Sunday, January 8, 2012

Hương Đạo, Hương Đời

0 nhận xét

Như vậy mà đã qua hai tuần kể từ ngày thầy được tấn phong Pháp vị Thượng Tọa. Chúng tôi nói lén với nhau chờ xem sự thay đổi của thầy, rồi mọi người cùng bảo thầy có khác gì đâu: vẫn làm việc mỗi ngày, vẫn trầm tỉnh; vẫn nhẹ nhàng xử lý các công việc trong phong thái của một người tu hành đầy đức độ.


Như thường lệ sau khi truyền giới xong thầy luôn có vài lời nhắn nhủ: “Trưa hôm nay chúng ta trồng cây dọc theo các triền đồi dưới thung lũng” . Vậy là đúng 2.30 giờ trưa chúng tôi tề tụ đông đủ sau chánh điện gần văn phòng thầy. Ai ai cũng mũ nón, khăn áo sẳn sàng theo thầy đi lao động. Tôi nhớ sau năm 75, mỗi khi  xong một chuyến lao động là giáo viên chúng tôi hay truyền nhau khẩu hiệu “Lao động là huênh hoang”. Vì sau lao động là luôn có màn báo cáo thành tích. Đó là việc đời, còn việc đạo thì có khác vì lợi ích của tha nhân chúng ta mỗi người góp một bàn tay để vun xén, để bồi đấp cho cái hành tinh xanh này luôn giử được màu xanh tươi mát. Đó là lời khuyên bảo của thầy gởi đến chúng tôi trong mỗi kỳ trồng cây xung quanh chùa.


Rồi thầy đưa chúng tôi đến cái garden set của chùa, thầy lôi ra nào cuốc xuổng, bao ni long, vải bố, gậy tre, xe kút kít với những chiếc bao tay cũ có, mới có. Mỗi người chúng tôi chọn cho mình một đôi bao tay trong tư thế sẳn sàng hành động trừ những đám cây gai gốc, diệt đám cỏ dại quanh vùng. Ôi!  Tôi có cảm giác mình là một người hùng không tên tuổi, đứng lên trừ gian diệt bạo một hồi là bao nhiêu đám cỏ dại sẽ nằm sát rạc dưới chân tôi. Tiếng thầy vang lên: “Quý vị còn cần gì nữa không?”. Tôi buộc miệng nói: “Dạ, kem chống nắng ạ”. Vậy mà thầy cũng trả lời tôi: “ Cô có cần lò sưởi thì tôi cho mang theo xuống dưới  luôn một thể !”. Ủa!  Vậy ra  dù có làm Thượng tọa thì thầy cũng đâu có thay đổi, thầy vẫn còn tính khôi hài đầy ý nhị của ngày nào. Tôi yên chí vì thầy vẫn còn là vị thầy của hơn hai tuần lễ trước. Trong đám phụ nữ thì có Thiện Minh là trẻ nhứt, người lớn tuổi nhứt thì cũng có thể là chị Chơn Trì, Chị Tâm Trúc hay Chị Tâm Sở. Đám trung niên thì chiếm đại đa số,  Diệu Viên cô bạn đáng yêu của tôi với chức vụ thư ký của ban tương trợ, Tâm Hải chúng trưởng kiêm trưởng ban văn nghệ kiêm lung tung thứ, Quảng Thọ trưởng ban nghi lễ kiêm phụ tá nấu bếp, Lệ Tâm  chúng phó, phó ban văn nghệ kiêm MC, kiêm phụ tá trông coi phần sạch sẽ của nhà bếp. Chị Viên Nguyện đầu bếp chính cống chuyên nấu sửa đậu nành. Xem ra thì chỉ có một mình tôi là không có chức vụ gì hết. Thành phần rất gồ ghề nhưng lại là lo về việc bếp núc và lễ nghi không thôi, chẳng một ai rành về cây cối hết. Đúng là đám quân ô tạp! Nhưng không sao, bên cạnh đó thì lại có Bác Chiếu Ngạn người chuyên môn đứng bán nước cho chùa, rồi anh Dũng gia đình Đại Bi, rồi anh Đức là những thành phần nồng cốt có trong lực lượng lao động của chùa. Thầy lấy chiếc Mini bus cũ kỹ của chùa chất lên nào cuốc xẻng, cây cối, bao bì. Nhóm chúng tôi chia làm hai toán. Toán thứ nhứt đi bằng đường bộ chạy tràn xuống thung lũng. Toán thứ hai mua vé xe đò đi với thầy. Người ta nói ăn cỗ đi trước mà lội nước thì đi sau, việc này là việc lội nước nên tôi òn ĩ với chị Tâm Sở nhường tôi một vé xe đò; chị bằng lòng, vậy là tôi lên xe với thầy do anh Dũng lái. Chiếc xe như con ngựa già khục khặc chở đoàn người bò xuống thung lũng. Vậy mà cuối cùng là đoàn người đi bộ đã đến trước chiếc xe đò thế kỷ thứ 20 của chùa. Rồi hai toán hợp lại chuẩn bị nước nôi và dọn tất cả những dụng cụ cần thiết ra khỏi xe.


Mọi người bắt đầu tụ quanh thầy để xem cách thức trồng cây.  Phải nói là thầy rất kỹ. Sau khi đào một chiếc hố con, thầy cầm một cây giống lên và bắt đầu biểu diễn, bằng những động tác nhẹ nhàng thầy rút cây rời khỏi chiếc võ bọc ngoài. Đoạn thầy nói: “ Quý vị luôn giữ cho thân và rễ theo một đường thẳng khi đặt xuống.” Tôi thấy thầy làm việc gì cũng lấy sự ngay thẳng làm đầu. Đặt cây xuống đất gốc phải thẳng với ngọn, rồi ếm đất cho chặt để gốc rễ không bị thối mà chết đi. Cây sống cần có nước như chúng tôi có được lời giáo huấn của quý thầy thì mới nên. Rồi cây cũng cần được bảo vệ và che chở như chúng tôi cần có mái chùa hàng tuần đến tu tập mà cũng là bóng mát của cuộc đời chúng tôi. Một manh bố nhỏ được đấp lên phần đất chung quanh thân cây và rồi với ba thanh tre cùng với bao ni long xanh đã tạm thời làm chiếc lều nhỏ che chở cho cây tránh khỏi những phũ phàng của mưa gió.  Thầy bảo chúng tôi phải làm sạch cỏ trước khi đào hố, rồi dùng những cỏ dại phủ lên phần đất còn lại xunh quanh và nó sẽ là những phân bón tốt cho cây và cũng tạo được độ ẩm nơi vùng đất này. Tâm Hải đào đào, xới xới rồi cô nói : “ Thầy ơi, rủi mình đào trúng nhằm con gì dưới đất thì sao ? ” Thầy nói nhè nhẹ: “ Bây giờ quý vị đã dùng tâm từ gieo được một mầm sống rồi thì từ đó quý vị hãy lấy tâm từ mà làm việc. Quý vị không muốn sát hại một loài nào cả dù là giống vô tình hay hữu tình là ý tốt.  Như vậy là tâm và ý đều lành thì thiện căn sẽ đến.” Tôi thoáng cảm nhận trong không gian dường như có một làn hương thoảng qua.  Phải chăng là làn hương của Đạo Pháp ?  Rồi hương của hoa đồng cỏ nội hòa lẫn vào nhau tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng,  lâng lâng của buổi tàn đông lao động ngoài trời. Hương đạo và hương đời lan tỏa trong khoảng không gian mà thầy trò chúng tôi đang làm việc  làm tôi sảng khoái, nhưng cũng làm tôi giựt mình nhớ lại những ý tưởng lúc đầu là tàn sát, là tiêu diệt loài cỏ dại. Lời thầy nhắc nhớ là dù giống vô tình hay hữu tình đều có quyền được sống. Tôi cuối đầu sám hối vì những ý tuởng ngông cuồng do bản ngã to lớn của mình tạo nên.


Chúng tôi mỗi người tự chọn cho mình một vùng đất để trồng trọt, chúng tôi tập tành theo thầy, bắt đầu nhổ cỏ xung quanh. Tôi ngồi bẹp xuống đất nhỗ từng đám cỏ dại theo lời thầy chỉ, nhưng khốn khổ có đám dễ dạy thì mình nhỗ mau, còn có những đám khô cứng thì phải dùng hết sức bình sinh để nhỗ. Rũi cho tôi lúc đó là đám rau sam lâu ngày cội rễ mọc đầy trên vùng đất khô cằn sỏi đá. Tưởng nhỗ nhẹ thì lên được ngờ đâu nhỗ hai ba lần không được, tôi dùng hết sức mình trong lần cuối, tổ trác tôi té lăn cù mèo. Lăn được một vòng thì thấy đất cũng êm êm, đở cái lưng tấm thớt của mình, nên định nằm lâu hơn chút nữa. Tôi vừa nhìn trời, vừa ngắm đất, vừa tưởng tượng đến ngày mình nằm xuống  như chị Tâm Lạc, thầy sẽ đọc bản tuyên dương công trạng mình như sau:  “ Cô tuy không được tích cực cho lắm, nhưng có công rất lớn là đã biết hi sinh tấm thân ngắn ngủn của mình, để làm thước đo đất chùa dùm quý thầy.”


Một làn gió thoảng qua, tôi nghe tiếng thầy nói : “Nằm vạ !”. Tôi cuộn người ngồi bật dậy. Thôi chết rồi,  chuyện bí mật này có ghi trong gia phả dòng họ nhà tôi đàng hoàng,  ít ai mà biết được. Sao thầy lại nói trúng ngay phóc. Bây giờ tôi tôi mới phục chị  Diệu Thi. Chị gọi quý thầy là mấy ông tía. Chị nói: “ Mấy ông tía tu nhiều kiếp quá rồi, tía dơ tay lên bốc gió là điểm huyệt mình trúng ngay boong, không sai chạy tật của thằng con nào hết.” Tôi nhớ lại lúc làn gió thổi qua tôi thấy thầy xòe bàn tay năm ngón tròn trịa lên khỏi đầu rồi nắm lại, hạ xuống và nói: “Nằm vạ !”. Tôi thất kinh hồn vía sợ thầy lại khai thêm nào là cái mặt lý lắt như con chuột nhắt mà lại nhát gan; cái mặt  ngáo ngộp mà hay làm tài lanh; cái mặt lanh chanh mà nói năng chưa đúng phép. Tôi nhớ lời má dạy nhắm mắt niệm ba lần “ Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” . Rõ ràng khi mỡ mắt ra thầy đi mất tiêu.


Tôi đem chuyện này kể lại với em gái tôi, tưởng nó tán đồng, ai ngờ con nhỏ lên lớp tôi ngay: “ Chị linh tinh lắm, quý thầy đã dạy dầu làm việc gì cũng phải giữ tâm chánh niệm, chị mất chánh niệm nên té là phải rồi. Rồi khi té bò càng, mặt chị lại nhơn nhơn ra đó, còn ai mà không biết chị nằm vạ. Chị lại lạm dụng từ cứu khổ, chị có khổ đâu mà cứu,  không có Bồ Tát nào cứu chị hết. Thầy thấy cái mặt xanh lè xanh lét của chị thì thầy phải bỏ đi.” Ôi thì té ra muôn việc là do mình mất chánh niệm.


Chưa có ngày ngày nào mà đẹp trời cho bằng cái ngày hôm nay, gió nhè nhẹ thổi rồi những hạt mưa bụi bay lất phất trên không trung, tiếng gió quyện vào không gian như một bản kinh cầu tưởng thưởng công cho ngày làm việc trong chánh niệm của chúng tôi. Vài vạt nắng của ngày đầu xuân cũng len lén kéo xuống trần gian trước, để chan hòa hơi ấm cho muôn loài trên mảnh đất thân yêu của chùa. Mọi người làm việc trong yên lặng. Nắng ấm làm da  mặt chúng tôi đỏ hồng như những cô thiếu nữ Đà Lạt. Tôi nhìn Diệu Viên, rồi Tâm Hải,chị Tâm Trúc, chị Tâm Sở, chị Chơn Trì, Lệ Tâm và cả thầy nữa, người nào cũng hồng hào tươi vui trong công tác.  Thầy Phước Hoan xuống viện trợ. Bóng áo nâu thân thương của quý thầy di động trên cánh đồng cải hoa vàng, lấm tấm điểm những tay nấm màu lam là chúng tôi đang lom khom chăm chú trong công việc, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ. Tiếng gió thổi vi vu, tiếng lá xào xạc từ những tàn cây bạch đàn được trồng trong những năm về trước tạo thành điệu nhạc du dương như đang ca ngợi  hay chào mừng đoàn người chúng tôi. Hương mùi đất mới, hương cỏ dại, hương gỗ và lá bạch đàn hòa cùng hương đạo làm hồn tôi nhẹ nhàng thơi thới. Tôi không biết cung trời Đao Lợi đẹp và an vui như thế nào,  nhưng tôi biết là chúng tôi đang làm việc trong một khung cảnh đẹp tuyệt vời và trong niềm an vui thanh tịnh, dưới sự hướng dẫn của hai thầy Phước Tấn và Phước Hoan.


Tôi thấy chị Tâm Sở nhanh nhẹn bứng từ cụm cây này, rồi đám cỏ kia, rồi trồng cây, rồi đóng cọc động tác nào chị làm cũng có vẻ thuần thục không thua gì lúc chị đứng nấu bếp.  Chị Viên Nguyện cũng không kém phần tháo vát, chị trồng một hàng ba cây thẳng tắp, trông đẹp và tươi mát như bình sữa đậu nành của chị nấu.  Còn chị Chơn Trì thì làm việc hết sức cẩn thận, sau khi dựng lều cho cây xong chị còn dằn thêm vài cụ̣c đá lên trên tấm bố.  Chị Tâm Trúc thì dường như thầy biết được chị là người thích hoa nên thầy cho chị vài dây hoa  leo để chị trồng thả dọc theo sườn đồi. Thiện Minh thì làm cô hàng nước, cung cấp đầy đủ nước khi mọi người cần đến. Bác Chiếu Ngạn đã lẳng lặng đào đào, cuốc cuốc trồng bao nhiêu là cây. Anh Đức một mình ra tay dẹp từ đám cỏ này đến đám cỏ khác tạo khoảng trống cho chúng tôi trồng trọt. Coi vậy mà con nhỏ Diệu Viên thật là dai sức, tôi thấy nó làm gấp đôi gấp ba tôi. Lệ Tâm khôn ngoan dành phần nhỗ cỏ, rồi  rãi cỏ.  Quãng Thọ thật là xông xáo, trong khi tôi trồng mới có ba cây thì cô nàng đã báo cáo là trồng được 18 cây làm Tâm Hải nóng mặt gia tăng tốc độ.  Rồi một chị mới mà tôi không biết tên cũng hăn hái làm việc nhỗ nhỗ, tưới tưới rồi trồng trồng. Kể công lao thì phải nói anh Dũng là người có nhiều công đối với chúng tôi,  vì anh biết ý là việc đào xới chúng tôi kham không nổi,  nên anh đã tự động lấy chiếc cuốc đào từ hố này đến hố khác cho chúng tôi đặt cây. Thành ra công tác càng về sau càng có tính chuyên môn hóa. Thầy Phước Tấn và thầy Phước Hoan thì nhanh nhẹn tiếp tay với chúng tôi khi có những vùng đất khó khăn, quý thầy cũng đào đào , xới xới và trồng cây như chúng tôi.


Chúng tôi làm đến khoãng 4.30 chiều thì được thầy bảo dọn dẹp và trở về chánh điện. Vì tôi mua vé khứ hồi nên được thầy cho lên xe đò chở lên chùa lại. Thầy ước lượng ngày hôm đó chúng tôi trồng khoảng độ 500 cây. Lúc ngang qua cỗng chùa nhìn những cành đào đươm bông chị Chơn Trì nói: “ Hoa đào năm nào cũng nở rộ đúng vào dịp Vu Lan” Thầy ngẫu hứng đọc lên hai câu thơ bất hủ của cố thi sĩ Vũ Đình Liên:




Mỗi năm hoa đào nở




Lại thấy ông Đồ già...





Chúng tôi trở về chùa lo phần dược thạch và chuẩn bị thời công phu chiều.





Hôm nay nhằm ngày 30/06 năm Đinh Hợi theo thông lệ vào những ngày 14 và 29 hay 30,  phần công phu chiều có lễ sám hối, tiếp đến là lễ tác bạch của quý vị thọ Bồ Tát giới. Tôi chưa dám thọ giới này vì biết mình chưa đủ nhân duyên, nên sau lễ sám hối thì tôi lui về phòng để nghỉ chờ thầy giảng pháp cho nhóm thọ bát của chúng tôi.  Nói  phòng cho nó oai chứ chùa còn đang xây dựng nên chúng tôi tự động tìm chỗ thuận tiện mà nằm đở lưng. Chỗ của tôi là sân khấu sau cánh màn nhung. Tôi bước vào Hội trường thì thấy các huynh trưởng của gia đình Phật tử từ mọi nơi tụ về chùa Quang Minh đang họp với thầy. Tôi nghe tiếng anh Diệp Khôi, người huynh trưởng có vài lời mở đầu cho buổi họp. Anh cho biết nhằm mở rộng kiến thức về Phật pháp, các huynh trưởng sẽ họp mỗi tháng một lần;  mỗi lần họp thì địa điểm sẽ thay đổi,  rồi tùy theo chùa quý vị sẽ thỉnh vị thầy trụ trì tại nơi đó giảng Pháp, kỳ này thì chọn chùa Quang Minh là điểm khởi đầu của chương trình.  Khi tôi đặt lưng xuống thì nghe giọng êm êm của thầy. Bài pháp bắt đầu về các đặt điểm của hoa sen mà  điểm nhân quả đồng thời được thầy đề cập đến nhiều nhứt trong buổi hôm nay, từ đặc tính này thầy dẫn đến tâm từ bi. Tâm từ bi thì không lọ là khi người ta khốn khổ thì mình mới từ bi mà mình có thể thực hiện tâm từ bi trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống khác nhau trong đời sống hàng ngày. Tôi cảm thấy mình thật  hạnh phúc là đang nằm nghỉ lưng mà cũng nghe được bài pháp đầy ý nghĩa của thầy. Rồi một lần nữa tôi lại cảm nhận thoảng trong không gian có làn hương trầm từ bàn Bổn Sư hòa lẫn với hương sen cùng là hương đạo từ bài pháp của thầy lan tỏa khắp trong gian phòng. Tôi không biết có phải buổi lao động ngoài trời làm tôi thấm mệt hay tôi say vì hương đạo đang tỏa nhẹ nơi đây hay vì giọng nhè nhẹ và êm êm của thầy mà tôi chìm vào giấc ngũ êm đềm,  không mộng mị lúc nào cũng không biết. Đến chừng khoảng  gần 4.30 giờ sáng kẻng báo thức tôi giựt mình dậy. Chúng tôi tụ tập trên chánh điện và dưới sự hướng dẫn của thầy Phước Hoan tụng  kinh Lăng nghiêm cho thời công phu buổi sáng. Còn thầy trụ trì thì bận tiếp quý thầy cô từ chùa Hoa Ngiêm và từ mọi nơi đỗ về dự lễ Bố tác.


Sau phần thọ thực buổi sáng, trước khi rời chỗ ngồi thầy nói: “ Tối đêm qua trời mưa lớn, như giúp vận cho những cây mới trồng của chúng ta, rồi sáng nay quý vị lại đọc một thời kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh hiếm quý trong tạng kinh của Phật giáo. Như vậy là trong một ngày tu học quý vị đã làm tròn đủ vừa tu huệ lại kiêm phần tu phước. Có giỏi thì có thưởng, về phần thưởng tinh thần thì là lời khen gợi nhưng cũng có phần vật chất nữa, mà không phải là tiền...” Nói đến đây, thầy ngừng một chút. Nghe đến phần vật chất mà không phải là tiền, mặt mày ai nấy đều sáng rỡ, người sáng nhứt là tôi. Rồ̀i tôi nghĩ nhanh đến hồi nẫm, lúc thầy còn ở đảo,  trong trại tị nạn Bidong thầy đã khéo léo giữ được chân ngồi quạt ruồi cho hàng bánh mì mà kiếm được một cây mấy vàng. Nhìn quanh và đếm nhanh mười mấy móng, tính gọn ra ít nhứt mỗi người cũng được gần một chỉ. Tiếng thầy cắt ngang: “ Phần vật chất là thưởng thức hoa đào nở trước cỗng chùa!”  À ra thế! Đúng là phần vật chất với đầy đủ ý nghĩa. Thế mới biết người tu đạt đạo như thầy thì ý nghĩ có khác hơn người còn vương nhiều nợ trần như tôi.


Đúng 9.00 giờ sáng chúng tôi tề tựu trong chánh điện để được xả giới. Thầy vào đứng trước bàn thờ Bổn Sư và nói: “ Sáng nay về chương trình hành lễ có phần thay đổi. Chúng ta sẽ lập Đàn Dược Sư,  trước là cầu an cho Hòa Thượng, sau cho bá tánh. Bốn gốc chánh điện là bốn trụ điểm của đàn khi vào đến nơi thì xin giữ  im lặng. Chúng ta sẽ đọc kinh Dược Sư trước, tôi sẽ thuyết giảng sau. Xong rồi thì quý vị thọ giới ngày hôm qua sẽ được xả giới.”




Chúng tôi nghe thầy kể lại công khó nhọc của ngài Tam Tạng, Đường Huyền Trang  khi qua Ấn Độ thỉnh kinh đã mang về được một số kinh điển quý giá trong đó có quyễn Dược Sư này. Thầy còn cho biết ngài Dược Sư rất quen thuộc với Phật giáo đồ Nhật Bổn. Thầy còn cho thấy được sự thù thắng vi diệu của bộ kinh này.




Tôi cảm nhận được sự đầy đủ và quý báo của một ngày tu học như ngày hôm nay và phần phước mà mình có được với sự hướng dẫn trong tâm từ bi của thầy.




Tôi lần dò đến cỗng chùa nhìn cây đào đươm bông. Tôi nhớ lại các tao nhân, mặc khách thời xưa có bốn thú ăn chơi là: ngắm hoa, thưởng nguyệt, uống rượu và đề thơ. Tôi cũng xêm xêm với họ nhưng rượu thì tôi chưa hề uống qua, vả lại tôi thọ ngủ giới thì không có quyền uống rượu. Thưởng nguyệt thì mặc dù trời có ui ui nhưng không phải là ban đêm, vậy thì cũng như không. Còn lại hai cái, ngắm hoa thì thầy đã cho phép. Vậy ra chỉ còn đề thơ nữa là xong. Tôi nghĩ mình ở thế kỷ 21 rồi lấy 50% thì cũng tạm được.  Ôi chao! Cái mục đề thơ tưởng dễ nhưng mà cũng khó ăn lắm đối với tôi, vì hồi nào đến giờ tôi có làm được bài thơ nào đâu, dù chỉ là thơ con cóc. Tôi sực nhớ lúc cô thi sĩ Lệ Hoàng là người bạn trên Sydney của tôi ra mắt tập thơ về “Mẹ, Quê hương, Nổi nhớ” và tuyển tập CD của nhà thơ Lý Thừa Nghiệp “ Hương cỏ, Hương trời”  có cô MC khả ái là Nghiêm Lệ đã phỏng vấn thầy Phước Tấn về mục làm thơ. Thầy trả lời rất lưu loát là hồi nào tới giờ thầy chưa có dịp làm, nếu hôm nào đó mà lỡ có bài thơ nổi tiếng nhưng chưa có tên tác giả thì có thể đó là thơ của thầy.  Tôi là đệ tử tuy không phải là “duột” gì cho lắm, nhưng cũng có thể dựa hơi thơ thầy để lấy ý.  Tôi lại nhớ ra thơ nổi tiếng thì phải đề trước cỗng. Tôi chạy vội ra hai bên cỗng chùa nhìn, chưa thấy. Chắc là thầy để trước cửa văn phòng, không thấy nữa. Ngó qua Tăng xá cũng không thấy luôn. Tôi trở về đứng tần ngần trước cây đào một hồi. Bổng đàng sau lưng tôi có giọng của con nhỏ Diệu Viên:  “ Ê! Con nhỏ nhỏng nhẻo,  (kể từ hôm tôi nhờ nó cạo gió cho tôi thì cái tên cúng cơm đẹp đẻ của tôi được biến thành con nhỏ nhỏng nhẻo) mi làm gì mà đứng ngó trân cây đào của chùa vậy. Cặp mắt xui xấu của mi khiến hoa ngừng rơi, gió ngừng thổi.



Trời giúp vận,  ý hoa ngừng rơi, gió ngừng thổi thế mà hay. Thế là tôi bắt đầu làm bài thơ con cóc:



Mây ngừng bay,


Chim  ngừng hót,


Hoa  ngừng rơi,


Gió ngừng thổi,


Tôi ngừng viết,


Rồi ngừng sinh tử,


Và ngừng luân hồi.



Tôi mừng quá, chạy vội ra khỏi chùa trước cặp mắt đầy kinh ngạc của con nhỏ Diệu Viên. Vừa đi tôi vừa lẩm nhẩm: Tôi ngừng viết. Tôi ngừng viết. Tôi ngừng viết...



Leave a Reply