ăn cho thích hợp theo căn cơ sở thích trong chiều hướng thánh thiện của họ. Cả nhơn loại ai nấy đều quan tâm đến sự chọn lựa thanh lọc cho thức ăn tinh thần như thế, thì lo gì đời sống giữa vật chất và tinh thần không được huân bình. Một đời sống huân bình là đời sống không nổi loạn và tất nhiên, xã hội sẽ được an ổn. Theo chỗ chúng tôi được biết, đại đa số thanh thiếu niên nam nữ ở các nước tây phương hiện nay, họ không cần cha mẹ của họ tặng cho họ những điều gì quý giá bằng vật chất, mà họ chỉ cần một mái ấm hạnh phúc gia đình, chính cha mẹ họ ban cho. Đó là một món quà lớn nhứt trong đời họ. Tại sao họ nói lên một ước vọng như thế? Là vì đa số thanh thiếu niên sống lang thang bụi đời, bởi do cha mẹ của họ sống không có hạnh phúc. Gia đình cải vả bạo động liên miên, chúng không thể nào chứng kiến chịu nỗi cái cảnh đó, nên chúng phải bỏ nhà ra đi. Từ đó, gây ra bao nhiêu thứ tệ hại khác làm cho xã hội mang thêm nhiều gánh nặng. Chính bản thân họ đã đau khổ và gây thêm cho mọi người khác cũng đau khổ lây vì họ. Nếu chúng ta nhìn họ bằng tuệ giác của đạo Phật, thì chúng ta mới có hiểu và thương họ. Từ sự hiểu và thương cảm thông đó, các bậc phụ huynh làm cha mẹ, nên điều chỉnh lại cuộc sống. Và mỗi người cố gắng xây dựng lại hạnh phúc gia đình trong sự yêu thương bằng chất liệu cảm thông qua cửa ngỏ đạo đức. Thiếu chất liệu đạo đức làm căn bản cho sự sống, thì tình người, nhứt là trong tình nghĩa vợ chồng khó có thể được hạnh phúc.Và từ đó, gia đình gây ra  đổ vở, con cái có cuộc sống bê tha và xã hội thêm nhiều hệ lụy tang thương. Mong sao, mỗi người nên nhìn lại tận tường ở nơi mình, dẹp tan những thành kiến cá tính bất đồng, để thiết lập lại nhịp cầu cảm thông hiểu và thương nhau hơn. Vì cuộc sống chỉ là một quán trọ cho chúng ta tạm thời dừng chân, rồi mọi người cũng phải từ giả cái quán trọ mà ra đi. Không có ai vĩnh viễn ở mãi trong quán trọ đó để rồi tranh giành hơn thua cấu xé với nhau. Đời vốn dĩ đã đau khổ nhiều rồi, chúng ta nên góp phần làm cho cuộc đời bớt đi đau khổ và trước mắt là con em chúng ta có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống. Và khi chúng trưởng thành, sẽ nhìn lại với một tâm tư mang nặng nỗi lòng hoài vọng trìu mến thương tiếc một mái ấm gia đình tràn đầy hạnh phúc mà do cha mẹ  của chúng đã dày công tạo dựng. Sự nuối tiếc đó, sẽ là một chất liệu nuôi dưỡng để tạo thành một tương lai tươi sáng cho cuộc đời của chúng sau nầy. Đó là một thâm ân và cũng là một món quà vô giá to lớn nhứt trong cuộc đời của chúng. Xin các bậc làm cha mẹ hãy tặng cho chúng một món quà lớn nhứt đó.


Đến Với Đạo Phật.


Đức Phật đạt được giác ngộ bằng con đường thực nghiệm, thực chứng. Quá trình thực nghiệm,  thực chứng đó, Ngài phải trải qua từng bước gian khổ khám phá. Sự thành tựu một sự nghiệp vĩ đại dưới cội cây Bồ đề, đó là kết quả sau cùng của con đường khám phá nội tại bằng tuệ giác sắc bén của Ngài. Đến đây, Ngài mới thực sự tuyên bố hoàn thành. Sau ngày thành đạo, Ngài đã khai thông nhiều con đường dẫn đến tuệ giác. Vì sự thâm chứng chân lý tuyệt đối của Ngài quá cao siêu mà với trí năng thường tình của con người khó mà vươn tới. Do đó, nên bắt buộc Ngài phải mở bày nhiều pháp môn phương tiện để cảm hóa chúng sanh. Bất cứ pháp môn nào cũng nhằm mục đích duy nhứt đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộ giải thoát hoàn toàn như Ngài. Đó là một hoài bảo, một đại sự lớn lao nhứt, mà Ngài đã cưu mang và tuyên bố với đời. Noi theo bước chân và con đường đó, người phật tử hôm nay đến với  đạo Phật, cũng phải đến bằng con đường giác ngộ đó. Nhưng bước đầu tiên, người phật tử phải đến bằng cách nào?


1. Học Phật.


Khi bước chân vào đạo, trước tiên người phật tử cần phải hiểu đạo Phật.  Phải  chịu khó nỗ lực nghiên tầm học hỏi. Vì đạo Phật là đạo giác ngộ, nên mọi sự học hỏi của phật tử cũng phải đặt nền trên sự giác ngộ. Phải có thái độ dứt khoát dẹp bỏ mọi tiền kiến sở tri. Vì còn cưu mang những sở tri, thì phật tử khó đạt thành sở nguyện. Sở tri là một chướng ngại lớn trên đường tháo gở phiền toái để thâu nhận những tri giác mới.



Leave a Reply