Sunday, January 8, 2012

Mùa Phật Thất Cuối Năm

0 nhận xét

Khi chúng tôi ngồi trong phòng triển lãm tại Đại Hội Tôn giáo Thế Giới vào ngày cuối cùng, thầy Phước Tấn mới báo cho biết là tượng Phật  ngọc sẽ được đưa về chùa  Quang Minh trong hơn mười ngày tới đây.


Có những điều huyền diệu mà ta không giải thích được. Chúng tôi cũng từng biết thầy là một trong những thành viên hoạt động tích cực cho việc kiến tạo Phật ngọc hòa bình. Chúng tôi lại cũng biết ngôi Đại Hùng Bửu Điện còn đang dỡ dang, thỉnh Ngài về mà không chu toàn là một trọng tội, nên việc không định trước để cung nghinh Ngài là một điều tất yếu. Nay chánh điện mới tuy chưa hoàn tất nhưng tạm thời có thể sử dụng được theo ý muốn.


Vậy là thầy quyết định đưa Phật ngọc về chùa Quang Minh trong một nhân duyên hết sức thù thắng là đúng vào khóa tu Kết kỳ Niệm Phật lần thứ 16. Đó cũng là điều bất ngờ mà cả thầy và chúng tôi không ai biết trước cả. Quý thầy đã nói rồi, nơi nào có đầy đủ nhân duyên và phước báo thì nơi đó sẽ có mặt Đức Thế Tôn. Chúng tôi chuẩn bị cấp tốc trong ba ngày trời. Mọi việc đâu vào đấy, chùa Quang Minh tưng bừng lễ hội cung nghinh Phật ngọc hòa bình thế giới vào ngày 23/12/2009.


Phật ngọc được rước về chùa Quang Minh vào ngày 21/12/09 rồi được tiễn đi vào ngày 03/01/10. Tượng Đức Bổn Sư, tạm thời được an vị ngay giữa các bực thềm  chánh điện mới. Đây đúng là vị thế của đấng Điều Ngự sau 49 ngày nhập định và đã tìm ra chân lý giải thoát cho tất cả chúng sanh là: mặt Đức Bổn Sư quay về hướng đông, tay phải chấm đất cho thấy sự chứng tri của đất. Tôi đã thầm phục Phương trượng thiết kế ngôi Đại Hùng Bửu Điện với ý nghĩa thật cao sâu, nay lại càng phục hơn về cách bày trí tượng Phật Ngọc này. Rõ ràng người có trí huệ thì mỗi việc làm điều mang ý nghĩa cao đẹp của chính nó. Như vậy là khi ta đứng trước tượng Phật ngọc tại chùa Quang Minh, ta cũng có thể tưởng tượng rằng mình đang đứng trước Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Thích Ca đã thành đạo hơn 2500 năm qua.


Đạo tràng Quang Minh mở khóa tu Kết Kỳ Niệm Phật vào ngày 25/12/09 và kết thúc vào ngày 01/01/10; cũng xem như là trong suốt khóa tu chúng tôi được sự chứng tri của Đức Thế Tôn rồi còn gì nữa.


Việc tổ chức đêm Hoa đăng diễn ra trước lễ thắp nến một ngày. Sau thời công phu chiều, chúng tôi vân tập vào trong chánh điện mới. Chính thầy Phước Thái đứng ra điều động chổ ngồi cho chúng tôi trong cuộc lễ hoa đăng nầy. Vậy là lần đầu tiên cô Mãn Hạnh Toàn và tôi được xếp ngồi hàng đầu để rước đèn.


Một bài pháp mà Thầy Phước Tấn đã  mở đầu cho buổi lễ hoa đăng ngày hôm nay là việc mài giủa tâm hồn chúng ta cho trong sáng, qua việc chịu đựng những lời bình phẩm hay những đụng chạm hàng ngày trong cuộc sống. Nó cũng giống như người thợ ngọc đã mài giủa khối ngọc để trở thành bức tượng ngọc hòa bình nổi tiếng mà ta có được ngày hôm nay. Đây là điều thầy muốn nhắc nhở chúng tôi nên thực hành phép nhẫn theo tinh thần Phật giáo, trong cách đối sử hàng ngày với mọi người trong gia đình, ngoài xả hội cũng như trong đạo tràng.


Với sức chứa của ngôi chánh điện mới cũng phải trên dưới 1000 người. Hôm nay, gồm trên 300 Phật tử đến tham dự, ngoài các liên viên đạo tràng Quang Minh chúng tôi ghi nhận còn có những Phật tử xa gần cả người Việt lẫn khách Úc. Trên chiếc bàn dài để trước tượng Bổn Sư ngự giữa chánh điện mới của chùa, có 230 chiếc đèn được bày trí, có 230 nười nhận được nguồn sáng trí tuệ tượng trưng từ tay thầy Phước Tấn và thầy Phước Hoan. Tự trong thâm tâm mỗi người chúng tôi cũng tự hứa với lòng “Nến đã thắp lên rồi thì tự mỗi người nên phải tiến bước lên.” Tôi nghe vang vang lời kinh cầu trong bài Tứ Thệ Nguyện: “Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ. Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn....”


Chúng tôi chia thành hai hàng đi dọc theo tượng đài Phật ngọc, rồi lần xuống sân và đi nhiễu quanh trước tượng đài. Những ngọn nến lung linh trong bầu trời đêm 11 tháng 11 năm Kỷ Sữu, mang tính vừa thiêng liêng vừa huyền bí. Mặt trăng đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn. Làn gió mát của đêm nay dường như cũng xóa tan được phần nào sự cáu bẩn của những giận hờn, những hơn thua tranh chấp mà chúng tôi đã mang trong lòng. Chúng tôi như những vì sao di động giữa không gian ẩn tàng sự huyền diệu. Sự giao thoa giữa hai hàng nến từ trên cao nhìn xuống tựa hồ như những vì sao đang đổi ngôi làm tăng thêm vẻ đẹp mỹ miều của vùng đất trước mặt Đấng Toàn Giác. Ngày xưa lúc còn thơ ấu khi nhìn những vì sao đổi ngôi mẹ tôi thường bảo: “ Con hãy ước nguyện đi thì chí nguyện sẽ đạt thành.”  Xin hãy cùng tôi nguyện ước cho hòa bình nhân loại, cho hạnh phúc đến muôn loài. Rồi hàng nến giao thoa tạo thành một vòng tròn. Một vòng tròn hoàn hảo là tinh cầu mang đầy sự sống, là ánh mặt trời chói rạng buổi ban mai, là mặt trăng huyền diệu của tối hôm nay.


Mọi người vui vẻ tan hàng, người vui nhứt hôm nay phải nói là quý thầy. Ai cũng biết phương trượng tôi vừa đa đoan công việc của ngày Đại Hội Tôn giáo Thế giới, lại vừa đa đoan trong việc xây cất ngôi Đại Hùng Bửu Điện. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến thầy không dám dự định trước việc rước Phật ngọc về chùa trong khoảng thời gian này. Nay mọi việc diễn ra thật tốt đẹp như sự mong ước của mọi người, vậy là thầy phải vui rồi. Thầy Phước Thái là người tổ chức sắp xếp mọi chương trình ngay cả đội hình , sự giao toa của những ánh sao di động cũng chính là ý  kiến thầy, nhìn sự diễn biến tốt đẹp của buổi lễ tất nhiên là thầy phải vui rồi. Còn thầy Phước Hoan sau cơn bệnh trầm kha,  chứng minh được sự nhiệm mầu của Phật pháp vì biết rằng mình đã lấy lại được phong độ cũ với giọng niệm Phật trầm ấm vang trong đêm dài.  Thầy vui vì thấy được khả năng tiếp tục phục vụ đại chúng của mình trong những bước kinh hành trong đêm lung linh ảo diệu này. Riêng chúng tôi, chúng tôi vui vì ước nguyện đạt thành.


Thắp nến niệm Phật luôn là chủ đề chính trong khóa tu Kết kỳ Niệm Phật. Chúng tôi ngồi thành bốn dãy đâu mặt, đằng trước là tượng Bổn Sư, đằng sau là tượng Phật Ngọc. Trong kỳ thắp nến này ngoài bài giảng về ý nghĩa của việc truyền đăng thật là cảm động, thầy Phước Thái còn giới thiệu hai khuôn mặt mới mà cũ  là Viên Như và Nguyên Nhật Huyền. Thầy đúng là người thợ khéo đã đẻo đá để tìm ra hai viên ngọc quý. Hai vị không những có giọng niệm Phật thanh tao để dẫn chúng  mà còn ca cải lương hết sức là mùi. Thay cho 10 phút thiền định thầy hướng dẫn chúng tôi thiền quán. Đây là loại thiền mà Hòa thượng Nhất Hạnh đã rất thành công trong việc hướng dẫn chúng đệ tử. Có một điều mà các bạn đạo cho rằng có phải ta hơi lạm dụng nhạc trong lúc này chăng ?


Vâng, phải nói là thầy luôn tìm cách thay đổi món ăn tinh thần của chúng tôi, thay cho những bài Pháp giảng đầy tính kinh điển là những câu hỏi thực tế mà chúng tôi gặp phải trong khi tu tập. Có những câu hỏi làm chúng tôi cảm phục vì tâm từ của các bạn đạo, nhưng có những câu hỏi lại gây sự hoang mang trong lòng như câu hỏi về việc để tro cốt tại chùa. Thực ra đây là câu hỏi có nhiều bàn cải trên các trang web Phật giáo. Không khéo chúng ta sẽ gây hiểu lầm và bất lợi cho chính đạo Phật chúng ta. Riêng cá nhân tôi thì đây chỉ là phương tiện mà thôi. Nếu ta chịu khó quan sát thì sẽ thấy được phần lớn các tín đồ tham gia công quả hay tham dự đạo tràng hoặc đến chùa cúng bái đều có thân nhân hoặc thờ cúng tại chùa hoặc cũng có lần nào đó được quý thầy đọc tụng hay cúng vong. Từ một xác thân tro bụi kia mà lôi kéo, mà gieo bao duyên lành cho những người thân đến chùa tìm đạo, há chẵng phải là việc đáng làm hay sao? Vậy thì việc cúng bái hay gởi tro bụi chỉ là phương tiện mà cứu cánh là hướng dẫn phần tâm linh cho những người còn lại. Suy cho cùng ra,  công lao của những vị trong ban hộ niệm cũng không ít đối với việc làm tạo phương tiện này. Xin hoang nghênh tinh thần của các bạn đạo như: Tịnh từ, Diệu Hương, Tâm Hải, Chơn Thừa, Lệ Thanh, Như Lử, Chơn Trì, Huệ Hiền, Như Phẩm, Diệu Từ, Tâm Đắc, Viên Như, Chí Phước, Cô Viên Thật, cô Diệu Lộc....đã chẳng quản công lao khó nhọc vì người chết, đưa đường người sống tìm đúng hướng đi cho chuổi ngày còn lại của mình.


“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” đạo tràng càng ngày càng lớn mạnh thì ta phải nhớ đến công lao khó nhọc trước nhứt là Hòa Thượng Liên trưởng,kế đến là thầy Phước Tấn, rồi thầy Phước Thái. Không có những người này thì chúng tôi sẽ không có nơi thanh tịnh để trau dồi trí tuệ. Đạo tràng là gia đình tâm linh của chúng tôi. Đây là nơi chúng tôi chia sẻ nhau từng nụ cười hay những kinh nghiệm tu tập. Đại Hội thường niên lần thứ 11, không nhằm mục đích phát huy tinh thần tu học và gởi lời tri ân đến những vị thầy khả kính. Thông thường chúng tôi có lễ phát quà cho ban lãnh chúng và ban thơ ký. Thầy Phước Thái đã nhiều lần công nhận sự đóng góp tích cực của quý vị này. Nhìn những khuôn mặt tươi vui của quý vị làm chúng tôi vui lây. Cuối giờ có vài bạn đạo thấy tôi ghi chép thì có vài đề nghị, nếu thầy cho phép năm sau chúng tôi có thể tham gia vào việc đề nghị cho phần những vị anh hùng không tên tuổi. Những người đã cống hiến rất nhiều sức lao động của mình trong việc thành công của các buổi lễ hay các buổi tu học và thọ bát. Tôi gọi những vị này là những anh hùng vô danh vì họ không hề nhận lảnh một chức vụ nào hết trong đạo tràng , nhưng họ chính là thành phần lao độ̀ng nồng cốt của chủa. Xin ghi nhận những vì sao sáng đó là: Huệ Hiền, Như Phẩm, Minh  Nguyện...  Có những người khiêm nhường như: Tâm Kiên, Chân Tâm Thanh hay Thiện Minh không bao giờ chịu nhận  những phần danh dự này, nhưng không vì thế mà chúng ta lại quên những đóa sen búp nhiệt tình như Chiếu Hoằng , Diệu Hải. Tuy không là liên viên đạo tràng nhưng đôi bạn trẻ Mỹ Phương và Tony luôn sát cánh với chúng ta trong việc lo âm thanh và ánh sáng. Thêm một phần quà, thêm một nụ cười là thêm một đóa hoa trên bước đường tu tập.


Xin gởi lời tán thưởng tinh thần của hai chị em cô Ngọc Diệu và Ngọc Phương cùng ban nhà trù tươi trẻ của khóa tu kỳ 16 này.


Tôi chưa hề thọ giới Bồ Tát nhưng cũng xin nguyện rằng nếu mình kéo được người thân nào về chùa đảnh lễ Như Lai thì mình cũng sẽ hết lòng làm việc đó. Vậy là bầu đàn phu tử cùng một số bạn bè, em út của tôi gần 10 người từ Sydney xuống chùa lạy Sám hối trong trong buổi tối ngày 13 tháng 11 năm Kỷ Sữu tại chùa Quang Minh.


Tôi lễ Tam Bảo ba lạy rồi ra về. Như vậy nhân duyên của tôi với khóa tu kỳ 16 đến đây là chấm dứt. Tôi chạnh lòng nhớ đến ba câu thơ trong bài “ Đây Tha La” của  nhà thơ tiền chiến Võ Anh Khanh.


....Rồi cởi áo tu,


Rồi đọc kinh cầu nguyện,


Rồi về cỏi tục để làm dân...


Bỏ đằng sau lưng mình những giây phút an nhiên, thanh tịnh của ngày qua....



Leave a Reply