Saturday, January 7, 2012

Đến Với Đạo Tràng Quang Minh

0 nhận xét

Tôi không nhớ mình đến chùa Quang Minh vào lúc nào. Nhưng cơ duyên khiến tôi sinh hoạt trong đạo tràng Quang Minh thì thật là hay. Từ hồi nhỏ, cả gia đình tôi, được ba tôi đưa đến chùa Xá Lợi vào mỗi ngày rằm và mùng một để tụng Sám Hối hay cầu an. Điều đó, tạo cho chúng tôi thành thói quen tốt. Nên dù bận rộn đến đâu, hay ở phương trời nào, thì cái thói quen đó, cứ thôi thúc tôi. Cho nên lâu mà không được đến chùa, thì tôi có cảm giác khó chịu không yên. Thầy Bổn Điền có giới thiệu tôi, đến chùa Quảng Đức. Nhưng ý ông xã tôi thì nghĩ rằng, chùa nào cũng có sư, cũng thờ Phật vậy. Ta không nên phân biệt chùa nầy chùa kia. Hễ chùa nào gần nhà, thì mình cứ đi cho nó tiện. Thú thật, tôi lái xe không rành mà đường xá thì mù tịt, nên ông  xã tôi lái đi đâu, thì tôi đi đến đó.
Tôi còn nhớ, một buổi sáng đẹp trời, cả gia đình tôi đến chùa thật sớm, đó là thói quen của ông xã tôi. Lúc bấy giờ, hầu hết quý vị trong chùa, đều mặc áo tràng, chỉ riêng chúng tôi là ăn mặc bình thường.
Sư cô trong chùa đến hỏi han và gợi ý cho tôi vào đạo tràng để sinh hoạt, tôi thưa, là tôi cũng có ý muốn như thế. Thế là một chị trong đạo tràng (về sau tôi mới biết chị đó tên là Diệu Lộc),  đến bên tôi và chị ân cần hỏi thăm, rồi chị  đưa cho  tôi một chiếc áo tràng. Ba tôi thường nói, nếu mình đến chùa mà được người ta trao cho mình vật gì  đó, là mình có duyên với vật ấy. Nên vui vẻ mà nhận chớ đừng có từ chối. Nhớ đến lời ba tôi dạy năm nào, bỗng dưng, tôi hân hoan nhận chiếc áo tràng và mặc vào người. Đây là lần thứ nhì trong cuộc đời, tôi vào chùa nhận được vật tặng quý báu nầy.


Lần đầu, năm tôi lên 12 tuổi, cô giáo Hoa thực tập tại trường sư phạm thực hành, cô hướng dẫn 11 đứa trong lớp đến gặp Đại Đức Narada, một nhà sư Tích Lan tại chùa Kỳ Viên ở Sài Gòn.  Ngài xoa đầu và trao cho mỗi đứa chúng tôi một ông Phật. Ba tôi nói: Con có duyên với đạo, con nên cố gắng. Năm đó, tôi đậu vào trường Gia Long. Nhận được món quà đầu tiên trong đời, làm tôi hớn hở và tin rằng, mình đi chùa niệm Phật nhiều là được mọi việc. Sau nầy, tôi cũng đi chùa cũng nghe pháp, nhưng trong lòng vẫn hồ nghi: không biết có phải đi chùa và niệm Phật là mình đạt mọi thứ trong đời hay không?…


Khi ba tôi qua đời, tôi lại càng không hiểu câu:


“…Ư nhứt niệm quy y
Năng diệt tam kỳ nghiệp…”


Ba tôi gần cả đời tụng Kinh niệm Phật, chỉ trừ những năm sau cùng, vậy mà lúc gần chết thân xác của ông vẫn bị hành hạ, vì cơn bạo bệnh.
Tôi đến hỏi thầy thế nào là “Một Niệm”? Thầy giải thích một cách nhẹ nhàng. Thầy nói: Một niệm gồm sáu chữ: “Nam Mô A  Di Đà Phật”.
Phải đến cả năm trời, sau khi nghe từ bài giảng nầy đến bài giảng nọ của các thầy, rồi cuối cùng là bài tổng kết: “Kinh Đại Bát Niết Bàn”,của thầy Phước Thái, vậy mà tôi cũng chưa hiểu rõ. Lại một lần nữa, chị Diệu Lộc đem cho tôi mượn 2 cuộn băng cuối cùng trong ngày thầy Phước Thái  giảng, mà tôi đã không đến được. Bấy giờ tôi mới hiểu được ý nghĩa của 2 chữ: “một niệm”. Đồng thời tôi cũng hiểu được phần nào, lý do vì sao ba tôi phải bị vày vò thân xác trong cả năm trời. Chỉ vỏn vẹn có 2 chữ thôi: “Nghiệp quả”. Từ đó, Tôi có cảm nghĩ mơ hồ như nghe ba tôi nói: “Con đã tìm đúng đường, con nên tiếp tục”.


Dưới sự tận tình dạy bảo của các thầy, qua những lời Phật dạy rõ trong Kinh. Chúng tôi rồi mỗi người sẽ tự mình tìm được viên minh châu trong chéo áo của chính mình. Nếu mình thật tâm tha thiết muốn tìm.


Trong đạo tràng, ngoài nghe học hỏi giáo pháp ra, tôi còn học được rất nhiều điều từ các bạn đạo. tôi thấy thích thú và yên vui hơn. Tôi thích nghe giọng nói êm êm mà có phần nủng nịu, đài các của chị Diệu Thi. Tôi học được tánh tình thành thật của chị Hà Ngọc trong trò chơi: “ Bịt mắt bắt chúng trưởng”của buổi sinh hoạt ngoài trời, do thầy Phước Thái bày ra. Với bản tánh thật thà và tự nhiên, chị Hà Ngọc báo cho mọi người biết là mình sở dĩ  nhận ra được đặc điểm  vị chúng trưởng của mình bởi qua độ dầy của chiếc mũ đội đầu. Tôi yêu giọng cười rất tự nhiên và hài hước của chị Diệu Lộc, và tôi học được ở chị lòng bố thí và sự khiêm nhường. Tôi quý chị Diệu Phi về những kiến thức ở đời mà chị đã có. Tôi phục chị Chân Mỹ Hóa về tài làm bánh và sự khó nhọc mà chị đã bỏ công lao ra làm vui lòng mọi người trong mỗi kỳ sinh nhật. Tôi mê 4 câu vọng cổ rất mùi của chị Diệu Thảo. Lúc đầu, tôi cứ ngỡ là do chị sáng tác sao mà nghe rất hay. Nhưng sau nầy, hỏi ra, tôi mới biết là do thầy Phước Thái sáng tác.Tôi cũng không ngờ sao thầy sáng tác được vọng cổ. Tôi thích nghe giọng nói thánh thót của chị Từ Hương, mỗi khi chị điều khiển chương trình sinh nhựt, mà câu mở đầu lúc nào cũng là: “Mời các bác có tên trong danh sách sinh nhựt ngày hôm nay, lên ngồi trên hàng ghế đầu”. Tôi mê giọng hát ngọt ngào với những âm điệu du dương từ những bài hát mà chị Viên Hoa đã hát. Những bài hát nầy phần lớn là do chị sáng tác. Chị đã hát giúp vui trong những kỳ sinh nhựt của quý liên hữu trong đạo tràng. Tôi thích những bài nhạt chuyển lời của 2 vị Quảng Đạo và Chân Hiền Dung. Còn nhiều và nhiều vị nữa khó lòng mà nói cho hết. Cái cảm cái phục của tôi đối với những vị đã có công cực khổ sửa soạn phần thức ăn cho chúng tôi. Tôi yêu, tôi quý, tôi phục, đó là những gì xuất phát tự đáy lòng thành thật của tôi. Chớ không phải nói khách sáo theo kiểu đầu môi chót lưỡi, hầu để mua lòng mọi người cho vui. Các thầy tôi giảng dạy Phật pháp cho tôi, chị Diệu Lộc trao chiếc áo tràng cho tôi. Chị Diệu Thi cho tôi xâu chuỗi, tất cả đó là những hành trang mà tôi đã có. Bây giờ là phần của chính tôi. Tôi phải thật hành như thế nào, để khỏi phụ lòng của những vị đó. Và bây giơ, tôi đã tự vạch cho mình một hướng đi rõ rệt; một cuộc hành trình trở về nội tâm, tìm lại viên minh châu mà từ lâu, tôi đã chôn vùi quên lãng.


Tôi thăng trầm trong cuộc sống, chạy đuổi theo công việc làm, nhà cửa và gia đình trong mấy chục năm trời. Biết bao giờ tôi đạt đến nhứt niệm và tâm bất loạn. Hằng ngày tôi nghiệm lại thấy vọng tưởng của mình quá nhiều. Biết đến bao giờ nó mới được lặng yên. Tôi nguyện cố gắng và hành trì câu niệm Phật theo lời thầy dạy. Tôi tin chắc một ngày nào đó rồi ra tôi cũng phải đạt được “Nhứt Tâm”. Chừng đó, tôi mất thật sự bình yên, và mới thật sự hạnh phúc. Vì tôi đã nhận ra bảo châu vô giá của chính mình rồi. Mặc tình mà tôi xử dụng.



Leave a Reply