Saturday, January 7, 2012

ĐẠI LỄ VESAK TẠI MELBOURNE: NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY

0 nhận xét

Trong ba năm Đại lễ Vesak được tổ chức tại Melbourne, 2010 là năm tôi học được nhiều kinh nghiệm nhứt.


Năm đầu, tôi chỉ mặc áo dài lên khán đài dâng hương hoa. Năm thứ nhì , Rachael nhờ tôi dịch thư rồi đại diện Ban tổ chức điện thoại cung thỉnh quý thầy Việt Nam và viết thư đăng báo, lên đài SBS  kêu gọi quý đồng hương Phật tử tham dự Đại lễ. Đến năm thứ ba 2010, Rachael bỏ nhỏ với tôi là nhờ tôi vận động cho kỳ gây quỹ để trang trải những chi phí cần thiết cho đại lễ.


Tôi còn nhớ khi tôi gọi điện thoại cho thầy Tâm Phương, thầy Tịnh Đạo, Thầy Tâm Minh, thầy Tánh Thiện, thầy Thông Hiếu, thầy Phước Thể, thầy Nhuận Chơn, thầy Đồng Thanh cùng quý Sư cô Huyền Đạo, Sư cô Chân Kim, Sư cô Như Tài, Sư cô Nhật Liên, Sư cô Nguyên Khai rồi cả nhóm tăng thân Trúc xanh nữa...Quý Tăng Ni đã không ngần ngại và  tham gia chương trình gây quỹ rất tích cực. Mỗi vị nhận một bàn mười người. Con số lên đến 110 người tham dự. Còn hạnh phúc nào hơn hạnh phúc này. Tôi nhớ thầy Tịnh Đạo nói: “ Việc Phật sự mỗi người phải góp một bàn tay.” Rồi thầy Tâm Phương khuyến khích tôi: “ Diệu Thông cứ gởi vé, thầy cho Phật tử đến tham dự.” Rồi Sư cô Huyền Đạo với giọng đầy hứa hẹn: “ Huyền Đạo sẽ  gởi người và kêu gọi Phật tử cúng dường thêm.”


Ba tuần trước đêm gây quỹ tổ chức, Thầy Phước Tấn đi Hồng Kông mất tiêu. Rachael tỉnh rụi. Tâm Hải lo sốt gió, cô nói: “ Chị tổ chức gây quỹ  mà không báo ai biết cả. Chị cần bao nhiêu bàn , để sắp xếp  rồi còn nấu nướng nữa. Rồi âm thanh ánh sáng chị không báo Tony?”  Tôi biết có đính chánh cũng mất công nên tôi báo Rachael, cô tỉnh bơ nói: “ Thầy nói thầy báo hết rồi. Tại sao tôi phải báo cho ban âm thanh và ánh sáng , hễ nhờ nhà hàng thì nhà hàng lo hết phần đó.” Tôi không muốn bàn cãi thêm vì tôi chỉ  là trung gian điện thoại qua lại. Anh Thắng nhận sắp xếp bàn theo yêu cầu của chúng tôi mà không qua trung gian nào khác


Vì tôi vận động bán được gần 100 vé nên mọi người trong ủy ban muốn thấy mặt tôi. Trước đó Rachael và tôi có buổi họp nhỏ để tôi nắm tình hình vì bấy lâu nay tôi chỉ là một agent cho Rachael mà thôi. Tôi có đề nghị cho 1 hộp đựng tiền cúng dường trước cửa và kêu gọi người mang quà để đấu giá. Cô làm một và bỏ một. Tôi vào họp, thấy những khuôn mặt khá quen thuộc, vậy cũng dễ làm việc. Tôi được nằm trong tiểu  ban vận động và tài chánh, cũng oai thiệt !


Hai tuần trước buổi tiệc vé mới ra, muốn mời các liên viên trong chùa thì cũng phải đúng ngày thọ bát, quá ngày thì khó mà gặp ai để mời. Rachael đem vé đến chùa vào lúc cuối giờ của ngày thọ bát không ai hay cả. Tôi vận động ráo riết nhưng bản mặt tôi nói ai mà nghe, thời may thầy từ Hồng Kông điện về kêu gọi. Tâm Hải giao chị Từ Hương bán 40 chục vé, chị Từ Hương bán vé thiên hạ ùn ùn gọi nhau mua mà không có vé để đưa. Ôi chuyện chùa Quang Minh là chuyện mà muôn đời nói không hết được!  Tâm Hải gọi báo 40 vé dành cho chùa bị thất lạc chắc là chạy theo thầy  Thiện Thuận về Việt Nam rồi. Tôi phải bảo đảm là có vé khác để chị Từ Hương tiếp tục bán. Cái mặt của tôi mà đứng ra bảo đảm vé, vậy mà Tâm Hải và chị  Từ Hương cũng tin làm thiệt, vé tiếp tục bán tiếp . Trưa Chúa Nhựt cách ngày đãi ăn đúng sáu bửa Rachael mang thêm 40 vé nữa đến chùa.


Kinh nghiệm năm rồi,  cộng với sĩ số người Việt tham dự lên cao, Rachael yêu cầu tôi phụ thêm với cô trong vai trò thông dịch cho MC và các diễn giả. Tôi nhận lời nhưng yêu cầu cho biết tên của các diễn giả và theo phép thì phần nội dung cũng cần được báo trước. Rachael hăn hái email mọi người và ra điều kiện, mỗi bài diễn văn chỉ dài 1 phút mà thôi. Tôi chờ dài cổ không ai email cho tôi hết, vậy là huề.


Thầy Andrew lo sấn bấn vì không tìm được các em cho vào đội múa. Thầy trụ trì cười cười đi ra ngoài quán ăn, quơ tay một cái dẫn lủ khủ nào cha, nào mẹ nào con cái vào trình diện. Cô Linda, thầy Andrew và Rachael  nằm trong ban trông nom các em trong đội ca múa. Khác hơn mọi năm, năm nay thầy Andrew chủ trì về việc ca nhạc. Có chủ đề, có bài bản đàng hoàng nên mang đầy ý nghĩa trong việc trình bày sự tích,  trong đoạn đầu đời của đức Phật. Một little Buddha và một thái tử Sidartha được tuyển chọn. Chuyên viên ca múa được mời đến hướng dẫn bước đi và sắp xếp đội hình. Cả hơn ba tháng trời đội ca múa tập dợt là ba nhân vật chánh phải có mặt để trông coi. Thầy Andrew vừa soạn nhạc vừa viết lời, vừa thu băng hát hò, vừa luyện tập ca đoàn Phật tử. Công việc viết lời phổ nhạc rồi thu băng phải tốn cả gần nửa năm trời.  Việc hòa nhạc và thu băng thầy Andrew cũng có nhờ thêm một nhạc sĩ bạn là anh Roger  McLachlan phụ giúp. Tôi không ngờ cô Linda lại có bàn tay quá dịu dàng để được nằm trong đội múa. Cô  cũng cho biết một little Buddha đã được lựa chọn từ trong đội múa,  thật xinh xắn và ngộ nghĩnh chính là bé Thanh Tâm  con của cô Diệu Liên trong đạo tràng. Còn Thái tử Sidartha  là cậu bé người Úc 14 tuổi con của cô Anna Halasoff  là Giảng sư tại đại học Monash. Thầy Andrew cho biết  thoạt đầu thầy định để thái tử Sidartha ca một mình, nhưng sau thầy thấy không vững , sợ làm mất hay thì thầy thế giọng. The Queen thì đã có chuyên viên là cô Hiếu sinh viên trường Y  chuyên đóng vai này từ bao nhiêu năm nay. Chỉ phần âm nhạc thôi mà bao nhiêu con tim và khối óc đã cống hiến.


Một tuần trước buổi tiệc, ngũ long công chúa: Tâm Kiên, Ngọc Phương, Ngọc Diệu, Hương và Bình luôn cả công chúa đội đèn Mỹ Phương là những mầm non nấu bếp chính cống của chùa Quang Minh chuẩn bị xếp giấy để bàn.  Đúng ngày thứ Bảy 27/03/2010, bốn mươi chiếc bàn được sắp xếp thành hình cánh cung vòng quanh sân khấu mới chùa Quang Minh với những chiếc khăn hồng hình đóa sen tô điểm trông thật đẹp mắt. Ban trai soạn ngoài các đầu bếp chính cống còn có những cụ già cũng xung phong xuống làm công quả cuốn từng chiếc bò bía, dimsim, chả giò, sushi. Rồi nào gỏi, bánh xèo.cơm chiên, chả giò, súp. . v.v. v  .các món ăn vừa ngon miệng vừa đẹp mắt. Chưa đến giờ mà khách ùn ùn đến, ngoài  việc vé mua mà không ngồi ăn còn có cả tiền cúng dường để đầy bao thư. Tôi chạy vào hỏi Rachael chiếc hộp để tiền cúng dường, cô nói cô tưởng là chắc không cần thiết nên cô không làm. Bốn mươi bàn đầy nghẹt.


Năm phút trước khi mở màn anh chàng Frank, người đại diện ban tổ chức mở đầu buổi lễ, chạy lại trao cho tôi hai trang giấy đầy những chữ là chữ, đó là bài diễn văn 1 phút của anh. Còn cô Kim đứng kế bên cũng bắt đầu mở máy điện thoại 3G của cô đưa ra bài nói về việc tuyển mộ nhân viên thiện nguyện.


Tôi nhìn quanh quất không thấy thầy Phước Tấn mà cũng không thấy thầy Phước Thái để cầu cứu; chắc là  quý thầy phải truyền thiên nhỉ thông, thiên nhản thông, còn những cái gì mà có chữ thông thì giao hết cho tôi để tôi đọc hết tư tưởng của họ chứ làm sao tôi nhớ hết. Tôi nhớ quý thầy bảo, muốn bình tỉnh thì phải hít vào thật sâu rồi thở ra thật nhẹ và quên hết mọi việc. Tôi quả có quên hết mọi việc, có một cụm từ Victorian Buddhist Council tôi dịch hàng chục lần mà đúng vào giây phút đó tôi quên mất tiêu nó là cái gì. Tôi ư,ư cho một hồi cuối cùng tôi quyết định nói bằng tiếng Anh, từ đó như cái nút chai champagne được bậc ra, tôi thấy nhẹ và tự tin hơn.


Không biết anh chàng Frank có run hay không mà theo cam kết trước khi lên sân khấu là anh đọc từng đoạn cho tôi dịch, một trang thì cũng ít nhứt là 7 hoặc 8 đoạn gì đó. Anh ta nín thở, đọc một lèo nguyên cả trang. Nhưng cũng phải nói điều bất tiện là chúng tôi chỉ được quyền sử dụng chỉ có một cái microphone mà thôi. Rồi cô Prue đại diện cho Pháp vương Zimwock Rinpoche, vị chủ tịch của ban tổ chức Đại lễ,  đọc nguyên cả trang không ngừng nghỉ.


Trả lại cho trái đất những gì của thời ban sơ, tôi học phòng cháy chữa cháy, cấp cứu tùm lum, phải mà tôi biết là những bao giấy dún đựng chiếc bánh  bông lan nhỏ là sẽ chứa những chiếc đèn cầy trắng be bé, xinh xinh để tiết kiệm điện là tôi sẽ yêu cầu dẹp ngay, nhưng chắc gì ai nghe tôi ! Sư cô Chi Kwan phải báo động là có vài bàn lửa đã rình mò rồi ăn lém mấy bao giấy nõn nà dễ thương kia và đã phát hỏa, nhưng kịp thời dập tắt.  Chúng tôi phải yêu cầu dẹp đi những chiếc đèn cầy nên thơ tiết kiệm điện. Vậy là cũng xong buổi tiệc chay gây quỹ. Mọi người  đều hài lòng.


Sau buổi tiệc chúng tôi có họp buổi họp trước khi thầy về Việt Nam. Anh chàng Frank ngồi nói liên tu bất tận việc phổ biến và quảng cáo  ngày đại lễ cùng gởi tặng chiếc lá bồ đề dành cho ngày Vesak qua email. Thầy Phước Tấn có đề nghị là đến từng chùa Việt Nam phổ biến,  tôi ủng hộ ý khiến đó nhưng không đủ duyên để thực hiện.


Sau đó,  tôi có yêu cầu cô bạn trong ban tổ chức nên viết thư cám ơn quý Tăng Ni đã nhiệt tâm ủng hộ buổi tiệc chay gây quỹ. cô cho ý kiến hay, tôi ngồi chờ hoài không thấy thư, tôi cũng biết công việc lên ngập đầu mọi người,  tôi không trách được mà tôi cũng không muốn nhắc. Trong tinh thần đồng đội khi làm việc, tôi thường xin phép và bàn về việc mình làm. Tôi xin được thông báo về việc chiếc lá bồ đề phát không cho ngày Vesak, tội nghiệp vì có lẽ quá mệt mỏi  nên cô bạn tôi cho là  không nên đề cập đến nó trong thông báo. Tôi cũng yêu cầu cô trưởng ban tài chánh in giấy quảng cáo khổ A3 để đi dán  những nơi  đông người Việt, cô cũng đồng ý,  chắc là cái cổ của tôi cũng còn ngắn nên tôi cũng chờ nữa. Tôi chờ thầy về để xin phép nhưng thầy đi lâu quá mà chưa thấy về. Còn một tuần đến ngày Đại lễ, tôi  tự quyết định cho thông cáo vào trang web, báo chí và đài. Cuối cùng tôi  nghĩ và làm là recycle những giấy quảng cáo trong buổi tiệc chay gây quỹ cắt dán phần thông cáo  có ánh đạo vàng và Đức Thích Ca ngồi dưới cội bồ đề rồi báo luôn về chiếc lá bồ đề được gởi tặng. Tôi lấy luôn những lá thư gởi cho quý thầy cô có chữ Vesak màu vàng óng ả đắp vào đó là phần thông cáo, cũng phải trên 60 tờ lận. Vậy mà xem ra cũng ăn khách lắm chứ,.


Tôi đến chùa ngày Thứ Bảy 14/05/10 thọ bát, dự định nhờ Viên Như chở đi dán mấy tấm quảng cáo cắt ráp vụn về của tôi. Viên Như về Việt Nam mất tiêu. Tôi thấy Nguyệt Thiện, chộp ngay cô nàng nhờ chở dùm. Tôi gom tất cả hình ảnh được khoảng 21 tờ có hình Đức Phật ngồi cội Bồ đề. Dán tại chùa Quang Minh hết 4 tờ  Gởi Hiếu tiệm vàng, Bồ đề trai, phần còn lại  chúng tôi ra phố St Alban.  Chưa có lần nào tôi thấy sự mầu nhiệm hiển bày như lần này, chúng tôi đem hình Ngài đến đâu thì mọi người ra đón tiếp hoặc gặp mọi thiện duyên để được trình bày trên những cánh cửa kiếng ở những nơi tốt đẹp nhứt. Tại  ngay thư viện St Alban, nhân viên trông coi thư viện tiếp đón nồng hậu giúp đở phần in quảng cáo, cắt ráp và để một bản vào mục Tin Tức Cộng Đồng có tại thư viện. Cô Nguyệt Đạo vui vẻ nhận ba tấm quảng cáo dán trong vùng Richmond.


Ai cũng biết rằng muốn gặp thầy trụ trì của một chùa thì đâu có dễ, vậy mà khi đến chùa Hoằng Pháp, xe chúng tôi vừa đổ xuống là thầy Tâm Minh bước ra và bước tới ngay đầu xe, thầy vui vẻ hỗ trợ nhưng cho biết là thầy không đến tham dự.


Đến chùa Phật Tổ, Sư cô Kim Hoa đón tiếp nồng hậu và yêu cầu cho 50 lá bồ đề liền trong buổi chiều ngày hôm đó. Tôi lo lắng vì Rachael là người giữ tất cả những  chiếc lá nầy, mà muốn tìm cô đâu phải là chuyện dễ làm. Vậy mà khi chúng tôi trở lại Quang Minh, tôi còn đang đi lững thững đến hội trường cũ thì xe Rachael thắng ngay mũi chân, cô gọi tôi rối rít. Vậy là hai chúng tôi vui vẻ đem 50 lá Bồ đề giao cho chùa Phật tổ.


Tôi vẫn thầm khấn cho chồng và con tôi tham gia công tác Phật sự nhiều hơn; qua ngày Chúa Nhựt tôi cùng gia đình ra Footscray ăn trưa, rồi vào Little Saigon và những quán lân cận để dán quảng cáo. Vừa dán xong bản nào là có người đến xem bản đó, ban đầu còn một vài người , sau rồi năm ba người  rồi nhiều người đến xem. Ông xả và con gái thấy thích và hứa năm sau làm nữa. Xem ra là những vùng đông cư dân người Việt đều có bản thông cáo này.


Tôi cho là những việc mà tôi vừa kể như có điều mầu nhiệm, vì không tài nào tôi có thể sắp đặt được những sự kiện trùng hợp ngẩu nhiên và đầy thuận lợi như thế được.


Ba cô công chúa trong ban nấu ăn của chùa Quang Minh là Tâm Kiên , Hương và Bình   hè nhau làm cây hoa vô ưu cả ngày trời cho ban ca múa, để Hoàng hậu vịn khi thái tử chào đời trông đẹp mắt và đầy sáng tạo.


Vậy rồi cũng đến ngày trọng đại đó là 22/05/10. Từ  7. 30 sáng là cả trăm nhân viên thiện nguyện lo trang hoàng sân khấu. Cờ phướng giăng đầy đường.  Ngũ Long Công Chúa Ngọc Diệu, Ngọc Phương, Hương, Bình  và Tâm Kiên trong ban hậu cần chùa Quang Minh hoạt động ráo riết để cung cấp thức ăn cho cả trăm thiện nguyện viên có mặt tại Melbourne Town Hall. Còn công chúa đội đèn Mỹ Phương sau khi tìm được chiếc nhẩn trong cái bánh cưới thì đã đi theo kè anh chàng hoàng tử Tony phụ xách đồ nghề quay phim.  Rồi nào mì, nào bún, nào cơm, nào bánh khọt bày đầy cả nhà bếp tại đây.


Thấy chưa, ai bảo làm thiện nguyện là đói, thức ăn bày lên tận mũi. Vậy mà chỉ có mình tôi đói, vì tôi là đứa tới trễ, đến là vào việc ngay, nên không có miếng cơm bỏ bụng.


Một giờ, rồi một giờ rưỡi quý thầy bên chùa Tây Tạng đến lơ thơ, Sư cô Như Tài, Sư cô Kim Hoa và thầy Tánh Thiện  đến trước, chúng tôi hơi buồn vì cũng còn thấy hơi thưa. Anita đến trao cho tôi dải  lụa đeo trước ngực có hàng chữ VESAK và tên, rồi dặn sau phần ca nhạc là tôi sắp hàng cùng với quý vị trong ban tổ chức lên sân khấu nhận quà. Ay da, vậy là rắc rối, tôi có làm gì đâu mà được  quà. Rõ ràng là ban tổ chức quá rộng rãi, thôi để đó tính sau.


Gần hai giờ quý thầy phái Nam tông gồm, chùa Miên, chùa Thái chùa Miến và chùa Lào tề chỉnh tiến đến phòng ghi danh. Kế tiếp là  Sư cô các chùa Tàu cũng tới. Chúng tôi lo không xuể, Nguyệt Thiện và tôi nhìn nhau cười thỏa mãn.


Hai giờ đúng đạo tràng Quang Minh hơn trăm người như một làn sóng tràn vào hội trường. Anh chàng Gerald  là người vẻ họa đồ sắp xếp cách bày trí trong hội trường và hướng dẫn khách vào; khi nhìn bộ đồng phục của quý vị liên viên, tưởng lầm là quý Tăng Ni chùa nào đó, nên điệu họ vào phòng khách để ghi danh. Thời may, tôi đến kịp và giải  cứu quý liên viên, rồi đưa vào hội trường ngồi tề chỉnh trông thật đẹp mắt.


Hai giờ mười phút đoàn tăng ni chùa Phước Huệ, Quang Minh, Linh Sơn và chùa Huệ Quang đến, Nguyệt Thiện và tôi chạy vắt giò lên cổ để tìm bảng tên cho chư tăng ni, chiếc lá bồ đề huyền diệu và quà tặng.


Vậy là cũng xong, tôi thở dài nhẹ nhỏm vì chờ lâu quá mà chưa thấy quý thầy đến thì lo. Đó là điều nguyện ước cuối cùng của tôi trong ngày hôm nay là làm thế nào để cung thỉnh chư Tăng Ni đúng theo cung cách và truyền thống của người Việt Nam. Tôi làm được như lòng đã nguyện.


Đang đứng nghe bài diễn văn khai mạc của Pháp Sư Zimwock thì có một cô người Việt chạy đến mặt mày xanh lè xanh lét vừa thở vừa nói: “ The little Buddha doesn’t  want to play( act ).” Vậy là tôi và cô chạy đi tìm bà mẹ của cu cậu. Thuở xưa trong lễ hạ điền, The little Buddha  chỉ ngồi dưới cây hồng táo, không có sử dụng máy games và chứng được quả sơ thiền. Ngày nay bao nhiêu trò chơi điện tử, The little Buddha Thọ Quang của chúng tôi đã giận dỗi vì không được các bạn cho chơi games. Cu cậu bèn làm một màn nhõng nhẽo không thèm ca múa, bôi hết cả mặt mày làm ban tổ chức xanh mặt. Tôi còn thấy đôi mắt đen ươn ướt và khuôn mặt phụn phịu của cu cậu khi ra trình diễn.


Bốn giờ rưỡi đúng, phái đoàn chùa Quang Minh ùn ùn đứng lên rời khỏi hội trường.


Tôi nhớ hai câu thơ Phạm Thiên Thư:



Rằng xưa có gả từ quan,

Lên non tìm động hoa vàng nhớ thương...


Tuy tôi không phải là Từ Thức, mà tôi cũng không tu tiên,  nhưng  đâu phải vì vậy mà tôi không được quyền từ quan và lên non hái những cánh hoa vàng  mà mình thích.  Một ý nghĩ thật dí dỏm  chợt thoáng hiện trong tôi và tôi quyết định làm gả từ quan của Phạm Thiên Thư. Như vậy thì giải lụa đeo trước ngực và bảng tên của mình  cũng được xem như là ấn vua ban rồi còn gì. Thế là tôi liền lột bỏ chúng ra và trao lại cho người bạn kế bên. Tôi đã làm xong hết những ước nguyện của tôi rồi. Thanh thản tôi bước ra khỏi hội trường. Bây giờ tôi có quyền chọn phần thưởng cho chính mình: đó là việc được ngồi chung xe buýt trở về ngôi chùa Quang Minh yêu quý và cùng với các bạn đạo  chia nhau những nụ cười, được nghe những âm thanh quen thuộc trong câu chuyện,  mà tôi cho nó chính là những đóa hoa vàng ngàn năm không mong đợi của tôi.



Leave a Reply