Friday, January 6, 2012

LẮNG NGHE, HIỂU VÀ CẢM THÔNG

0 nhận xét

alt

Khi đọc đến phần nhỏ "Lắng nghe, hiểu và cảm thông" trong bài viết về "Một đạo tràng lý tưởng" của thầy Phước Thái vừa được đăng trên diễn đàn chùa Quang Minh, tôi chợt nghĩ đến một số hiện tượng "xung đột" trong tư tưởng giữa một số Phật tử tại chùa Quang Minh mà từ lâu vẫn còn kéo dài thật đáng tiếc. Vấn đề xảy ra như vậy cũng chỉ vì thiếu tinh thần "Lắng nghe, hiểu và cảm thông" như thầy Phước Thái đã đề cập một phần nào trong bài viết. Lý luận của Thầy - "ở đời ai cũng thích nói, hơn là thích lắng nghe", dù mang tính chất chủ quan một chút, nhưng có lẽ xác thực đối với khá nhiều người trong cuộc sống đời thường.


Người ta thích nói nhiều có lẽ vì muốn chứng tỏ cho người khác biết là mình có kiến thức rộng, biết nhiều thứ; nhưng rốt cuộc cái biết của họ chỉ có tính cách chủ quan mà thôi. Họ không thích lắng nghe có lẽ cũng chỉ vì cho rằng ý kiến của người khác không có gì quan trọng cả!


Trái lại, ngày nay, nhiều cơ quan tổ chức lại rất quan tâm và coi trọng ý kiến cá nhân qua hình thức tạo phương tiện cho người ta góp ý, không nhất thiết là để nghe theo mọi người, nhưng để có cơ hội quán chiếu hay nhìn lại chính mình để nhìn thấy các khía cạnh tiêu cực mà sửa đổi trong thái độ hoan hỷ và biết ơn hơn là sân si, nổi giận khi người ta nêu ra các khuyết điểm của mình.


Nhìn qua sinh hoạt Phật sự của chùa Quang Minh từ nhiều năm nay, không ai phủ nhận là có rất nhiều nỗ lực đóng góp tích cực của nhiều người mà đa số họ không màng đến việc ghi công, khen thưởng bởi vì hầu như ai cũng nghĩ rằng công lao đóng góp của mình trong các sinh hoạt Phật sự đều nhằm mục đích tạo thêm phước duyên để được gần với Phật pháp, gây dựng sự an lạc cho chính mình ở trong đời nầy hoặc đời sau.


Nghĩ như vậy nên phần đông Phật tử đến làm công quả tại chùa ít ai muốn bày tỏ sự góp ý của mình về các vấn đề liên quan tới người khác, bởi vì họ ngại tạo ra "sân si" cho những người liên hệ. Đối với cá nhân thì đã vậy, nhưng đối với mặt tổ chức thì thiết tưởng chùa Quang Minh cũng nên tạo phương tiện thu nhận ý kiến đóng góp của nhiều người để từ đó có thể cải thiện hầu đáp ứng nhu cầu phát triễn cho tương lai.


Trong tinh thần xây dựng nầy, tôi thiết tưởng những Phật tử đã và đang góp công góp sức trong các sinh hoạt của đạo tràng Quang Minh cũng sẵn sàng hoan hỷ đón nhận các ý kiến đóng góp của người khác, dù ý kiến đó có nêu ra các khuyết điểm của mình. Xin mở dầu ngoặc một chút ở đây mà có lẽ quý vị Phật tử đã từng nghe qua các bài thuyết pháp: "sân si là con đường đi đến địa ngục". Thế mà có mấy ai không sân si, nhất là khi người khác phê bình về mình? Vấn đề nầy xin dành phần "xử lý" cho mỗi cá nhân. Ai cố gắng quên đi cái tôi của mình thì có thể tránh bớt sân si, tức là tránh cơ hội lọt xuống con đường tới địa ngục. Ai coi cái tôi của mình quá quan trọng thì nhất định khó tránh sân si khi người phê bình mình; và như vậy họ tiếp tục đứng gần hố sâu địa ngục, thật vô cùng đáng thương!


Nhân viết bài nầy, tôi cũng muốn xin chia sẻ một điều rất thiết thực với ước mong không tạo ra cơ hội sân si cho bất cứ đạo hữu nào, mà mục đích duy nhất của lời góp ý nầy là tha thiết được thấy có sự cải thiện trong tương lai: Lời góp ý chân thành của tôi là qua tiệc chay gây quỹ vừa rồi, tôi nhận xét một điều thật vô cùng đáng tiếc là khẩu vị món ăn chay của chùa Quang Minh hình như đã mất đi cái danh tiếng "tuyệt hảo" của ngày nào rồi! Cụ thể là hầu như món nào cũng ngọt quá! Nhận xét nầy cũng hợp với ý kiến của một số người khác nhưng tiếc thay không ai dám nêu ra cũng chỉ vì không muốn chạm tự ái người nào, và cũng chỉ vì muốn áp dụng phương châm đạo đức ngàn đời - "dĩ hoa vi quí", để từ đó không dám nêu ra ý kiến xây dựng của mình.


Lễ tất nhiên không ai phủ nhận cái giá trị triết lý thâm sâu của phương châm đạo đức nêu trên, nhưng nếu áp dụng nó một cách thiếu trí tuệ thì có thể trở thành tiêu cực và ích kỷ, không giúp được gì cho nhu cầu phát triển tổ chức mà đạo tràng chùa Quang Minh đang còn phải đối đầu với nhiều vấn nạn hiện nay.



Leave a Reply