Friday, January 6, 2012

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

0 nhận xét

Ngược dòng thời gian, sau khi gia đình chúng tôi đến Melbourne từ trại tỵ nạn Thái Lan được tròn một năm, vào tháng 10 năm 1978, đa số người Việt tại Melbourne có cơ hội gần gũi với nhau là trong giai đoạn còn đang tạm cư tại các hostel, tức là các chung cư tiếp nhận di dân. Tâm trạng của những người mới đến Úc như chúng tôi phần đông là rất lạc quan vì biết mình đã thật sự thoát được cái xã hội bị bao trùm bởi những áp bức, đe doạ và nghèo đói, sau khi miền Nam nước Việt bị cưỡng chiếm bởi chế độ Hà Nội. Tuy nhiên, ở một góc sâu thẳm trong tâm hồn của người Việt ly hương bao giờ cũng có những nổi buồn man mác, vì họ không còn tìm lại được những hình ảnh quê hương quen thuộc nữa.

Trong bối cảnh xã hội hoàn toàn xa lạ nầy, chúng tôi, những người Việt ly hương, thường tìm nhau với tình đồng hương và coi nhau như là những người thân thuộc qua những buổi tiệc BBQ ngoài trời hay những cuộc đi chơi tập thể tới những nơi danh lam, thắng cảnh.

Nhớ có một buổi chiều thanh tịnh của Melbourne, chúng tôi, gồm ba bốn gia đình, hẹn nhau tìm đến thăm một trung tâm sinh hoạt Phật Giáo của người Úc, đó là Tara House ở Kew, Victoria. Chúng tôi được một vị sư người Úc ân cần tiếp đón. Sau đôi câu chào hỏi xã giao, vị sư mời chúng tôi nghe những bài kinh tụng bằng tiếng Việt được thu sẵn trong một cuốn băng cassette. Sau mấy năm xa cách quê nhà giờ đây lần đầu tiên được nghe lại những âm thanh tụng niệm rất quen thuộc, như nghe "tiếng nói của quê hương" khi trầm khi bổng, khiến lòng nao nao và vô cùng xúc động.  Âm điệu của lời kinh du dương trầm bổng xen lẫn những tiếng chuông êm đềm thỉnh thoảng ngân vang trong nhịp mỏ đều đều như có sức lôi cuốn phi thường, tưởng chừng như đã đưa những tâm hồn lạc lối trở về một nơi an lạc nhất.

Sau lần được nghe cuốn băng kinh tiếng Việt nầy, có lẽ là kinh Tịnh Độ, chúng tôi cố gắng tìm ra xuất xứ và người tụng như đi tìm người tri kỷ trong một cảnh giới lạc loài. Chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã tìm gặp người xướng tụng cuốn băng kinh đó, chính là ông Phan Văn Đạt, Pháp danh là Hồng Nhơn, một tuyên uý Phật Giáo dưới thời VNCH và hiện nay là Đại Đức Thích Phước Hựu tại Melbourne.

Thế là từ đó nhóm Phật tử Melbourne chúng tôi đã không còn cảm thấy lạc lỏng nữa, bởi vì đã có người đỡ đầu về Giáo Pháp, và từ đó sinh hoạt của nhóm chúng tôi bắt đầu phát triển, qui tụ được vài chục người, trong đó có gia đình anh chị Đức và Nhung, gia đình Mã Thành Thuận nhà hàng Như ý hiện nay tại Melbourne, mà người tích cực nhất là cô Thu (em vợ của Mã Thành Thuận).

Trong thời gian cố gắng tạo dựng nền móng sinh hoạt Phật Giáo Việt Nam tại Melbourne, nhóm Phật Tử chúng tôi hay tin Hoà Thượng Thích Phước Huệ (lúc đó là Thượng toạ Thích Tắc Phước) đang có mặt tại trại tỵ nạn Hồng Kông. Chúng tôi liền bàn thảo với nhau để tìm cách xin bảo lãnh thầy qua Melbourne để lãnh đạo tinh thần cho chúng tôi, hay cho Phật Giáo Việt Nam tại Úc nói chung.

Trong khi chờ đợi có thầy đỡ đầu, chúng tôi vẫn tiếp tục sinh hoạt với nhau thường xuyên, và vào mùa Phật Đản năm Kỷ Mùi, ngày chủ nhật 13 tháng 5 năm 1979, chúng tôi tổ chức Đại Lễ Phật Đản đầu tiên tại Collingwood Town Hall, Melbourne, dưới sự hướng dẫn và chủ lễ của sư huynh Hồng Nhơn, bây giờ là Thầy Phước Hựu. Buổi lễ Phật Đản đầu tiên nầy đã qui tụ được khoảng hơn 1000 người và được coi như là rất thành công.

Vào ngày 9 tháng 7 năm 1980, tức nhằm ngày 27 tháng 5 năm Canh Thân, nhóm Phật Tử Melbourne chúng tôi được vinh hạnh ra tận phi trường Melbourne cung nghinh vị Thầy Phật Giáo Việt Nam khả kính lần đầu tiên có mặt trên đất Úc; đó là Thượng Toạ Thích Tắt Phước, hiện nay là Hoà Thượng Thích Phước Huệ. Đây là một niềm vui lớn nhất của nhóm Phật Tử Melbourne chúng tôi, hay nói đúng hơn là của toàn thể Phật giáo đồ tại tiểu bang Victoria hay tại Úc, nói chung.

Mọi người xôn xao và sinh hoạt Phật Giáo Việt Nam tại Melbourne có cơ duyên bộc phát sau khi Hoà Thượng Thích Phước Huệ tới Melbourne. Ban đầu vì chưa có chỗ tôn nghiêm thích hợp nên chúng tôi đã phải tạm thỉnh Hoà Thượng đến tạm trú tại Tara House trong một thời gian ngắn. Quý thầy người Úc ở Tara House cũng tỏ ra rất niềm nở đón tiếp Hoà Thượng.

Những tưởng Melbourne là nơi đất lành sẽ đượm đầy 'mưa Pháp" dưới sự diều dắt của Hoà Thượng, bổng một hôm, khoảng chừng 6 tháng sau đó, Hoà Thượng quyết định di chuyển về Sydney, để bắt đầu gầy dựng cơ sở và sinh hoạt Phật Giáo tại đó, sau khi Thầy Thích Tôn đến Melbourne từ trại tỵ nạn Mã Lai. Chúng tôi ngơ ngác trong phút chốc ban đầu trước quyết định về Sydney khi của Hoà Thượng. Nhưng sau đó được Hoà Thượng giải thích vì nhu cầu phát triển Phật Giáo Việt Nam tại Sydney, nơi có đông người Việt cư ngụ hơn Melbourne, nên chúng tôi cũng an tâm, hoan hỉ tiễn biệt Hoà Thượng về Sydney dù trong lòng mọi người ai cũng luôn luôn mến tiếc Thầy. Cô Thu trong nhóm chúng tôi đã tự nguyện về Sydney để cung phụng Hoà Thượng kể từ dạo đó.

Đúng như dự tính, Hoà Thượng đã bắt đầu gầy dựng cơ sở sinh hoạt Phật Giáo Việt Nam tại Sydney ngay sau khi Ngài đặt chân tới thành phố có đông người Việt nhất tại Úc nầy. Ban đầu trong lúc còn chân ướt chân ráo, Hoà Thượng mướn đỡ một căn nhà để làm ngôi đạo tràng đơn sơ, rồi dần dần mấy năm sau, đồng hương Phật Tử về với Hoà Thượng càng lúc càng đông, hăng hái hỗ trợ Hoà Thượng để xây dựng được ngôi đạo tràng Phước Huệ ở Wetherill Park, với đầy đủ tiện nghi và được coi như là ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên tại Úc.

Trong khi đó ở Melbourne Thầy Huyền Tôn tiếp tục lãnh đạo và phát triển cơ sở Phật Giáo tại đây. Ban đầu cũng mướn một căn nhà nhỏ ở Richmond để làm một ngôi chùa tạm, sau đó ít lâu tập thể Phật Giáo đồ Melbourne đóng góp mua được một căn nhà ở số 8 đường Prince Street, Footscray để làm ngôi chùa và được đặt tên là chùa Đại Bi Quan Âm.

Khoảng một năm sau, tức là vào khoảng năm 1981 hay 1982 gì đó, Hoà Thượng Phước Huệ cho triệu tập một đại hội Phật Giáo Việt Nam đầu tiên tại Sydney để thành lập giáo hội liên bang. Phật tử Melbourne về Sydney tham dự đại hội khá đông cùng với các đại diện Phật Giáo tử ở các tiểu bang khác để bàn thảo bản dự thảo hiến chương thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại Úc. Kết quả của đại hội nầy là sự thành hình Tổng hội Phật Giáo Việt Nam tại Úc, rồi ít năm sau đó danh xưng của tổ chức nầy được đổi lại thành Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan cho tới ngày nay.

Kể ra thì Phật Giáo đồ Việt Nam ở Melbourne đã phải trải qua khá nhiều gian nan sau khi Hoà Thượng Thích Phước Huệ về Sydney. Sau những thăng trầm bất ổn trong sinh hoạt và tổ chức dưới sự lãnh đạo của Thầy Thích Huyền Tôn, vì thiếu cơ duyên nên sau mấy năm Thầy Huyền Tôn không thể tiếp tục lãnh đạo khối Phật Giáo đồ Việt Nam được thành hình tổ chức đầu tiên trên đất Úc tại Melbourne nầy nữa. Trước tình thế bế tắc lãnh đạo, Phật giáo đồ Melbourne đã phải cung thỉnh Hoà Thượng Phước Huệ trở lại đây để tiếp tục con đường hoằng Pháp và phát triển cơ sở Phật Giáo Việt Nam tại tiểu bang Victoria. Thế là từ đó Hoà Thượng Phước Huệ phải nặng gánh hai vai, vừa là Viện trưởng Viện Hoằng Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, vừa là Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Victoria. Cũng kể từ đó, tức là chỉ sau vài ba năm vắng bóng, Hoà Thượng Phước Huệ lại phải thường xuyên lên xuống Melbourne, nhất là trong những ngày lễ lớn, như Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan và Phật Đản.

Dưới sự lãnh đạo của Hoà Thượng Phước Huệ, vào năm 1986, chùa Đại Bi Quan Âm Melbourne đã được đổi tên thành chùa Quang Minh sau khi dời về số 177 đường Morris Street, Sunshine, và kể từ đó Hoà Thượng cũng bổ nhiệm mấy vị trụ trì khác nhau cho chùa Quang Minh. Ngoài các vị có tính cách tạm thời, hai Thầy Thích Tâm Phương và Thích Minh Trí đã đóng góp khá nhiều công sức trong cương vị trụ trì của chùa Quang Minh. Tuy nhiên có lẽ vì cơ duyên khác nhau, các chư tăng trụ trì nầy sau đó đã tách ra để mở riêng đạo tràng. Thầy Tâm Phương trụ trì chùa Quảng Đức ở Fawkner và Thầy Minh Trí thì trụ trì chùa Phước Tường ở Richmond, trước khi Thầy Thích Phước Tấn được Hoà Thượng bổ nhiệm chức trụ trì chùa Quang Minh để tiếp tục con đường hoằng pháp từ khoảng năm 1996.

Cho đến nay, tức là 21 năm sau khi đến Úc, Hoà Thượng Phước Huệ vẫn là vị lãnh đạo tối cao của Phật Giáo Việt Nam tại Úc và Tân Tây Lan. Chính phủ tiểu bang và liên bang của Úc cũng nhìn nhận như vậy. Các vị quốc khách của Úc, như Hoàng Tử Charles, Nữ Hoàng Elizabeth và Đức Đạt Lai Lat Ma, cũng ghé thăm Hoà Thượng khi có dịp viếng thăm nước nầy. Nhiều chính khách Úc cao cấp của Úc, từ thủ tướng đến hàng tổng bộ trưởng đến thăm Hoà Thượng tại Phước Huệ đạo tràng mỗi khi có dịp lễ lớn.

Như vậy, chẳng những về phương diện tổ chức Hoà Thượng Thích Phước Huệ là vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội Việt Nam tại Úc và Tân Tây Lan, mà về phương diện tinh thần, ngài còn là một vị Thầy, là Đức Bổn Sư của rất đông Phật giáo đồ tại Sydney, Melbourne và các tiểu bang khác nữa. Có nhiều lần Hoà Thượng tới thăm cộng đồng người Việt tại Tân Tây Lan và tại Tân Đảo, tức là New Caledonia, chắc Hoà Thượng cũng đã truyền giới qui y cho nhiều người tại hai đảo quốc nầy.

Hôm nay hồi tưởng lại những đoạn đường Phật Giáo Việt Nam đã trải qua tại Úc với nhiều sự đổi thay của hoàn cảnh và của tâm thức con người, chúng tôi, những người theo đạo Phật muốn nhen nhún ngọn lửa Từ Bi trong cộng đồng người Việt từ khi vừa mới đặt những bước chân lạc lỏng lên đất  Melbourne, tự thấy mình rất hãnh diện với cơ duyên được gặp vị Thầy là một bậc chân tu, với biết bao công đức Thầy đã tạo ra để hàng Phật Giáo đồ chúng con được cùng hưởng – Thầy Phước Huệ Đại Lão Hoà Thượng ngàn đời yêu kính của chúng con.


Leave a Reply