Sunday, January 8, 2012

Chuyến du ngoạn lý tưởng

0 nhận xét

Sáng sớm hôm nay, thứ bảy ngày 18/10/2008, các liên viên Phật tử từ khắp nơi đã lần lượt tựu về chùa Quang Minh. Ba chiếc xe bus Western đã túc trực chờ sẵn. Thời tiết hôm nay thật đẹp, bầu trời quang đảng khí trời ấm áp mát mẻ trong lành thật dễ chịu. Trên gương mặt của mọi người đều hiện rõ niềm hân hoan vui vẻ.



Chuyến đi du ngoạn  tu học năm rồi ở Warnambool số người đi chỉ có hơn năm mươi người. Nhưng năm nay thì có khác. Chuyến đi du ngoạn kỳ này, với số người tham gia rất đông, có tất cả là 144 người. Về chuyến đi tham dự lần này  bên chư Tăng Ni gồm có: thầy Phước Thái, T. Minh Lực,  Sư Cô Phước Chơn,  Sư Cô Phước Hồng.



Riêng thầy Phước Thái là người có trách nhiệm hướng dẫn đoàn người du ngoạn. Bởi vì, theo Nội Quy của đạo tràng thì một năm có 2 kỳ du ngoạn tu học ngoài trời. Một kỳ đi gần và một kỳ đi xa. Mà thầy là người lãnh đạo hướng dẫn đạo tràng tu học, nên lần đi nào cũng do thầy trực tiếp hướng dẫn. Ðây cũng là dịp để cho mọi người có cơ hội thay đổi không khí giải trí thoải mái. Vì sinh hoạt ngoài trời hưởng được những không khí rất trong lành mát mẻ. Ai nấy đều tỏ ra rất thích thú. Ðây cũng là sáng kiến của thầy.



Theo lịch trình thì chuyến đi xa thời gian có được 2 ngày: thứ bảy và chủ nhật. Ngày thứ bảy thì thầy cho mọi người thưởng thức ngắm cảnh . Cho nên, mỗi lần đi xa thì thầy nhờ liên hữu Nguyên Hồng, chúng trưởng của chúng Châu Hoằng lo về việc thuê xe buýt, book khách sạn, cũng như chọn những nơi có cảnh trí ngoạn mục nên thơ cho mọi người du lãm. Vì thế, chuyến đi này nơi để thưởng thức ngoạn cảnh là Thạch Ðộng Bửu Chân (Buchan), một thạch động thật kỳ thú tuyệt đẹp do tạo hóa cấu thành.



Theo chương trình là đúng 7 giờ sáng khởi hành, nhưng vì có một vài người đến trễ, nên  phải lố thời gian đến 7giờ 30 sáng, thì ba chiếc xe buýt lớn mới lăn bánh khởi hành. Xe chạy  không bao lâu đã  lên cầu Miền Tây (Westgate Bridge), rồi đến trung tâm thành phố Melbourne. Từ khi có City link nên đông tây không còn cách trở như hai mươi năm về trước. Ba chiếc xe đi vào đường hầm xuyên qua dưới  lòng sông Yarra và đến vùng Toorak trực chỉ quốc lộ số 1 Princess Highway.



Buổi sáng sớm hôm nay, nhìn ngoài trời những giọt sương mai còn đọng lại ẩn hiện lấp lánh trên những cành cây kẻ lá, giống như những hạt kim cương óng ánh lắp lánh. Xe chạy mỗi lúc mỗi tiến sâu vào miền quê bỏ lại sau lưng thành phố nhộn nhịp đông đúc đầy người. Dọc hai bên xa lộ, đưa mắt nhìn xa xa, thấy cây cối đồi núi chập chùng, Phong cảnh rất nên thơ, hữu tình cỏ cây xanh tươi rậm mát. Nhìn thấy cỏ cây xanh tươi,  bất chợt, tôi nhớ tới hai câu thơ của cụ Tiên Ðiền Nguyễn Du:



Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa



Bây giờ là mùa xuân, những thảm cỏ xanh chạy dài tận chân trời. Thỉnh thoảng thấy có một vài đàn bò và trừu , chúng đang gặm cỏ xanh mơn mởn  bên cạnh những cụm cây gum, trông chúng nó thật thảnh thơi vô tư lự. Tôi nghĩ, nhiều khi, con người vì bon chen đua đòi theo vật chất trong đời sống vật lộn với việc mưu sinh, nên tâm trí của người ta luôn luôn rối bời, bấn loạn có bao giờ được hưởng những giây phút hạnh phúc êm đềm thảnh thơi như bọn chúng đâu!



Trên đường đi, mỗi chiếc xe đều có chiếu phim dĩa DVD của chương trình “Soi sáng Cho Nhau” lần thứ tư. Thêm một lần nữa, mọi người có dịp hồi tưởng lại hình ảnh gây ấn tượng xúc động mạnh, trong nỗi đau khổ ngút ngàn gần như tuyệt vọng của liên hữu Diệu Hoa, đã trình bày trong kỳ thọ Bát vừa qua tại đạo tràng Quang Minh. Phần kết thúc, cô MC Tâm Hải, người điều khiển chương trình hôm ấy, trong phần kết luận câu chuyện cô đã nêu ra một kết luận thật là xuất sắc tuyệt vời.



“ . . . Nghe qua  những nghịch cảnh chướng duyên trớ trêu, oan nghiệt của cô Diệu Liên, chúng tôi vô cùng cảm động. Ôi! sao cuộc đời của cô có quá nhiều trắc trở nghiệt ngã. Trong cuộc sống, chúng ta đã từng đối diện với nhiều người có những nỗi thống khổ mà họ chưa một lần dám thổ lộ bày tỏ cùng ai. Có biết bao người vì vô minh vọng động không chế ngự khắc phục được vọng tâm, nên họ tạo ra quá nhiều nghiệp ác. Kết quả, là họ phải lãnh lấy một hậu quả rất đau thương! Vì đó là nhân quả báo ứng không bao giờ sai chạy.



Những quả báo thiện ác mà ta gặp phải trong hiện tại hay tương lai đều tùy thuộc vào hành động của ta trong quá khứ hay hiện tại. Từ tâm niệm thiện,thân hành động thiện tạo nghiệp lành sẽ đưa đến an lạc. Ngược lại, tâm niệm ác, hành động ác tạo nghiệp dữ sẽ đem lại khổ đau. Ta đau khổ hay hạnh phúc đều do chính do tâm hành của ta quyết định tất cả. Ta là chủ nhân của nghiệp và cũng là kẻ thừa tự nghiệp. Bởi thế, ta phải cố gắng tạo nghiệp lành và từ bỏ những hành động bất thiện.



 Qua câu chuyện của cô Diệu Liên, chúng ta thấy người bạn đời của cô sa vào tật nghiện ngập cờ bạc mà gây ra bao hậu quả tang thương, hai lần gia đình tan nát.  Sự đau khổ trong hiện tại là do nghiệp của ta đã tạo trong quá khứ. Vậy muốn chấm dứt đau khổ, ta phải tích cực làm những việc thiện để chuyển nghiệp. Nhưng thế nào là hành động thiện? Ðức Phật đã định nghĩa rất rõ:’ Hành động nào đem đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai đời này và đời sau, đó là hành động thiện. Hành động nào đem đến hại mình, hại người, hại cả hai đời này và đời sau đó là hành động bất thiện’.



Bởi thế, trước khi làm một việc gì, ta phải suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo,cho thật kỹ xem hành động sắp làm là thiện hay bất thiện; kể cả hành động nào chỉ có lợi cho mình mà không có lợi cho người, ta cũng nên tránh. Ngay cả trong tâm ta, ta phải luôn luôn giữ vững chánh niệm, tỉnh giác để kiểm soát dòng tư duy của mình. Khi một ý niệm bất thiện chưa khởi, ta cố gắng chế ngự đừng cho nó khởi; và khi nó đã khởi, ta cố gắng tìm cách đoạn trừ. Khi một ý niệm thiện chưa khởi, ta hãy tìm cách tạo điều kiện cho nó sinh khởi, và khi một ý niệm thiện đã khởi, ta cố gắng nuôi duỡng cho nó tăng trưởng ngày càng tốt đẹp hơn.



Chúng ta cố gắng tu tập trong từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động nhỏ nhoi hằng ngày. Cố gắng giữ gìn thế nào để cho tâm ta chỉ nghĩ đến điều lành, miệng chỉ nói những lời lành, thân chỉ làm những việc lành. Ðó chính là quá trình rèn luyện để có chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Ðây quả thực là một con đuờng tu tập rất khó khăn đối với chúng ta. Bởi vì, ý nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức, đã chi phối, hình thành nếp suy nghĩ, thói quen và hành động thường ngày của ta. Bây giờ, ta phải thanh lọc ngay từ ý nghĩ của mình để ngăn cản không cho nó phát sinh lời nói hay hành động bất thiện.



Bản chất của mọi khổ đau vốn là  do ái dục sinh, và ta đang trầm mình trong dục giới với đầy đủ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến..., do đó, ta rất dễ bị dục vọng lôi cuốn và trở nên yếu đuối, dễ quên mất lời Phật dạy, và chìu theo dục vọng, buông thả với chính mình. Chỉ cần thiếu tỉnh giác, buông thả phóng dật, dễ dãi với chính mình là ta đã rơi ngay vào vòng tay của ác ma dục vọng. Vì thế, ta phải luôn luôn phản tỉnh để thanh lọc thân tâm. Chính quá trình phản tỉnh để thanh lọc thân tâm là một quá trình tu tập để tịnh hóa tam nghiệp. Tu tập chính là một quá trình thanh lọc thân tâm để chuyển nghiệp và tiến tới chấm dứt nghiệp báo.



Bài học thực tiển rút ra từ cô Diệu Liên đã giúp cho mọi người tìm thấy con đường tu tập ngay trong cuộc đời, để vừa có thể đạt đến một cuộc sống hạnh phúc đích thực cho bản thân, vừa góp phần xây dựng một xã hội. Ðiều này đã chứng minh rằng, Ðạo Phật không phải là một tôn giáo tiêu cực, bi quan yểm thế như người đời lầm tưởng. Ðức Phật nêu lên vấn đề đau khổ vì đó là một sự thật không thể phủ nhận, ta cần phải mạnh dạn nhìn thẳng vào nó để tìm cách diệt trừ. Biết khổ và hiểu được nguyên nhân gây ra đau khổ để tìm phương pháp diệt khổ hầu đem lại an vui hạnh phúc cho mình và cho xã hội. Chúng ta nhất định không trốn chạy như tìm cách quyên sinh, đó chính là một trong những điểm tích cực nhất của giáo lý đạo Phật . . .”



Khi xem lại phim qua sự trình bày lưu loát mạch lạc, mỗi lời nói toát ra từ tâm tư của một con người có quá nhiều đau khổ. Mọi người lắng hết tâm tư để nghe, dù họ đã một lần nghe qua. Nhưng hôm nay nghe lại, họ lại càng cảm thấy thấm thía chạnh lòng hơn. Mọi người ngồi trong xe đều lắng nghe chăm chú để tâm theo dõi câu chuyện, tuyệt đối, không một ai nói chuyện riêng tư. Như thế, đủ chứng minh sức thu hút của câu chuyện tình đau khổ quá lâm ly bi đát, mà mọi người như đã hết lòng cảm thông và rồi thấy người mà nghĩ đến ta.



Đoàn dừng lại ăn sáng tại Yarragon một thị trấn nhỏ nằm trong vùng Gippsland. Sau nửa tiếng đồng hồ, xe nhắm hướng trực chỉ hướng đông chạy thẳng lên thạch động Bữu Chân (Buchan Cave) cho kịp giờ hẹn với những người hướng dẫn vào lúc 1 giờ 30 chiều.



Thạch động Bữu Chân nằm cách 355 km về hướng đông Melbourne, đi dọc theo quốc lộ Hoàng Tử (Princes Highway), nơi mà có nhiều nông trại chăn nuôi những đàn cừu bò thật dễ thương, lại có nhiều cây cối xanh tươi dọc theo hai bên bờ sông Bữu Chân (Buchan River). Thạch động là nơi rất lý tưởng hấp dẫn cho những du khách đến thưởng ngoạn .



Thạch động có lối cấu trúc giống như một tổ ong vò vẽ, do đá tạo thành từ lòng biển trồi lên có trên 400 triệu năm. Sự hình thành thạch nhũ bởi do nước mưa thẩm thấu qua đá để rồi, nó đọng lại tạo thành chất vôi như những chiếc vòng cầu, thể chất trong suốt sáng chói lóng lánh óng ánh, khác nào như những hạt kim cương rơi xuống. Chúng tạo thành nền động có những cây cột hay những cây dừa lô nhô thấp cao trông rất đẹp mắt.



Những ánh đèn chiếu sáng, nhưng độ sáng không sáng lắm, chỉ mờ ảo đủ để người ta nhìn vào thấy được những ảnh tượng vàng trắng đan nhau tạo thành một kỳ quan thú vị. Có những cột đá tạo hình giống như những nàng tiên giáng thế trong cung cách thật lạ lùng. Rồi cũng có những cột đá nhú nhô lên hay từ trên cao nhỏ xuống từng giọt nước như nước cam lồ tưới tẳm lòng người dịu mát.



Ðọc tụng Kinh A Di Ðà, chúng ta thấy Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu cảnh giới Tây Phương Cực Lạc có nhiều cảnh đẹp lạ lùng. Ðất, đá, cây cối, ao hồ v.v… đều tạo thành bằng bảy thứ báu: pha lê, kim cương, xa cừ, mã nảo, xan hô …Vào trong thạch động nhìn thấy sự cấu tạo tượng hình của những phiến đá, cột đá lớn nhỏ thật tuyệt mỹ, bấy giờ, tôi có cảm tưởng là mình đang ngắm cảnh ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Thật vậy, vào đây, chắc chắn tâm tư của mỗi người thưởng ngoạn rất an vui, như bỏ lại đằng sau những cáu phiền ô trược. 



Trong hang động luôn luôn ở nhiệt độ dễ chịu 17 độ C. Có nhiều loại thú hoang chung quanh thạch động như chim chuông (Bellbird)  kangaroos v.v… Những loại chim muông này trông chúng rất hiền từ thật là dễ thương, dễ mến!



Nhìn thấy cảnh tượng đẹp mắt và lý thú này, thầy Phước Thái có làm một bài thơ diễn tả cảnh này như sau:



Thạch động hang sâu thẳm thẳm vào

Ðoàn người chậm bước tiến theo nhau

Lắp lánh kim cương ngàn vẻ đẹp

Ðèn vàng mờ ảo ánh trăng sao

Thạch nhũ sương sa hoa đá nở

Ðạo vàng rực rỡ đạt thanh cao

Cảnh sắc thiên nhiên ơn tạo hóa

Ðá vàng khắc đậm nét thanh tao.



Nói đến Bữu Chân bổng tôi trực nhớ đến cái tâm chân như. Chân như là cái tâm chân thật vượt ngoài đối đãi nhị nguyên. Chỉ khi nào chúng ta sống được với cái thể tánh chân thật này, thì bấy giờ mọi vọng tưởng điên đảo sẽ không còn. Từ đó, chúng ta mới có được cái nhìn thẩm thấu sáng suốt qua mọi sự vật và khi đó chúng ta mới có thể đủ khả năng vượt thoát các lớp mê mờ vọng chấp giả định, do vọng kiến sai lầm gây nên.



Ðến đó, thì mọi thứ ngôn ngữ, lý luận, nhận thức của con người không còn là tư duy phân biệt chủ quan nữa. Chúng ta nhờ đó mà vượt  khỏi mọi chấp thủ, không còn đấu tranh xung đột, loại trừ mọi tranh chấp nhân ngã bỉ thử. Chúng ta mới thực sự sống vững chãi và an lạc. Chân như là một thực thể hiện hữu tiềm tàng trong mọi vật thể hiện tượng. Thực thể này nó vượt ngoài không và thời gian.



Trời nắng nhưng không đến nổi gay gắt. Đoàn chia thành nhiều nhóm để được hướng dẫn tham quan thạch động. Lối đi vào động nhỏ hẹp chỉ vừa cho một người. Mỗi đoạn đường có chỗ đứng rộng rãi hơn để ngắm nhìn, chụp hình và  nghe người hướng dẫn giải thích. Trời chiều bóng ngã về tây, đoàn trở về vùng Hồ Nhập Lưu (Lakes Entrance) để nghỉ ngơi qua đêm.



Đến vùng Hồ Nhập Lưu, bỗng gợi cho tôi nhớ đến các vị Tu Đà Hoàn. Ðây là quả vị đầu tiên trong tứ quả Thanh Văn. Nhập lưu có nghĩa là dự vào dòng Thánh. Người muốn đạt được quả vị này là phải phá trừ mọi tà kiến. Tức đoạn trừ 5 thứ kiến hoặc: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ. Ðó là những thứ kiết sử phiền não mà người tu cần phải đoạn trừ.



Vùng Hồ Nhập Lưu nằm giữa hai thị trấn Bainsdale và Orbort. Người ta đào kinh sâu (Bass Trait) nối liền với biển Tasman. Thị trấn Hồ Nhập Lưu nhờ có những con sông uốn khúc, và có nhiều ghe thuyền du lịch trên sông hấp dẫn du khách đến nơi đây nghỉ mát tha hồ thưởng ngoạn. Dọc theo đại lộ Esplanade là con kinh Cunninghame Arm có nhiều cửa hàng, nhà hàng, và quán trọ. Đây có nhi ều tàu đánh cá nhất nước Úc. Dọc theo bờ kinh có một vài tượng tạc bằng gỗ, Đi bộ dọc theo kinh có chiếc cầu đi bộ qua kinh Cunninghame Arm du khách qua một hòn đảo nhỏ ra bờ biển Tasman người ta gọi đây là bờ biển “Chín Mươi Dặm” ( Ninety Mile Beach).



Điều đáng tiếc hôm nay, là 144 người trong đoàn chúng tôi, không thể ở chung một chỗ. Vì thế, gây ra cảnh cách biệt nhau một đêm. Có 17 người phải ngủ qua đêm trong một khách sạn nhỏ cách xa thị trấn Bairnsdale và một số khác ở gần thị trấn hơn. Điều nầy ngoài ý muốn của Ban tổ chức, nhất là cô Nguyên Hồng. Tất cả khách sạn tại vùng Hồ Nhập Lưu không có chỗ nào đủ sức dung chứa hết 144 người.



Buổi chiều hôm đó, sau khi phân nửa đoàn người nhận phòng tắm rửa xong, một số liên hữu, phật tử đồng hành cùng Thầy Phước Thái ra bờ biển “Chín Mươi Dặm” để hóng mát gió biển. Nhìn sóng nước bao la chập chùng, mọi người như liên tưởng đến những ngày vượt biển đầy gian nan đói khát khổ sở trên biển cả. Nhìn thấy cảnh tượng trời nước bao la, lòng người như trải rộng ra tràn ngập khắp không gian rộng lớn.



Giờ phút này, tôi cảm thấy thật là hạnh phúc thoải mái. Con người sở dĩ quá đau khổ là do lòng ích kỷ chấp ngã mà ra. Muốn giảm bớt khổ đau, người ta phải có tấm lòng hỷ xả bao dung. Bao dung như biển nhận tất cả mọi dòng sông chảy về, nhưng tuyệt đối, biển không cần biết dòng sông đó từ đâu chảy đến. Dù có trăm ngàn sông chảy về nhưng biển nước vẫn dung nạp tất cả. Biển không bao giờ kỳ thị. Chính thế biển có quá nhiều hạnh phúc. Tôi miên man nghĩ đến về biển mà quên đi những người chung quanh. Bỗng nghe tiếng thầy Phước Thái nói với một liên hữu: Ðời người khác chi là bọt biển. Vừa thấy bọt nổi lên trắng xóa rồi trong giây phút nó tan biến mất tiêu. Ðời người vô thường cũng thế!



Lúc đó, tôi trực nhớ lại bài thơ của thầy đã viết và đã in trong quyển sách nhỏ: “Cẩm Nang Tu Tập”.

Bài thơ có tựa đề là Huyễn Thân.



Thân như bọt biển họp rồi tan

Chìm nổi lênh đênh khóc khổ than

Mấy kẻ nhận ra mình bọt biển

Bao người biết rõ cảnh hoa tàn

Hơn thua phải trái tranh nhau mãi

Cấu xé bon chen lệ ướt tràn

Này hởi ai ơi mau tỉnh giác

Chóng lo niệm Phật vãng Tây phang.




Sau khi trở về khách sạn, thầy có làm một bài thơ và thầy đọc cho tôi cùng thầy Minh Lực nghe:



Biển sâu, biển vắng, biển bao la

Sóng biển ngàn trùng vỗ thanh ba

Sóng lòng luôn động ngàn đau khổ

Sóng lặng nghiệp dừng hết khổ đa!

Biển bọt thân này nào có khác

Vào bờ tan tác giống thây ma

Vô thường nhanh chóng nào ai biết

Thức tỉnh tu hành chóng thoát ra.




Tối lại Thầy Minh Lực quây quần cùng một số thiện nam để kể chuyện về nếp sống trong thiền môn mà thầy đã từng trải qua. Màn đêm bao phủ dày đặc, gió biển thổi nhè nhẹ mát mẻ như ru mọi người đi vào giấc ngủ  êm ái sau một ngày vượt đường dài mệt mỏi.



Sáng  ngày chủ nhật 19/10/2008, mọi người thức dậy sớm để tập thể dục, và chuẩn bị cho buổi điểm tâm. Ăn sáng xong, mọi người mang hành lý ra xe để cùng nhau đi tu học trên đảo Raymond. Đúng 8 giờ sáng, mọi người lên xe họp cùng hai nhóm ngủ ở thị trấn Bairnsdale và đi đến đảo Raymond.

Hòn đảo nầy nằm bên cạnh thị trấn Paynesville, có một diện tích khoảng 760 mẩu tây. Hòn đảo nầy có nhiều cây gum mà lá của những cây nầy Koala rất thich, nên chúng thường tụ hội về đây sinh sống. Từ đất liền phải đi phà qua đảo mất khoảng 10 phút. Đến đảo, thầy Phước Thái chọn nơi có cây cao bóng mát để cho mọi người trải tấm thảm lớn để sinh hoạt. mọi người  nhanh chóng trải thảm và sắp xếp bàn ghế cho quý thầy quý sư cô ngồi.



Sau khi trình bày về chương trình sinh hoạt, thấy Phước Thái hướng dẫn mọi người đi thiền hành. Sáng sớm mà đi thiền hành thì rất là thích hợp. Sáng sớm hôm nay khí trời rất trong sáng mát mẻ. Ðoàn người đi một hàng dài dọc theo bờ biển. Những chiếc áo màu vàng dẫn đầu và sau đó là những chiếc áo màu lam. Các tà áo phất phơ bay trong nắng ấm. Mọi người đi trong tỉnh lặng và sáng suốt. Ði trong chánh niệm và an lạc. Ðây là lúc mà mọi người thực sự tiếp xúc lại chính mình và hòa nhập với thiên nhiên. Có chánh niệm là có an lạc. Có an lạc thì mới tiếp xúc những cảnh vật mầu nhiệm hiện đang có mặt với mọi người.



Bài ca thiền hành như hiện lại trong tâm trí tôi, mà trước đây thầy Phước Thái đã từng tập cho mọi người hát:



Ta đi đi không có gì ràng buộc

Ta đi đi không ước vọng tương lai

Ta đi đi quên cả tháng năm ngày

Ta đi đi về ngay trong hiện tại

Ta đi đi không có gì chướng ngại

Ta đi đi thực tại quá nhiệm mầu

Ta đi đi không toan tính chuyện nơi đâu

Ta đi đi không nặng đầu trong dự án

Ta đi đi với tấm lòng thanh thản

Bầu trời xanh vững chãi đã trọn về…




Thiền hành xong, mọi người trở lại điểm chính nơi sinh hoạt để nghe nghe thầy Phước Thái giảng bài thơ “Tham thì thâm” mà thầy vừa sáng tác:



Biển sâu thẳm đáy vẫn còn đo

Gian ác lòng người khó nghĩ so

Thấy vàng chiếm đoạt không ngần ngại

Giàu có hơn người dạ mãi lo

Hại người không chết mình lại chết

Hốt hoảng tinh thần lâm nạn to!

Từ bi thầy độ qua cơn bệnh

Con chết, tỉnh ra vượt mê đò.




Sở dĩ thầy sáng tác bài thơ này, là vì khi ngồi trên xe thầy xem dĩa phim nói về câu chuyện: “Chợt Tỉnh Cơn Mê”. Sau khi xem qua, thầy liền tóm tắt câu chuyện bằng một bài thơ để đem ra phân tích giảng cho mọi người nghe. Thầy đọc qua mỗi câu thơ và rồi thầy giảng rộng ra để cho mọi người dễ hiểu. Việc giảng pháp của thầy, đối với quý liên hữu trong đạo tràng Quang Minh, hẳn không còn ai xa lạ qua biệt tài thuyết giảng của thầy. Tuy nhiên, hôm nay, vì có một vài Phật tử chưa từng nghe qua sự giảng thuyết của thầy, nên họ yêu cầu thầy giảng thêm. Vì thời gian không cho phép, nên thầy không thể nào làm cho Phật tử đó mãn nguyện. Ðó là điều rất tiếc!



Sau giờ giảng pháp, mọi người đều thọ trai dưới tàn cây rậm mát. Thọ trai xong, kế tiếp là phần đố vui để học. Thầy đề ra 100 câu hỏi Phật pháp và có 3 giải thưởng cho ba người xuất sắc. Thầy chia ra làm hai nhóm: A và B. Nhóm A gồm có hai chúng: Huệ Viễn và Thiện Ðạo. Nhóm B gồm có 3 chúng: Pháp Chiếu, Diên Thọ và Châu Hoằng. Mỗi câu hỏi, một người chỉ được quyền đưa tay và trả lời một lần.



Buổi đố vui để học này vừa vui nhộn mà cũng vừa hữu ích vô cùng. Vì đây cũng là cơ hội tốt để cho mọi người có dịp ôn lại những gì đã học. Kết quả, bên nhóm B đạt số điểm cao tất nhiên được lãnh phần thưởng hạng nhứt. Phần thưởng cho cá nhân xuất sắc là về tay cô Như Lữ. Vì cô đã trả lời đúng nhiều câu hỏi. Tinh thần học hỏi của mọi người rất cao. Nhìn thấy thế, mà lòng tôi vô cùng khâm phục.



Trước khi chia tay, mọi người đồng hát một vài bài hát mà do thầy Phước Thái sáng tác cho đạo tràng sinh hoạt hát. Họ đồng hát bài Tạm Biệt.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Buổi họp mặt nào rồi cũng phải chia ly. Nỗi buồn của mọi người hiện rõ trên gương mặt, khi rời khỏi nơi đây!



Sau khi tổng vệ sinh và đúng 2 giờ 30 chiều, mọi người ra xe trở về chùa. Đúng 7 giờ 30, đoàn về đến chùa. Quang cảnh nơi đây thật là nhộn nhịp buồn vui lẫn lộn, vì có những thân nhân đang chờ đợi để đón rước mọi người về nhà. Mọi người ra về mà lòng còn vương vấn sau hai ngày sinh hoạt an vui.



Leave a Reply