Monday, January 9, 2012

Lễ Bái Trì Danh Kinh Hành Niệm Phật

0 nhận xét

Mỗi lần dự khóa tu Kết Kỳ Niệm Phật tại đạo tràng Quang Minh, tôi thích nhất là thời Lễ Bái Trì Danh Kinh Hành Niệm Phật. Không những riêng tôi thích, mà hầu như các bạn sen khác ai ai cũng thích giống như tôi. Thú thật, lúc đầu tôi rất là bỡ ngỡ, trong lúc lạy xuống đứng lên đúng theo cách thức mà thầy Phước Thái đã hướng dẫn chỉ dạy cho chúng tôi. Dù thầy đã hướng dẫn chỉ dạy chúng tôi rất tận tường kỹ lưỡng, nhưng tôi cứ làm sai hoài. Tôi là người hay bị thầy theo dõi chú ý sửa sai nhiều nhứt. Vì mỗi lần lạy xuống, tôi thường ngóc đầu lên trước thiên hạ. Thầy đứng phía sau chúng tôi, nên thầy nhìn thấy rất rõ. Cứ mỗi lần làm sai, thầy liền đến bên tôi và nói nhỏ: “cô nhớ ngóc đầu lên cho đúng nhịp nhàng với những người khác. Phải luôn để tâm lắng nghe và theo dõi câu niệm Phật của những người khác. Ðến chữ Phật của câu thứ bảy, thầy lặp lại hai lần, là chữ Phật của câu thứ bảy, thì cô mới đứng lên, và khi nghe tiếng chuông rồi mới xá xuống. Cô ráng cố gắng nhớ mà thật hành cho đúng nhe!”


Tôi cám ơn thầy rồi xá xuống và nghe theo lời thầy thức nhắc căn dặn. Nhưng khổ nỗi, chỉ nhiếp tâm làm đúng được một lúc, thì tâm tôi lại tán loạn phóng nghĩ chạy đi nơi khác. Thế là tôi lại làm sai lời thầy dặn nữa rồi! Có khi ngóc đầu lên, nhìn thấy mọi người còn đang quỳ mọp, tôi giựt mình và rồi quỳ mọp đầu xuống bồ đoàn lại tiếp. Có lúc, người ta đứng lên hết rồi, mà riêng tôi thì còn quỳ mọp, giống như người nằm vạ vậy. Mỗi lần nhớ lại hình ảnh đó, tôi không khỏi hổ thẹn mà cười thầm cho mình. Hai bà bạn ở hai bên tôi, thường hay khều móc tôi để ngóc đầu lên cho đúng. Những lúc tâm tôi xao lãng, tạp niệm nhớ nghĩ lăng xăng, không chú ý theo dõi câu niệm Phật để đứng lên cho đúng, nên tôi cứ bị thầy thường hay đến nhắc nhở. Chỉ có chừng ấy việc mà tôi cứ làm sai hoài. Thật nghĩ mà buồn tủi cho mình sao quá tối dạ nghiệp chướng gì mà quá sâu nặng như thế!


Tôi phập phòng lo sợ, thầy mà nói ra giữa đại chúng, thì chắc là tôi phải “quê” lắm. Nhưng thầy chỉ nhắc riêng tôi thôi, chớ thầy không có nói ra trước đại chúng. Hú hồn, tôi đã qua phà! Thật lòng con xin cám ơn thầy nhiều lắm. Tôi biết bệnh loạn tưởng của tôi nặng lắm, nên khi ở nhà niệm Phật, tôi cố gắng nhiếp tâm làm đúng theo lời thầy dạy, không để tâm nghĩ ngợi chuyện gì khác.


Mỗi lần niệm Phật công cứ, tôi quyết tâm tập trung tư tưởng lại, dẹp bỏ hết mọi duyên trần chuyện thị phi, để tâm chuyên chú vào câu hiệu Phật. Tôi nhớ có lần thầy nói: “niệm Phật mà tâm không niệm, chỉ có miệng niệm suông không thôi, thì chẳng khác gì cái máy niệm Phật. Pháp niệm Phật là tâm và miệng phải hợp nhứt với nhau và phải niệm câu hiệu Phật cho thật rành rẽ, rõ ràng.  Niệm như thế, mới được lợi ích”. Nhớ lời thầy dạy, mỗi lần niệm Phật, tôi cố gắng nhiếp tâm mà niệm, quyết không không để tâm chạy rong chuyền nhảy lung tung như con vượn, con khỉ nữa. Tôi tập như thế lâu ngày, tôi cảm thấy mỗi khi niệm Phật, tâm tôi được an ổn bớt tán loạn hơn trước kia nhiều.


Từ đó, mỗi lần lễ bái trì danh, tôi lạy xuống đứng lên không còn lộn xộn như trước kia nữa. Và thầy cũng không có đến đứng bên tôi nữa. Trước kia, mỗi lần thấy thầy đi tới đi lui kiểm soát, tôi rất lo sợ. Nhất là thầy đứng chú ý coi tôi khi tôi lạy xuống, thấy thế, tôi lại càng hồi hộp lo sợ hơn nữa. Nhờ thầy nhắc nhở, nên tôi cố gắng làm theo. Do đó, trải qua nhiều khóa tham dự tu học, tôi thấy rất là bổ ích cho tôi. Bây giờ, thú thật với các bạn, tôi không còn cái nỗi lo sợ như trước kia nữa. Nhờ dự tu nhiều khóa, nên bây giờ tương đối, tôi đã khá thuần thục nhuần nhuyễn hơn. Mình tu học giống như đứa học sinh đi học. Chỉ cần cố gắng siêng năng học hành, chắc chắn là học sinh phải có tiến bộ lên lớp thôi. Chả lẽ, cứ dậm chân tại chỗ hoài sao?!


Và cũng từ đó, tôi cảm nhận ra rằng, niệm danh hiệu Phật,  rất có hiệu quả cho sự nhiếp tâm. Chỉ cần tập trung chú tâm vào câu hiệu Phật, thì mọi vọng tưởng lăng xăng, chúng không còn có cơ hội dẫn dắt mình đi lang thang nơi nầy nơi khác. Tôi còn nhớ có thầy lần dẫn câu: “Chế tâm nhứt xứ vô sự bất biện” trong Kinh Di Giáo Phật dạy để thức nhắc chúng tôi. Thật vậy, nếu mình cố gắng chuyên nhứt chú tâm vao một chỗ, thì không có việc gi mà chẳng xong. Như mình chuyên chú vào câu Phật hiệu, thì mọi vọng tưởng sẽ không có. Tôi ghi nhớ mãi trong lòng lời dạy nầy. Thú thật, được hành lễ chung với đại chúng, tôi cảm thấy rất là an lạc hạnh phúc.


Ngoài việc lễ bái trì danh kinh hành niệm Phật ra, thầy còn cho chúng tôi có hai buổi tối thắp nến niệm Phật. Niệm Phật bằng cách thắp nến nầy, tôi cũng lại rất thích. Cứ mỗi khóa tu, thầy cho chúng tôi có hai thời hành trì như thế. Nhìn ngọn đèn cháy sáng ở trước mặt, tôi cảm thấy sao mình còn u mê tối tăm quá! Nghiệp lực của mình còn quá sâu dày. Sự đau khổ của mình không biết đến bao giờ mới thật sự chấm dứt đây! Nghĩ thế, bỗng tôi cảm thấy rất là chua xót não lòng cho cái nghiệp lực của mình sao mà nó quá sâu nặng. Nặng còn hơn quả núi Tu di nữa đó các bạn sen ơi!


Phải chăng, đây cũng là cách mà thầy bày ra để nhắc nhở chúng tôi phải niệm Phật bằng tất cả giữ chánh niệm và có trí huệ chiếu soi. Có trí huệ chiếu soi sáng suốt như ngọn đèn, tất nhiên tâm mình không còn bị vô minh che mờ sai sử mình nữa. Mình không còn cam tâm làm nô lệ cho chúng sai khiến. Bao thứ tạp niệm tối tăm đều bị phá tan, như ngọn đèn đang cháy sáng. Hòa cùng với tiếng niệm Phật của đại chúng, chao ôi! lòng tôi cảm thấy có sự an lạc lạ thường. Tôi không có cách nào diễn tả cho các bạn hiểu được sự cảm nhận an lạc của tôi lúc đó. Ðúng như câu nói của người xưa rằng: “như nhơn ẩm thủy, lãnh noãn tự tri”. Nghĩa là, người tu hành giống như người uống nước, lạnh hay nóng chỉ có tự mình biết rõ mà thôi. Những lúc như vậy, tôi biết rằng, tôi rất được hạnh phúc. Bao nhiêu nỗi ưu phiền sầu muộn trong lòng tôi đều tan biến hết giống như mây khói.


Thú thật với các bạn, bây giờ tôi rất ghiền dự khóa tu. Tôi rất mong ngày tháng qua mau để tôi được tiếp tục dự tu. Nhiều khi, vì bận việc gia đình, nên tôi đã phải bỏ lỡ một hai khóa tu, tôi rất buồn tiếc! Tôi tham dự có mặt cùng với các bạn sen khác kể từ khóa tu đầu tiên, do quý thầy khai mở. Thú thật, tôi không còn nhớ rõ năm nào. Cho đến nay, trước sau gồm có 14 khóa. Mỗi năm, có ba khóa tu. Khóa nào, tôi cũng cố gắng sắp xếp việc nhà cho ổn định để tới dự tu. Và trong khi dự tu ở đạo tràng, tôi quyết không còn bận tâm lo nghĩ gì đến việc nhà. Vì mọi việc, tôi đã sắp xếp ổn định. Ðiều mà có lẽ suốt đời còn lại của tôi, tôi thật khó quên, đó là mối thâm tình bạn đạo. Có chứng kiến tận mắt, các bạn mới thấy được tinh thần tu học của các bạn sen chị em chúng tôi.


Ai cũng biết, nơi ăn chỗ nghỉ dành cho các tu sinh dự tu chúng tôi, thì rất là chật hẹp. Vì chùa không có đủ phương tiện, tiện nghi giúp cho chúng tôi được thoải mái.  Cho nên, mỗi lần dự khóa tu, phần lớn những người dự tu chánh thức bảy ngày, thì phải trải nệm trên nền nhà cement để tạm ngủ nghỉ. Một số người thì nằm trên sân khấu và hai bên hông của sân khấu, số người khác, thì lấy những tấm phong che chắn lại làm chỗ ngủ nghỉ và một số người thì ngủ trên gác. Ấy thế mà, chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ. Chúng tôi chia sẻ cảm thông với nhau. Ăn chay nằm đất, vậy mà cảm thấy rất an lạc. Dù tuổi tác của chúng tôi lớn nhỏ có chênh lệch nhau, nhưng tấm lòng của chúng tôi thì chỉ có một. Tất cả như con một cha như người một nhà. Những lúc như vậy, tôi trực nhớ đến bài viết “Một Nhà Tịnh Ðộ” của thầy Phước Thái. Quả thật, chúng tôi là những người con cùng chung một nhà. Chúng tôi thương yêu tương kính nhau, rất là hòa ái. Mỗi lần hát bài mừng sinh nhật, thú thật, tôi không ngăn được nước mắt. Bài hát đó, thầy đã gởi gắm nhắc nhở chúng tôi phải thật tâm thương yêu nhau trong thâm tình bạn sen.



Tình bạn sen, tình rạt rào,
Tình bạn sen, luôn bên nhau,
Tình bạn sen, vui đón chào,
Tình bạn sen, luôn ngọt ngào.



Ðó là một điệp khúc được lặp đi lặp lại trong bài hát. Tôi thiết nghĩ, các bạn sen khác khi hát điệp khúc nầy, chắc hẳn cũng có những cảm niệm xúc động rơi lệ như tôi. Chính cái thâm tình đó, làm sao tôi có thể quên được những lúc sát cánh bên nhau tu học. Tôi tự thầm nhắc nhở mình phải luôn luôn giữ tình bạn sen đúng như những gì mà thầy đã trút hết tâm tư hoài vọng của thầy vào đó. Bài hát nầy có tác dụng thức nhắc chúng tôi rất lớn trong tình thương yêu hòa kính để cùng nhau quyết tâm xây dựng đạo tràng. Tôi cũng luôn tâm niệm là quyết không làm trái lại những gì mà quý thầy đã hằng mong mỏi kỳ vọng nơi chúng tôi.


Trở lại vấn đề dự tu nói trên, tôi quyết không viện cớ lý do không chánh đáng để không tham dự khóa tu. Vì như thế, sẽ tạo cho tôi thêm cái tội dối mình lười biếng. Ngoại trừ gặp phải những hoàn cảnh bất khả kháng không thể giải quyết được. Hoặc giả khi đau yếu bệnh hoạn, thì tôi mới vắng mặt mà thôi. Lạy Phật, cũng may mắn cho tôi, là tôi ít khi gặp phải những hoàn cảnh ngoài ý muốn đó. Âu đó cũng nhờ chư Phật gia hộ cho tôi có đủ phước duyên, nghị lực nên mới có thể vượt qua mọi khó khăn. Con kính lạy chư Phật, chư Bồ tát, nhất là Mẹ hiền Quán Âm đã gia hộ cho con có được những cơ hội tốt đó.


Có dự các khóa tu, tôi mới thấy mình trở nên một con người thay đổi khác xưa. Tôi cảm nhận có sự đổi mới ở nơi thân tâm của tôi. Tâm tôi bớt đi rất nhiều những phiền não tạp loạn toan tính, lo âu buồn bực, chán nản như trước kia. Nếu không có sự nhắc nhở thường xuyên của thầy bạn, thì đời tôi chắc là khổ sở lắm. Nhờ có tu học và nhất là thường xuyên niệm Phật, nên lòng tôi cảm thấy vơi đi những nỗi lo âu sầu muộn. Bây giờ lòng tôi cảm thấy có được những phút giây an lạc thanh thoát nhẹ nhàng hơn trước kia rất nhiều. Ðược thế, phần lớn cũng nhờ các thiện hữu tri thức giúp đỡ chỉ dạy. Ðó là một sự thật chớ không phải nói chuyện viễn vông mơ hồ. Cầu mong quý thầy luôn được mạnh khỏe, để hướng dẫn đạo tràng, hướng dẫn chỉ giáo cho chúng con tiếp tục tu học. Con xin ghi nhận công ơn lớn lao của quý thầy đã cho con có những phút giây thật sự an lạc, thoải mái. Con kính lạy Tam bảo hằng soi sáng cho con có thêm sáng suốt để tránh gây tạo những nghiệp ác lỗi lầm và như thế, thì đời con mới được an vui hạnh phúc trong hiện tại và mai sau.



Leave a Reply