Sunday, January 8, 2012

Những mầm non Phật Pháp

0 nhận xét

Hằng năm, theo lệ thường, vào những mùa holiday tháng 12 Dương lịch, tại Tổ Đình Phước Huệ đều có khai giảng  các khóa tu xuất gia ngắn hạn. Tính ra, kể từ khi khai giảng khóa đầu tiên cho đến năm nay 2008, có tất cả là 16 khóa. Khóa tu năm nay là khóa thứ mười sáu. Sở dĩ chùa tổ chức các khóa tu nầy, với mục đích là để cho những Phật tử ( không phân biệt phái tính và tuổi tác ), đều có thể tham gia tập sự tu tập theo phẩm hạnh của người xuất gia. Dù họ không đủ nhân duyên để trở thành người xuất gia thực thụ, nhưng cũng gây cho họ có nhiều niềm tin nơi Tam bảo và gieo trồng chủng duyên sâu dầy với Phật pháp. Và khi nào hội đủ nhân duyên, thì họ có thể phát tâm xuất gia luôn.



Trong bao nhiêu năm qua, nhờ có những khóa tu mở ra như thế nầy, mà có nhiều vị đã phát tâm xuất gia thực thụ. Và chính những vị nầy, sau một thời gian tu học, nay đã trở thành những Tăng sĩ Phật giáo gương mẫu. Họ đã đảm nhận một vài công việc Phật sự giúp cho Giáo Hội các nơi. Có vị thì hiện đang làm trụ trì ở các tự viện trong hoặc ngoài nước Úc. Đó là thành quả tốt đẹp, tất cả đều nhờ các khóa tu học nầy mà ra.



Được thế, âu đó cũng là nhờ ân đức lớn lao của Hòa Thượng Tông Trưởng Tổ Đình Phước Huệ. Ngài đã bỏ ra rất nhiều công sức để chăm lo cho các khóa tu học. Ngài thường nhắc nhở Ban tổ chức khóa tu phải lo cho chu đáo mọi việc, nhất là nơi ăn chốn ở phải sắp đặt đàng hoàng. Phải tạo cho các tu sinh có được một nếp sống tương đối thoải mái tốt đẹp trong thiền môn. Đặc biệt nhất là Hòa Thượng luôn quan tâm theo dõi hướng dẫn về phần tinh thần tu học cho các tu sinh. Tinh thần có thoải mái an lạc, thì người ta mới ham tu hiếu học. Mỗi lần khóa tu mở ra, Ngài thường nhắc nhở Ban tổ chức phải thành tâm cung thỉnh các vị giảng sư phụ trách. Chính bản thân Ngài trong những năm qua, khi còn khỏe mạnh, Ngài cũng đã có giảng dạy cho các tu sinh. Nội quy và chương trình tu học do Ban tổ chức soạn thảo và rồi trình lên cho Ngài duyệt xét. Sau đó, tất cả  đều phải áp dụng chấp hành nghiêm chỉnh. Từ trên xuống dưới, ai nấy đều phải giữ gìn cẩn trọng không một ai dám sai phạm. Nhờ thế, mà mọi người tu học đều có tiến bộ khả quan và rất thích thú.



Riêng phần chúng tôi, kể từ năm 2003 đến nay, năm nào chúng tôi cũng vâng lời Hòa Thượng chỉ dạy về Tổ Đình Phước Huệ để phụ lực cùng với quý vị trong Ban giảng huấn. Nhớ lại, những năm về trước, số người dự tu phần đông là những người trọng tuổi. Còn giới trẻ thì rất ít. Số người dự tu, được chia làm hai thành phần: chánh thức và bán chánh thức. Những người phát nguyện dự tu chánh thức, thì họ được thế phát thọ giới Sa Di và đắp y vàng, gọi là y mạng. Còn những vị bán chánh thức thì cũng được thọ giới nhưng không có thế phát và chỉ đắp y choàng màu nâu. Sau một tháng tu học, thì mọi người xả giới về nhà. Tuy nhiên, ngoại trừ những vị phát nguyện tu luôn, thì có thể ở lại chùa hoặc ở một nơi nào khác tùy ý, nếu xét thấy thuận tiện. Đó là tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Đương sự phải trình bày lý do cặn kẽ và phải  được Hòa Thượng chấp thuận cho phép.



Lần nầy có khác hơn mọi khi. Sau khi nhận được thơ mời, do Thượng Tọa Thích Phước Tấn gởi đến, nhờ tôi phụ giúp cho 2 tuần lễ cuối. Bởi tuần đầu, tôi mắc bận hướng dẫn khóa tu Kết Kỳ Niệm Phật ở đạo tràng Quang Minh. Do đó, nên Thầy Phước Tấn nhờ tôi giúp cho 2 tuần cuối. Cần nói rõ, khóa tu kỳ nầy, Hòa Thượng chỉ cho khai giảng có 3 tuần thôi, lý do là vì quý thầy bận lo nhiều việc Phật sự khác, nên không có mở một tháng như thường lệ. Khóa tu bắt đầu từ ngày 20/12/2008/ đến ngày 11/1/ 2009.



Mãn khóa tu học ở Quang Minh, chúng tôi liền lên Phước Huệ. Tôi đến Phước Huệ vào buổi sáng thứ hai ngày 29 tháng 12 năm 2008. Theo chương trình, tối lại tôi có giờ đứng lớp từ 8 giờ đến 9 giờ 30. Vào lớp, thật tôi vô cùng ngạc nhiên. Vì đối tượng tu học kỳ nầy, đa số là giới trẻ. Trong số các em phần nhiều là trẻ tuổi, chỉ có một chú thanh niên 24 tuổi và một cô thanh nữ 25 tuổi. Còn lại các em tuổi từ 9 tới 16. Bên nam, có 10 chú, 6 chú chánh thức thọ giới Sa di đắp y vàng, còn lại 4 chú thì tùng chúng tu học không có thọ giới đắp y. Bên nữ, thì có 9 cô, đều là bán chánh thức, 4 em bán chánh thức đắp y màu nâu, và 5 em thì theo chúng tu học, không có đắp y nâu, chỉ mặc áo tràng lam thôi.



Nhìn thấy các em, tôi không khỏi ngạc nhiên và thầm thán phục. Ở trang tuổi các em mà chịu khép mình theo nội quy tu học suốt thời gian 3 tuần lễ, đối với cái xứ sở nầy mà nói thì thật là hiếm có. Sống ở cái xứ Úc văn minh tân tiến, vật chất dồi dào, ăn uống phủ phê, đủ thứ máy móc, nhiều trò vui chơi thích thú, rất thu hút hấp dẫn giới trẻ. Với lứa tuổi các em, có em nào mà lại không ham thích vui chơi với bạn bè. Thế mà, không ngờ hôm nay, các em lại từ bỏ tất cả để phải chịu khép mình trong chốn Già lam tu niệm, thì chao ôi! thật là quá hy hữu ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nhất là mùa nầy lại là mùa holiday, đối với giới trẻ thì thật là lý tưởng để các em giao du mua vui với bạn bè.



Từ sự cảm phục, tôi lại càng cảm thấy thương mến các em nhiều hơn. Ở vào trang tuổi các em, trình độ tiếng Việt của các em rất là non kém. Vì đa số các em sanh ra và lớn lên ở Úc. Dù rằng, các em đều có học thêm tiếng Việt, nhưng chỉ đủ để nói và nghe chút đỉnh trong gia đình hoặc với bạn bè thôi, chớ làm gì các em có đủ khả năng để nói và nghe hiểu thông thạo hết được. Chính vì thế, nên khi nghe giảng Phật pháp, các em thật khó lãnh hội. Do đó, một số các em nhỏ tuổi thì được quý Thầy quý Sư Cô khá tiếng Anh giúp giảng dạy phần giáo lý căn bản rất dễ hiểu cho các em. Còn một số khác lớn tuổi hơn, tương đối có khả năng nhận hiểu chút ít, thì các em được học chung với người lớn. Vì khóa tu nầy ngoài các em ra, còn có một vài vị trung niên và lão niên. Như thế, nhìn qua ta thấy một lớp học gồm có 3 thế hệ rõ rệt. Vì trình độ và tuổi tác quá chênh lệch, nên rất khó khăn cho người hướng dẫn.



 Phải thành thật mà nói, tôi thương và chú trọng đến các em nhiều hơn. Thương là vì thấy các em thật ngoan hiền,  luôn tham dự đủ các thời khóa lễ. Nhất là thời công phu khuya, các em lớn nhỏ đều có mặt. Đúng 4giờ 30 khuya là kiểng đổ 3 hồi thức chúng, các em đều phải thức dậy. Dù với lứa tuổi ham ăn mê ngủ, nếu ở nhà làm gì các em thức dậy vào giờ nầy. Ngoài việc theo đúng giớ giấc của chương trình tu học ra, các em còn phải ăn chay trường suốt thời gian dự tu. Nội cái việc ăn chay trường không thôi, là đã làm cho tôi cảm phục các em quá rồi, nói chi đến những sự sinh hoạt tu học khác. Dĩ nhiên, đối với các em thì làm sao thích hợp với pháp môn tu của người lớn tuổi. Tuy vậy, nhưng những giờ tụng kinh niệm Phật, tôi thấy các em rất chăm chú theo dõi. Thương nhứt là giờ các em ngồi thiền vào lúc 10 giờ tối ở trên chánh điện. Các em ngồi chung với chư  Tăng Ni và những tu sinh lớn tuổi. Chúng tôi hướng dẫn thực tập cho các em cách ngồi cũng như cách thức theo dõi hơi thở. Chúng tôi thực tập cho các em phương pháp tùy tức niệm Phật. Ngoài việc tụng kinh niệm Phật ra, chúng tôi còn chú trọng hướng dẫn cho các em tập thở, tập hát những bài hát đạo. Nhờ thế, mà các em có được một không khí vui tươi đở phải buồn chán.



Tôi có hỏi một vài cô chú, các em cảm thấy thế nào khi tham dự khóa tu học nầy. Các em không ngần ngại cho biết là các em rất thích và rất vui khi được ngồi bên nhau tu học. Nhất là các em được sự chú ý chăm sóc của các Thầy Cô và những cô bác đồng tu. Trong số các em nhỏ tuổi, tôi đặc biệt chú ý nhiều nhứt là chú Huệ Ân. Chú Huệ Ân năm nay 9 tuổi, tánh tình của chú rất dễ thương.  Nhìn cách ăn nói đi đứng của chú, tôi thấy rất khác thường hơn các em khác. Chú có một người chị ruột 12 tuổi cũng cùng tu chung. Có lẽ chú được sự giáo dục dạy dỗ của gia đình rất kỹ lưỡng. Thấy tánh tình của chú đạo mạo có vẻ như người lớn, tôi thường hay lân la trêu chọc chuyện trò với chú. Tôi dạy chú hát và chú đã học thuộc lòng các bài hát. Mỗi lần sau thời giảng dạy, tôi thường gọi chú đứng lên hát cho mọi người trong lớp nghe. Chú vâng lời mạnh dạn không một chút e sợ rụt rè và chú hát rất đúng giọng.



Chú là một trong các chú rất siêng năng trong việc tu học. Chú giữ gìn oai nghi rất cẩn thận như một người lớn. Ai trông thấy chú cũng rất thương mến. Ở nhà, chú ăn chay trường, dù ba mẹ của chú bắt ép chú phải ăn thịt cá, nhưng chú quyết cự tuyệt không ăn. Tôi hỏi chú, ăn chay trường như vậy, con có thèm đồ ăn mặn không? Chú trả lời dứt khoát và gọn bân là con không có thèm, vì con không thích ăn thịt. Dù là ăn chay trường, nhưng da thịt của chú rất hồng hào và khỏe mạnh. Các chú khác tuy không có vẻ đạo mạo như chú Huệ Ân, nhưng tất cả cũng đều rất ngoan hiền dễ dạy. Mọi sinh hoạt tu học, các chú đều giữ gìn và thật hành đúng theo.



Nhìn thấy các cô chú mặc vào những chiếc áo màu vàng, màu nâu, màu lam, khi hành lễ ở chánh điện, thỉnh thoảng đi ngang qua, tôi hay để ý ghé mắt nhìn vào. Trông thấy các cô chú tụng niệm, lễ lạy rất thành kính nghiêm trang lòng tôi rất đổi vui mừng. Phải nói, các chú đã được quý Thầy Cô hướng dẫn chỉ dạy rất kỹ. Trong những giờ sinh hoạt tôi cùng với các cô chú cùng nắm lấy tay nhau hát những bài hát đạo. Tôi có viết hai bài hát để riêng tặng cho các cô chú: “Ngày Vui và Hoa Tình Thương”. Đa số các cô chú đều rất thích hát hai bài nầy:



Ngày Vui



Vui là vui quá vui

Quá vui mừng ôi thật là vui

Kìa ! chim hót líu lo trên cành

Cây xanh xanh và lá xanh xanh

Cùng nhau hát xoay quanh một vòng

Cùng nhau hát xoay quanh một vòng

Ta vui tươi trong ánh bình minh

Mừng hoa lá đẹp xinh an lành

Trời thanh thanh nước xanh xanh

Về đây hát tuổi xanh vui đùa

Về đây hát tuổi xanh vui đùa

Về đây hát tuổi xanh vui đùa.



 Hoa Tình Thương:



Sáng ra em thức dậy

Miệng em nở nụ cười

Người nhìn em tươi mát

Em nhìn người vui tươi



Em là một đóa hoa

Đóa hoa xin tặng người

Tặng cho Ba và Má

Cho những người em thương



Em là một đóa hoa

Đóa hoa nở trong vườn

Mang mùi thơm đạo đức

Ngát tỏa khắp mười phương



Em là một đóa hoa

Lòng em luôn thiết tha

Nhớ ơn người nuôi dưỡng

Công lao Mẹ và Cha.

 

Thầy trò chúng tôi vui đùa hát ca trong nắng ấm của buổi sáng sau giờ tập thể dục, hoặc sau giờ thiền hành buổi chiều. Tôi cám ơn các em rất nhiều. Chính nhờ các em mà tôi mới có dịp sống lại với cái tuổi ngây thơ hồn nhiên trong sáng như thuở nào mà tôi đã đánh mất. Bây giờ, tôi mới cảm thấy mình thật là trẻ trung trong tinh thần tuổi thơ hồn nhiên như các em. Chính cái tuổi thơ ngây trong sáng đó, mới là cái tuổi gần hợp với lẽ đạo nhiều hơn. Nhiều khi mình thích làm người lớn suy tưởng phân biệt viễn vông lung tung nhiều quá, mà đánh mất cái tuổi thơ ngây hồn nhiên trong sáng, thì thật là đáng tiếc biết bao ! Càng suy tư nghĩ ngợi nhiều chừng nào chúng ta lại càng cách xa đạo lý nhiều chừng nấy. Bởi chân lý, (nói rõ hơn là cái thực thể thanh tịnh sáng suốt chơn thật, thường gọi là chơn tâm ) nó rất thực tế lặng lẽ bình dị lúc nào nó cũng hiện hữu với chúng ta. Nhưng vì chúng ta sống theo vọng trần nên không nhận ra nó. Vì lầm qua không nhận, nên dù nó có mặt thực sự đó, chúng ta cũng không hay biết. Vì thế, trong kinh Đức Phật thường quở chúng ta là những kẻ mê muội. Nhưng, nếu chúng ta càng khởi nghĩ tìm nó, thì nó lại càng xa cách chúng ta diệu vợi. Do đó, sống lại với cái tuổi ngây thơ hồn nhiên, thì mọi vọng tưởng suy nghĩ sẽ không còn khả năng dẫn chúng ta đi xa. Bởi thế, tôi rất thích vui đùa hát ca với các em. Vì các em hồn nhiên ngây thơ thật dễ thương. Bấy giờ tánh người « Lớn » của tôi đã thực sự biến mất.



Có thể nói, đây là khóa tu học đặc biệt mà từ trước tới nay chưa từng có. Tôi không ngờ, các em còn trẻ tuổi mà lại chịu khép mình tu học nghiêm túc như thế nầy. Ai dám bảo, ở xứ nầy, không có mầm non Phật pháp. Chẳng qua, tại vì chúng ta chưa biết cách khai thác ươm mầm đúng cách hoặc thiếu môi trường thích hợp để cho nó được nẩy mầm xanh tươi tốt đó thôi. Nếu chúng ta thật sự quan tâm tạo môi trường tốt và phương pháp hướng dẫn tốt phù hợp với tuổi trẻ của các em, thì tôi tin chắc rằng trong tương lai các em sẽ đóng góp làm nhiều điều lợi ích cho Phật pháp. Bởi có gieo hạt, tất nhiên sớm hay muộn gì thì cũng sẽ có ngày đơm bông kết trái. Đó là định lý nhân quả tất nhiên. Đó là nói chuyện tương lai, nhưng  trong hiện tại là các em có được những giây phút vui tươi thoải mái thật là an lạc hạnh phúc. Quả thật các em đã thực sự nếm được hương vị an lạc hạnh phúc nơi chốn thiền môn.



Nhìn vào thực trạng xã hội của giới trẻ ngày nay, chúng ta thấy, phần lớn là các em đã đánh mất định hướng đạo đức. Các em sống buông thả, tha hóa trụy lạc, đã và đang lún sâu vào con đường tội ác sa đọa. Các em đã gây ra nhiều điều bất an cho chính mình, gia đình và xã hội. Những tệ nạn buôn bán ma túy, hút chích xì ke, băng đảng, hãm hiếp dâm ô, trộm cướp v.v… xảy ra nhan nhãn hằng ngày. Đó là những vấn nạn to lớn khủng khiếp chung của nhơn loại. Một em biết hướng về đạo đức hành thiện là chính bản thân của em đó, được lợi lạc và từ đó em sẽ gieo rắc những hạt giống đạo đức thương yêu đem lại sự an vui hạnh phúc cho gia đình và xã hội.



Hơn bao giờ hết, tôn giáo đúng nghĩa thực chất của nó, vẫn phải là cái phao nổi để cho mọi người bám vào, hầu để cho họ nương đó mới có thể tháo gỡ bớt những bức xúc căng thẳng khó khăn nội tại. Có nhận diện, chuyển hóa được những nguyên nhân gây ra khổ đau, thì người ta mới có thể vượt qua khổ đau. Có thế, thì nhơn loại mới có được cuộc sống an lạc hạnh phúc. Bằng ngược lại, thì nhơn loại sẽ tiếp tục gánh chịu những đau khổ hệ lụy dài dài. Nhứt là đối với thế hệ trẻ rất cần được sự quan tâm chăm sóc góp sức của các tôn giáo. Tôn giáo có khả năng tiếp sức hướng dẫn giáo dục cho các em có một nếp sống đạo đức lương thiện cao đẹp trong hướng tiến xây dựng tình người và tình đạo. Một nền văn hóa cao đẹp, chỉ có, khi nào mỗi cá nhân biết phục thiện, hành thiện và nhất là phải sống thật với chính mình. Có thường xuyên chăm sóc nuôi dưỡng đời sống tâm linh, thì nhơn loại mới có thể lấy lại sự quân bình giữa đời sống vật chất và tinh thần. Đó là phương cách hay nhất để mang lại nguồn sống vui tươi hạnh phúc cho mình và tha nhân.  



Thời gian ba tuần lễ trôi qua thật nhanh chóng. Mới đó mà đã sắp mãn khóa rồi. Sau khi rời khỏi nơi đây, các em sẽ trở về với đời sống bình nhật. Những ngày các em sống ở nơi đây, ít nhiều gì các em cũng đã tiếp nhận được những niềm vui an lạc trong khi các em tu tập. Chính những hạt giống tu tập nầy nó sẽ là nguyên động lực hướng dẫn đời sống các em sau nầy có những nếp nghĩ, lời nói hoặc hành động theo chiều hướng thánh thiện tốt đẹp hơn. Đã có huân tập những hạt giống tốt đẹp, thì chắc chắn sẽ hiện hành ra bằng những hành động tốt đẹp. Với tuổi thơ ngây trong sáng của các em, tâm thức của các em giống như tờ giấy trắng rất dễ tiêm nhiễm. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, câu nói nầy như là một nguyên lý trong cách tiếp cận xử thế của con người.



Chúng tôi viết bài nầy, mục đích là để muốn chia sẻ những niềm vui chung cùng với các em. Những niềm vui nầy có được, trên hết vẫn là nhờ ân đức lớn lao của Hòa Thượng Tông Trưởng. Hòa Thượng đã tạo ra những phương tiện và môi trường tốt để cho mọi người có cơ hội về đây tu học. Kế đến là những vị trong Ban tổ chức khóa tu và quý vị trong Ban trai soạn. Nhất là quý vị trong Ban trai soạn. Những vị nầy đã làm những công việc nấu nướng vất vả  ở nhà bếp. Họ chịu khó nhọc phải thức khuya dậy sớm để lo nấu nướng. Nhờ đó mà mọi người mới có được thức ăn yên tâm tu học. Nếu không có thực, thì làm sao vực được đạo. Cho nên, chúng ta cần phải mang ơn các vị nầy. Nói rộng ra, là chúng ta phải tri ân tất cả mọi người. Các tu sinh hôm nay không thể nào quên được ân đức của Đàn na thí chủ dâng cúng. Xin mọi người hãy nhận nơi đây lòng tri ân sâu xa của tất cả chúng tôi.



 Viết, trước là để thân tặng cho các em. Thiết nghĩ, đây cũng là một kỷ niệm rất êm đẹp lần đầu trong cuộc đời hướng về đạo pháp của các em. Sau nầy, khi các em trưởng thành, nếu có dịp, các em có thể nhìn lại những dòng chữ và những hình ảnh đầy kỷ niệm thân thương nầy, để thấy rằng đã có một thời, lúc còn trẻ trung mình cũng đã hướng lòng về Phật pháp tu học cùng với các bạn ở Tổ Đình Phước Huệ. Đó cũng là điều mang lại cho các em có được một niềm vui rất nhẹ nhàng thanh thoát.



Đồng thời, cũng là để nhắc nhở cho các em nhớ rằng, trong những ngày cùng thầy bạn tu học bên nhau, những gì mà quý thầy giảng dạy trao gởi nhắc nhở, các em phải cưu mang  khắc ghi sâu đậm vào lòng và nên lấy đó làm kim chỉ nam, làm lý tưởng để chỉ hướng cho thuyền đời của các em. Các em nên ghi nhớ lời Phật dạy: “Chớ nên làm các điều ác, hãy cố gắng làm những điều lành, và luôn luôn giữ gìn tâm ý của mình cho được trong sạch”. Đó là con đường rộng lớn mà các em cần phải thật hành áp dụng vào trong đời sống hằng ngày. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn trình bày qua những ngày các em tu tập ở nơi đây, để cho quý độc giả Phật tử thông cảm và cùng chia sẻ những  niềm vui chung cùng với các em. Niềm vui đó để thấy rằng, niềm tin tưởng vào Tam bảo của các em hôm nay rất là vững mạnh và các em đã tự vạch cho mình một hướng đi hướng thượng dựa trên căn bản tình người và tình đạo.

Tổ Đình Phước Huệ

Ngày 6 tháng 1 năm 2009



Leave a Reply