Friday, January 6, 2012

BUÔNG!

0 nhận xét

Qua lời kể của nữ nghệ sĩ Kim Cương mới đây trên diễn đàn "Phật Pháp Nhiệm Mầu" do Chùa Hoằng Pháp tổ chức, tôi học lóm được cái giá trị của chữ "buông" trong đạo Phật mà HT. Thích Thanh Từ đã truyền dạy cho các đệ tử của ngài, trong đó có nữ nghệ sĩ Kim Cương.


Mặc dù qua diễn đàn Phật Pháp Nhiệm Mầu, người ta không bàn nhiều về chữ "buông" mà nghệ sĩ Kim Cương đã nêu ra để trả lời câu hỏi về nguyên do nào đã đưa cô đến gần Phật Pháp. Chúng ta thử suy gẫm cái giá trị triết lý rất thâm sâu của chữ "buông" theo tinh thần vô ngã của đạo Phật mà Hoà Thượng Thanh Từ đã truyền dạy, song song với nhiều bài giảng liên quan tới tinh thần vô ngã mà tôi đã từng được nghe qua như Thầy Tịnh Từ, và mới đây, Thầy Nhựt Từ giảng vể sự nhẫn nhục cũng liên quan trực tiếp với tình thần vô ngã trong đạo Phật.


Chữ "buông" mà Hoà Thượng Thanh Từ đã truyền dạy mang ý nghĩa đối nghịch với "chấp", và "chấp" ở đây tức là "chấp hữu" hay "chấp ngã" cũng vậy.


Nhiều người trong thế gian nầy ít có ai chịu "buông" cho khoẻ mà vẫn cứ nắm chặt những thứ không có thật để phải tiếp tục khổ đau vì mê lầm! Người ta nắm chặt cái danh gắn liển với cái tôi không có thật cho nên hễ thấy ai hơn mình về một phương diện nào đó thì vội tự thổi phồng những cái mình không có thật đó lên để cảm thấy mình hơn thiên hạ!


Trong một tổ chức Phật Giáo, người ta thường quan niệm chức tước dính liền với danh vọng, từ đó mới có tham, sân, si kéo theo. Nếu người ta nghĩ rằng chức tước là cơ hội phục vụ đạo pháp để vun bồi phước báo cho chính mình thì có lẽ họ không phải bị trói buộc bởi tham, sân, si để không tìm được sự an lạc trong đời sống hàng ngày. Như vậy, khi thấy ai không có sự an lạc hiện trên nét mặt thì chúng ta có thể đoán biết ngay là người đó chưa chịu "buông" những cái không có thật của họ. Người tự khoe khoang mình có cái nầy, cái nọ, hoặc tự kể công hay thành tích quá khứ của mình thường là những người còn đang bám chặt những thứ mình không có thật, điển hình nhất là cái "tôi" và cái "danh" của họ.


Cái "tôi" không hề có thật, bởi vì nếu có ai hỏi nó là cái gì thì rất khó giải thích hay trả lời! Hoà Thượng Thanh Từ truyền dạy nhiều lần, "chấp thân nầy làm ngã là thông bệnh của phàm phu" , qua đó ngài giải thích rằng người ta chấp thân làm ngã, tức là cho cái tôi của mình là có thật hay quan trọng do sự che lấp bởi "vô minh thượng", đồng nghĩa với "ngu si chấp ngã". Nếu người ta tự giác ngộ mà biết rằng cái thân của mình chỉ là một thành tựu của hệ quả vay mượn bốn thứ vật chất - đất, nước, gió, lửa, thì bản chất của nó đâu có thật; bởi khi bốn thứ nầy không còn nữa thì cái thân cũng không còn. Như vậy cái "tôi" cũng không có thật; nó chỉ là ảo vọng, là hiện tượng chấp hữu - nghĩa là nhận cái không có để làm của riêng cho mình, để rồi yêu thương nó một cách cuồng nhiệt, si mê bên trong bức màn vô minh mà không hề hay biết. Vì yêu thương cái "tôi" quá  cuồng nhiệt như vậy, nên người ta luôn luôn nắm chặt nó. Những cái gì của "tôi" phải là số 1, phải hơn thiên hạ - lời nói ý kiến của cái "tôi" được phát ra phải được mọi người chấp nhận; nếu bị bác bỏ tức là đụng chạm cái danh của tôi, tôi nhất định phản ứng quyết liệt, thể hiện bằng sân và si cũng chỉ vì tham "danh" và "chấp hữu" hay bám chặt những cái không có thật của mình! Một thí dụ về hiện tượng "chấp hữu" liên quan tới ý niệm về trí tuệ hay sự hiểu biết, một trong ba yếu tố cốt yếu của đạo Phật - Bi, Trí, Dũng.


Người đời thường tự cho mình biết cái nầy cái nọ nhưng không ai có thể giải thích hay định nghĩa "biết" (trí tuệ) là cái gì! Muốn diễn tã một vật thể gì đó cho người khác hiểu, người ta thường dựa vào trí tuệ của họ. Nhưng trí tuệ của mỗi người có giới hạn khác nhau, mà thông thường ít ai để ý. Ngày xưa khi tham dự một khoá học về văn hoá, ông thầy tôi (người Úc) giảng về sự hiểu biết (hay trí tuệ) của con người, và ông ta đưa ra một câu hỏi để làm thí dụ nhớ đời như sau:


Thầy:  Trong lớp nầy ai biết cái bàn là gì?
Trò:    Thưa thầy cái bàn là một vật có 4 chân, có mặt bằng để có thể viết trên đó.
Thầy:  4 chân, mặt bằng, và có thể viết trên đó; cả ba đặc tính nầy do kiến thức của người học trò diễn tả đều không có gì bảo đảm đủ để kết luận là cái bàn cả. Thầy nói, 4 chân thì thiếu gì thứ có 4 chân, như con chó chẳng hạn, nó có bốn chân nhưng đâu có thể gọi nó là cái bàn được!
Trò:    Thưa thầy, con chó có 4 chân mà không thể gọi là cái bàn bởi vì nó biết nhúc nhích!
Thầy:  Vậy thì một con chó chết nằm ngoài đường không nhúc nhích thì có thể gọi nó là cái bàn được không? Vã lại, yếu tố về "mặt bằng" thì thiếu gì vật thể có mặt bằng nhưng người ta không thể gọi là cái bàn. Còn về khía cạnh công dụng "có thể viết trên đó" lại càng không thể cho là cái bàn được bởi vì người ta có thể viết trên nhiều vật thể khác nhau; thậm chí có thể viết trên bắp đùi của họ vẫn được như thường. Trong trường hợp nầy, bắp đùi đương nhiên không thể gọi là cái bàn được!


Từ câu chuyện cái bàn vừa nêu, chúng ta có thể ứng dụng với rất nhiều sự vật khác để nói về trí tuệ hay sự hiểu biết của con người. Té ra sự hiểu biết hay trí tuệ của chúng ta vô cùng hạn hẹp mà vẫn có người tự cho mình "biết" để lúc nào cũng bảo vệ cái "biết" thật mỏng manh đó của họ. Dĩ nhiên hạng người nầy không ý thức được tính chất hạn hẹp của trí tuệ hay kiến thức của mình, và lầm tưởng rằng cái mình biết là tuyệt đối như thật!


Từ cái "tôi" là giả tạm, người có trí thức biết rằng sự hiểu biết của mình rất hạn hẹp so với vũ trụ mênh mông và đầy huyền bí nầy. Chính vì vậy họ không hề nổi sân khi một ý kiến của mình bị người khác bác bỏ.


Một người Phật tử làm công tác Phật sự với cái tâm vô ngã, không vụ lợi, cho dù cái lợi đó là một thứ danh dự ảo huyền; họ không bao giờ khoe khoang về sự hiểu biết của mình hay kể những thành tích quá khứ của mình; không bao giờ nghĩ đến chuyện hơn thua, và như vậy trên gương mặt của họ lúc nào cũng thanh thoát, an lạc; đây cũng là một yếu tố để đạt tới cứu cánh giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi.


Do đó, là người Phật tử, chúng ta cần phải biết "buông", buông tất cả những gì như thật, nhưng không có thật ở thân và tâm của mình. Bài học chỉ có một chữ "buông" coi vậy mà rất khó thuộc trong thực tế đời sống hằng ngày của chúng ta. Muốn học thuộc và hành đúng thì chúng ta phải tự trui rèn bằng pháp môn "vô ngã" để loại trừ tham, sân, si trong đời sống hàng ngày. Điều rất khó là làm sao biết được chính mình khi nào không "buông", tức là khi nào còn chấp hữu!


Một cách tự kiểm soát hữu hiệu nhất là biết được khi nào mình có cảm giác tức giận hay không hài lòng trong đối trước người khác. Lúc đó phản ứng của mình phải hết sức thận trọng và tuyệt đối giữ thái độ thanh thoát và an lạc; tâm niệm rằng mình không có gì hết. Với tâm niệm nầy, chúng ta không hề mất mát gì, bởi không ai tước đoạt trí tuệ của người khác được mà chỉ có thể học được từ trí tuệ của người khác mà thôi. Thực tế trên cuộc đời nầy, tất cả những gì ta biết được là qua sự học hỏi từ người khác, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp mà thôi. Không có cái gì là của ta cả; cho nên ta không cần phải bảo vệ, phải yêu thương một cách mù quáng để bị rơi vào cạm bẩy của tham, sân, si.



Leave a Reply