Saturday, January 7, 2012

CHUNG QUANH VẤN ĐỀ GIÁO DỤC CON CÁI

0 nhận xét

Ngày nay, nhìn chung mối quan tâm lớn nhứt được đặt lên hàng đầu của các bậc phụ huynh, đó là vấn đề giáo dục con cái. Hiện trạng nầy, đã và đang được các nhà giáo dục Việt Nam khắp nơi trên thế giới nói chung, Úc Châu nói riêng, tất cả đều có cùng một nhịp độ ưu tư như nhau và họ không ngừng cố gắng tìm mọi phương cách hướng dẫn các bậc làm cha mẹ biết cách dạy dỗ con cái của mình qua sự hướng dẫn trực tiếp hay bằng phương tiện truyền thông, sách báo v.v… Riêng tại Úc, trong những năm qua, Hội Ðồng Văn Hóa Giáo Dục tại Victoria có tổ chức những buổi hội thảo thuyết trình, nhằm tạo mối thông cảm giữa các nhà có trách nhiệm giáo dục cùng với các bậc cha mẹ hầu tìm ra một giải pháp thỏa đáng thích nghi trong việc điều hướng giáo dưỡng con cái.


Ðiều mà làm cho các bậc cha mẹ phải chịu nhiều đau khổ lo sợ trăn trở nhứt, là có nhiều con em của họ bỏ nhà đi hoang, sống lang thang bụi đời, gây ra nhiều tội phạm. Hằng ngày đã xảy ra nhiều vụ phạm pháp gây ra tình trạng bất an cho gia đình và xã hội. Ðây là một vấn nạn to lớn thật vô cùng nan giải khắp nơi trên thế giới. Hằng ngày, báo chí đã đăng tải nhiều tin tức liên quan đến giới trẻ nổi loạn gây ra nhiều vụ phạm pháp như: băng đảng, hút chích xì ke ma túy, buôn lậu á phiện, trộm cắp, cướp của, hiếp dâm, giết người v.v…Thật không thể nào thống kê hết được. Nguyên nhân do đâu? Ðây là một câu hỏi, thật khó mà trả lời cho chính xác. Nhưng theo các nhà chuyên nghiên cứu về giáo dục giới trẻ, tuy họ có nêu ra nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính yếu vẫn là phát sinh từ căn bản mấu chốt của gia đình. Ðiều nầy, thiết nghĩ, các bậc làm cha mẹ chúng ta cũng nên tự tra vấn kỹ lại qua những ý nghĩ, ngôn ngữ và hành động của chính mình.


Dựa trên ý hướng căn bản xây dựng tình người, mà trước hết là tình thân thuộc trong gia đình, chúng tôi xin được nêu ra một vài ý kiến thô thiển, hầu để chia sẻ tâm tình cùng với các bậc phụ huynh trong vấn đề giáo dục con cái. Chúng tôi vẫn biết, đây là một vấn đề rất quan yếu và thật hết sức khó khăn, mà chúng tôi không phải là một nhà giáo dục chuyên môn có kiến thức thực dụng nhiều kinh nghiệm trong vấn đề nầy. Thế mà, hôm nay chúng tôi lại nêu ra vấn đề nầy để lạm bàn, thì quả thật, tôi là kẻ chẳng biết tự lượng sức mình, dám đem trống đánh trước cửa nhà sấm, hay múa rìu qua mắt thợ. Tuy nhiên, vì muốn trang trải biểu lộ chút tấm lòng thành xây dựng, qua những gì mắt thấy tai nghe trong phạm vi hiểu biết cạn cợt hạn hẹp của mình, mong được đóng góp một chút gì đó để chia sẻ tâm tình cùng với các bậc làm cha mẹ hơn là mang tâm trạng của kẻ có cái cao vọng lên mặt dạy đời. Chúng tôi xin được lặp lại, bài viết nầy mang tính cách tâm tình chia sẻ xây dựng, hơn là một bài có tính cách phân tích nghiên cứu. Kính mong quý độc giả, nhất là các bậc phụ huynh xin lượng tình thứ lỗi, nếu có điều gì sai trái mà không được vừa lòng quý vị. Mong tất cả hãy niệm tình thứ lỗi bỏ qua cho. Xin chân thành cám ơn quý vị trước.


I. Thử đặt lại vấn đề bổn phận làm cha mẹ.



Thật tình mà nói, có khi nào chúng ta tự hỏi và tự kiểm điểm lại mình, rằng mình đã thiết thực sống trọn vẹn cho con và đã thật sự hết lòng vì con chưa? Và cách nhìn cũng như sự điều hướng giáo dưỡng con cái của chúng ta có thực sự phù hợp thích nghi với hoàn cảnh xã hội của nước Úc đa văn hóa nầy không? Theo thiển nghĩ của chúng tôi, thì đó là hai vấn đề then chốt của những bậc làm cha mẹ mà chúng ta cần phải suy nghiệm minh định đặt lại.


1. Vấn đề thứ nhứt là tất cả cho con và vì con.


Thực ra, tâm trạng của bất cứ người làm cha mẹ nào, ngay từ buổi đầu, cũng đều có chung một tâm trạng đó. Bởi vì hơn ai hết, tận bản chất của người Việt Nam chúng ta, vốn đã hấp thụ bởi những chất liệu giáo dưỡng hun đúc của một nền văn hóa lấy đạo đức nhân bản làm nền, đặt tình người lên trên mọi thứ tình khác. Do đó, nên trong dòng máu của người mẹ là đã có dòng máu của đứa con, hay ngược lại cũng thế. Bởi vậy, nên tình mẹ con là một thứ tình yêu thương thiêng liêng cao cả bất khả phân ly.

Theo truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc ta, hẳn không ai có thể phủ nhận được điều đó. Tuy nhiên, khi sang định cư ở Úc, phần vì lo việc mưu sinh cho gia đình ở đây, cũng như sự lo lắng cấp dưỡng cho những thân nhân ruột thịt ở quê nhà; phần vì phải lo thích nghi với cuộc sống mới có những khó khăn, do đó, ai cũng phải nỗ lực chịu khó cần cù làm việc để kiếm sống, mong tạo dựng lại cuộc sống hạnh phúc cho gia đình. Chính vì muốn làm việc kiếm nhiều tiền để trang trải mọi chi phí đó, cho nên trách nhiệm bổn phận làm cha mẹ của chúng ta có phần nào xao lãng hay thờ ơ với con cái.


Có nhiều phụ huynh, suốt tuần, ít khi gặp mặt con. Tất cả thời giờ dồn hết cho việc mưu sinh, thời giờ còn lại, khi buông công việc ra, là tìm chỗ nghỉ ngơi tịnh dưỡng cho khỏe, để lấy sức chuẩn bị đi “cày” tiếp. Có người cày ngày không đủ, tranh thủ cày đêm. Thế thì, thử hỏi, còn thời giờ đâu má gần gủi lân la chuyện trò thân thiết với con. Từ đó, tạo thành một khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Do đó, mà dường như chúng ta đã quên bẳng đi cái trọng trách chính yếu của chúng ta. Rồi cũng từ đó, tình yêu thương gắn bó trong gia đình, đã đâm ra lỏng lẻo. Chúng ta ít quan tâm theo dõi con cái, mà nếu có, thì cũng chiếu cho có lệ mà thôi. Khi buông thả chúng như vậy, chúng cảm thấy như mất đi cái tình yêu thương nồng nàn ấm áp của cha mẹ dành cho chúng. Chúng mặc cảm tự nghĩ, tuy còn cha mẹ song toàn, nhưng chúng không được cái diễm phúc được sự quan tâm yêu thương lo lắng của cha mẹ. Từ đó, chúng có mặc cảm là mình đã bị cha mẹ bỏ rơi!


Song song với vấn đề đó, lại có những gia đình mà cha mẹ lại hay bất hòa thường xuyên cãi vã với nhau. Bầu không khí trong gia đình càng lúc càng trở nên căng thẳng nặng trĩu nghẹt thở. Vì thiếu sự hòa kính yêu thương, tìm hiểu, cảm thông nhau, nên rồi đưa đến tình trạng ly thân, ly dị với nhau. Theo kiểu: “đường anh, anh đi, đường em, em đi, tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi”! Ðành rằng, tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi, nhưng hậu quả là những đứa con ngây thơ khờ dại kia, chúng phải gánh chịu những chuỗi ngày dài đau khổ bất hạnh sau nầy. Ðó là chưa nói đến cái cảnh nhậu nhẹt say sưa, bài bạc trong gia đình. Có nhiều phụ huynh ghiền bài bạc, thường hay vào casino để vui chơi. Họ bỏ phế không quan tâm gì đến con cái, phó mặc chúng làm chi thì làm. Theo quan niệm của họ cho rằng, mỗi người có cuộc sống riêng và cần phải thụ hưởng. Thậm chí, việc học hành của các con như thế nào, họ cũng không cần quan tâm để ý đến. Ðời sống phóng thể buông trôi của cha mẹ như thế, thử hỏi làm sao mà họ có thể giáo dục con cái của họ cho được?


Thế thì, chúng ta hãy tự tra vấn lại lương tâm của chúng ta, rằng, chúng ta có thực sự hy sinh sống trọn vẹn cho con và vì con chưa? Hay là chúng ta vẫn còn sống ích kỷ cho cái tư ngã, tư dục, tư cầu, tư lợi cho riêng mình? Nếu chưa được như vậy, thì chúng ta cũng đừng vội trách và đổ trút hết mọi tội lỗi lên đầu con cái của chúng ta. Người xưa thường nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”. Nghĩa là, trước hết, chúng ta hãy mạnh dạn thành thật nhìn lại với chính mình, xem mình có thực sự quan tâm lo lắng, yêu thương hết dạ đối với con mình chưa? Và mình đã thực sự làm tròn cái trọng trách làm cha làm mẹ của mình chưa? Ðó là những vấn đề mà thiết nghĩ, chúng ta cần nên quán chiếu lại thật kỹ ở nơi chính mình.


Vì thiếu sự tìm hiểu thiết lập truyền thông cảm thông nhau, nên đưa đến tình trạng giữa cha mẹ và con cái có sự xung đột mâu thuẫn bất hòa với nhau một cách rất trầm trọng. Thậm chí sống chung trong một nhà mà không ai nói chuyện với ai. Mỗi người là một ốc đảo khép kín. Bao nhiêu uất ức dồn chứa vào trong tâm thức nặng trĩu, lâu ngày tạo thành một nội kết ung nhọt thật khủng khiếp đáng sợ. Một sự mâu thuẫn đến đổi thật khó mà hòa giải hàn gắn lại với nhau. Phần cha mẹ, thì lấy trách nhiệm quyền hạn của mình ra, mà la rầy trách phạt chửi mắng chúng. Tức nước phải vỡ bờ, chúng không còn chịu đựng được nữa, đành phải bỏ nhà ra đi. Ðây cũng là một thói quen của các bậc làm cha mẹ khi còn ở Việt Nam. Theo kiểu:



Thương con cho roi cho vọt


Ghét con cho ngọt cho bùi.



Phần chúng, một phần, vì ảnh hưởng lối giáo dục đề cao chủ nghĩa cá nhân ở đây quá mức; một phần, vì chúng bị nhiều áp lực bên ngoài xã hội, nhà trường, bạn bè v.v…đè nặng lên tâm hồn ngây thơ non dại của chúng. Từ đó, tạo thành một áp lực rất nặng nề giữa cha mẹ và con cái gây nên mối xung đột căng thẳng với nhau. Có nhiều em, vì quá buồn chán cảnh gia đình xào xáo mất hạnh phúc, muốn ra ngoài tìm nơi giải trí cho khuây khỏa. Trong lúc buồn chán đi lang thang như kẻ bụi đời, không may lại gặp những bạn bè xấu xa đê tiện cám dỗ rũ rê. Từ đó, các em bắt đầu bước chân vào con đường trụy lạc sa đọa, phạm pháp.


Có nhiều em tìm đủ mọi cách lường gạt qua mặt cha mẹ. Cha mẹ cứ tưởng là các con của mình đến trường chăm chỉ học hành đàng hoàng. Vì không quan tâm đến sự học hành của chúng, nên cha mẹ không thường xuyên hợp tác với nhà trường. Những buổi họp mặt phụ huynh do nhà trường gởi thơ mời, cha mẹ cũng không đến dự. Cứ đinh ninh con mình chăm chỉ ngoan ngoản lo học hành. Nhưng họ đâu có ngờ rằng, chúng chỉ đến trường cho có lệ, rồi bỏ học trốn đi chơi. Ðến khi vỡ lẽ biết được, thì ôi thôi đã quá muộn màng rồi! Chúng nó đã thực sự lặm vào con đường nghiện ngập hút xách, mà không còn phương cách nào cứu vãn được. Chừng đó, cha mẹ chỉ còn có nước ngước mặt lên trời mà dặm cẳng khóc than kêu trời. Nhưng trời thì cao quá làm sao cứu được các con của họ đây?! ·Ðó là hậu quả tai hại rất lớn mà hiện nay trong cộng đồng Việt Nam chúng ta đã và đang phải gánh chịu.


Chúng tôi được biết, một gia đình người Việt có hai đứa con trai đang học trung học. Ông chồng thì thích nhậu nhẹt say sưa bài bạc. Cuối tuần, gia đình hay tổ chức tiệc tùng mời bạn bè về nhà ăn uống và đánh bài. Khi· uống say thì không sao tránh khỏi cái cảnh lớn tiếng cãi vã với nhau. Họ thốt ra toàn là những lời lẽ dao búa khó nghe. Dĩ nhiên, giữa ông chồng và bà vợ đã có sự bất hòa với nhau. Nhưng người vợ thì nhẫn nhịn chịu đựng, vì bà quá thương hai đứa con, nên cố nhịn chồng cho qua chuyện. Nhưng việc gì cũng phải có giới hạn. Cho đến một hôm, bà không còn nhịn nhục chịu đựng được nữa, thế là hai vợ chồng xảy ra chuyện cãi vã ấu đả với nhau. Và rồi đưa đến tình trạng ly thân, ly dị. Phần hai đứa con, nhìn thấy cảnh gia đình như thế, nên chúng không còn thiết tha trong việc học hành nữa. Và từ đó, chúng bỏ học theo bạn bè đi chơi lêu lỏng và cuối cùng, cũng bỏ nhà đi luôn.


Lại một trường hợp khác, hai vợ chồng người Việt cũng có hai đứa con trai đang học trung học. Hai vợ chồng lãnh đồ về nhà may. Hai người cứ lo cặm cụi ngày đêm làm kiếm tiền, ít khi quan tâm đến sự học hành của con cái. Chúng học hành như thế nào họ cũng không cần tìm hiểu biết đến. Họ giao khoáng hết cho nhà trường lo. Hai vợ chồng cứ đinh ninh tưởng rằng con mình siêng năng lo chăm chỉ học hành. Nào ngờ, khi nhận giấy báo của nhà trường là chúng luôn trốn học đi chơi. Cứ sáng chúng mang cặp đi, chiều chúng mang cặp về. Nhưng mang cặp để qua mắt phỉnh lừa cha mẹ, chớ chúng nào có học hành chi đâu!


Bấy giờ, khi vỡ lẽ ra, hai vợ chồng mới biết là con mình đã nghiện ngập xì ke ma túy và rồi chúng đi bán để kiếm tiền hút xách. Không phải chỉ một đứa mà cả hai anh em đều vướng hết. Lúc đó, người mẹ như điên cuồng và không bao lâu phải đưa bà ta vào bệnh viện tâm thần để điều trị. Còn người chồng thì lớp lo cho con, rồi còn phải lo cho bà vợ, thét rồi anh ta như người không hồn, gầy óm xanh xao, vì mất ăn mất ngủ. Thật là một tâm trạng, một hoàn cảnh quá bi thương đau khổ ngút ngàn. Bởi do lúc đầu cha mẹ không quan tam đến, cứ mãi miết lo làm kiếm tiền, cuối cùng phải lãnh lấy một hậu quả rất là bi đát thê thảm như thế.


2. Vấn đề thứ hai, cách nhìn cũng như sự điều hướng giáo dưỡng con cái của chúng ta có thực sự phù hợp thích nghi với hoàn cảnh xã hội của nước Úc đa văn hóa nầy không?


Trả lời xong câu hỏi nầy, tất nhiên là chúng ta đã san bằng được một phần của cái hố sâu dị biệt khó khăn trong việc điều hướng dạy dỗ con cái. Thường chúng ta hay mắc phải chứng bệnh: “cố chấp, bảo thủ”. Từ đó, nó sanh ra cái tệ nạn độc đoán, áp đảo con cái. Cho chúng nó là sản phẩm của chúng ta, nên chúng ta có quyền bắt cái sản phẩm đó phải chìều theo cái ý muốn của ta. Nếu ngược lại, thì chúng ta lên án kết tội chúng gắt gao. Bắt buộc chúng cái gì cũng phải giống mình, nếu khác đi, thì cho chúng là đồ mất dại, hư thân, mất nết, vô dụng, hết xài v.v…· Từ đó, việc xung đột bất hòa giữa cha mẹ và con cái trở thành một hố sâu ngăn cách rất lớn.


Cái lối giáo dục đó, đối với xã hội hiện tại, thật không còn phù hợp nữa. Bởi vì cách nghĩ và lối sống của chúng ta nó thuộc về quá khứ xa xưa rồi. Chúng ta đừng quên rằng, trào lưu tư tưởng của nhơn loại luôn luôn tiến bộ phát triển không ngừng. Nếu chúng ta bắt buộc con cái của chúng ta· sống theo cách sống nếp nghĩ của mình, thì vô tình chúng ta lại kéo chúng trở về hằng mấy chục năm về trước. Ðó là lạc hậu, lỗi thời. Lẽ ra, chúng ta cần phải khuyến khích chúng học hỏi những điều hay mới lạ, theo kịp đà văn minh tiến bộ của nhơn loại. Nếu không được như thế, thì chúng ta cũng đừng ngăn chận bước tiến của chúng.


Do đó, theo chúng tôi, thì trong việc điều hướng giáo dục con cái, chúng ta phải luôn luôn mở rộng tâm thức. Phải khéo biết uyển chuyển linh động tùy thời, tùy cảnh, đừng bắt buộc chúng phải làm theo ý mình. Nhưng sự tùy thời nầy, không có nghĩa là chúng ta buông trôi phó mặc. Sự buông thả phó mặc, đó là thái độ thiếu trách nhiệm bổn phận của chúng ta. Chúng ta lúc nào cũng phải quan tâm theo dõi chúng. Nhưng quan tâm theo dõi như thế nào? Có phải là chúng ta luôn tìm cách bám sát theo dõi chúng nó không? Ðiều nầy, hẳn nhiên là không phải như thế. Bám sát theo dõi chúng nó như thế, coi chừng việc làm nầy chẳng những không có kết quả như ý mình muốn, mà trái lại nó còn phản tác dụng và không khéo sẽ mất luôn đứa con. Vì chúng nó sẽ· không thể nào chịu nổi cái hành động của cha mẹ làm như thế. Chúng nó có lòng tự trọng tự ái của chúng. Ðừng bao giờ hành động như mật vụ công an theo dõi.


Như trên, chúng tôi đã nói, chúng ta phải khéo biết uyển chuyển linh động thích nghi từng lứa tuổi, đồng thời cũng phải thích nghi từng hoàn cảnh môi trường mà chúng ta đang sinh sống. Nếu chúng ta cố chấp theo định kiến một chiều, thì rất khó có sự cảm thông với nhau. Hai thái độ: nuông chìu hay kềm kẹp thái quá, hoặc là phó mặc thờ ơ, cả hai đều đưa đến hậu quả không tốt đẹp.


Vì kềm kẹp thái quá, nên chúng ta luôn luôn để tâm kiểm soát gắt gao. Vì sợ con hư hỏng, nên chúng ta luôn theo dõi sát cánh. Thậm chí, chúng xin đi đâu chúng ta cũng không cho. Chúng ta lấy quyền làm cha làm mẹ, la rầy cấm đoán đủ điều. Chúng cảm thấy, sống trong một xã hội tự do, mà riêng chúng như bị nhốt giam hãm trong ngục tù. Ðây là vì quá thương con, sợ con hư hỏng, mà vô tình chúng ta đã làm cho chúng trở lại ôm lòng oán hận thù ghét chúng ta. Ðó là điều mà ta cần nên tránh. Nếu không khéo ta sẽ phạm phải một lỗi lầm là thương con mà trở lại hại con.


Ngược lại, nếu như chúng ta quá thờ ơ hay phó mặc, chúng làm chi thì làm, ta không cần quan tâm đếm xỉa tới, thì đây cũng là một tai hại. Thái độ nầy, chúng ta thiếu trách nhiệm và giao khoáng con cái chúng ta cho nhà trường. Chúng làm gì chúng ta không cần biết đến, nên hư do chúng quyết định lấy. Với cái tuổi còn ngây thơ khờ dại, thử hỏi làm sao chúng có thể quyết định được cuộc đời của chúng? Chúng rất cần được sự hướng dẫn chỉ dạy của cha mẹ. Trong khi đó, thì cha mẹ lại không ngó ngàng để ý gì đến chúng. Chúng ta nên biết rằng, khi đi học hoặc giao tiếp bạn bè, có đôi khi chúng nó chịu nhiều áp lực của nhà trường, của những bạn bè xấu ác gây nên. Do đó, chúng ta cần phải thường xuyên quan tâm theo dõi. Theo dõi để chia sẻ, để cảm thông để tìm phương cách an ủi xoa dịu chúng. Nếu không, thì chúng sẽ có nhiều nỗi lo âu sợ hãi mà chúng ta không hay biết.


Tóm lại, người xưa nói, muốn giáo dục người, trước hết phải tự giáo dục mình. Cha mẹ phải làm gương mẫu cho con cái. Nếu bạn khuyên con bạn không nên hút xách, bài bạc, rượu chè say sưa v.v… thì trước hết, chính bạn phải thực hiện những điều nầy. Bởi cha mẹ là tấm gương phản chiếu trực tiếp vào tâm thức của con cái. Nếu mình khuyên bảo chúng nó nên làm thế nầy, thế kia, trong khi đó mình lại làm hoàn toàn ngược lại. Như thế, thì thử hỏi làm sao chúng nó có thể kính phục nghe theo lời mình dạy. Vì đó là một nghịch lý tương phản không thể nào chúng chấp nhận được.


Muốn xây dựng hạnh phúc gia đình, thì đó là trách nhiệm lớn lao của cha mẹ. Nếu cha mẹ có hòa kính thương yêu nhau, khéo biết cư xử nhường nhịn tốt đẹp hạnh phúc với nhau, thì thiết nghĩ, bạn không cần phải dùng lời lẽ răn dạy chúng nó nhiều, mà chính hành động việc làm của bạn đã nhắc nhở răn dạy chúng nó rồi. Do đó, nếu bạn là người Phật tử, thì Ðức Phật dạy mỗi người nên áp dụng năm nguyên tắc đạo đức căn bản của người Phật tử (tức 5 giới cấm của người Phật tử tại gia) để xây dựng hạnh phúc gia đình.


Năm nguyên tắc đạo đức nầy còn gọi là năm Nguyên Tắc Thực Hành Tỉnh Thức. Ðây là kim chỉ nam để bạn thiết lập mối quan hệ gia đình trong sự hòa hợp, thương yêu, truyền thông tương kính lẫn nhau. Ngoài năm nguyên tắc căn bản đạo đức nầy ra, không còn cách nào khác mà bạn có thể mang lại nguồn hạnh phúc yêu thương chân, thiện, mỹ cho bản thân và gia đình của bạn. Nếu mỗi cá nhân trong gia đình, ai ai cũng thật hành giữ gìn năm nguyên tắc đạo đức căn bản Phật dạy nầy, thì chắc chắn đảm bảo gia đình của bạn sẽ là một gia đình lý tưởng cao đep êm ấm hạnh phúc nhứt trong cuộc đời nầy. Và từ đó, sẽ làm nền tảng xây dựng hạnh phúc chung cho xã hội và rộng ra là cho cả thế giới nhơn loại đều chung sống trong cảnh thái bình an lạc vậy.



Leave a Reply